Hoặc nếu có lo thì: một mẹ nuôi được mười con, chứ mười con không nuôi nổi một mẹ. Các cô cậu thường bào chữa: tại vì chúng con còn phải lo cho vợ con, mà đó cũng là dâu rễ, nội ngoại của các cụ chứ của ai đâu?
Vâng đúng, nước vẫn cứ chảy xuôi, nhưng con người thì khác, có những dịp như dỗ tết, ngày đại lễ, như lễ Vu Lan chẳng hạn thì mọi người chúng ta đều sẽ có một phút dừng lại để quay nhìn lại quá khứ, để hướng về tổ tiên.
1.HƯỚNG VỀ ÔNG BÀ
Chúng tôi nói hướng về ông bà vì hầu hết đó là những người đã khuất mà chúng ta thường biết rõ. Từ cụ tổ ba đời trở lên, thường là đã mất từ trước khi chúng ta chào đời, hay khi chúng ta còn quá nhỏ để có thể ghi nhớ, còn cha mẹ thì, phước thay những người còn được cài bông hồng trong dịp lễ Vu Lan này, thường là vẫn còn sống. Mà còn sống thì chúng ta thường dễ quên lắm. Chẳng thế mà có người đã viết: “Đừng có đợi đến khi cha mẹ chết rồi mới : trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời, mà chưa có lúc nào nhì kỹ được mặt mẹ. Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngũ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy…Và để mình bận tâm suốt đời lên xuống ra vào lợi danh…Thật như là mình chưa bao giờ thật có ý thức rằng mình có mẹ”.
Mẹ đã vậy, thì cha lại càng chỉ là cái “ ông già” ưa la hét, đánh đập. Phải như ông vua A-xà-thế mà chuyện cổ Phật giáo kể rằng ông ta thù ghét vua cha đến độ bỏ cho đói trong ngục thất. Phải đợi đến khi nghe mẹ kể về tình thương của vua cha khi ông ấy còn nhỏ xíu, thì lúc ấy ông ta mới hối hận, chạy vội vào ngục thất, nhưng đã trễ, vua cha đã chết.
Tâm lý con người là như vậy, khi mất rồi mới thấy tiếc. Ngay đến như vợ mình, hằng ngày lo lắng cơm nước, quần áo, con cái thì không biết đâu, chỉ lo mà phiền trách về những điều chưa ưng ý. Phải đợi tới khi vợ giận, bỏ về nhà cha mẹ đẻ vài ngày, mới thấy thấm thía. Đành vác “cái mặt mo” tới năn nỉ: “Trời có khi nắng khi mưa, chồng chén có khi xô lệch, thôi em em về đi, các con nó nhớ”.
Có lẽ là vậy, nên người Việt Nam chúng ta thường gọi cái bàn thờ tổ tiên ở trong nhà là bàn thờ ông bà, thắp nhang cho ông bà, cúng ông bà. Vì đó là nơi để chúng ta tưởng nhớ tới những người thân đã khuất, nhưng còn lưu lại trong chúng ta nhiều kỷ niệm và thường thì kỷ niệm nào cũng đẹp. Khi cha mẹ đã qua đời, nhắc lại những trận đòn thừa sống thiếu chết, chúng ta vẫn thường kết luận: nhờ vậy hôm nay mình mới được như thế này.
2. ÔNG BÀ VẪN CÒN ĐÓ
Rồi, lại sắp đem chuyện ma ra dọa con nít! Ai chẳng chết là thể xác, còn là tinh anh. Nhưng cái tinh anh ấy là cái gì thì chịu. mà giả sử như nếu còn, thì sẽ đi đâu? Người theo đạo Phật thì nói siêu sinh tịnh độ, người theo đạo Thiên Chúa thì nói về với Chúa, còn đa số chúng ta thì nói sẽ đầu thai qua kiếp khác. Nói tóm lại là không còn ở với chúng ta nữa.
Vậy mà mới đây giáo sư Nguyễn Hoàng Phương nói rằng ông ta có thể nhìn thấy những người đã khuất ở trên bàn thờ, thấy cả các vị ấy đang vui hay buồn, thấy các người đã chết mà vẫn sinh hoạt như những người còn sống. Phải chăng vì vậy mà chúng ta có thói quen nghĩ rằng “dương sao âm vậy”, chết chỉ là khuất mặt, nghĩa là chúng ta không thể tiếp xúc được với những người ấy bằng các giác quan thông thường nữa. Mà khoa học đã chứng minh rằng giác quan của chúng ta thật là hạn chế, chỉ nghe được những âm thanh có tần số từ bao nhiêu tới bao nhiêu, chỉ nhìn được màu sắc từ độ dài sóng này đến độ dài sóng khác. Trong khi chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu sóng, như sóng tivi, sóng radio, sóng điện thoại, mà chỉ cần bật nút lên là thấy hiện ra trước mắt.
Nếu còn nghi ngờ về sự hiện diện của ông bà, hoặc các người chết nói chung, thì xin thêm những câu chuyện về ông nguyễn Văn Liên ở ngoài Bắc, có thể dùng điện thoại để giúp những người trong Nam tìm ra mộ phần của các người thân, đã bị chết mất tích từ trong thời kỳ chiến tranh vừa qua. Đối với cái thấy này, khoa hoc phương Tây phải thừa nhận và gọi là khoa Ngoại cảm học(Extra Sensorial Practices). Hãy tin đi, để khi thắp nhang trước bàn thờ ông bà, chúng ta được trò chuyện với các người thân đã khuất mặt. Nếu nghĩ rằng các vị ấy đang nhìn chúng ta, nghe chúng ta và lau nước mắt cho chúng ta nữa, thì được an uỉ lắm chứ, tâm hồn mình sẽ nhẹ nhàng, sẵn sàng chấp nhận các khó khăn của cuộc đời.
3.VỚI TẤM LÒNG THÀNH
Trong họ hàng nhà tôi, có một bà cô, cứ mỗi khi trong nhà có giỗ tết, bà thắp nhang đứng trước bàn thờ và khấn rất to tiếng, như đọc đơn xin: hôm nay là ngày…chúng con là… Sau khi kể khổ, là tới mục xin, một danh sách rất dài.
Tôi được nghe kể rằng hồi bà nội tôi còn sống, cô ấy được bà nội tôi cưng chìu nhất, vì là con gái út mà, nên quen xin tiền ăn quà, mua sắm đủ thứ quần áo, đến nỗi bà nội tôi đã phải nói “cứ thấy mặt là thấy xin tiền”. Bà cô tôi cũng sẽ trả lời: “Không xin mẹ thì xin ai bây giờ? Chẳng lẻ sang xin hàng xóm? Mẹ lại nói đồ ăn mày”. Vâng, thật là đối với nhiều người, cầu nguyện chỉ là một dịp để xin mẹ.
Tôi cho rằng cầu nguyện là tưởng niệm, là tiếp xúc, là trò chuyện. Giả sử như nhà tôi nghèo, lễ Vu lan năm nay, tôi sẽ chỉ đặt trên bàn thờ một chén nước lạnh, tôi sẽ thắp nhang và khấn rằng: “Mẹ ơi, cả nước ta bị bảo lụt rồi lại hạn hán rồi khủng hoảng kinh tế từ Đông Nam á đang lan ra cả thế giới. Thôi, mẹ uống tạm tách nước này cho ngọt giọng, rồi ngồi nói chuyện với con nhé. Hồi mẹ chết, con còn nhỏ quá, con chỉ biết mẹ qua mấy tấm hình trong cuốn album. Nhưng các bác, các cô, các chú kể cho con nghe nhiều chuyện về mẹ lắm. Ai cũng nói mẹ đẹp và giỏi lắm, mẹ thương con lắm, mẹ chìu con lắm, vì con là con út mà lại ốm yếu nhất nhà mà, phải không mẹ? Mỗi khi các anh chị bắt nạt con là mẹ bênh này, các anh chị dành phần ăn của con là mẹ la này, còn lúc con mà khóc ấy là, thì muốn đòi gì mẹ cũng cho hết, phải không mẹ?…” Tôi sẽ thấy mẹ tôi cười đưa tay ra như muốn ôm tôi vào lòng mẹ, như hồi tôi còn bé xíu, còn mẹ.
Trong khi đó, ở một nơi nào đó, có thể có một mâm cổ rất là thịnh soạn, nhang đèn sáng trưng, có cả băng cassette tụng kinh Vu Lan nữa. Nhưng ông chủ thì lại đang bận tiếp khách ở nhà ngoài. Nhìn lên đồng hồ, ông quay lại nói với người nhà: “Coi tàn nhang chưa thì dọn ra đi, chứ đến giờ rồi! Đừng để khách đợi, lâu quá chứ. Nào trong khi chờ đợi, chúng mình cùng nâng ly lên đi, dzô”. Giá lúc ấy mà có ông Nguyễn Hoàng Phương ngó lên bàn thờ thì sẽ thấy bàn thờ trống trơn, hoặc các cụ sẽ bảo nhau, “Thôi dọn ra cho chúng nó ăn đi, bày ra để ăn với nhau thôi chứ cúng kiến gì đâu”. Các cụ sẽ bỏ đi bụng đói như những cô hồn, khi bỏ đi như vậy, nếu các cụ đi ngang nhà tôi, thì mẹ tôi sẽ mời các cụ vào, uống tách nước mà tôi dâng cúng mẹ. Chỉ một hớp tôi, nhưng các cụ sẽ thấy sảng khoái và dễ chịu, vì tôi biết các cụ cần gì. Tôi nhớ có lần được xem phim về đức Phật, có đoạn kể về cây đèn dầu của người đàn bà nghèo:Theo tục lệ thời đó, những người đến nghe đức Phật thuyết pháp đều mang theo cây đèn. Có người đàn bà nghèo, muốn nghe Phật thuyết pháp, mà không có tiền để mua dầu. Bà phải bán mái tóc của bà, tài sản quí giá duy nhất còn lại để mua dầu thắp đèn cúng Phật. Cuối buổi giảng, mọi người về hết, những cây đèn dầu vẫn cháy. Thế rồi giông gió nổi lên, ma quỉ muốn phá đức Phật, tất cả các cây đèn dầu lần lượt bị gió thổi tắt. Vâng, ngọn đèn của người đàn bà nghèo vẫn cháy. Ngọn đèn ấy được đức Phật hộ trì, vì ngài đã nhận thấy tấm lòng trung thực và thành kính của bà.
4. TẠO PHÚC CHO ÔNG BÀ
“À, không được hỗn nhé. Từ xưa tới nay, chỉ có ông bà để lại phúc đức cho con cháu, chứ bao giờ con cháu tạo phúc cho ông bà đâu? Nói thế là hỗn nhé”.
“Nhưng thưa mẹ, sao con nghe kể rằng khi thấy mẹ mình là bà Thanh Đề bị đày đọa trong ngục tối, bị làm thân ngạ quỉ, cái bụng thì to mà cổ họng lại nhỏ, đưa cơm lên gần miệng thì lại hóa than hồng, nên lúc nào cũng bị đói khát. Ngài Mục kiền liên đã có thể cầu xin cho mẹ mình? Khi nghe lời đức Phật, đợi chư Tăng ra hạ, ngài Mục kiền liên cúng dường chư Tăng và nhờ chư Tăng hộ niệm, bà Thanh Đề đã được giải thoát, vậy chẳng là ngài Mục kiền liên đã tạo phúc cho mẹ ngài sao?”
Vâng, đúng là nước chảy xuôi, cha mẹ để phúc cho con cháu, nhưng đó không phải là quy luật bất biến: nếu con cháu làm việc phúc đức và hướng về ông bà cha mẹ thì có thể cải nghiệp cho người đã khuất. Nói theo ngôn ngữ khoa học, thì những người cùng huyết thống có thể ví như những máy thu phát sóng có chung một tần số (AND), khi máy này phát thì máy kia thu và ngược lại. Chẳng thế mà các cụ xưa thường để lại của hương hỏa, để đứa con cháu nào nhận phần ấy thì phải lo đèn nhang cho các cụ. Đâu chỉ có đám tang và mồ mả là xong mà còn là cúng giỗ hàng năm, là đèn nhang hàng ngày, là làm việc thiện để cầu phúc cho ông bà và nhất là còn những lúc trò chuyện với ông bà nữa chứ.
KẾT LUẬN: ĐẠO ÔNG BÀ
Người ta có thành kiến là người da trắng sống cho tương lai, người da đen sống cho hiện tại và người da vàng sống trong quá khứ. Không biết điều đó đúng tới đâu, nhưng riêng tôi, cứ mỗi tối, khi tạm quên các lo nghĩ về tương lai, hòa mình vào hiện tại để sống với quá khứ, tôi thấy tâm hồn thật bình thản, hạnh phúc. Tôi nhớ lại ông bà, cha mẹ đã khuất và cảm thấy mình đã được yêu thương. Nếu áo em cài hoa trắng, em đừng buồn, ông bà cha mẹ vẫn thương em và luôn ở bên em để phù hộ, nâng đỡ, an ủi em. Em càng đau khổ nhiều thì lại càng được yêu thương hơn. Như tôi đây chẳng hạn, được mẹ tôi thương yêu nhất trong các chị em, vì tôi là con út, ốm yếu nhất và hay bệnh hoạn nữa.
Đạo là con đường, là nếp sống, là triết lý cuộc đời. Nếu nói anh là Phật giáo, tôi là Thiên chúa giáo, mình sẽ thấy xa nhau. Nhưng nếu nói chúng mình cùng theo đạo ông bà thì lại thấy gần nhau, vì ai mà chẳng có ông bà và năm nào chẳng có Vu Lan, để chúng ta cùng thắp nén nhang trước bàn thờ ông bà. Nhìn lên bàn thờ, chúng ta thấy ông bà còn đó, chúng ta sẽ trò chuyện với ông bà và sau đó, sẽ làm việc phúc đức để ông bà được siêu thoát, dù các người đang ở đâu.
L.H.Đ