“Đạo Phật là đạo từ bi
Ở đây cửa Phật thì không hẹp gì”
Với câu thơ trên ta thấy được tính đặc trưng của đạo Phật là dung hợp hòa nhập “tùy duyên bất biến, bất biến mà tùy duyên”. Nên đạo Phật đến đâu đầu được sự đón nhận ở đó, trong đạo Phật không có sự chống trái. Giáo lý từ bi, vô ngã, vị tha đã làm cho phong thái Phật giáo Huế vô cùng phóng khoáng, mềm dẻo và khéo léo. Đến Huế trong thời buổi khó khăn, vùng đất Chàm xưa kia đâu dễ thở:
“Ở đây đất nước lạ lùng
Nghe con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”
Đủ biết nơi đây họ có một sắc thái và tâm linh riêng. Thế mà Phật giáo khi đến đây đã nhanh chóng đem lại nguồn an ổn cho mọi người dân, trở thành tôn giáo chính. Vì thế, ta không có gì phải thắc mắc tại sao văn học Phật giáo Huế có tính dung hợp.
1) Tính dung hợp tư tưởng
Đọc kỹ các tác phẩm văn học Phật giáo Thuận Hóa, chúng ta dễ dàng nhận thấy tinh thần điều hòa, dung hợp. Tam giáo đồng nguyên, hệ tư tưởng này đã có từ thời Lý Trần, xong cho đến sau này hệ tư tưởng này cũng ảnh hưởng không nhỏ trong tâm khảm của mọi người. Bởi vì Phật giáo không chỉ đóng khung trong việc tu tập để giải thoát tự thân hay chỉ hướng đến vấn đề xuất thế. Mà Phật giáo là vì con người, vì chúng sinh khổ đau để đem lại an lạc hạnh phúc đến cho mọi người. Phật giáo luôn thể hiện tinh thần nhập thế “vì hạnh phúc an lạc cho số đông, vì hạnh phúc an lạc cho chư thiên và loài người”. Như ngài Ngẫu Ích đại sư từng nói: “Bất tri Khổng Tử bất năng thiệp thế, bất tri Lão Tử bất năng vong thế, bất tri Thích Tử bất năng xuất thế”.
Nhìn chung, văn học Phật giáo Thuận Hóa vẫn mang đậm nét tam giáo. Mặc dù giai đoạn này đã đến thời hậu triều của sự suy tàn Khổng giáo và Lão giáo. Nền Hán học đã bắt đầu thoái trào để chuyển sang Tây học. Các yếu tố xã hội bắt đầu có xu hướng vong bản, Tây Ta lẫn lộn, nhưng ý thức hệ tam giáo vẫn còn đậm nét trong dòng văn học này, bởi họ là những con người vẫn còn in nguyên dấu ấn tư tưởng cổ truyền dân tộc.
Nói đến tam giáo đồng nguyên, nhưng xưa nay mỗi lãnh vực đều có truyền thống bản sắc riêng, đều có những tiêu chuẩn chính danh riêng. Tuy nhiên phần lớn những bậc xuất gia thời bấy giờ đều là những người thâm Nho, họ luôn thực hiện theo nếp sống cư Nho mộ Thích để tìm nơi ăn tâm lập mệnh cho mình. Thế nhưng, khi xuất gia đều là bậc chân chính phát tâm, thực hành giới định tuệ một cách miên mật, sống đời sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc, nhưng tâm nguyện luôn thao thức vì đạo, vì đời, nhiệt tâm vì mọi người và cho mọi người, vì đạo nên quý Ngài vẫn không già đi theo tuổi tác và luôn có bầu nhiệt huyết cháy bỏng trong thơ văn của mình. Chính những khuynh hướng này nên dòng văn học Phật giáo Thuận Hóa có tính đặc thù, phong phú về thể loại, ẩn dạng về hình thức cũng như nội dung, phản ánh đúng với thực tế đời sống đạo cũng như đời. Trong đó dấu ấn tam giáo sâu đậm nhất là phải kể đến: Thủy Nguyệt Tòng Sao của Thiền sư Bích Không và Mai Lâm Giám Luật của Dạ sĩ Thiện Trí. Và cũng không ít trong tác phẩm của Sư bà Thể Quán như: Để Lại Cho Vui, Em Mơ Người Hoang Đảo. Và ngay cả tác phẩm của Sư bà Diệu Không và Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
2) Tính thời cuộc:
“Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu già tới rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai”
(Mãn Giác- Thiền sư đời nhà Lý)
Đọc bốn câu đầu của bài thơ, chúng ta sẽ hiểu Phật giáo nói gì. Cuộc đời là một dòng chảy vô tận, vạn pháp hữu vi vô thường biến đổi. Cuộc thế nhân sinh cũng vậy mà thôi, đó là lẽ tất yếu của quá trình vận hành nhân quả, không một vị thần linh nào nói tôi làm ra chuyện này, với tinh thần này Phật giáo đương nhiên phải khế hợp thời cuộc.
Lịch sử Phật giáo bao giờ cũng có những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc. Vì vậy, Phật giáo tồn tại giữa nhân thế là tồn tại trong lòng dân tộc thì chắc hẳn cũng vui buồn cùng vận mạng của dân tộc. Những năm cuối của triều Nguyễn, đất nước đang lâm vào cảnh mất quyền tự chủ, triều đình suy yếu, chúng ta có cảm giác Phật giáo xứ Huế cũng trầm theo. Mặc khác trong giai đoạn này, nền văn hóa phương Tây tràn vào Việt nam đã làm thay đổi nền văn hóa truyền thống dân tộc. Những hướng đi cho dân tộc trong tình cảnh mất tự chủ, khiến không ít người tìm về với truyền thống dân tộc để bảo tồn nền văn hóa của dân tộc mình. Tuy nhiên, vẫn không ít người tìm hướng đi từ văn hóa ngoại lại…
Văn học Phật giáo xứ Huế gắn liền với phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Cuộc chấn hưng Phật giáo đã tạo tiền đề cũng như châm ngòi cho sự nở rộ của một lớp người tiên phong từ xuất gia cho đến tại gia tham gia sáng tác văn học. Cuộc chấn hưng Phật giáo là một vận hội lớn, là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ văn Phật giáo cũng như những tác phẩm Phật học ra đời. Chấn hưng Phật giáo đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Phật giáo nước nhà nói chung và Phật giáo Huế nói riêng.
Cuộc chấn hưng Phật giáo rất hùng mạnh, người xuất gia cũng như tại gia tràn đầy nhiệt huyết, họ có đủ tâm lực và trí lực để bắt tay vào công việc hoằng dương Phật pháp.
3) Thể hiện triết lý Phật giáo một cách sinh động
Bản thân Phật giáo như đã nói đâu phải để sáng tác văn chương nghệ thuật mà vì làm sao hóa độ chúng sanh “xa bể khổ bờ mê, chóng quay về bờ giác” vì thế mà trước tác, dịch thuật.
Phật giáo có ba tạng Kinh điển dồi dào của Phật và chư vị Tổ sư để lại, muốn truyền tải cho đúng nhất thiết chư Tăng phải thâm sâu Phật học. Văn học là một trong những công cụ truyền thông khá tối ưu của Phật giáo. Văn học Phật giáo Huế vì thế không ra khỏi ngưỡng này. Tuy nhiên, không phải ai cũng thể hiện một cách thành công với phương tiện này nếu không có chiều sâu tâm linh và trải nghiệm trong thực hành. Phật giáo Huế may mắn có nhiều vị thiền sư đạo phong tột bật nên đã mang lại cho văn học Phật giáo có chiều sâu tâm linh, có thể nói đây là nét đặc sắc trong văn học Phật giáo Thuận Hóa.
Chúng ta có thể tìm thấy hai vấn đề chuyên sâu đó trong các tác phẩm của Chân Đạo Chánh Thống, bài thơ của Tổ Liễu Quán, …
“Hết thảy pháp như huyễn
Ngã chấp chẳng cần khiển
Ngã không, pháp cũng không
Ngã hiện, pháp cũng hiện
Chân vọng hãy tùy duyên
Thị phi sợ khó biện
Sinh tử vốn như như
Lỗi ở văn và kiến”
Chân Đạo Chánh Thống:
Niết bàn sanh tử bổn lai không
Diệu pháp nan lường tính tự dung
Chơn đạo truyền thừa tồn Chánh Thống
Bích Phong cao chiếu nhật đương trung”
(Thủy Nguyệt Tòng Sao)
“Đạo lớn không lời
Lòng thiêng tuyệt đối
Biển nhận trăm sông
Núi nén hột cải”
(Thủy Nguyệt Tòng Sao)
Phần lớn trong các tác phẩm của mình, các thiền sư Thuận Hóa đã lột tả hết tất cả thâm diệu của giáo lý nhà Phật. Đây là kết quả của một quá trình tu tập, hành trì miên mật giới định tuệ và thực nghiệm tâm linh tuyệt vời.
Cuộc đời và sự nghiệp của Tổ Liễu Quán là một minh chứng cho quá trình tu chứng và kiểm nghiệm tâm linh. Suốt hơn 70 năm trong thế giới này, hơn 70 mùa lá đổ mưa sa nhưng nước đổ về nguồn, lá rơi về cội, đó là định kiến pháp nhĩ hiển nhiên. Cũng thế, tấm thân tứ đại của Ngài của Ngài đã phân hóa hao mòn theo lớp bụi thời gian chồng chất. Mảnh cà sa phấn tảo năm nào bây giờ đã nhuộm đầy phong sương trong suốt những tháng năm dài hoằng hóa và đã chọn vùng đất này làm chổ sở quy thị hiện Niết bàn.
“Thất thập dư niên thế giới trung,
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyệt mãn hoàng gia lý,
Hà tất bôn ba vấn Tổ tông”
(Ngoài bảy mươi năm trong thế giới,
Không không sắc sắc thảy dung thông
Ngày nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải ân cần hỏi Tổ tông).
4) Thể hiện sâu sắc niềm an vui giải thoát
Bên cạnh mảng đề tài dịch thuật và lý luận về giáo lý Phật giáo thì những mảng đề tài khác về thực tại cuộc đời cũng được đề cập rất nhiều. Chúng ta thấy rõ sự hân hoan trong khi ai đó đã tìm ra con đường đi đến chân lý đích thực, mà nó có thể đánh đổi tất cả những thú vui tầm thường trong cuộc đời:
“Bởi giấc mơ tiên con lỡ say
Lòng con mến Phật tự bao ngày
Đêm nay chuông gọi hồn con tỉnh
Phủi sạch trần ai con đến đây”
(Thích Nữ Thể Quán)
Nhất là chân lý về khổ và con đường thoát khổ. Để rồi nhận thức được sự thật này để tìm cách thoát khổ là việc làm cần thiết của người con Phật. Bao giờ trong tâm thức của họ vẫn mong muốn một điều duy nhất đó là xa lìa bến mê quay về bờ giác mà Sư bà Diệu Không đã cảm nhận:
“Biển khổ mênh mông sống chập chùng
Thuyền từ vững lái quyết như không
Đưa người mê vọng qua bờ giác
Tỉnh lại về theo ánh nhật hồng”
(Diệu Không Thi tập)
Khổ đau là vấn đề muôn thuở của con người. Chính từ nhận thức sai lầm đầu tiên từ vọng tưởng sinh khởi, nên chúng sinh ngập chìm trong bể khổ mà không có lối thoát. Chính vô minh, tham ái là nhân tố, là nhiên liệu chính để con tàu sinh tử vận hành lưu chuyển đi từ nhà ga này đến nhà ga khác mỏi mệt trong luân hồi sinh tử. Khi vô minh diệt, ái diệt là điều then chốt trong mọi chìa khóa chấm dứt khổ đau đạt đến Niết bàn giải thoát. Bên cạnh đó nhận thức về cái tôi và cái của tôi (ngã và ngã sở) cũng đã làm bít lấp tâm tánh con người khi nhận thức thực tại. Chính khái niệm về ngã đã làm ngăn ngại chứng đạo giải thoát. Thực tế thì không có một cái ngã nào tồn tại trong tấm thân năm uẩn này cả, mà tất cả đều là những nhận thức sai lầm về một ảo tưởng tự ngã. “Niết bàn là một cái gì tuyệt đối không dung ngã. Niết bàn không có hạn lượng, không có nơi chốn, vì Niết bàn là vô tướng – vô tướng nên khó vào. Muốn vào Niết bàn ta cũng phải vô tướng như Niết bàn. Cửa Niết bàn rất hẹp, chỉ bằng tơ tóc nên ta không thể mang theo hành lý nào mà hy vọng vào Niết bàn được cả. Cái thân đã không mang theo được mà cả ý niệm về tôi, về ta cũng không mang theo được. Cái ta càng to thì càng xa Niết bàn. Nên biết rằng: Hễ hữu ngã là luân hồi mà vô ngã là Niết bàn”. (Thích Thiện Siêu, Vô ngã là Niết bàn, NXB Tôn giáo, 2000, tr68)
5) Thể hiện cảm hứng về phong cảnh thiên nhiên và con người
– Cảm hứng về thiên nhiên phong cảnh
Thiên nhiên phong cảnh là đề tài muôn thuở của thi ca, giữa thiên nhiên và con người bao giờ cũng có mối quan hệ tương giao, phong cảnh làm người ta sinh tình. Cảnh chùa làm người ta thấy thanh thản tâm hồn.
Sơn ngoại thanh sơn hựu kỷ trùng
Hoành không nhất vọng hướng thanh không
Đăng cao vị đáo tằng loan thượng
Điếu cổ hoàn lai Tiêu Tự trung
Tháp ngọa Tỳ khưu nhân dĩ miễu
Kiều danh Lược Ước lộ do thông
Hoa hương thụ ảnh tầm u xứ
Thùy thức Tra am Phật tử công.
Dịch thơ:
Lớp lớp xanh xanh núi chập chùng
Che ngang tà áo ngước trời trong
Treo cao núi nọ chưa leo tới
Hoài cổ chùa đây lại đến cùng
Có tháp Tỳ kheo người đã vắng
Đây cầu Lược Ước lối đà thông
Hương hoa cây cảnh nơi u tịch
Phật tử dày công ai biết không.
(Ưng Bình theo nguồn thơ ca dào dạt và họa tiếp bài thơ kia của Thúc Nguyên)
Mở đầu tác phẩm Thủy Nguyệt Tòng Sao thiền sư Bích Không đã đưa chúng ta trở về với cảnh quan thiên nhiên sinh động, đa phương nhiều chiều trộn lẫn với nhiều gam màu hài hòa kỳ diệu và nhưng cảm nhận sâu sắc về sự thật con người và cuộc đời:
“Trúc xanh ngàn thu đó
Hoa vàng với một màu
Tươi khô người vào mộng
Hồn nhọc ta ra vào
Đất nào chẳng Tịnh độ
Thân nào chẳng pháp thân
Bình minh trên muôn cõi
Mưa thấm sạch bụi trần”
(Thủy Nguyệt Tòng Sao)
Có lúc thiên nhiên lại gần gũi thân thương đến lạ kì. Thông qua những hình ảnh thiên nhiên mà nó đã gợi nguồn cảm hứng để các Thiền sư biểu lộ sở đắc của mình. Nhất là thiên nhiên xứ Huế có sông nước hữu tình, có ánh trăng rọi chiếu vô ngần. Để rồi chư vị mượn ánh trăng nói lên cảm nhận của mình đối với triết lý uyên nguyên của nhà Phật. Trong đó sự liễu đạt về tự tánh của vạn pháp đã đến độ chín muồi.
Trăng treo lồng lộng giữa hư không
Bình đẳng soi cùng vạn nẻo thông
Tự tánh có hư thì mới thật
Tịch mà thường chiếu khắp đông tây.
(Ni trưởng Diệu Không xướng)
Trăng sáng soi cùng cõi thái không
Soi mà vẫn lặng thể dung thông
Tánh linh vốn sẵn tùy duyên chiếu
Đây có riêng gì tây với đông.
(Hòa thượng Mật Nguyện họa)
Trong trăng trực nhận thể viên thông
Muôn pháp đâu ngoài lý diệu không
Ai dám chắc rằng không với có
Có không lỗi ấy tại người trong.
– Cảm hứng về con người
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống. Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Văn học phản ánh hiện thực tức phần nào đề cập đến vận mệnh của sống con người cụ thể. Ở đó, con người là trung tâm, là chủ thể sáng tạo ra văn học nghệ thuật, đồng thời là đối tượng khách thể để văn học nghệ thuật nhận thức, chiêm nghiệm và phản ánh.
Phần lớn văn học Phật giáo Thuận Hóa trong vấn đề quan niệm về con người vẫn chủ yếu là sự thù tạc qua lại, cảm mến đọa hạnh của nhau rồi làm thơ chúc tụng nhau. Phải nói rằng ít có nơi đâu mà biểu hiện tình cảm và sự trân trọng nhau đến như vậy. Những bậc cao tăng thạc đức làm thơ chúc tụng nhau, ca ngợi đạo hạnh của nhau. Chư vị thiện hữu Phật tử cảm mến quý Ôn họ cũng làm thơ đề tặng. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy đề tài này được thể hiện cụ thể trong các tác phẩm: Thủy nguyệt tòng sao, Mai lâm giám lục, Diệu không thi tập, …Cụ Sào Nam Phan Bội Châu cũng có bài thơ tặng ôn Tịnh Khiết rất tuyệt vời, rất đạo vị.
Đón đọc kỳ cuối: Kết luận