Trong sinh hoạt bạn bè, chúng ta thường nghe thấy câu: “Ngủ được không?” để nghe trả lời: “Ngủ không được!”. Với một vài trường hợp đặc biệt trong một môi trường chung, khi muốn xin phép để ngủ, thì nói: “Được ngủ không?” và câu trả lời có thể là: “Không được ngủ!”.
Như vậy, chứng tỏ rằng, việc ngủ được hay không cũng còn tùy hoàn cảnh, tùy môi trường, và tùy cá nhân người muốn ngủ. Khi một người, vì lý do gì đó mà thiếu ngủ, thì thường tự cho là mình mắc bệnh mất ngủ, rồi đi tìm thầy, tìm thuốc. Nếu thuốc hiệu nghiệm, giúp cho mình ngủ được thì yên chí rằng mắc bệnh mất ngủ. Nếu không hợp thuốc, thì sinh ra mặc cảm, âu lo, chán nản, và buồn bã. Từ mặc cảm này sẽ nẩy sinh ra nhiều mặc cảm khác, khiến người xuống cân, mất sức khỏe, không thể làm việc hăng hái như trước nữa. Một khi mà người chán nản, buồn bã thì cơ thể sẽ sản xuất ra một “yếu tố X”, (khoa học chưa đặt tên được nhưng đã có chứng minh cụ thể bằng phương pháp sinh hóa), yếu tố này làm cho hệ thần kinh suy nhược khiến các bắp thịt yếu đi, và sức đề kháng trong cơ thể không còn, nếu có sự tấn công của vi khuẩn hay vi trùng, thì nhất định sẽ ngã bệnh nhanh chóng.
Theo nguyên tắc điều trị, muốn chữa bệnh phải định bệnh. Với sự mất ngủ, chúng ta phải chia làm 3 loại: Mất ngủ, thiếu ngủ, và khó ngủ.
1- Mất ngủ: Vì một lý do gì đó, thần kinh gây ngủ đã không hoạt động được, nên người gặp trường hợp này, mắt cứ trơ trơ, không nhắm mắt được lâu và có thể hoàn toàn không ngủ trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Có những trường hợp người mắc bệnh này hoàn toàn không ngủ trong nhiều năm. Đa số thì ngủ được nhưng không hoàn toàn, nghĩa là chỉ ngủ có vài tiếng đồng hồ mỗi đêm. Đây mới là “Bệnh Mất Ngủ”, cần đến thuốc ngủ rất nhiều, đủ loại nhưng cũng chưa chắc có kết quả. Nhiều người uống riết thành trơ với tất cả mọi loại thuốc ngủ.
2- Thiếu ngủ: Trường hợp này, cơ thể thì muốn ngủ, ham ngủ, nhưng vì hoàn cảnh nào đó, mà “không được ngủ” chứ không phải “ngủ không được”. Với trường hợp này, mắt lúc nào cũng đỏ, người đi đứng lảo đảo, mệt mỏi, hễ gặp cơ hội, thì ngủ vật vã ngay. Vì thế, không thể gọi là “bệnh” mất ngủ, mà chỉ là “trạng thái thiếu ngủ”. Do đó, không cần thuốc, chỉ cần tạo ra hoàn cảnh thuận tiện cho ngủ thì mọi việc sẽ trở lại bình thường ngay.
3- Khó ngủ: Đa số chúng ta gặp hoàn cảnh này, nghĩa là nằm trên giường, thao thức mãi, mới ngủ được, mà chỉ ngủ chập chờn, rất tỉnh, chỉ một tiếng động nhỏ, là giật mình, thức giấc ngay, rồi cố gắng ngủ lại rất khó, có khi nằm cả 2, 3 tiếng đồng hồ mới ngủ tiếp được. Đây cũng không phải “Bệnh” mà cũng là “Trạng thái khó ngủ”. Nhưng điều quan trọng là những người gặp Trạng Thái này cũng dựa vào thuốc ngủ, thuốc an thần và không biết rằng hầu như tất cả các loại thuốc an thần, thuốc ngủ đều có chứa chất gây nghiện! Nếu uống nhiều sẽ thành ghiền! Không uống thì không ngủ được! Đó là chuyện đáng ngại.
Vì thế, để chữa trị căn “bệnh mất ngủ” hay “trạng thái khó ngủ” này, thì cần đến Thiền – Ngọa Thiền, mà không nên dùng thuốc, trừ trường hợp bị căng thẳng thái quá, cần trấn an hệ thần kinh, thì bất đắc dĩ mới dùng thuốc, với một liều lượng nhẹ nhất, cho qua cơn kích thích rồi sau đó, ngưng thuốc mà áp dụng Ngọa Thiền để ngủ. Dĩ nhiên, vì Thiền chỉ lá một phương pháp, cho nên muốn có tác dụng, phải cần hai yếu tố: Tập Trung Tư Tưởng và Kiên Trì, nghĩa là dùng hết ý chí, nghị lực của mình và luyện đi luyện lại, nếu vài ngày mà chưa thấy kết quả nay, cũng không nản chí, mà vẫn phải tiếp tục cho đến khi thành công. Ngoài ra còn phải chuẩn bị tâm sinh lý trước khi vào Thiền:
– Ăn cơm tối trước khi ngủ ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
– Tắm nước ấm trước khi ngủ 1 tiếng đồng hồ.
– Không uống rượu, không hút thuốc, không ăn ớt quá cay.
– Mặc quần áo rộng, thoải mái.
– Mùa Thu và mùa Đông: đi bít tất trước khi ngủ.
– Ngay trước khi lên giường, đánh răng, lau mặt bằng nước ấm.
– Với những người ngủ hay há mồm, sáng dậy thấy khô miệng, phải dùng một miếng băng dán giấy văn phòng (office tape), loại nhỏ, (bán tại Office Depot, hay Stapples), bề ngang hơn 1cm, dài cỡ 2,5 cm, dán kín miệng! Mục đích làm cho miệng khép lại, buộc cơ thể phải thở bằng mũi.
– Trên hết, phải tâm niệm rằng: “Giường là chỗ để ngủ và để yêu, không phải là bàn làm việc sở, cũng không phải là chỗ bàn việc gia đình!” Phải cương quyết bỏ tất cả mọi suy nghĩ về công việc làm ăn, lo toan về gia đình, vợ chồng, con cái ra ngoài cửa phòng ngủ. Khi bước vào giường, nhất định không nghĩ gì nữa! Dẹp!
Và bắt đầu Ngọa Thiền:
– Nằm thẳng, hai tay xuôi theo thân hình. Nằm không gối thì tốt nhất, nếu chưa quen nằm không gối, thì dùng một gối mỏng dưới đầu, hay một gối nhỏ, tròn để dưới cổ! (Gối tròn ngoài tiệm bán đôi khi hơi cao, nên có thể dùng một cái khăn bông tắm cuộn tròn lại.) Những người hay bị lạnh, thì nên đắp một tấm chăn mỏng.
– Chuẩn bị: Hít thở chậm, qua đường mũi, tập trung tư tưởng, theo dõi hơi thở của mình qua mũi, qua khí quản, xuống phổi, xuống đan điền (bụng), rồi thở ra qua phổi, qua khí quản, qua mũi. Đếm (1,2,3…) thầm trong đầu mỗi khi khí thoát ra ngoài mũi. Làm 10 lần như thế.
– Thở Thiền: Sau khi xong 10 lần chuẩn bị, thì đi vào thở Thiền: Hít thật sâu, thật dài, thật chậm qua mũi, qua phổi, xuống đan điền, NÍN HƠI, đếm 1, 2, 3, rồi từ từ thở ra cũng thật chậm. Khi khí ra qua mũi, đếm 1. Tiếp tục như trên đến từ 15 đến 20 lần.
– Phân Thân: Giai đoạn quan trọng nhất: Tự mình chia thân mình ra làm hai phần: Phần thân thứ nhất: cơ thể nằm trên giường. Phần thân thứ hai: “tưởng tượng” mình đứng bên cạnh giường nhìn lại “cơ thể mình” nằm trên giường. Phần thân thứ hai này sẽ chủ động nhìn lại phần thứ nhất từ chân lên đầu.
Bắt đầu nhìn từ ngón chân cái của bàn chân phải: Nhìn lại ngón cái, rồi cố nhớ lại những kỷ niệm đã xẩy ra với ngón chân cái này: đã có lần nào bị sứt móng? Đã vấp và gẫy…? Mầu sơn móng bị hư…?
Sau khi nhìn vào ngón cái bên chân phải, thì di chuyển tầm mắt sang ngón chân kế tiếp…nhớ kỷ niệm xưa..
Rồi tầm nhìn lướt lên tới mu bàn chân phải, nhớ kỷ niệm liên quan đến mu bàn chân phải… qua mu bàn chân trái….rồi tới mắt cá chân hai bên…
Tiếp đến, nhìn ngược lên bắp chân phải, nhớ xem có cái sẹo nào hay không? Qua chân trái… từ từ nhìn lên đùi trái.. qua đùi phải…
Nhìn tới bụng, với phụ nữ đã mang thai, có rất nhiều kỷ niệm… Cố nhớ lại từng kỷ niệm..Lần mổ.. lần đau bụng khủng khiếp…những căn bệnh tại vùng bụng… Sẹo?
Sau khi nhìn bụng, thì tia nhìn liếc lên tới ngực, nhớ lại những cơn đau tim, đau phổi, bị lao…
Tiếp theo, nhìn sang cánh tay phải, chạy xuống khuỷu tay, rồi cổ tay, ngón tay…
Tới đây, nếu chưa ngủ, thì nhìn lên đầu, mắt môi mũi má…tai…
Thường thì nhìn tới đây, người khó ngủ đã ngủ rồi. Nhưng với người bị bệnh mất ngủ hay khó ngủ nặngthì phải đọc thêm bài kệ theo phương pháp sau: Tự thu băng cassette, đọc chầm chậm, rồi mở ra nghe lại, sau khi đã tập Thiền, để suy nghĩ về ý nghĩa của từng câu kệ như sau:
Có ai tắm hai lần
Ttrong cùng một dòng sông?
Dù vẫn là bờ sông, Nơi hàng ngày vẫn lội?
Nước từ trên chẩy vội.
Mỗi sát na một khác.
Chỉ cần xa môt khắc.
Đã cách biệt muôn trùng.
Không hẹn ngày trùng phùng.
Bạn bè rồi cũng thế.
Gặp nhau rồi quạnh quẽ.
Chim trên trời cô lẻ.
Giữa thiên nhiên mênh mông.
Chẳng khác gì vợ chồng.
Gần nhau rồi cũng biệt.
Như dã tràng mải miết.
Lấp mãi lỗ vô cùng.
Ta đứng giữa không trung.
Cũng chỉ là hạt cát.
Nằm bên bờ biển mát.
Nhưng chẳng nghĩa lý chi.
Nếu không có tình si.
Trao cho người đồng loại.
Tình yêu còn mãi mãi.
Thân thể thì hư không.
Nếu yêu tận đáy lòng.
Thế gian này bất hoại.
Vậy, có chi tồn tại.
Ngoài tình yêu tha nhân?
Còn những chuyện phân vân.
Danh, Tiền, và nhan sắc.
Lúc còn rồi lúc mất.
Non trẻ rồi già mau.
Khỏe mạnh hay đớn đau.
Cũng chỉ là giai đoạn.
Niềm vui hay hoạn nạn.
Của tất cả con người.
Nên ta không bồi hồi.
Không buồn rầu, lo lắng.
Không càu nhàu, cắng đắng.
Cứ để đời trôi qua. M
ặc sự thế lìa xa.
Ta thung dung tự tại.
Sống với bản thân mình.
Hạnh phúc cũng nơi mình.
Ta như vầng mây xanh.
Bay lượn khắp thị thành.
An nhiên và giác ngộ.
Không sợ trước đồ sộ.
Không khinh rẻ nhỏ nhoi.
Ta chính là cuộc đời.
Tâm Ta và Thân Ta.
Đã thực sự chan hòa.
Trong trùng trùng hạnh phúc.
C.T.T (Việt Báo)