Trang chủ Thiền môn xứ Huế Danh Tăng-Ni, Nhân sĩ Ngẫm lại bài thơ khắc trên quả quýt của thiền sư Viên...

Ngẫm lại bài thơ khắc trên quả quýt của thiền sư Viên Thành

166
0

Thiền sư Viên Thành, húy Công Tôn Hoài Trấp, sinh ngày 17/11/1879 (ÂL). Thân phụ là Công tử thứ 38 Tỉnh Quy. Thân mẫu là bà Vũ Thị Dần (quê ở Hải Lăng, Quảng Trị). Ông nội là Hoàng tử Nguyễn Phúc Bính được phong Định Viễn Công (Định Viễn Quận vương).

Thiền sư mồ côi mẹ năm lên 4, lại mồ côi cha năm lên 10. Huyết thống hoàng tộc, thân phận mồ côi bị bạc đãi (bởi dì ghẻ và 2 em cùng cha khác mẹ), đất nước lại là thời biến loạn, dáng người dễ thương nhưng cũng tỏ ra hoang nghịch lắm. Chủ yếu tự học nhưng Thiền sư rất thành đạt về thơ văn. Dĩ nhiên, thành đạt về tu hành của Thiền sư phải kể đến cơ duyên của Thiền sư với Viên Giác Đại sư (Hầu Nguyễn Khoa Luận nguyên là Bố chánh sứ tỉnh Thanh Hóa, treo ấn từ quan quy y Phật năm 1886 về tu hành tại chùa Ba-La-Mật nay tọa lạc ở xã Phú Thượng thành phố Huế). Năm 1900, Đại sư Viên Giác viên tịch, Thiền sư kế vị trú trì chùa Ba-La-Mật với đạo hiệu Viên Thành, pháp húy Trùng Thông.

Năm 1901, Thiền sư đỗ loại ưu tại đại giới đàn ở Phú Yên. Từ đó danh tiếng và đạo hiệu của Thiền sư trở nên quen thuộc trong chốn sơn môn và khắp kinh thành. Quang cảnh chùa Ba-La-Mật vì thế cũng trở nên vui rộn hơn trước. Tuy vậy, vốn thân phận mồ côi phải nương dựa cửa chùa, lại được sự tin yêu của Đại sư Viên Giác nên Thiền sư luôn bị đố kỵ bởi những người xung quanh. Muốn gần gũi người thầy cao quý, Thiền sư khai sơn chùa Tra Am gần tháp mộ Viên Giác Đại sư, dưới chân núi Ngũ Phong (nay thuộc phường An Tây thành phố Huế) vào năm 1923.

Chùa Tra Am ban đầu chỉ là tranh, tre, gỗ, đá với bàn tay chịu khó, khéo léo của Thiền sư cùng các đệ tử Trí Uyên, Trí Hiển, Trí Giải với Phật tử xa gần sắp đặt tạo nên “lược ước kiều” (cầu làm bằng thân cây thông có tay vịn trước chùa), “tẩy bát lưu” (dòng khe trước chùa), “tẩy bát thủy” (bến nhỏ lấy nước), “ngọa vân khốt” (chỗ đọc sách). Hai câu đối treo hai bên cột tre trong phòng khách là “Hoa lạc, gia đồng vị tảo/ Điểu đề, sơn khách do miên”(2) (Hoa rụng, tiểu đồng chưa quét/ Chim kêu, sơn khách còn ngơi). Bên cửa sổ thư hiên phủ bóng cây chay già là hai câu thơ “Nhất phiến bạch vân hoành cốc khẩu/ Hứa đa quy điểu tận mê sào!”(3) (Một giải trắng phau mây cửa động/ Lũ chim về tổ cách mê man!)…

Tra Am là nơi gặp gỡ chân-thiện-mỹ của Thiền sư với hậu thế. Đến Tra Am: quanh co theo khe nước, vạch lối cây rừng sẽ gặp trước cầu “lược ước” bắc qua ngang dòng khe “tẩy bát”, chùa ẩn kín sau rừng cây. Gian trước thờ Phật, riêng một hiên sau có biển đề “Ngọa vân khốt” đây là nơi hàng ngày Thiền sư Viên Thành giảng kinh cho đệ tử. Khắp trong khuôn viên chùa, đâu đâu cũng là câu đối với các vần thơ đầy ắp phong vị thiền của Thiền sư. Thiền sư Viên Thành đã là người thâm thiền học lại giỏi làm thơ, đúng nghĩa là bậc cao Tăng và cũng là một ẩn sĩ. 

Là bậc đại sư, xuất thân từ hoàng tộc, nhưng Thiền sư Viên Thành luôn giữ cách sống đạm bạc: không đi cúng quảy, tụng kinh cho tín chủ, rất ít khi nhận của biếu của các tri âm. Nếu có nhận thì Thiền sư cũng lại gửi chia cho các tôn túc pháp hữu khác. Suốt cuộc đời thanh cao, không vướng lợi danh, cho đến lúc sắp viên tịch, trong hầu bao còn mấy đồng bạc Thiền sư cũng trút hết cho pháp tử giữ thật sạch hai bàn tay để về với nước Phật. Ngồi đãi khách “các mệ” với nồi cơm gạo đỏ và bát canh bầu non, Thiền sư vẫn tươi cười ngâm: “Món cao lương tuy ngon nhưng lợm/ Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon”(4). Trong nếp sống nghèo nàn, bình dị, đạm bạc, thanh bạch “Xao bãi tàn chung hiểu vị phân/ Đằng sàng phá nạp ủng lô huân/ Gia phong bất dụng phiền quán vấn/ Mao ốc tam gian, nhất ổ vân”(5) (Thỉnh trọn hồi chuông, vẫn sáng mờ/ Ôm lò nằm sưởi áo gai xơ/ Cửa nhà đâu dám phiền lòng hỏi/ Mây trắng, lều tranh, phủ mịt mờ) Thiền sư vẫn vui vẻ thỏa thích, xem nhẹ cuộc đời như bông, không một thoáng buồn lo, trái lại rất dí dỏm, hài hước làm thơ, ngâm thơ, trà đạo với nét mặt hiền từ, ôn hòa, cởi mở, cử chỉ khiêm cung, phong thái nhàn nhã, không mất lòng ai. Kể cả trong giảng dạy đệ tử và các học tăng, dù ai có lỗi thế nào Thiền sư vẫn ôn tồn phân tích để họ thấy rõ sai lầm, tuyệt nhiên không giận dữ, nóng nảy. 

Thiền sư thành lập giảng đường Tra Am nhằm mục đích giáo hóa đệ tử bản chùa cũng như học tăng từ các chùa khác đến xin học. Giảng đường này được lập ngay tại kinh phòng phía sau gian thờ Phật. Khóa trình là các bộ kinh, luật căn bản và phổ thông cho người xuất gia: kinh Di Đà, Phổ Môn, Vu Lan… Luật Sa Di, Tứ Phần, Phạm Võng… Đôi lúc vui vẻ, Thiền sư còn giảng dạy cách làm văn thơ, đối liễn. Ngoài sốt sắng đào tạo tăng tài làm cơ sở cho tương lai của đạo pháp, Thiền sư còn phổ biến pháp vụ giảng dạy Phật pháp cho hàng hàng tín đồ ham học nhằm nâng cao tri thức, sẵn sàng kiến giải những sai lầm về nội điển trong hàng pháp lữ quen thuộc. Một trong những đệ tử nổi tiếng của thiền sư sau này là Hòa thượng Thích Trí Thủ (6). Còn thơ thiền của Thiền sư thì được lưu truyền với chư tôn túc khắp Bắc, Trung, Nam (ở Huế, ngoài chùa Ba-La-Mật, Tra Am là ở các chùa Tây Thiên, Trúc Lâm, Thiên Hưng, Tường Vân,..). Đối với một số các bậc túc học nổi tiếng đương thời tại kinh đô Huế, từ các đại thần, ẩn sĩ, văn sĩ, nhà cách mạng, đến các quan về hưu và nữ sĩ (các Hòa thượng Tâm Tịnh, Giác Tiên, Tuệ Pháp, Tịnh Hạnh,.. các học sĩ, đại thần Hải Bình Thị Ưng Tiến, Nguyễn Hương An, Đạm Phương Nữ Sử, Quất Đình Ưng Ân, Ưng Bình, Hồng Trứ, Đông Lâm cư sĩ, Chương Dân Phan Khôi, Nguyệt Đình Lê Thiện Trai, Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền, Tiêu Đẩu Nguyễn Bá Trác, Bình Nam Nguyễn Khoa Tân, Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu,..) Thiền sư không chỉ là người bạn, mà còn là bậc thầy chỉ đạo tinh thần của họ, nhất là với Mai Tu Nguyễn Cao Tiêu (7). 

Tác phẩm thơ văn của Thiền sư hiện còn là “Lược ước tùng sao” với chừng 100 bài, trong đó gần 70 bài thơ chữ Hán đủ thể loại và 30 tản văn. Khi đọc bài thơ: “Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương,/ Khi chưa đến đặng, hận muôn đường./ Đã đến xem ra, không gì lạ,/ Vầng trăng núi Ngự, nước sông Hương”(8) mà theo Nguyễn Văn Thoa thì Thiền sư đã khải thị với các bậc liễu đạo rằng mọi sự ở đời vẫn thế không có gì mới lạ cả, thì ta không thể không đọc bài thơ khắc trên quả quýt của Thiền sư Viên Thành: 

“Ngọt ngào không rõ đặng trong lòng,

Rõ đặng trong lòng biết đục trong,

Biết đục trong hãy xin nếm thử,

Hãy  xin nếm thử ngọt ngào không?” (9) 

Bài thơ chỉ có 4 câu, nhưng đọc mãi không hết được. Đọc mãi không hết được nhưng vẻn vẹn chỉ 4 câu. Trước hết, triết lý luân hồi của bài thơ là ở đó: Vướng nghiệp phải biến đổi theo nhân-quả. Nhân thành quả, đến lượt quả là nhân mới để thành quả mới – là quá trình vô cùng vô tận, vô thủy vô chung. Biến đổi theo nhân-quả thì chìm đắm trong luân hồi: Vạn vật vô tình là thành-trụ-hoại-không. Muôn loài hữu tình là sinh-trụ-dị-diệt. Con người là sinh-lão-bệnh-tử. Hiện hữu chỉ là một kiếp. Không, Diệt, Tử chỉ là kết thúc của một chu kỳ và mở đầu cho chu kỳ mới. Các từ cuối của câu trước là các từ mở đầu của câu sau, các từ kết của câu cuối là các từ mở đầu của câu đầu, há chẳng phải là triết lý luân hồi trói buộc chúng sinh đấy thôi. 

Thấm nhuần triết lý luân hồi, nên ngày đầu xuân năm 1928, lên chùa Thuyền Tôn lễ tổ, Thiền sư đọc hai câu thơ: “Không chết cho rồi về với Tổ/ Sống hoài con cháu phải kêu sơ (sư)”(10). Kể từ khi lâm trọng bệnh, Thiền sư không lo buồn, mỗi khi bụng réo đau Thiền sư lại gọi các đệ tử, vừa cười vừa bảo một cách vui vẻ: “Này các con lại xem bụng ta đánh trống long tong!”(11). Khi tháp hoàn thành, Thiền sư bình thản, tự tại, đón chờ ngày trở về vĩnh cửu với thiên nhiên: “Già rồi, xây tháp giữa non mây/ Gửi gắm mai sau nắm xác gầy./ Chống gậy, lúc nhàn, bên suối đứng,/ Núi xanh nào chẳng đón người đây!”(12). 

Thứ hai, bài thơ khắc trên quả quýt như là những chỉ dạy của Thiền sư với nhân thế về tính phức tạp của nhân gian. Không thể nhìn bề ngoài để đoán biết bản chất của vạn vật. Đời sống xã hội lại càng không thể như thế “Ngọt ngào không rõ đặng trong lòng,/ Rõ đặng trong lòng biết đục trong”. Trải nghiệm 49 năm tuổi đời của Thiền sư với 32 năm tu hành đủ vui buồn để thông tỏ. Thái độ của Thiền sư trước mối bất hòa phần lớn do lòng ganh tị, đố kỵ của những người xung quanh tại chùa Ba-La-Mật là “Ba mươi tuổi biết sáu mươi nơi,/ Thẩn thẩn thơ thơ ở với đời./ Nỏ giận hờn ai cho mệt dạ,/ Chớ đua tranh miệng khỏi hao hơi./ Dại khôn cũng hóa ra thành đất,/ Suy tính chi qua đặng với trời./ Chán biết nhân tình là tệ bạc,/ Cũng trò, cũng chuyện cũng cười chơi”(13). Trải nghiệm với đổi thay của cuộc đời, nên chứng kiến cảnh hoang tàn của chùa cổ Phổ Thành (Hà Trung) Thiền sư đã không bận lòng: “Nền cũ chùa xưa rêu phủ xanh,/ Núi mòn, nước đọng, nghĩ loanh quanh./ Đã xoay thân thế ngoài dâu biển,/ Đừng nhắc nhân gian kiếp hoại thành”(14).  Trải nghiệm với đổi thay của cuộc đời, nên kể từ khi xuất gia theo Phật, trọn đời thiền sư dốc hết nhiệt huyết cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh “Xuất gia phải tập chí chuyên cần,/ Và phải làm thân với thiện nhân./ Đừng có mải mê theo bạn dốt,/ Sợ rồi lầm lạc vướng phong trần./ Lưu manh, bạc ác nên xa lánh,/ Chung thủy, hiền lành cố gắng thân”(15). 

Thứ ba, bài thơ khắc trên quả quýt còn là một bài học về rèn luyện và khám phá thế giới. Trong rèn luyện, theo Phật giáo là sự tinh tấn. Trong thực tiễn khám phá thế giới, học phải đi đôi với hành. Nhận thức thế giới không được dừng lại ở cảm tính, phải khám phá để nhận biết bản chất của muôn vật. Vì hời hợt dừng lại vẻ bên ngoài mà không biết được cái bản chất đẹp bên trong của vạn vật “Biết đục trong hãy xin nếm thử,/ Hãy  xin nếm thử ngọt ngào không?”. Cuộc đời của Thiền sư Viên Thành là hành động. Hành trình vân du khắp Bắc-Trung-Nam “Nón dâu, khăn xách, lang thang,/ Non xanh nước biếc mây ngàn trăng thu./ Màn trời nệm đất ngao du,/ Đầu non đội liễu tối đâu là nhà”(16) với cái nhìn vươn ngoài không gian, thời gian của người yêu đời, yêu thiên nhiên, đắc đạo, Thiền sư mới viết được “Tây Hồ tháng lại ngày qua,/ Mây bay hạc liệng Thu đà sang Đông./ Mới hay sắc sắc không không,/ Một tay cắp hết non sông lại về”(17). Và thế cho nên cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư mãi mãi trong lòng bè bạn và hậu thế là: “Gối mây nằm ngủ hang mây,/ Cửa nhà đạm bạc chẳng lây tục phiền./ Lên thăm, mưa gió triền miên,/ Thanh cao đẹp tựa con thuyền Diễm Khê”(18). Hoặc “Nghe nức Thần Kinh tiếng luận bàn:/ Ngự Bình ẩn sĩ có Tra Am./ Vươn ngoài thế thái, thân không bận,/ Siêu thoát nhân gian, chí đã cam./ Kinh điển lưu truyền nơi cửa Phật,/ Thi văn trì tụng chốn già lam./ Phồn hoa cười tớ ham giong duỗi,/ Hổ thẹn chưa từng đến lễ tham”(19). Và để rồi hậu thế mãi mãi nhớ đến một Thiền sư Viên Thành: 

“Lòng thiền như trăng sáng,

Tôn nhan như núi cao.

Trí đức đều đáng kính,

Thanh tĩnh biết dường nào” (20). 

H.N.V

 Chú thích: 

(1) Tựa đề của Ban Biên Soạn.

(2) Nguyễn Văn Thoa, Tra Am và sư Viên Thành, Môn đồ Ba-La-Mật và Tra Am ấn hành, Phật lịch 2517 (1972), trang 67.

(3) Sách đã dẫn, trang 67.

(4) Sách đã dẫn, trang 76.

(5) Sách đã dẫn, trang 77.

(6) Xem Sách đã dẫn, trang 170-178.

(7) Sách đã dẫn, trang 93-168.

(8) Sách đã dẫn, trang 253.

(9) Sách đã dẫn, trang 98.

(10) Sách đã dẫn, trang 179.

(11) Sách đã dẫn, trang 180.

(12) Sách đã dẫn, trang 181.

(13) Sách đã dẫn, trang 58.

(14) Sách đã dẫn, trang 88.

(15) Sách đã dẫn, trang 172.

(16) Sách đã dẫn, trang 81.

(17) Sách đã dẫn, trang 82.

(18) Sách đã dẫn, trang 109.

(19) Sách đã dẫn, trang 123.

(20) Sách đã dẫn, trang 122.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here