Năm 1952, chúng tôi được tham dự khoá đào tạo Đội Chúng Trưởng để thành lập gia đình Phật tử. Anh Trần Hữu Đôn và Trần Mỹ Tế được Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử (GĐPT) Tỉnh cử lên huấn luyện trong ba tháng hè. Các anh dạy về Lịch sử đức Phật Thích-ca, Châm ngôn, Năm điều luật của GĐPT, dạy hát và dấu đi đường, v.v…
Khi đoàn Thiếu niên GĐPT được thành lập tạm thời, thì cũng có hai anh Đoàn trưởng là Trần Văn Sơn và Hồ Viết Lợi ở Tỉnh lên dạy cho chúng tôi về Tam quy, Ngũ giới, ý nghĩa ăn chay, niệm Phật, v.v… Thế rồi đến tháng 9 năm 1945, anh Trần Văn Sơn trước khi sắp đi học xa, đã dẫn năm anh em thân tín chúng tôi đến xin thầy Đôn Hậu cho làm lễ quy y tại chùa Linh Mụ. Chúng tôi phải ở lại chùa tối 14 tháng 9 để 4 giờ sáng rằm thầy làm lễ quy y cho chúng tôi. Lầu đầu tiên được ở lại chùa Linh Mụ vào ban đêm, được theo các chú lên tháp chuông ngắm cảnh và đặc biệt là leo lên tháp 7 tầng để nhìn xuống sông Hương vào một đêm trăng. Từ trên cao nhìn xuông có cảm giác là tháp ở ngay trên mặt sông, và sông nước bao quanh tháp, xa xa là làng Nguyệt Biều và Lương Quán cùng đồi thông Long Thọ.
Đúng 4 giờ sáng, chúng tôi được chú Thích Trí Chơn, Thích Trí Tanh (cả hai vị này nay đã ngoài 70 và có lẽ đang ở nước ngoài) và anh Sơn dẫn ra quỳ ngay ngắn trước điện Phật.
Thầy Bổn sư Thích Đôn Hậu đã giảng về Tam quy Ngũ giới cho chúng tôi và hướng dẫn chúng tôi nhắc lại. Sau đó, thầy đặt Pháp Danh và giảng giải ý nghĩa từng Pháp Danh một. Thầy đọc Tâm Hội Tôn Thất Toà, Tâm Định Phan Văn Bưởi, Tâm Thường Nguyễn Văn Dật và hai vị nữa là Ngộ Duyên và Nguyễn Văn Phong mà nay chúng tôi không còn nhớ Pháp danh; vì họ đã sống xa Huế và đã qua đời.
Sau đó vào dịp lễ vía, chúng tôi hay sang hầu thầy và được thầy dạy cho nhiều điều Phật pháp rất cần thiết. Có lần thầy hướng dẫn chúng tôi thực hành Tu Quán theo tập sách thầy soạn, như: Quán Sổ tức, quán Từ bi, quán Niệm Phật. Giờ đây, đã 50 năm qua mỗi lần mở lại tập sách nhỏ đó là nhớ lại thầy Bổn Sư khả kính Thích Đôn Hậu.
Sau 1954, Đoàn Thiếu niên Phật tử Dương Biều không còn sinh hoạt; vì các Anh Huynh Trưởng đi Nam; còn một số Đoàn sinh đi Bắc. Các anh em chúng tôi được bác Khuôn trưởng, Gia trưởng giới thiệu về sinh hoạt ở đoàn Nam Phật tử Thiện Sinh để tập sự Huynh Trưởng với mục đích đào tạo Huynh Trưởng cho GĐPT Dương Biều. Lúc ấy hai anh Đỗ Đình Kỳ và Nguyễn Duy Thu Khiết đã hướng dẫn chúng tôi đến chùa: Ba-la, Diệu Đế, Tường Vân, v.v… để nghe quý thầy giảng Phật pháp. Lúc đó, quý Thầy cũng có giảng kinh Thiện Sanh, song chúng tôi không còn nhớ rõ lắm; nay mới biết Thiện Sanh là một chàng thanh niên Bà-la-môn lễ lạy 6 phương và được Phật chỉ dạy cách sống, cách cư xử qua lại giữa cha con, chồng vợ, thầy bạn, Sa-môn cũng như người giúp việc.
Một điều thú vị là vào mùa Hè năm 1950, chúng tôi trở lại chùa Linh Mụ để tham dự trại Huấn Luyện A Dục kỳ II được tổ chức trong bốn ngày, mà Trại Trưởng là chị Nguyễn thị Kim Cúc; Trại Phó, anh Đặng Ngọc và Thư ký, anh Nguyễn Thắng Nhu; thầy Cố vấn Giáo lý, Thượng Toạ Thích Thiện Giải. Thầy đã ở lại chùa Linh Mụ vào ban đêm để dạy Phật pháp cho trại sinh. Thầy dạy về ý nghĩa tên trại: vua A-dục, rồi dạy Lục Hoà và Lịch Sử Phật giáo Việt Nam, v.v…
Sau đó chúng tôi về sinh hoạt tại GĐPT ở Niệm Phật Đường Dương Biều và GĐPT chính thức được công nhận thành lập từ tháng giêng năm 1958. Trong thời gian này, Khuôn hội thỉnh thoảng có tổ chức lớp học Phật pháp cho Hội viên và GĐPT vào đầu xuân mỗi năm, lúc mà quý bác còn nghỉ ngơi, công việc đồng áng ruộng vườn chưa nhiều.
Thầy Mật Nguyện, Thầy Thiện Giải, Thầy Thiện Minh, Thầy Thiện Châu đều có về dạy. Đặc biệt là thầy Thiện Châu được Phật tử ngưỡng mộ; vì dạy hay cho nên các học viên chăm chú lắng nghe và hỏi nhiều điều còn nghi ngờ và chưa rõ. Đáng chú ý là các thanh niên học sinh trong vùng cũng đến nghe và có nêu lên những câu hỏi liên quan đến việc sát sanh hoặc việc ăn thịt, cá, v.v… Việc sát sanh và bổn phận người lính cầm súng giết giặc; vấn đề luân hồi và sự gia tăng dân số ngày càng lạm phát. Với giọng thuyết giảng hùng hồn và ấm cúng, với gương mặt trang nghiêm và đôi mắt sáng sau cặp kính cận, thầy Thiện Châu đã điềm đạm giải đáp rất thoả đáng cho tất cả Phật tử và những người ngoài đến dự.
Đến nay đã gần 50 năm trôi qua, nhìn lại ảnh thầy Thiện Châu, chúng tôi lại nhớ đến các lớp học Phật pháp năm xưa dưới mái chùa khuôn hội, phải dùng đèn măng-xông, chứ đèn dầu không đủ sáng. Thế nhưng lớp học lúc đó vẫn đông, có đến 40-50 học viên mỗi đêm; buổi học kéo dài suốt bảy đêm liền. Trong thời đại hiện nay, điều kiện đầy đủ và tiện nghi hơn, chúng tôi là lớp hậu duệ kế tục, không làm sao mở được các lớp Phật pháp sơ cấp cho hội viên như thời đó. Mong rằng Ban Hoằng Pháp Tỉnh, Thành phố có hướng mở lớp học Phật pháp hàng năm cho các hội viên tại các Niệm Phật Đường như thời trước thì thật quý hoá.
Vào những năm 60-80 của thế kỷ trước vì có nhiều biến cố lịch sử và Tôn giáo nên sự tu học Phật pháp có phần hạn chế. Chúng tôi cũng không có điều kiện sinh hoạt Phật giáo nhiều như trước, chỉ đến chùa lễ Phật và mua sách báo về nhà đọc mà thôi.
Mãi đến năm 1990, khi cuộc sống có phần dễ chịu hơn, chúng tôi mới có dịp đi lại thăm chùa, thăm bà con. Nhân chuyến đi thăm người chị ở Long Thành_Đồng Nai, chúng tôi được dẫn sang thăm Thiền Viện Thường Chiếu lúc ấy vừa dời từ Thiền Viện Chân Không ở Vũng Tàu lên. Cơ sở vật chất đang còn đơn sơ khiêm tốn, nhưng ngày chủ nhật bà con Phật tử từ Sài-gòn và từ Vũng Tàu lên làm lễ quy y và nghe pháp ở đây cũng khá đông. Thầy Nhật Quang cho chúng tôi cuốn sách của Hoà Thượng Thích Thanh Từ viết mà nội dung có đề cập đến những vấn đề tu tập như “Làm Sao Tu Phật, Hoa Vô Ưu (4 tập) và mấy cuốn băng cassette của Hoà Thượng đã giảng tại Viện Nghiên Cứu Tôn giáo tại Hà Nội mà nội dung gồm: Phật Giáo Việt Nam, Thiền Tông Việt Nam và những vấn đề Nhân Quả, Nghiệp Báo, v.v…
Từ những nhân duyên đó, nó đã thôi thúc chúng tôi muốn tìm hiểu thêm cho rõ giáo lý Phật đà một cách có hệ thống hơn. Chúng tôi phải tìm đọc các sách khác, như; Phật Học Phổ Thông của Hoà Thượng Thiện Hoa, Vô Ngã là Niết-bàn và Ngũ Uẩn Vô Ngã của Hoà Thượng Thiện Siêu. Thế nhưng, vẫn còn những điều chưa thể hiểu hết trong sách, cho nên chúng tôi sắp xếp để đi dự Lớp Tu Học Phật Pháp tại Hồng Đức và tìm đọc thêm một số sách nói về Phật giáo Ấn độ và Phật giáo Trung Hoa của Hoà Thượng Thích Thanh Kiểm. Phật Học Quần Nghi của Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm; Bồ-tát Tại gia, Bồ-tát Xuất gia, kinh Duy-ma-cật của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh; kinh Di Giáo, Pháp Cú Nam Tông của Hoà Thượng Thích Trí Quang.
Qua sách vở và qua sinh hoạt Phật giáo trong vùng cũng như trong nước và khu vực, chúng tôi có một điều phân vân trong lòng là muốn được hiểu rõ hơn về vấn đề Phật giáo Tiểu thừa và Phật giáo Đại thừa cũng như các Tông phái Phật giáo, Lạt-ma giáo, Kinh điển Nguyên Thuỷ và các kinh điển Đại thừa…
Chúng tôi nghĩ đó là những vấn đề rất quan trọng, nếu hiểu cho tường tận và rốt ráo thì quả thật là quá khó đối với độ tuổi “thất thập” như chúng tôi. Tuy nhiên, nếu không hiểu thông suốt một cách hệ thống dù giản đơn hay khái quát thì sự hành trì của mình cũng thấy có vướng mắc. Do đó, thông qua các kinh sách, qua lời giảng của quý Giáo Thọ ở lớp học, chúng tôi cố gắng tập hợp một số khái niệm Phật giáo qua các thời kỳ đã có thể hiểu ngõ hầu theo đó mà hành trì cũng có thể giải toả được một số nghi vấn vốn có trong giới trẻ học Phật ngày nay.
Những nguyên nhân dẫn đến sự phân phái không ngoài hai vấn đề chính, đó là: “Thập sự phi pháp” của nhóm Tỳ-kheo Bạt-kỳ và “Ngũ Sự Đại Thiên”. Tuy có các bộ phái khác nhau, nhưng vẫn không ngoài việc lấy Tam tạng giáo điển làm nền tảng. Chẳng hạn bộ phái này thì lấy Kinh làm nền tảng; bộ phái khác, lấy Luật làm nền tảng; hoặc lấy Luận làm nền tảng để xiển dương giáo lý cho tông phái mình.
Hoà Thượng Thiện Siêu còn giải thích: “Đối trước những di huán giản dị mà cao siêu (của đức Phật) làm sao để được hiểu trọn vẹn với mọi trình độ hầu tránh khỏi mỗi người luận giải mỗi cách. Ai có đủ thẩm quyền để sàn phẳng những kiến giải sai thù. Huống nữa đức Phật đã từng dạy: “Đừng có tin vào sách vở, đừng tin vào lời người khác nói lại… chỉ nên tin điều gì chính mình suy nghĩ kỹ càng sáng suốt, mà nhận thấy những vấn đề ấy có lợi cho mình và cho người” (Kinh Kalama)… thì ai cũng có thể tin rằng mình suy nghĩ sáng suốt; trong khi không gặp được người sáng suốt hơn thẩm tra lại.. Hai kiến giải bất đồng thành nhiều Tông phái riêng” (tr. 113).
Hoà Thượng còn nêu ra: “Đa Văn Bộ do ông Yajanavackya chủ xướng, nguyên lúc đức Phật còn tại thế. Vị Đạo sư Tiên nhân thường lấy vỏ cây làm áo, sau xuất gia theo Phật, chứng Thánh quả A-la-hán, rồi vào núi Tuyết tu thiền-định. Đến thế kỷ thứ II sau Phật Niết-bàn lại xuất hiện ở nước Ương-quật-đa-la thấy Đại Chúng Bộ hoằng truyền giáo lý Tam tạng với nghĩa lý thô thiển, rất kinh dị, mới đọc ra những nghĩa lý cả cạn lẫn sâu của Đại Chúng Bộ, trong đó có hàm chứa nghịch lý Đại thừa” (tr. 123).
Cuối chương này, Hoà Thượng đã kết thúc bằng đoạn văn:
“Hiểu qua giáo nghĩa các bộ phái trên đây, nó giúp ta rõ hơn sự diễn tiến của nền giáo lý Phật, từ các lời dạy của đức Phật ghi trong các kinh được coi như Nguyên Thuỷ như Bốn bộ A-hàm, hay Năm bộ Nikāya, từ đây diễn tiến thành các giáo nghĩa trong các kinh luận Đại thừa, trong Không Tông, Hữu Tông, Mật Tông, Như Lai Tạng Tông, mà ta hiểu được tuần tự qua thời gian xuất hiện của mỗi thứ đó. Những diễn tiến này là một sự đòi hỏi của tri thức và sự tu chứng đối với giáo lý đức Phật. Nó phát sinh theo từng hoàn cảnh và thời đại, hiểu được nó sẽ giúp cho ta sáng thêm đối với toàn bộ giáo lý vô thượng thậm thâm của đức Phật” (tr. 148).
Hoà Thượng Thích Thánh Nghiêm trong “Phật Học Quần Nghi” cũng đã viết: “Các học giả lịch sử Phật giáo Ấn độ thời kỳ đầu có luận điệu kinh Đại thừa không phải là lời Phật nói. Do kinh điển Đại thừa xuât hiện và lưu truyền có mấy trăm năm sau khi đức Phật Niết-bàn. Nhưng Phật pháp Đại thừa cũng căn cứ trên Phật giáo Nguyên Thuỷ chẳng qua nâng cao bình diện tư tưởng triết lý hoá của nó, khiến Phật pháp có thể rộng hơn, tinh thâm hơn, huyền diệu hơn, từ nhân gian mở ra vô hạn” (tr. 256-7).
Trong Báo Giác Ngộ tờ số 127-130, khi khảo sát kinh Trung A-hàm, Ban Hoằng Pháp đã nêu: “Đức Phật đã thọ ký cho tôn giả Di-lặc sẽ thành Phật trong tương lai, làm tiền đề cho sự phát triển văn học thọ ký thuộc Hữu Bộ và cuối cùng là đỉnh cảo của tư tưởng Pháp Hoa trong hệ thống tư tưởng Đại thừa sau này”.
Có lẽ cũng từ quan điểm đó mà trong “Hoa Vô Ưu” IV, Hoà Thượng Thích Thanh Từ đã so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa kinh A-di-đà và kinh Tứ Niệm Xứ (tr. 42). Còn Hoà Thượng Thích Chơn Thiện khi giảng về tư tưởng kinh A-di-đà đã đối chiếu cảnh Ngũ Bất Hoàn Thiên, nơi Tịnh Cư của quả Thánh Bất lai từ quả A-na-hàm trở lên với cảnh Sắc trong kinh A-di-đà.
Chắc cũng không ngoài mục đích kinh A-di-đà, cho nên Ban Hoằng Pháp Tỉnh đã cho các học viên Lớp Tu Học Phật Pháp tại Hồng Đức học kinh A-hàm cũng lúc đối chiếu với kinh Trường Bộ.
Riêng đối với chúng tôi, thấy thật rất bổ ích, rất vi diệu khi học được kinh A-hàm và Trường Bộ, Trung Bộ, Tương Ưng, Tăng Chi, Tiểu Bộ, v.v… để có thể hiểu rõ giáo lý căn bản Nguyên Thuỷ trước khi tìm hiểu giáo lý phát triển của các Kinh Luật và Luận của Phật giáo Đại thừa. Có như thế, chúng ta mới có thể hiểu được giáo lý Phật đà thấu đáo hơn và thiết thực hơn.
T.T