Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thiền sư Từ Đạo Hạnh và các di tích liên quan ở...

Thiền sư Từ Đạo Hạnh và các di tích liên quan ở Hà Nội

124
0

1. Thiền sư Từ Đạo Hạnh

Thiền sư Từ Đạo Hạnh tục danh là Từ Lộ, không biết năm sinh, tịch năm 1115, đời thứ 12 dòng Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Tiểu sử và hành trạng của Thiền sư được nhắc nhiều trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh, Thánh tổ thực hành diễn âm ca và được in trong quyển Thiền Sư Việt Nam (1).

Sách Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh ghi: “Ông họ Từ, tên Lộ, tự Đạo Hạnh, ở chùa Thiên Phúc núi Phật Tích, cha tên là Vinh, làm quan chức Tăng quan Đô sát ở triều Lý, thường qua chơi An Lãng, lấy con gái họ Tằng, tên là Loan, nhân thể ở tại đó. Lộ là con bà họ Tằng vậy, thủa thiếu niên thích ngao du, hòa hiệp, phóng khoáng, có chí lớn, ngôn ngữ không ai có thể lường được. Thường cùng kẻ Nho nhã mãi sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và người con hát là Phạm Ất kết bạn, đêm thì mãi miết đọc sách, ngày thì thổi sáo, đánh cầu, vui sự chơi bời. Cha mẹ thường trách là trể nãi, nên một đêm ghé qua khe cửa nhìn vào phòng thấy ngọn đèn gần tàn, sách vở chồng chất, Lộ gục xuống án mà ngủ, tay vẫn không rời khỏi sách, do đó cha mẹ không còn phải lo nghĩ nữa. Sau này Lộ dự thi Tăng Hương, thi đỗ khoa Bạch Liên, không bao lâu cha mẹ làm phật ý Diên Thành Hầu, Diên Thần Hầu sai Đại Điên dùng phép thuật đánh chết, ném xác xuống sông Tô Lịch.

Lộ nghĩ việc báo thù cha, muốn sang chùa Ân Quốc cầu phép lạ để đánh Điên, đường đi qua đất rợ Kim xỉ (răng vàng), thấy hiểm trở bèn quay về ẩn cư ở núi Phật Tích, thường ngày đọc Kinh Đại bi Đà-la-ni, đọc trọn mười vạn tám nghìn lần. Sau một thời gian dài tu luyện, Đạo Hạnh trở về Láng, tới cầu Vu Quyết cầm gậy ném xuống sông Tô, gậy trôi ngược dòng đến cầu Tây Dương thì dừng lại. Sư đến nhà Đại Điên dùng gậy để đánh, Đại Điên phát bệnh chết  (2). Thù cha trả xong, Đạo Hạnh đi thăm các chốn tùng lâm, học thêm phép thuật. Nơi trụ trì của Thiền sư là chùa Thiên Phúc ở núi Phật Tích. Năm 1117 Từ Đạo Hạnh qua đời” (3).

Sách Thiền uyển tập anh cho biết: Sau khi rữa sạch thù nhà, “ Sư dạo khắp tùng lâm, hỏi xin ấn chứng. Khi Kiều Tri Huyền hóa đạo ở Thái Bình, Sư nhún mình đến tham yết, trình hỏi chân tâm bằng bài kệ:

Lâu lẫn bụi đời chửa biết vàng
Chẳng hay đâu chốn, ấy lòng chân
Nguyện xin chỉ rõ bày phương tiện
Thấy trọ như như khỏi nhọc tìm (4).

Trí Huyền đáp lại bằng bài kệ:

Tiếng ngọc lặng đưa lời nhiệm mầu
Ở trong tỏ rõ ý thiền nao
Bồ-đề đạo đó hà sa cõi
Muốn tới còn xa mấy vạn sào.

Sư mù mịt không hiểu, mới đến giảng hội của Sùng Phạm chùa Pháp Vân hỏi: “Thế nào là chân tâm?”. Phạm hỏi lại: “Cái gì chẳng phải là chân tâm?”. Sư tỉnh ngộ, nói: “Làm thế nào bảo đảm?”. Phạm đáp: “ Đói ăn, khát uống” (5).

Sư lễ tạ, từ giả ra đi. Từ đấy pháp lực có thêm, duyên thiền càng thục, có thể sai rắn núi, thú rừng, họp nhau đến chịu thần phục. Sư đốt ngón tay cầu mưa, đọc chú dùng nước chữa bệnh, không gì là không tức khắc ứng nghiệm” (6).

Sách Đại Nam nhất thống chi chép: “ở chân núi Sài Sơn, ở Yên Sơn xưa gọi là am Hương Hải, lại gọi là viện Bồ Đà. Trong chùa, phía tả thờ tượng Thiền sư họ Từ, tên là Lộ, tự là Đạo Hạnh, người xã Yên Lãng, huyện Vĩnh Thuận, Tỉnh Hà Nội (7). Một bậc cao tăng thời Lý trụ trì ở chùa này. Vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà chưa có con kế tự. Em vua là Sùng Hiền Hầu nói chuyện với Từ Đạo Hạnh về việc kế tự, Đạo Hạnh hẹn hôm nào phu nhân sắp đẻ thì cho người đến báo trước. Sau đó, đến ngày phu nhân sắp đẻ, Sùng Hiền Hầu sai người phi ngựa đến báo, Đạo Hạnh liền thay áo, cầm tích trượng vào trong động trút xác, Vợ Sùng Hiền Hầu sinh con trai, tức là vua Lý Nhân Tông sau này (8). 

Thuyền uyển tập anh ghi: Sư nghe tin báo (phu nhân Sùng Hiền Hầu lâm bồn), bèn thay quần áo, tắm rữa, bảo đồ chúng rằng: Túc nhân ta chưa hết, còn phải ra đời lại, tạm làm Quốc Vương. Đến khi thọ chung, lại làm Thiên tử trên cõi trời Tam thập tam thiên (9). Nếu thấy chân thân hư nát, thì lúc ấy ta mới vào Niết bàn, không ở cõi sinh diệt nữa. Đồ chúng nghe xong, không ai là không động lòng rơi lệ. Sư nói bài kệ rằng;

Thu sang không báo nhạn về đây
Cười nhạt người đời thương xót thay
Nhắn bảo môn nhân thôi luyến ái
Thầy xưa bao thủa vẫn thầy nay

Nói xong kệ Sư nghiễm nhiên mà hoá (10).

Việt điện u linh tập (phần Từ Đạo Hạnh đại thành sự tích thật lục do đạo nhân tam quán Tam Thanh chép phụ vào) có ghi chi tiết khá lý thú: Nói xong (bài kệ), (Từ Đạo Hạnh) đi lên động Tiên, va đầu vào vách đá, dẫm chân lên bàn đá, nghiễm nhiên thị giải mà mất. Ấy là năm Bính Thân, Hội Tường Đại Khánh thứ 3 mùa Xuân tháng 3 ngày mồng 7. Đạo Hạnh Niết bàn, ra đời làm con của Sùng Hiền Hầu, không phiền nuôi dưỡng mà mau lớn, không nhọc dạy dỗ mà thông minh, nhan sắt đẹp đẽ, tài năng hết sách. Vua xuống chiếu đem vào nuôi dưỡng ở trong cung, sau phong làm Hoàng thái tử. Nhân Tôn băng vua lên ngôi, ấy là thân tôn…” (11).

Sách Đại Việt sử ký toàn thư, mục Thần Tông Hoàng đế có ghi: năm Bính Thìn niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ tư (1136) Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ (12).

Tục truyền khi nhà sư Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyên Chí Thanh tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau nếu thấy Quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay. Việc này đã được Việt điện u linh tập giải thích khá rõ nghiệp này bắt nguồn từ kiếp trước của nhà sư Từ Đạo Hạnh khi cùng với Không Lộ và Giác Hải rủ nhau sang Tây Thiên (Ấn Độ) học pháp thuật linh dị. Đến xứ người Răng vàng thấy đường xá hiểm trở muốn quay trở về, thì bỗng thấy một ông già chèo chiếc thuyền con, thảnh thơi đi dạo chơi trên sông. Họ cùng đến hỏi: Tới Tây Thiên còn bao xa? Cụ già đáp: Đường núi hiểm cao, đi bộ không được. Lão có chiếc thuyền nhỏ xin chở giúp đi, lại có cây gậy nhỏ đây, nhằm thẳng Tây quốc mà tới thì chẳng xa, lão xin bằng lòng ngay. Lại nói bài kệ:

Cùng đi đường đạo lẻ đương nhiên
Nhiều ông xa học quyến nên danh
Mênh mông muôn ngả sao mọc thẳng
Chỉ nhằm Hoàng giang thấy thánh sanh.

Nói kệ xong, chỉ trong nháy mắt, bỗng chốc đã đến bờ sông Tây Thiên có nhiều thần thông phép thiêng, Đạo Hạnh giữ thuyền. Giác Hải và Minh Không lên bờ học được phép thiêng, liền tự trở về trước. Đạo Hạnh giữ thuyền 3 ngày mà không thấy tin tức của 2 bạn, tự nhiên gặp một bà lão đến bên bờ sông, bèn chèo đến hỏi: Cụ có thấy 2 người lên học đạo đó không? Bà cụ nói: Hai người đó đã học được phép thiêng của ta và đã trở về nước rồi. Ngài Đạo Hạnh bèn vái lạy và kể rõ cho bà cụ biết: Ba người cùng đi học đạo thực đáng buồn vì 2 người đã bỏ về trước! Bà cụ nghe nói bèn sai ngài Đạo Hạnh gáng hai thùng nước về nhà rồi dạy cho mọi phép thiêng cùng phép rút đất chân truyền Đà-la-ni.

Ngài Đạo Hạnh tự hiềm vì hai người bạn đã thất ước, bèn đọc thần chú kiếm hai người bạn đang đi đường đau bụng quá phải ngồi nghỉ. Ngài Đạo Hạnh lại dùng phép rút đất vượt lên trước hai người, ấn vào trong bụi rậm, ở làng Ngãi Cầu (nay thuộc huyện Hoài Đức) rồi hóa hình làm con hổ gầm thét xông ra trông rất ghê sợ. Hai người bèn nhìn nhau và lấy làm kinh hãi. Bên ngoài tuy bị quấy rầy nhưng bên trong nhờ đã học được linh thuật nên vẫn hoàn toàn tỉnh táo, phân biệt được thực hư, biết rằng đó là do Đạo Hạnh tạo ra. Hai người nhìn nhau và nói: Người muốn biết hậu thân của thân này, thì hãy nhắm ta mà nói. Đạo Hạnh nhân thế đáp: Chúng ta cùng học đạo của đức Thế Tôn, đạo quả đã thuần hậu thân sẽ sinh lại thế gian làm bậc nhân chủ, lại sinh mắc bệnh, quyết không thể tránh, các người có duyên với ta, xin đến cứu nhau (13).

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: Tương truyền, hàng năm ngày mồng 7 tháng 3, là ngày giỗ Thiền sư. Hôm ấy, trai gái tụ họp lễ bái là hội lớn một phương. Nhiều văn nhân danh sĩ có đề thơ vịnh. Thi thể của Thiền sư, đến năm Vĩnh Lạc bị quân Minh thiêu hủy, người làng (Sài Sơn) tô tượng để thờ. Thời Lê niên hiệu Quang Thuận, cha của hoàng hậu Trường Lạc là Nguyễn Đức Trung đến chùa cầu tự cho Hoàng hậu, thấy một phiếm đá ở trong động bay ra, bèn bưng phiến đá về đục thành tượng Phật để thờ. Sau đó, Hoàng hậu mộng thấy rồng vàng chui vào nách bên tả, rồi sinh ra Hiến Tông. Đời Cảnh Thống, lập am Hiền Thụy và dựng bia đá, nay vẫn còn… (14).

2. Các di tích liên quan đến Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội

Văn khắc trên chuông chùa Thiên Phúc (chùa Thầy) là một tư liệu rất quý nói về công đức hoằng pháp Phật giáo của Từ Đạo Hạnh, trong đó có đoạn: Nay có thầy Đạo Hạnh, từ bé cho đến lớn, cốt cách lạ thường, tụng Kinh Liên sang sảng. Xuất gia hành đạo, thấm nhuần ý Phật từ bi. Xây tháp trang nghiêm. Đọc kinh kệ thấm nhuần đạo lý. Gặp lúc trời hạn, vung tay một cái trời mưa xống đầm đề. Học thói người xưa nhịn ăn, ngồi nhiều năm mà vẻ mặt không thấy đói. Dân gặp lúc bịnh dịch, phẩy nước lạnh thì bịnh lành ngay. Việc chưa xẩy ra mà đoán biết trước như có phù phép. Kinh dạy rằng Phật có “Tám Lời”, nếu không có thầy thì làm sao “Tám Lời” âm vang tiếp tục. Phật đặt ra “Thi La”, nếu không có thầy thì làm sao “Thi La” bền vững. Nếu không có thầy thì làm sao thắp được hương trong vườn phú của Đế Thích. Dược vương đốt thịt chữa bệnh, nếu không có thầy thì ai chịu đựng nỗi. Quan Âm cứu nạn, nếu không có thầy thì ai biết đến công đức của Ngài. Cao tăng tỏ việc linh dị, nếu không có thầy ai nối gót thần linh? (15). Còn nhiều điều trong bài văn khắc này rất phù hợp với An Nam chí nguyện khi viết về Từ Đạo Hạnh, cũng như rất phù hợp những điều mà Lê Quý Đôn đề cập tới trong cuốn Điếu văn tiểu lục về việc Từ Đạo Hạnh cho xây dựng mở mang chùa, đúc chuông, tượng…Có lẽ vì vậy mà Từ Đạo Hạnh được thờ ở khá nhiều trên địa bàn Hà Nội.

Như đã nêu ở trên, làng Láng (Yên Lãng) là quê hương có gắn bó mật thiết với thiền sư Từ Đạo Hạnh từ buổi đầu. Ở đây hiện còn chùa Láng (tên chữ là Chiêu Thiền tự) vừa là nơi thờ Phật vừa là để ghi nhớ thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao tăng nổi tiếng ở thời Lý.

Theo tấm bia “Chiêu Thiền tự tạo lệ bi” do tiến sĩ Nguyễn Văn Chạc hiệu Phúc Thủ, soạn vào ngày tốt tháng 8 năm Thịnh Đức thứ 4 (1657) và tiến sĩ Dương Trí Trạch, hiệu Nghi Trai Duyệt…thì vua Lý Thần Tông đã ban dụ cho các hạng quan viên, chức sắc, bình dân xã Yên Lãng, lời dụ nhấn mạnh: “trông xã tô ruộng công truyền cho con cháu được hưởng, các thứ thuế khác đều để phục vụ chùa Chiêu Thiền. Ân huệ này được truyền lại cho muôn đời con cháu để tiện việc dâng hương thờ cúng, coi trọng đạo Phật lâu dài mạch nước”. Cũng theo các văn bia trong chùa cho biết, năm 1666 chùa Chiêu Thiền được trùng tu, sữa chữa lớn và quy mô kiến trúc hiện nay của ngôi chùa là kết quả của lần trùng tu vào thời Nguyễn, triều vua Tự Đức 22  (1869) và Thành Thái 13 (1901).

Được xây dựng trên một thế đất đẹp, khuôn viên khá rộng so với các ngôi chùa khác trong nội thành, lối bố cục các hạng mục kiến trúc đăng đối nhau qua đường Bát chánh đạo dẫn từ cổng chính vào, ẩn mình dưới tán cây cổ thụ, hòa quyện với không gian thiên nhiên cùng các mảng chạm đặc sắc và hệ thống di vật phong phú đã khiến cho chùa Láng trở thành một danh lam nổi tiếng ở thủ đô.

Hội Láng xưa diễn ra trong vòng 10 ngày, trong đó chính hội vào mồng 7 tháng 3. Hội bắt đầu bằng đám rước bát hương đến chùa Nền vào ngày mồng 5 với ý nghĩa Thánh về thăm nơi chôn rau cắt rốn. Chùa Nền (có tên chữ là Đàn Cơ tự và Cổ Sơn tự) nằm cách chùa Láng khoảng 1km về phía Tây. Chùa tuy nhỏ nhưng có kiến trúc khá đẹp với bố cục kiểu chữ Đinh gồm hai tòa chính là Tiền đường và Thượng điện. Ngoài các pho tượng Phật, chùa Nền còn có tượng Từ Đạo Hạnh và song thân. Tương truyền, khi vua Lý Thần Tông lên ngôi, biết mình là hậu thân của Từ Đạo Hạnh đã cho xây chùa Nền trên dấu nhà xưa để thờ cha mẹ và xây chùa Thưa để thờ chị gái Từ Nương (16). Trước kia, năm nào hạn hán, dân làng rước Thánh xuống Tam Huyền thăm cha (17). Ngày nay theo tục truyền sáng ngày mồng 6 tháng 3 rước Thánh xuống Tam Huyền, buổi chiều tối rước về dân làng cung nghinh đức Thánh ra ngự ở lầu bát giác trước sân chùa. Tại đây diễn ra nghi lễ múa chầu Thánh do 10 cô gái thanh tân thể hiện  (18). Các cô mặc áo tứ thân, váy lĩnh, thắt lưng hoa lý, đeo xà tích. Lòng bàn tay đở một ngọn nến đang cháy, mu bàn tay đeo một bông hoa, hòa với tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, họ múa quanh lầu bát giác. Dân làng vây quanh vòng trong vòng ngoài lễ Thánh.

Sáng sớm ngày mồng 7 tháng 3 bắt đầu rước Thánh từ lầu bát giác ra ngự trên kiệu chổ sập đá ngoài tam quan cùng với đám rước các làng khác đến hộ giá. Đám rước của 9 làng (7 làng thuộc tống Hạ và làng Thượng Đình, Thượng Yên Quyết) dài hàng cây số với cờ thần, phướn Phật tung bay trong gió, nghi trượng uy nghi, tàn lộng rực rỡ, người tham gia hội rước đông vui tấp nập.Tiếng chiêng trống, thanh la, não bạt, bát âm rộn ràng suốt một dãy ven sông Tô. Đoàn rước đi đến cầu Yên Quyết thì chuyển sang lội qua sông (dân gian gọi là chờ kiệu Thánh “đô hà” bởi vì Từ Vinh xưa kia bị Đại Điên đánh chết trút xác xuống sông Tô, trôi về đến cầu Yên Quyết thì dừng lại nên không được đi trên cầu). Qua sông lên bờ kiệu Thánh được múa rồng chào đón. Chỉnh trang lại đội ngũ, đám rước đi đến Cầu Giấy, xuyên qua xóm Quan Hoa đến ngõ Vụt cách chùa Duệ khoảng nữa cây số (địa điểm được quy định từ xưa) thì dừng kiệu.

Một đoàn rước khác cũng đông vui không kém, đó là đoàn kiệu Pháp sư Đại Điên xuất phát từ chùa Duệ đến Quán Đôi nơi thờ Hoàng thái hậu mẹ vua Lý Phật tử (19).

Khi hai đoàn rước đến địa điểm riêng của mình thì pháo lệnh nỗ giòn giã, pháo thăng thiên bắn về kiệu của nhau qua sông trong tiếng chuông trống, thanh la, tiếng hò reo của dân chúng. Đây chính là một hèm cổ nhắc lại cuộc chiến đấu của hai vị pháp sư thời Lý. Chừng nữa giờ, trò diễn kết thúc. Đám rước Thánh Từ trở về chùa Hoa Lăng làm lễ thân mẫu. Tương truyền, bà Tăng Thị Loan sau khi chồng chết đã chuyển về ở làng Thượng Yên Quyết (nay thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy), hàng ngày đi truyền giáo, khất thực dựng chùa Hoa Lăng, khi mất được tán ngay tại chùa.

Sau lễ rước, ngày mồng 8 tháng 3 trở đi, các vị chức sắc kỳ mục, các bô lão lần lượt tế ở chùa làng. Đây là nét đặc sắc chỉ ở chùa Láng và một số nơi có. Được tế trong chùa vì Từ Đạo Hạnh vừa là Phật vừa là Thánh. Đến ngày 15 tháng 3 làm lễ tạ, giải triều phục, mặc áo cà sa nhà Phật. Hội Láng ngoài việc tế lễ, rước Thánh còn có các trò chơi như đấu võ, chọi gà, cờ bơi, đập nỗi…đặc biệt có tục thổi cơm thi, vừa đi vừa thổi cơm hoặc vừa thổi cơm vừa chăn cóc (20). 

Trở lại với thiền sư Minh Không, năm 1136 do có công chữa bệnh trọng cho vua nên được phong Quốc sư, lại ban thưởng ruộng và vàng bạc để hương hỏa cho chùa. Năm Tân Sửu, niên hiệu Thái Bình thứ 22. Minh Không tạ thế, thọ 76 tuổi. Nhân dân thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long nhớ ơn đã lập đền thờ Thiền sư trên đất thực ấp của Ngài.

Căn cứ vào tấm bia trong chùa dựng năm Nhâm Thân (1932) có vị Thiền sư tên là Nguyên Văn Định, tự là Quang Huy trụ trì ở đây đã đưa thêm tượng Phật vào bài trí nên đền được gọi là chùa từ ấy.

Trong chùa nổi bật nhất là nhóm tượng Thiện Tài-Long Nữ (niên đại thế kỷ XVII) được tạc bằng đá trên cột cao 3m có trang trí hoa văn cách sen, hoa cúc dây, hoa thị, lá đề…vòng quanh thân cột. Bên cạnh đó là tượng thiền sư Minh Không, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh và thân phụ thân mẫu của Ngài (21). Tích này được ghi trong Lĩnh Nam chích quái do Minh Không, lúc ít tuổi đi du học đạo Phật, gặp Đạo Hạnh, học được đạo giáo, trải hơn mười năm. Đạo Hạnh thấy người tiết tháo bèn truyền tâm ấn, lại đặt tên cho. Sau này nhân dân đã tạc tượng Đạo Hạnh để thờ (22).

Nếu như chùa Láng được dựng lên thờ Phật, lại để ghi nhớ thiền sư Từ Đạo Hạnh, một Thiền sư nổi tiếng đời Lý, sinh ra ở đây thì chùa Thầy được biết đến như là nơi lưu dấu tu hành và đắc đạo của Ngài.

Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết núi Sài Sơn ở cách huyện Yên Sơn 6 dặm về phía bắc, có tên nữa là núi Phật Tích, phía trước là đất bằng, phía sau là sông, đỉnh núi có chổ bằng phẳng, có thể chứa được mấy chục người ngồi, tục gọi “Chợ trời”, chân núi có chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), trên núi có động, phiến đá trong động có vết chân người to lớn (được An Nam chí cho là dấu chân Phật). Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì ở đây (23).

Sách Lịch triều hiến chương loại chí ghi: Chùa Phật Tích ở xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn có tên nữa là Sài Sơn, lại gọi là Cổ Sơn, cảnh núi rất đẹp…Trong núi có viện Bồ Đà, am Hương Hải đều là Từ Đạo Hạnh làm ra (24).

Sách Kiến văn tiểu lục nói rõ hơn: “núi Sài Sơn ở huyện Yên Sơn, triều nhà Lý gọi là núi Bồ Đà Lạc (25), nhà Trần gọi là núi Phật Tích, trên núi có chùa và các động Tiên, trong động có chổ lõm, dấu vết như trán người húc vào, lại có chổ như dấu vết chân người to lớn, bên dưới có chùa Thiên Phúc, đằng trước là ao lớn, đằng sau là lầu treo chuông do thầy chùa là Đạo Hạnh đúc vào năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 9. Triều nhà Lý, đệ tử là Huệ Hưng soạn bài ký và trước tác lang nhà Nghiêm Thường viết chữ. Trên đỉnh quả chuông làm hình bồ lao, treo bằng dây. Đấy là cổ khí từ 700 năm trở lại đây. Dưới bài văn ký, có khắc những chữ “Trần Anh Tông, Hưng Long thập nhị niên, cấp tự điền, thánh chỉ” (niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304) triều Trần Anh Tông, thánh chỉ cấp cho tự điền), bên cạnh có đền Thụy Am, lập vào giữa niên hiệu Cảnh Thống, trong am có bia có bài ký do thượng thư là Nguyễn Bảo soạn (26).

Truyền rằng, khi đắc được pháp thuật, Thiền sư trở về núi Sài dựng gậy tích, ngày đêm tụng tập. Đến khi thù cha trả xong, lòng tục lắng trong, lòng thiền rộng mở bèn đi khắp bốn phương tham thiền học đạo. Lúc ngộ được tâm ấn, Thiền sư trở về giảng đạo, dạy học, hái thuốc giúp dân, tổ chức cho dân những trò chơi như đá cầu, múa rối nước…Do đó, nhân dân cảm phục kính mến gọi Thiền sư bằng một từ thân mật, gần gũi là “Thầy”. Bởi vậy, chùa Ngài tu là chùa Thầy, núi Ngài hóa cũng là núi Thầy, làng Ngài sống là làng Thầy, thậm chí đến cả tổng cũng gọi là tổng Thầy.

Theo thuyết phong thủy thì núi Thầy được xem là con rồng lẻ đàn độc đáo (quái long), xung quanh có 16 ngọn núi nhỏ (thập lục kỳ sơn) là các con lân, phượng, quy…chầu về. Chùa Thầy được dựng ở khu đất hàm rồng, sân trước chùa là lưỡi rồng thè ra uống nước, hai Nhật-Nguyệt tiên kiều như hai râu rồng và nhà Thủy Đình là viên ngọc mà rồng vờn vào.

Bia Phật tích sơn tự thi ghi lại lời chúa Định Vương Trịnh Căn khi đi qua đây: “Nay thấy chùa Thiên Phúc núi Phật Tích như viên ngọc nỗi lên giữa đám ruộng sỏi đá, rạng cả xuân tươi ở cả bốn mùa. Động Tiên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng; Ao rồng thông sang bến siêu độ, tiên cầu Nhật Nguyệt đôi vần. Núi tựa hình phong, sông tựa giải lụa. Đá in dấu lạ, mãi mãi ghi điều thần diệu, vàng gieo rắc sáng, đường đường đầy dẫy quang minh. Tiếng Phật pháp đã vời được khánh lạ dâng hoa, đạo đạo thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Đó chính là vườn xanh núi Thứu dời đến chốn dân gian vậy (27).

Khu chùa chính (được gọi là chùa Cả) chính rộng chừng 40m và sâu vào 60m gồm ba tòa nhà bố cục theo kiểu chữ Tam xây trên những cấp nền cao dần, hai dãy hành lang chạy kèm hai bên đầu hồi. Hai bên nhà chính điện là gác chuông và gác trống làm kiểu hai tầng mái nhô lên. Chùa Hạ là nơi lễ bái và giảng đạo, có nhà cầu sang chùa Trung; Chùa Trung là Đại hùng bảo điện (Tam bảo) có cả một thế giới tượng Phật giáo từ Hộ Pháp đến Tam Thế; chùa Thượng mang tính chất điện Thánh. Ở đây, bàn giữa là bộ tượng Di Đà tam tôn với nghệ tạo hình và mỹ thuật trang trí rất đẹp mà một số nhà nghiên cứu cho rằng là một trong số rất ít những bộ tuợng đẹp và chuẩn mực của thế kỷ XVII. Phía dưới là nhang án hoa sen hình hộp chữ nhật được tạo tác từ thời Trần với trên để hòm sắc phong của thiền sư Từ Đạo Hạnh, phía dưới cũng là tượng Thiền sư nhập định trên tòa sen đá chạm có phong cách nghệ thuật thời Lý khá rõ rệt. Gian bên trái thờ tượng vua Lý Thần Tông (hậu thần của Thiền sư) ngự trên ngai vàng, phía trước là tượng phỏng chầu và đôi tượng gỗ chạm nghệ thuật thời Lê.

Rời khỏi chùa Cả, qua Nguyệt Tiên Kiều vào cổng để lên núi, cổng này có đôi câu đối:

Đăng cao tự ty, nhất bộ tiến nhất bộ
Vô vãng bất phục, cá quan hựu quá quan.

Dịch nghĩa:

Muốn trèo lên cao thì phải đi bộ từ dưới thấp, mỗi bước tiến lên thì núi cao lại thấp xuống một bước.
Không có sự ra đi nào mà không trở lại, cổng này đến cổng kia.

Lên đến lưng chừng núi Sài là chùa Cao (Hiển Thụy Am) với hang Thánh Hóa nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh giải thi thể đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Trên đỉnh núi là khoảng đất bằng phẳng xum quanh có nhiều mô đá tục gọi là “chợ Trời”. Vóng ra phía sau, qua lối rẽ sẽ tới hang Cắc Cớ. Từ đây men theo sườn núi tới đền Thượng thờ Văn Xương đế quân. Đi tiếp xuống đến chùa Bối Am (chùa Một Mái), bên cạnh là hang hút gió, thềm đá Thái Lão, nhà lưu niệm Bác Hồ và đền kỷ niệm Phan Huy Chú, nơi này nhà bác học đã viết tác phẩm Bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí nổi tiếng. Xuống núi trở ra, cuối cùng đến chùa Long Đấu.

Hội chùa Thầy ngày mồng 7 tháng 3 tương truyền kỷ niệm ngày Thánh hóa. Nghi lễ đầu tiên ở hội chùa Thầy là lễ mộc dục bao sái tượng, được tiến hành vào ngày mồng 5 tháng 3 âm lịch. Mỗi năm pho tượng Thiền sư ở trong khám chỉ mở ra một lần trong thời gian khoảng vài giờ đồng hồ buổi chiều. Trước sự chứng kiến của bô lão, quan viên, nhà chùa và toàn dân, việc bao sái tắm tượng bằng nước thơm được tiến hành hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ trong ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn nến, khói hương trầm vương vất, tiếng rì rầm tụng Kinh niệm chú…tạo cho con người ta một không khí huyền ảo thiêng liêng. Tiếp đến là lễ cúng Phật và chạy đàn, một nghi lễ quan trọng nhất ở hội chùa Thầy. Các nhà Sư với bộ áo cà sang trọng, tay cầm cậy hoa “biểu diễn những bước múa lượn vòng tròn, bước nhanh bước chậm thể hiện một chuyến đi không ngừng của kiếp người để vươn tới điều cao đẹp, vừa múa hát kinh, như trong một giấc mơ” (28).

Xưa kia, xem hội chùa Thầy còn có một sự hấp dẫn nữa, đó là xem múa rối nước. Như trên đã nói, thủa sinh thời Từ Đạo Hạnh vốn là người giao du rộng, thích bày trò vui chơi. Thiền sư còn sáng tác và chỉ huy nhiều trò diễn, có lẽ vì vậy các phường rối nước quanh vùng đã suy tôn làm tổ nghề. Có tài liệu còn cho bài giáo trò sau đây là do Thiền sư đạt ra:

Trình làng trình chạ
Thượng hạ tây đông
Tứ cảnh hòa trung
Nghe tôi giáo trống
Trường không phong động
Cũng bởi trống tôi
Làng đã vào ngồi
Tôi xin diễn tích.
..(29)

Từ xa xưa, hội chùa Thầy đã nổi tiếng đông vui, tấp nập như câu ca:

Nhất vui là hội chùa Thầy
Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy

Chẳng thế mà chùa Thầy đã thu hút biết bao nhân dân mặc khách đến lễ Phật và du xuân. Một thú chơi rất cổ là leo núi chơi hang, chơi động nay vẫn được bảo tồn ở hội chùa Thầy. Những chàng trai, cô gái đến hội vẫn hẹn hò nhau để xem:

Núi Thầy có trúc có thông
Có hang Thanh Hóa, đằng sau có chùa

Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở đất kinh kỳ cùng với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc có sự hòa hợp giữa Phật giáo với Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian thông qua thiền sư Từ Đạo Hạnh, một vị cao tăng đầy chất huyền thoại là Tăng, là Phật, là Vua, là Tổ sư của nghề rối cổ truyền từ thời Lý để hiểu thêm về thời đại nhà Lý, thời đại toàn thịnh của Phật giáo Việt Nam, và cũng là thời đại có ý thức dân tộc cao nhất, tinh thần quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử độc lập của Việt Nam.

ThS. P.T.L.A

(Kỷ yếu Hội thảo khoa học "Phật giáo thời Lý với 1.000 năm Thăng Long Hà Nội") 

Chú thích:

1. Nguyễn Duy Huynh trong Lịch sử đạo Phật Việt Nam (Nxb Tôn giáo-Nxb Từ điển bách khoa năm 2009, tr.159) cho rằng: Tư tưởng Đạo Hạnh ảnh hưởng mật giáo dạng Lạt Ma giáo của Tây Tạng…nên không phải Thiền sư. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu, vì vậy trong bài viết này vẫn gọi là Thiền sư theo một số sách đã suất bản như: Thiền uyển tập anh, Thiền sư Việt Nam…
2. Theo Lê Mạnh Thát, căn cứ vào truyện Đạo Hạnh ở Thiền uyển tập anh ghi chép, có thể đoán Đại Điên bị Đạo Hạnh đánh chết vào khoảng năm 1110, bởi vì dưới truyện có chua câu: “Giác Hoàng, hoặc có người nói là Đại Điên ấy vậy”. Mà Giác Hoàng theo Đại Việt sử ký toàn thư vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ 3 (1112) là đã 3 tuổi rồi. Vậy Hoàng phải sinh năm 1110 ấy. Bấy giờ, nếu bảo Giác Hoàng là Đại Điên thì đương nhiên Điên phải chết vào năm Hoàng sinh, tức năm 1110 ấy, mới đầu thai thành Hoàng được, tối thiểu là bằng vào sự tin trong huyền thuật đương thời. Cho nên, việc liên hệ Đại Điên với sự sinh của Giác Hoàng phải giả thiết rằng Điên chết vào năm Hoàng truyền.
Về nguyên quán của Đại Điên, sách Đại Nam nhất thống chí (tập 4, tr.300. Nxb Thuận Hóa 2006) có ghi một vị tăng tên là Nguyễn Đạo Hạnh “người xã Vĩnh Phệ, huyện Tiên Phong (nay là thôn Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì) là dòng dõi của thiền sư Đại Điên, làm bạn với các thiền sư Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh, học thuật tu luyện, sau hóa thân ở xã Chu Minh, người địa phương lập đền thờ”.
Thần tích đình Vĩnh Phệ (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) chép rằng: Nguyễn Đạo Hạnh sinh vào đời Lý, cha là  Nguyễn Đạo Thông nguời Hương Chân Na (Vĩnh Phệ), mẹ là Hoàng Thị Bảo. Ông dòng dõi thiền sư Đại Điên, rất mộ đạo Phật và làm thuốc cứu người. Sau này ông mất, hóa thành pho tượng vàng trôi về bến Am Vàng sông Hồng. Ngày nay dân làng Chàng (quê mẹ Nguyễn Đạo Hạnh) vẫn ra bến Am Vàng rước nước về làm lễ mộc dục Thánh trong các dịp lễ hội làng truyền thống.
Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn (Nxb Văn Hoá Thông Tin  năm 2007, tr.459-460) không thấy ghi về dòng dõi nhưng ghi chép khá kỹ càng về thân thế cùng sự linh ứng của Nguyễn Đạo Hạnh sau khi mất.
3. Vũ Quỳnh-Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Trích từ
http://thuvienvietnam.com
4. Bản dịch của hòa thượng Thanh Từ trong Thiền Sư Việt Nam: Lẫn lộn phàm trần chưa hiểu vàng/Chẳng rõ nơi nào phải chân tâm?/ Cúi mong chí thắng bày phương tiện/ Thấy rõ như như hết khổ tầm. Viện Đại học Vạn Hạnh dịch là: Lẫn lộn phàm trần chửa hiển vàng/ Chẳng biết nơi nào phải chân tâm/ Cúi mong chỉ thẳng bày phương tiện/ Thấy rõ như như hết khổ tâm.
5. Cơ xan khát ẩm, cách ngữ của Thiền gia chỉ đạo lý Thiền không ở đâu xa, mà ở ngay trong chính những công thường nhật nhất.
6. Thiền uyển tập anh (Soạn giả Kim Sơn- phái Trúc Lâm 1337. Bản dịch của Lê Mạnh Thát), file pdf, tr.119, Trang web
http://www.quangduc.com.
7. Yên Lãng tức làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Sự tích chùa Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai chép rằng: Từ Đạo Hạnh gốc tích ở Đồng Bụt, được mẹ sinh ra ở Vườn Nở, cách chùa ngày nay khoảng 500m. Thượng điện của chùa còn thờ tượng Từ Đạo Hạnh cùng thân phụ và thân mẫu.
8. Quốc sư quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Thuận Hoá, tr.281.
9. Theo Kinh Trường A Hàm và Câu Xá Luận: Tam thập tam thiên là một tên gọi khác của cõi trời Đao-lợi hay Đâu-suất-đà, nơi ngự trị của Đế Thích theo huyền thoại Phật giáo.
10. Thiền uyển tập anh, sđd, tr.121.
11. Thiền uyển tập anh, sđd, tr.123.
12. Ngô Sĩ Liên (2003), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn Hoá Thông Tin, tr. 475.
13. Thiền uyển tập anh, sđd, tr.122.
14.  Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr. 281.
15. Tư liệu nguyên viết bằng chữ Hán lối cổ, được công bố trong sách “Văn Khắc Hán Nôm Việt Nam-từ Bắc thuộc đến thời Lý”. Sách này là công trình nghiên cứu về văn khắc xưa của Việt Nam, do sự hợp tác của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội, École Francais d’Extrême Orient ở Paris và trường đại học Chung Cheng ở Taiwan, Xem thêm tại http:/www trangnhahoaihuong.com, bài thiền sư Từ Đạo Hạnh và văn khắc chuông chùa Thiên Phúc, Nguyễn Hữu Vinh dịch và giới thiệu, Thích Thiện Niệm đính chính.
16. Chùa Thưa trước năm 1946 vẫn còn bệ thờ, đến năm 1956 thì mất hết dấu tích.
17. Nay thuộc phường Thượng Đình, ở đây vẫn còn lăng mộ Từ Vinh.
18. Múa dâng hoa có năm được thay bằng múa Lục cúng.
19. Chùa Duệ (Quảng Khai tự) thuộc thôn Tiền, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Chùa nguyên là của giáp Kháng Duệ nên được gọi là chùa Duệ. Tương truyền chùa được xây từ đời nhà Lý Nhân Tông (1172-1128) là nơi tu hành của nhà sư Đại Điên, có tên thực là Lê Nghĩa, sau khi cha mẹ chết, liền biến nhà mình thành chùa để thời Phật và cha mẹ. Trong chùa còn giữ được một số pho tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII-XIX. Bên cạnh đó là tượng Đại Điên to bằng người thật, ngồi trong khám và tượng thân phụ, thân mẫu.
20. Theo tư liệu của Tố Uyên trong Hội làng Hà Nội. (Lê Trung Vũ chủ biên). Nxb VHTT và Viện Văn Hóa, tr. 783-784.
21. Doãn Đoan Trình (2002), Hà Nội di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, Trung tâm Unesco bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, tr. 394-396.
22. Lĩnh Nam chích quái, sđd.
23.  Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.245.
24. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, tr.132.
25. Bồ Đà/Phổ Đà: Trong Kinh Hoa Nghiêm, Quán Thế Âm có tên là Quán Tự Tại Bồ tát và có nhắc đến địa danh Potalaca (từ Phạn) thường được phiên âm Bồ Đà Lạc Già, gọi tắt là Bồ Đà sơn đạo tràng của Quán Thế Âm ở Trung Quốc chính là lấy tên của Potalaca-một địa danh nơi cư trú của Bồ tát Quán Thế Âm.
26. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.335.
27. Bảo tàng tổng hợp-sở Văn hóa Thông tin Thể thao Hà Nội, Văn Bia Hà Tây, 1993, tr.135.
28. Trương Thìn (chủ biên), Hội hè Việt Nam, Nxb VHDT, 1990, tr.55.
29. Vũ Ngọc Khánh, Lược truyền thần tổ các ngành nghề, KHXH, 1990, tr.92.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here