21 bài viết trải dài hơn 330 trang in, tạm gọi là “tản văn” được chia thành bài bản 6 phần, có mở kết rõ ràng: Chuyện mở đầu, Chuyện tình yêu, Chuyện lạy Phật, Chuyện văn hóa, Chuyện giáo dục và Chuyện cuối.
1. Những “chuyện” khác thì có thể hiểu được, bởi con người luôn có sẵn, còn Chuyện lạy Phật (chiếm phần lớn nhất) và Chuyện giáo dục (chiếm số lượng thứ nhì) là do tác giả là giáo sư tại Pháp, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie và là cây bút quen thuộc của những ai quan tâm hoặc có quan hệ trực tiếp với đạo Phật và văn hóa Phật giáo.
Chuyện trò là cuốn sách thứ 9 của GS Cao Huy Thuần, trong 12 năm miệt mài viết, với khởi điểm là Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (NXB TP.HCM, 2000). Chọn lối viết, có thể là một sáng tác đậm chất văn học, hoặc phân tích một bài thơ, hoặc kể chuyện mang tính ngụ ngôn, hoặc phóng tác, nhiều khi là tự truyện đầy tính dân dã, ngẫu hứng, luôn đơn giản cụ thể kể cả với triết lý sâu sắc…, Cao Huy Thuần đã mang tới cho người đọc nhiều chiều ngẫm ngợi mà không “chấp vào” bất cứ thể loại cụ thể nào. Miễn là chuyển tải những điều muốn nói và đạt hiệu quả truyền lan sóng tư duy, cảm xúc từ tâm tới tâm.
Bìa cuốn sách Chuyện trò
2. Ví như chuyện lạy Phật, khi chúng ta đến cửa chùa, trước Tam bảo, một cách tự nhiên, tay sẽ chắp trước ngực rồi rạp mình cúi lạy. Thể nào cũng có người trong một chút tỉnh thức, sẽ bật ra điều thắc mắc: “Lạy Phật để làm gì? Và vì sao lạy Phật?”.
Thế thì, GS Cao Huy Thuần, sẽ giải thích rằng, lạy Phật là cử chỉ, hành động. Lạy là hai bàn tay ngửa ra, hai đầu gối, trán chạm đất. Thân thể chạm đất ở năm điểm, để tự nhắc nhở về giữ năm giới với người tu (tu là sửa tâm tính mình, tu trước hết để hiểu thấu mình, nhìn thấy mình rồi mới hiểu thấu, nhìn thấy người, tu chẳng có nghĩa cứ phải rời nhà vào chùa ở): không sát sinh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm và không uống rượu.
Và khi cúi đầu lạy Phật, ta vứt bỏ được những vướng bận thế gian để thấy sự kỳ diệu của “trống không” trong tâm trí.
Cũng với GS Cao Huy Thuần, việc xây chùa cốt không phải để thờ Phật vì ông biết Phật (Phật tính, sự an nhiên tự tại thanh tịnh, vô lo, vô nghĩ, vô sợ, vô chấp)… luôn có sẵn trong mỗi con người, mà “xây chùa để biết đâu mười, hai mươi, một trăm năm nữa, sau một trận đánh nhau, hai kẻ thù bị thương, kiệt sức, có chỗ trốn bão tuyết trong giây lát, cứu nhau và cứu chất người trong nhau” (Cây diêm cuối cùng, T134)
Thế từ bi là gì? GS Cao Huy Thuần sẽ thủ thỉ với giọng viết rất đỗi nhân từ rằng, từ bi với từng bước một của việc nghĩ đến người khác mỗi ngày nhiều hơn một chút sẽ dẫn đến cánh cửa hạnh phúc.
Với Cao Huy Thuần, đạo Phật rõ ràng không phải triết lý mà là thực hành. Đơn giản lắm, là làm theo những gì Đức Phật dạy, để thoát khỏi những nỗi khổ cứ quẩn quanh làm đau đớn tâm hồn người suốt kiếp đời.
3. Đọc Chuyện trò của GS Cao Huy Thuần, cứ nhẹ nhõm mà thấm tháp, dành cho những người muốn biết đến đạo Phật bắt đầu từ những ý thức sơ đẳng, nhờ thế dần dần học cách sống tự do an tĩnh trước bao sóng gió nghiệp chướng từ nhân quả của cõi người.
Thế nên, nhà văn hóa Bùi Văn Nam Sơn mới nhắn nhủ: “Bạn đang tần ngần trong tiệm sách? Xin bắt chước người xưa trao một lời khuyên mạo muội: nếu chỉ đủ tiền mua một quyển sách, bạn nên mua quyển sách này”.
(Thể thao & Văn hóa)