Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Thơ khai ngộ của các Thiền sư

Thơ khai ngộ của các Thiền sư

138
0

Bài thơ khai ngộ của ngài Chiêu Giác Khắc Cần:

 Kim giác hương tiêu cẩm tú vi
 Sanh ca tùng lý, túy phù qui
 Thiếu niên nhứt đoạn phong lưu sự
 Chỉ hứa giai nhân độc tự tri

Tạm dịch:

 Màn che gấm rủ lò hương tận
 Từ chốn ca xang trở bước say
 Chuyện cũ phong lưu lúc tuổi trẻ
 Chỉ riêng nàng biết, tự nàng hay

Đọc bài thất tuyệt trên chắc bạn đọc đồng ý rằng đó là một bài thơ diễm tình lãng mạn, sao gọi là thơ “Khai ngộ”. Xin thưa, như trên chúng tôi có nói, đó là ý cảnh biểu hiện bên ngoài của ngôn cú bài thơ, ở đây thiền sư Khắc Cần muốn mượn cái gọi là tỷ hứng của thể thơ hàm ngụ cái cảnh giới vi diệu của khai ngộ, bởi vì thơ tỷ hứng có thể ăn khớp với đề thơ, lại có thể ẩn ước tượng trưng, để mà khéo truyền khúc chỉ (ẩn khúc tỏ bày), không “dính” không “rời” không rơi vào ngôn thuyết, không vướng vào ước lệ, mà có thể diễn đạt cái ý cảnh mà mình muốn biểu hiện.

Ngài Chiêu Khắc Cần (1063-1135), tục Tánh Lạc, người Sùng Ninh, Bành Châu (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên), sau khi chợt ngộ liền làm bài thơ này trình sư phụ Ngũ Tổ Pháp Diễn ấn chứng. Chúng ta thử theo giỏi tiến trình chuyển hóa sự tu chứng của Ngài.

Thiền sư Khắc Cần là một người rất khó hiểu, Ngài sống vào thời Bắc Tống, trong các sách ngữ lục ghi chép rất nhiều, trường hợp khai ngộ và bài “Khai ngộ thi” của Ngài là thế nào. Nói ra thật ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ngài chỉ tình cờ nghe được hai câu diễm thi (thơ luyến ái) mà khai ngộ, và hai câu thơ đó lại do chính miệng ngài Ngũ Tổ Pháp Diễn ngâm cho một thí chủ Tào sứ họ Trần nghe:

…Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự
Chỉ vị Đàn Lang nhận đắc thanh

Tạm dịch:

Réo gọi con hầu gọi vẩn vơ
Mong chàng nghe biết Thiếp đang chờ

Đương thời, hai câu thơ này lưu hành rất phổ biến trong dân chúng, sở dĩ ngài Pháp Diễn ngâm hai câu thơ trên là để thăm dò cơ phong vị thí chủ, từng là một vị quan thường đến đây tham vấn Thiền Ích, ngâm xong Pháp Diễn hỏi:

Chẳng hay đại quan có thấu hiểu chăng?

Vị thí chủ chần chờ chưa hội, thú nhận mình không hiểu nổi, nhưng khi đó sư Khắc Cần tình cờ nghe được tức thì chợt ngộ. Ngài liền làm bài thất tuyệt trên trình sư phụ nhận khả, sau khi xem bốn câu cũng diễm thi của Khắc Cần, Pháp Diễn ấn chứng sư đã ngộ đạo. Thiền tông thật lạ, tình cờ nghe hai câu thơ diễm tình liểu ngộ, rồi làm bốn câu thơ tình ái phong lưu mà vẫn được ấn chứng. Nếu như trong “Ngũ Đăng Hội Nguyên” không ghi là khai ngộ thì chắc chắn chúng ta xem đó là những câu thơ diễm tình vậy.

Chúng ta hãy bắt đầu từ hai câu thơ của Ngũ Tổ Pháp Diễn: “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự”, “Tiểu Ngọc” có thể là tiên người hầu gái của một tiểu thơ, nghĩa của câu thơ này đơn giản là cô chủ đã mấy lần kêu gọi đứa hầu gái, nhưng thực ra không phải để sai bảo việc gì (gọi khan thôi), mục đích là chỉ lên tiếng cho người tình của nàng biết là nàng có đó đang đợi chàng “Chỉ vị Đang Lang nhận đắc thanh”.

Đối với vị thí chủ Tào sứ họ Trần đó chỉ là câu thơ diễm tình vậy thôi, trái lại sư Khắc Cần vừa nghe xong liền thoát ngộ? À té ra nói “nghi tình”: “Cái gì là cái diện mục của mình” mà sư ôm mãi trong lòng bấy lâu nay chợt bừng vỡ ra qua hai câu thơ: “Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự, Chỉ vị Đàn Lang nhận đắc thanh”, Ngài đã nhận ra được ông chủ của mình, không ở đâu mà chính ở ngay trong ta, như nàng vẫn có đó, đang đợi. Tiếng gọi vô “doan” đó làm thức tỉnh sư Khắc Cần, bởi tiếng hô gọi Tiểu Ngọc đó, nguyên từ thâm tâm chàng gọi nàng mong chàng nhận biết là nàng đang có mặt. Cái bản lai diện mục đó nó hằng ở trong ta, như ngài Động Sơn lội nước thấy bóng mình trong nước chợt ngộ “Ngã kim độc tự vãng, Xứ xứ đắc phùng cư”. Một mình một bóng bước đi, đâu đâu cũng gặp hắn (bản lai diện mục); “Cừ kim chánh thị ngã, Ngã kim bất thị cừ”, Nay hắn chính là ta, nay ta không là hắn, bởi ta còn chịu sự hạn cuộc của hình thể, vẫn còn bị hạn chế của cái Ngã. Nên nói hắn vẫn ở trong ta, nó là ông chủ của ta, ta không nhận biết đó thôi, sở dĩ “chỉ vị Đàn Lang nhận đắc thanh”.

Tiếp đó là bài thất tuyệt của Ngài trình sư phụ chứng khả, bài thơ hàm ẩn ý cảnh sau khi bừng vỡ khối nghi, nhận biết ông chủ của mình, với hai câu thơ đầu giới thiệu cảnh giới ngộ đạo của mình. Trong phòng khuê của một tiểu thơ trướng phủ gấm che, sau cuộc tình, lò hương tán, ca xang dứt, say sưa trở bước về, xác thực là đã trãi qua một cuộc yêu đương ân ái- Ý tứ là đã thân chúng ngộ đạo; Cái gọi là đạo, chứng đạo, trạng thái ra sao? Nhất định không sao nói được (bất khả thuyết). Và hai câu cuối ẩn dụ: Cũng như giai đoạn phong lưu thời niên thiếu, không thể ngỏ cùng ai, mà chỉ mình nàng và chàng tự biết thôi (tự ngẫm) “Chuyện cũ phong lưu lúc tuổi trẻ, Chỉ riêng nàng biết, tự nàng hay”. Đó gọi là cái hai tầng ý cảnh của những bài “Khai ngộ thi” của chư Thiền sư ngày trước vậy.

P.N-L.L.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here