Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thiền sư Giác Hải và trang lịch sử bị lãng quên ở...

Thiền sư Giác Hải và trang lịch sử bị lãng quên ở chùa Viên Quang – Nam Định

164
0

Những trang lịch sử huy hoàng của một tòa kiến trúc chùa 36 gian từ thời nhà Lý, những thần tích lễ hội làng truyền qua nhiều thế hệ cộng với những sự tích tu hành bí ẩn của vị thiền sư Giác Hải đòi hỏi chúng ta phải có những công trình nghiên cứu tiếp về đề tài hấp dẫn đó.

Tấm văn bia đá chùa Viên Quang được khắc năm Thiên Phù Duệ Vũ -1121 do thiền sư Giác Hải lập lên đã cho chúng ta thấy trang lịch sử kể về nguồn gốc của một ngôi chùa đã bị trôi dần vào quên lãng. Văn bia đó viết: Thường nghe núi pháp chênh vênh ngoài sức tuệ khó lên đỉnh nọ. Bể Thiền kia bát ngát nhờ thuyền từ mới thấy bờ kia. Cho nên họ Đại Hùng hiện thân ở đất Già La mở mang phép lớn mà trăm tướng trang nghiêm, rộng cứu đường mê mà muôn tình hun đúc. Gom cái tâm đục loạn, quét cái tính mịt mờ, đặt cửa bến cho lục độ để gỡ lầm than cho chúng sinh. Tây cỏ vô tri chép ghi chẳng sót, sâu trùng nhỏ mọn nhắc bảo nào quên. Tới khi rừng song lâm khuất bóng, cõi tĩnh diệt trở về, hết thảy tăng-chúng nghe lời dặn bảo. Thế là chốn kinh kỳ nhớ ghi phúc Phật, lập đền son rải rác tựa sao đêm. Nơi châu huyện mong trả ơn sâu, xây điện báu dọc ngang như cờ thế.

Lý Anh Tông lập Viên Quang tự, cũng là nơi thiền sư Giác Hải trụ trì. Chùa xây nơi thôn xóm nhân từ, trí đâu ngại khoác kẻ mục đồng áo vải. Như hoa sen vươn trên bùn đọng, hương tỏa khắp cõi trời Nam. Như thân tùng mọc dưới đáy khe mà sắc vờn mây biếc. Cái công tùy duyên hóa vật vượt hẳn nghìn xưa, cái đạo thiện ích chúng sinh cách xa bụi nơi trần thế. Tâm như hoa rực rỡ cả bốn mùa tươi tốt, tượng Phật tỏa ánh hào quang ngàn dặm tỏ. Thực đúng là: Then khóa cửa Thiền tựa ánh sao đêm tối. Cho nên: Tắm tràng phan nơi sông Ngân Hán, rung tích trượng chốn suối ngàn u tịch. Mây ra khỏi động gặp gió nhẹ dễ bay cao. Hạc vút tầng không khiến bụi trần kia khó nhuốm. Bước tới thềm son nơi thượng quốc, người mong gặp như đất hạn cầu mưa, người nghe tiếng như cá kia gặp nước. Khơi một mạch nguồn sông, tỏa tám phương chính đạo, dù cao tăng Chí Công thời Lương Vũ Đế hay hòa thượng Trúc Pháp đời Hán Minh Đế đâu chắc đã hơn gì.

Chúng sinh đã hóa độ, thiền sư cũng bóng chiều. Ham phận áo vải nên chống gậy về làng xưa, xuôi thuyền về bến cũ. Chọn đất đẹp hình thế đầu rồng xa xóm thôn ước chừng trăm nóc, phía trước đồng xanh muôn khoảng mây vàng trên giải đất, phía sau rộng lớn ngàn trùng sóng biếc biển trời. Bên tả hành cung đất Hải Thanh thuế cày đều giảm nhẹ Xuân-Thu, bên hữu chùa cổ Long Kiểu chuông kệ thảng lắng nghe sớm tối. Vua từng nghĩ tới nơi này, sư thời cũng ưa vui chốn ấy. Cho nên đầu năm Thiệu Minh vua ban sắc chỉ cho quan hữu tư bắt đầu sửa sang. Thế là thợ thuyền họp lại như mây, gỗ đá chất cao như núi, đêm ngày ra sức dựng xây. Xuất hiện cung trời với nguy nga tòa dãy chạm mây rồng,trở thành điện báu nơi tượng vàng Phật Đà tại trung tâm. Bên tả đức Bồ Đề Đạt Ma với thân gày lồ lộ. Siêu phàm thánh chúng, sắp hai hàng thị vệ nghe kinh. Giàu sức thiên thần nơi uy nghi hai tòa Hộ Pháp. Tạm định danh Viên Quang Tự âu là để biểu thị thiền sư là bậc đạo Bồ Đề đã viên mãn với chân tâm như đã sáng ngời vậy.

Lại có lầu cao riêng dựng nơi đây, sớm tối tiếng kình ngân vọng. Gác rộng nhô lên phía Bắc, tấc gang tháp Phạn vời trông. Nhà chạy ngang dọc phía sau thờ phụng 6 đời sư tổ (tức Bồ Đề Đạt Ma, Tuệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng). Cổng chính trang nghiêm phía trước mở thông mười dặm đường dài. Mây sớm vấn vương bên cột, ráng chiều lấp lánh ngoài hiên. Trăng soi đáy nước ngỡ ngọc trâu tỏa sáng. Hoa đọng sương mai ngỡ gấm vóc điểm tô. Một khu cao ráo với bốn phía sân trang nghiêm. Đây là nơi Thần Tông tuần du phương trấn, tình cờ để mắt thiền lâm. Chỉnh đốn ngựa xe chiêm bái đây cũng là nơi Anh Tông quan sát dân phong. Hoàng triều vốn chuộng Phật hiếu kinh nên thường năng lai vãng. Thực đúng là bậc thánh nhân sánh với Đường, Nghiêu, đức rộng vời xem tựa Ngu Thuấn. Cảm ân nơi hai thánh tuần du, mến dạ một người ban thưởng. Tới chốn lan cung, thuyền rồng lướt sóng. Cưỡi phượng ghé thăm đất thánh, ngựa báu ruổi mây. Đi theo có sủng hậu, quý phi, hết thảy người-trời chầu chực. Bệ vệ có vũ phu, lương tướng đều là thần tướng hộ trì.

Lý Tường Đĩnh cháu bốn đời của thiền sư, thuở nhỏ thông minh vào chầu cấm nội. Cặn kẽ từng lời nói năng, giữ gìn thức ngủ sớm hôm ấy ngầm một tấm lòng thành mà không chút tơ hào sai trái. Được vua yêu mến hơn người, ban khen khác chúng. Trao danh Lục Thượng, nhất phẩm tước ban. Ân thánh giá bao trùm đời thịnh, vinh hoa còn lưu lại mãi mai sau. Thấy lầu chuông đã dựng, nhà bia chưa xây lấy gì ghi lại truyền hậu nhân việc thiện. Sau đó nhà bia đã dựng, riêng tô nét vẽ son tươi. Đá cứng lại mài lên khắc lời văn trải chuốt. Nhưng Dĩnh Đạt tôi, học hành lẩn thẩn, bản tính ngu hèn. Thẹn nỗi không tài truyền đạt, nhưng riêng có ý họa theo. Thẹn thùng cầm bút, miễn cưỡng viết minh:

Lớn lao thay đức Phật, khi xưa người chuyển Pháp Luân.
Lục độ, vạn hạnh, tứ trí, ba thân, mở ra phúc tuệ.
Làm lợi ích cõi trời-người, ba cỏ thấm nhuần mưa móc.
Cây kia phùng thời mùa Xuân, biến đổi dung nghi vượt trên thế tục.
Ẩn tích náu danh về chân thực, lời vàng dặn bảo.
Tầm nơi đất báu mở mang cõi Phật.
Hiên cửa thênh thang, điện đường cao rộng.
Tòa ở giữa thờ Di Đà, phía nhà sau thờ Sư Tổ.
Thênh thang sáng sủa, vàng son huy hoàng.
Mấy độ chiều tà, trải bao năm tháng
Lòng người cầu phúc ngả nghiêng, cảnh giới hoang lương.
Quốc vương đại thần, Giác Hải Đại Sĩ.
Người con cháu họ Lý, từ biệt song thân xuất gia.
Chứng được chân tu, ngộ thấu đạo lý.
Ra mắt thiên tử, vua Thần Tông tôn sùng.
Vua Anh Tông ngưỡng mộ ban sắc cho họ hàng.
Sư vẫn nhàn tản nơi làng cũ, mọi người kinh ngạc.
Trong đời mấy ai sánh kịp, tài sức nhường kia.
Lớn lao thay họ Lý, một cháu làm nên Lục Thượng.
Giàu không kiêu căng, thịnh đạt mấy ai sánh kịp.
Tuy rằng thờ vua mà vẫn trọng Phật.
Sửa lại chùa xưa, lợp lại đình thất.
Tòa báu nghiêm trang như cung trời Đâu Xuất.
Bể phúc đầy mãi, nguồn ân không khô cạn.

Qua những tư liệu lịch sử văn hóa, Phật Giáo của tấm bia Thiên Phù Duệ Vũ -1121 và rất nhiều tư liệu khác của ngôi chùa từ thời nhà Lý chúng ta đã có thêm những tư liệu về thiền sư Giác Hải và một thời huy hoàng lộng lẫy của chùa Viên Quang. Hiện tại chùa Viên Quang đang bị xuống cấp nghiêm trọng đòi hỏi các Ban-Nghành, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Nam Định phải có kế hoạnh trùng tu lại ngôi chùa vô giá này nếu như chúng ta không muốn bị mất đi những giá trị lịch sử Phật Giáo của cha ông chúng ta.

Bùi Đăng Khoa
Địa chỉ: 223-Đặng Tiến Đông-Đống Đa-Hà Nội.
Tel: -0904264040 Email : [email protected]

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here