Trang chủ Phật giáo khắp nơi Thông điệp Đại lễ Vesak LHQ 2014 của Đức Dalai Lama

Thông điệp Đại lễ Vesak LHQ 2014 của Đức Dalai Lama

139
0

Tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến quý vị đại biểu tham dự lễ kỷ niệm và Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ 11 trong ngày Đại lễ Vesak LHQ năm 2014, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức.

Đối với người con Phật trên toàn thế giới thì Đại lễ Vesak không chỉ là dịp để chúng ta kỷ niệm ngày Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật mà còn nhắc nhở bản thân chúng ta về tầm quan trọng của việc vận dụng những lời dạy cao quý của Ngài vào trong cuộc sống. 

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ đạo quả Vô thượng Bồ-đề và đã truyền bá Chánh pháp tại Ấn Độ cách đây hơn hai ngàn năm, nhưng những lời dạy của Ngài vẫn còn tươi mới và rất thiết thực đối với xã hội hiện tại, chẳng hạn như việc mọi người ngày càng ý thức về tầm quan trọng của sự bất bạo động. Tính khả dụng của giáo lý bất bạo động không chỉ giới hạn trong mối quan hệ giữa người với người mà còn có thể vận dụng vào trong việc bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường và cả trong mối quan hệ giữa con người với những loài sinh vật khác đang sống chung trên hành tinh này. Vì thế, bất bạo động có thể được vận dụng hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, bất kể chúng ta thuộc địa vị hay hoàn cảnh nào.

Mục đích của cuộc sống là để có được hạnh phúc. Với tư cách là một người đệ tử Phật, tôi nhận thấy rằng thái độ của chúng ta chính là yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh nhất trong việc hướng tới mục đích đó. Để thay đổi những điều kiện bên ngoài, dù cho những điều kiện ấy liên quan đến môi trường hay các mối quan hệ với người khác, thì chúng ta phải thay đổi từ bên trong bản thân mình. Sự bình an nội tâm chính là mấu chốt của vấn đề. Với sự bình an nội tâm, bạn có thể đối mặt với những khó khăn bằng sự bình tĩnh và có lý trí, trong khi đó bạn vẫn giữ được niềm hạnh phúc nội tại. Những lời dạy về tâm từ bi, về sự tử tế, lòng khoan dung, về bất bạo động, về giáo lý duyên sinh, và cả những phương pháp giúp tịnh hóa tâm thức chính là nguồn cội của sự bình an nội tâm.

Tôi nghĩ rằng Phật giáo có vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại của chúng ta; giáo lý duyên khởi trong Phật giáo có sự tương thích mật thiết với những khái niệm cơ bản của khoa học hiện đại. Chúng ta có thể nghĩ về Phật giáo trong mối quan hệ của ba phạm trù chính, đó là triết học, khoa học và tôn giáo. Phần tôn giáo là những giới luật và những pháp môn tu mà chỉ có người đệ tử Phật quan tâm đến, còn triết lý về duyên khởi trong Phật giáo và khoa học Phật giáo về tâm thức và những cảm xúc của con người thì có lợi ích rất lớn đối với tất cả mọi người. 

Như chúng ta biết, khoa học hiện đại đã phát triển một sự hiểu biết rất tinh vi về thế giới vật chất, bao gồm cả những hoạt động tinh tế của cơ thể và não bộ. Còn khoa học Phật giáo thì tập trung vào việc phát triển sự hiểu biết cặn kẽ và thiết yếu về nhiều khía cạnh của tâm thức và cảm xúc của con người, đây là những lĩnh vực  còn khá mới mẻ đối với khoa học hiện đại. Do đó, bản thân khoa học và Phật giáo đều có những kho kiến thức rất quan trọng và có thể bổ sung cho nhau. Tôi tin rằng, sự kết hợp của hai phương pháp tiếp cận này sẽ tạo tiềm lực lớn cho những khám phá làm phong phú hơn về vật chất, về đời sống tình cảm và sự thanh bình của xã hội chúng ta.

Trong hơn 50 năm qua, cộng đồng đa dạng của Phật giáo trên thế giới chỉ có một ý niệm mơ hồ về sự tồn tại của nhau và không mấy quan tâm đến những điểm tương đồng với nhau. Bởi vì những lời dạy của Đức Phật đã được bắt rễ tại những vùng đất khác nhau và đã có những biến đổi nhất định về phong cách mà ở đó lời Phật dạy đã được thực hành và gìn giữ một cách tự nhiên. 

Tuy nhiên, tôi tin rằng đã đến lúc chúng ta có thể giao tiếp cởi mở với nhau; suy cho cùng thì những truyền thống Phật giáo khác nhau của chúng ta đều là những chi nhánh được mọc ra từ một gốc, một thân cây. Vì thế, tôi hy vọng là trong lần quy tụ này, chư vị tôn túc của Phật giáo, quý vị đại biểu hãy nắm lấy cơ hội này để phát huy và mở rộng sự giao tiếp trong chính chúng ta để cho cộng đồng Phật giáo của chúng ta có thể được hợp nhất, từ đó chúng ta sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho hạnh phúc của nhân loại và sự bình an của tâm hồn trên toàn thế giới.

(đã ấn ký)

(Minh Nguyên chuyển ngữ)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here