Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Thú uống trà

Thú uống trà

153
0

Nói rằng uống trà là một thói quen, một nhã thú hay một giám thức nghệ thuật thì đều được cả. Bởi vì nói cho thực, uống trà là một sinh hoạt hằng ngày của con người, cho nên tự thân việc uống trà đã mang thể tính chủ quan. Sở dĩ người ta thường nói về Trà Kinh và cách uống trà của Lục Vũ, người đời Đường của Trung Hoa, chẳng qua đó chỉ là câu chuyện diễm đàm trong lúc uống trà. Chúng tôi nghĩ không thể có một nguyên tắc nào của bất cứ một người uống trà nào là có thể áp dụng phổ quát cho tất cả mọi người được.

Chỉ nói sơ về thời gian để hãm trà không mà thôi, đã là chuyện có vấn đề. Một cuốn sách viết là rót nước sôi vào bình, để từ 3 đến 5 phút, rồi rót trà ra uống. Trên phiếu quảng bá cho một thứ trà “Ô long” cũng thấy viết như vậy. Thế nhưng trong thực tế, có lẽ không ai để thời gian hãm trà lâu đến thế. Thời gian quy định này thực chất chỉ có tính cách tượng trưng. Bởi vì, về mặt khách quan thì thời gian hãm trà còn tùy lượng trà nhiều hay ít, bình trà lớn hay nhỏ, mà thời gian hãm trà lâu hay mau. Nếu lượng trà nhiều mà để lâu thì chất trà ra đậm nghét, làm sao uống được. Lại nữa, trong tranh vẽ ở sách, hay tranh vẽ trên tờ quảng bá bỏ trong hộp trà, người ta vẽ hình cái bình trà độc ẩm, hoặc song ẩm để chỉ dẫn cách chế trà. Chế trà trong loại bình này thì chỉ cần thời gian thực tiễn chưa đầy một phút là rót ra uống được rồi. Trên thực tế, thời gian từ 3 đến 5 phút là quá dài đối với một bình độc ẩm nhỏ bằng trái quýt.

Thứ hai là chất nước để chế trà. Những đòi hỏi về nước chế trà như đã nói ở trong Trà Kinh của Lục Vũ hay như trong chuyện Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân viết ở tập Vang bóng một thời thì cũng quá cầu kỳ, chỉ hợp với các thời đại xa xưa, khi con người còn chưa phá hoại thiên nhiên như bây giờ. Cứ như hiện nay, người ta không làm gì có một nguồn nước tinh khiết thuần thiên nhiên như ngày xưa nữa! Không nói nước máy, dù cho nước giếng hay nước mưa đi nữa thì lượng acide trong nước có lẽ cũng đã quá sức chịu đựng của thứ hương trà mong manh ấy rồi!

Ngay cả tự thân chất trà thì hiện nay không có một thứ trà gì có hương vị và chất trà như ngày xưa, bởi vì trà đã bị kỹ nghệ hóa và thương mãi hóa; người ta chế biến trà bằng máy, cốt có sản phẩm nhiều. Có khi bán không hết, trà bị quá hạn, người ta lại trộn với trà mới để tung ra thị trường. Người dùng chỉ mất tiền để có một thứ nước không mùi vị, không hương thơm. Bởi vậy mà sinh hoạt uống trà ngày nay không phải là cách uống trà ngày xưa được.

 Uống trà cũng có cái triết lý tự thân của nó, lại cũng là nguồn gợi nên những tư duy mang tầm triết lý, giúp cho người ta đến gần học lý đạo Phật hơn. Nhưng sáng nào cũng uống nước trà chế từ cái bình Thế Đức màu gan gà, xưa đã gần trăm năm, ngày lại qua ngày, cái bình quý này cũng đã gợi cho người uống trà cái triết lý là con người dù cho hiếu cổ bao nhiêu thì cũng không sao thoát khỏi hiện tại được, và cuộc sống chính là hiện tại. Từ chỗ này mà suy nghĩ mãi thì càng ngày tôi lại càng hiểu được những điều giảng trong Kinh Phật. Cái hiện tại ấy cứ thế mà mang đầy đủ hiện tại tính, tức là trà mới sản xuất trong vòng vài tháng. Nếu nói một cách triết lý hơn thì bình là bình, trà là trà; không có quá khứ, hiện tại gì cả. Nhưng ở đây sự lý lại hệ tại tâm trạng con người. Bình để chế trà thì càng xưa càng quý — nguyên do thứ tâm trạng này chính là cái tình cảm hoài vọng thời qua, mà khước tiêu hiện tại trước mắt — mà trà thì phải mới, càng mới càng được chuộng. Nhưng, cái nhập nhằng phi lý nhất cho tâm trạng này lại chính hiện tại mới là sự quyết định cuộc sống đích thực. Chất trà, nước chế trà, đều là sản phẩm của hiện tại. Tự thân bình trà cũng mang cái triết lý nhập nhằng ấy! Nó là quá khứ nhưng đồng thòi nó cũng là hiện tại. Một quá khứ kéo dài thành hiện tại. Chủ thể uống trà cũng từ quá khứ kéo dài đến hiện tại. Như vậy, bình trà, chủ thể uống trà đều là những tồn tục kéo từ xưa tới nay; chỉ có trà và nước chế trà là hiện tại dứt khoát, không hề có chút nào tồn tục, mà luôn luôn thay đổi; trà và nước chế trà được xem như là một đột nảy trong từng thời khắc. Do đó, tự thân việc chế nước và trà hiện tại vào một chiếc bình độc ẩm xưa là một mâu thuẫn kỳ thú mà có thể thường tình người ta không nhìn ra hoặc không để ý, chỉ mặc nhiên sống như thế, dùng như thế và cứ sáng sáng, lấy trà bỏ vào bình, chế nước sôi hãm trà độ dưới một phút, rồi rót ra uống. Nhìn chất nước trong xanh màu lục, có hương thơm phảng phất; uống vào vừa cảm thấy thơm ở miệng, vừa cảm thấy ngọt ở cổ. Uống xong tuần trà sớm, con người thấy tỉnh táo hơn, và làm việc thấy trôi chảy hơn, thế là có hiệu dụng.

Trước đây một thời gian rất lâu, trên thị trường trà Việt Nam, còn có nhiều thứ rất ngon. Trà hiệu Con Voi Vàng của B’lao hay trà Thái Nguyên, mà cách hái trà và cách chế biến trà còn làm theo lối thủ công gia truyền. Trà được sao chế có màu đen lánh, tăm trà nhỏ, đều và nặng. Cái chất thiên nhiên còn rất nhiều trong trà, mùi thơm nguyên chất của lá trà, nước xanh, vị chát; uống xong trong cổ hơi ngọt… Tự nhiên, trà ấy, bình ấy đã quy định cách uống trà của tôi trong thời gian khá dài.

Buổi sáng dậy rất sớm, khi chuông chùa Thiên Mụ vừa đánh, tiếng chuông ngân vọng kéo dài rất lâu, không khí tĩnh mặc và rất trong trẻo, tinh khôi và sạch sẽ. Vệ sinh cá nhân buổi sáng cũng phải sạch sẽ cẩn thận. Không gian của buổi sớm mùa hè yên lặng và thanh thản. Ngoài kia trên trời cao, trong cái ánh sáng giao thoa của đêm sắp hết và ngày sắp rạng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chim đi ăn về, rồi tiếng gà xa…Nước sôi nấu trong cái ấm nhỏ, chỉ lớn hơn cái chén ăn cơm thường ngày, đặt trên lò than nhỏ bắt đầu reo…Nước sôi, tôi nhẹ nhàng súc bình, lấy trà bỏ vào bình, đổ nước hẫm súc nhanh một lượt rồi chế nước sôi vào bình. Cả trà lẫn bình bốc lên mùi thơm thanh thoát kỳ lạ. Chưa đầy một phút, tôi rót trà ra chén tống. Chén tống chứa lượng nước độ hai bình Thế Đức; sau đó tôi sẻ nước từ chén tống sang chén quân và nhẹ nhàng đưa lên môi nhấp. Thật không có gì khinh khoái cho bằng! Vừa nhẹ nhàng uống nước vừa thưởng thức vẻ đẹp của bình Thế Đức, màu gan gà và dáng bình xinh xắn nổi bật lên giữa hình thù, màu trắng của chén tống và chén quân, nhất là tranh “đạp tuyết tầm mai” vẽ ở bộ chén. Nói chung là âm thanh, hình dáng, màu sắc, mùi vị của chén trà sớm, cái yên lặng thanh tĩnh của bầu không khí, tất cả đối với tôi lúc đó đều có một cái gì hài hòa, khinh khoái, nhẹ nhàng, tự tại. Nhưng rồi!…chất lượng trà càng ngày càng kém đi, xã hội và con người đã dần dà thay đổi, thì cách uống trà buộc lòng cũng phải thay đổi theo!

Nhưng trong xã hội, không phải chỉ có cách uống trà theo kiểu thưởng giám có mang tính triết lý và nghệ thuật như tôi vừa nói. Mà còn nhiều cách uống trà rất dân dã, nhưng cũng rất triết lý và có nghệ thuật hơn thế; đó là triết lý và nghệ thuật dưỡng sinh. Người Việt ta đã từng nói: “Khách tới nhà không trà thì rượu!”. Như thế trong cuộc sống, trong giao tế thường ngày, trà là một thành tố văn hóa và văn minh nông nghiệp. Nhưng cách uống trà này là như thế nào? Nếu xét theo bình diện triết lý sống Đông phương, cách uống trà này là hệ luận của nền văn minh lúa nước, là văn hóa đồng xanh có phảng phất ảnh hưởng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam: “cư trần lạc đạo”.

Khi trà đã giảm bớt mùi thơm vì dùng lâu ngày, người ta thường bỏ thêm một vài thứ hoa tươi vào bình trà: hoa tường vi, hoa mộc, hoa sói, hoa lài, hoa hồng, hoa cúc… Có gì lý thú hơn là khi đến chơi, thấy chủ nhân chế trà mời khách uống. Phong thái ung dung, bình đạm, chân phác của con người Việt tộc có truyền thống văn hóa nông nghiệp đã hằng ngàn năm. Cách tráng bình, tráng chén, bỏ trà, súc bỏ nước đầu, chế nước sôi vào trà, rồi cách rót nước ra tách nhỏ, cách mời khách uống, nhất nhất đều chậm rải, cẩn thận và tỉ mỉ. Uống được vài nước; đến nước thứ ba, bỗng dưng chủ nhân đứng dậy đi ra vườn ngắt mấy đóa tường vi, hay mấy chùm hoa sói ở bụi cây đầy hoa trước nhà, đem thả vào bình trà, chế nước, rót trà ra chén mời khách. Tất cả hành vi ấy đều được thực hiện một cách yên lặng. Chủ khách không nói một lời nào. Nhẹ nhàng khách bưng chén trà lên tay. Mùi thơm của hoa tường vi, hoa lài hay hoa sói lẫn mùi trà ngọt lan tỏa thơm ngát, uống vào như uống cả mùi hoa. Thú vị biết bao! Thế rồi những cuộc diễm đàm về trà và cách uống trà lại dấy lên giữa khách chủ làm cho buổi uống trà thêm kỳ thú. Nghệ thuật uống trà kiểu này còn được biểu đạt ở chỗ chủ nhân bỏ hoa vào bình trà… đành là thế! Nhưng thế nào cũng có vài hoa rất tươi, chủ nhân đặt một cách rất tự nhiên lên một cái dĩa trà. Chủ khách vừa ngắm hoa vừa uống trà có mùi hoa ấy, còn phút giây nào ý nghĩa hơn. Hoa mộc lấm tấm màu vàng, hoa sói từng chuổi nhỏ có màu xanh ngọc của cọng hoa và màu trắng của hoa; tường vi có cánh hoa mỏng màu hồng phớt nhẹ; hoa lài xinh xắn có hình tròn; nhiều lớp cánh nhỏ màu trắng; hoa kim cúc tròn màu vàng… Mùa nào hoa ấy. Mỗi thứ hoa có một hình thù riêng, màu sắc riêng và hương thơm đặc trưng khác nhau; làm cho cảnh uống trà lúc đó đậm đà ý vị của một thứ nghệ thuật tự nhiên rất cận nhân tình; một nghệ thuật dưỡng sinh đẫm màu Phật giáo Thiền tông Việt Nam.
Vào mùa hạ, người dân lại có thứ trà sen tự chế biến rất lạ lùng. Tôi đã theo cách này làm thử. Hoa sen mua về cắm trong bình. Người uống trà lấy một nhúm trà, mở cánh hoa ra, bỏ trà vào trong nhụy rồi cột hoa lại. Sáng sớm tinh mơ hôm sau, như thường lệ, dậy thực sớm, khoảng bốn giờ. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tâm tĩnh lặng. Nghe tiếng chuông chùa, thắp hương làm lễ Phật như thường ngày. Rồi chính tay mình nhẹ nhàng sửa soạn bình chén; nấu nước sôi. Tráng bình chén xong; đến mở cái hoa sen ra, lấy trà bỏ vào bình, chế nước và rót ra chén tống, chuyển sang chén quân, nhẹ nhàng đưa lên miệng, nhấp thứ trà sen tự chế biến ấy. Thực không thể dùng thứ ngôn ngữ gì để diễn tả cho được! Trong khi hoa sen cắm ở hai bình hoa trên bàn thờ Phật, và bình hoa để giữa bàn, đều nở tỏa hương thơm ngát cả gian nhà, ngoài vườn chim hót khắp nơi, nhìn ra cây cối mờ sương lam buổi sớm… Cách uống trà này quả là một nghệ thuật dưỡng sinh tuyệt vời!

Tuy nhiên, còn nhiều cách uống trà khác lại có ý vị triết lý và nghệ thuật riêng. Ở nông thôn Quảng Trị, Thừa Thiên ngày trước, nhiều nhà vườn có một số cây chè tươi gia dụng. Số cây chè này thường là những cây chè lâu năm, hoặc một vài nơi lại có giống “chè sẻ” có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Các ông lão ở đây lại có cách uống trà thần diệu hơn.

Buổi sớm không có gió. Hương thơm từ những buồng cau mới xòe nở trên cao tỏa xuống lẫn với hương của hoa chè từ ngoài vườn thoảng vào. Bưng chén nước ấy đưa lên môi nhấp, rồi nuốt vào cổ họng như nuốt cả thiên nhiên đất trời tinh khôi. Mùi thơm rất lạ và vị ngọt khác thường. Thứ trà “hoa chè tươi” đặc dụng này chỉ riêng cho một vài người và có tính cách gia truyền, không phải ai cũng hưởng được.

Lại cũng thuộc loại trà đặc dụng cho một vài người, thì còn một cách khác nữa, mà chỉ có những người có vườn chè lâu năm, và biết cách thưởng giám trà thì mới sử dụng lối này. Trong những buổi sớm đầy sương xuân, đầy tiếng chim hót quanh vườn. Chủ nhân xách cái bình tích “đột đột” ra vườn, nhẹ nhàng, len lỏi trong vườn chè, tự tay ngắt vừa đủ để uống một ấm chè buổi sớm, thứ búp chè đọt non chỉ có đọt và 1, 2 lá. Ngắt bỏ vào bình ngay. Vào nhà, chế nước sôi đã đặt ở lò than như kiểu trên. Nước rót ra, mùi thơm mộc mạc, chân chất, phác dã lẫn trong chất nước màu xanh ngọc rất thanh đạm. Trong không khí sớm mai đầy tiếng gà gáy gần xa, nhìn làn sương xuân rung động trên vùng cây lá thanh bình mà uống chén nước trà thiên nhiên không qua chế biến này; nếu không khen, thì cũng khó lòng chê vào đâu được… Tôi không biết trên thế giới này, nhất là ở các nước vùng châu Á, có nơi nào có cách uống trà này không, chứ ở cõi đất Thuận Hóa xưa của nước Việt Nam, thì cách uống trà này quả là một nghệ thuật, nghệ thuật dưỡng sinh, đẫm màu tính linh tuyệt vời, cũng không kém phần triết lý. Chủ thể: bình tâm tĩnh trí, toàn thân tâm con người lúc đó đều được buông xả; khách thể: tự nhiên, tươi mát, bình dị, trong lành; âm thanh màu sắc đều hài hòa. Chủ khách không còn phân hai, tất cả hòa hợp thành một trong chén trà buổi sớm: một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam, đúng theo dạng "cư trần lạc đạo" của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. 

H.X.L
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here