Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Thiên nhiên trong thơ thiền thời Lý

Thiên nhiên trong thơ thiền thời Lý

129
0

Cùng với  đề tài về con người, đề tài về thiên hiên  đã góp phần tạo nên cảm hứng nhân văn trong văn chương. Mùa thu, trăng, gió, hoa, chim, mây và núi là những đề tài quen thuộc mà ta bắt gặp trong thơ thiền  đời Lý. Những cảnh thiên nhiên này mang hình ảnh ẩn dụ, là biểu tượng để biểu đạt tư tưởng, triết lý thiền đạo, hiện thực, dạt dào cảm xúc trữ tình.

Trong thơ thiền đời Lý, hình ảnh thiên nhiên siêu phóng, mang tính biểu tượng được thể hiện bởi cảm quan Phật giáo, với quan niệm “vạn vật nhất thể”. Ở đây tác giả đã xem vũ trụ với con người có cùng một cội nguồn, một bản thể. Con người thấy mình trong tự nhiên, là một phần tử của tự nhiên nên trong mình có cả  vũ trụ, như Thiền sư Thiền Lão trong một cuộc nói chuyện với vua Lý Thái Tông khi ông hỏi: “Hằng ngày Hòa thượng làm gì?”, thì Thiền sư  đáp kệ:

      Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
      Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân
.
      (Trúc biếc mai vàng đâu cảnh khác
      Trăng trong mây bạc hiện toàn chân).

Mùa thu trong thơ Thiền đời Lý mang cảnh sắc tươi đẹp, trong sáng, gợi cảm và thường mang nét gợi buồn dịu dàng man mác. Xưa nay thi sĩ các thời  đại vẫn thường rung động trước mùa Thu. Ở thơ Thiền, mùa thu một mặt gợi lên sự mong manh chóng tàn, ngắn ngủi và hữu hạn của vạn vật, dùng làm phương tiện để diễn đạt cái “không” và sự vô thường của triết lý Thiền. Như Thiền sư Viên Chiếu giải thích câu hỏi “Nếu ngộ bản ý gọi là xuất thế, sao gọi là bản ý?”.

      Xuân chức như hoa cẩm
      Thu lai diệp tự hoàng
      (
Xuân dệt muôn hoa như gấm thêu
      Thu sang vàng lá tựa vàng gieo).

Mặt khác, cái trong trẻo lặng lẽ của nó, nhất là  ban đêm tạo một không gian bát ngát không giới hạn và  hư không tĩnh lặng đến vô cùng. Nó gợi nhớ  cái bản thể vũ trụ lớn lao không hình sắc, như tâm trống không của con người đạt đến sự hòa nhập cùng bản thể tự nhiên, tự tại và thư thái vô biên. Hình ảnh “xuân thu” đi liền diễn đạt quy luật sinh trưởng và lụi tàn của vạn vật. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa mà sự vật đang phát triển theo hướng đối nghịch nhau. (Theo triết học phương Đông: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu sát, Đông tàn).

       Vạn vật xuân vinh thu hựu khô.
      
(Cây cối xuân tươi, thu não nùng)
                                    Vạn Hạnh Thiền sư.

Nhưng chưa phải là đến tột độ để dừng lại và sắp biến đổi về chất. Hai mùa vừa tiêu biểu cho hai trạng thái đối lập của vạn vật nhưng cũng vừa chứa trong đó khả năng tiếp tục phát triển của quá trình, do đó nó được chọn để biểu tượng cho quy luật vận động không ngừng của tự nhiên.

      Đản tri kim nhật nguyệt
      Thùy thức cựu xuân thu
   
   (Chỉ  biết tháng ngày này
      Ai rành xuân thu trước)
                              Thiền Lão Thiền sư.

Bên cạnh, Xuân-Thu là trăng. Trăng trong thơ Thiền chỉ cho trí tuệ Bát Nhã, viên giác tâm đã đạt đến chỗ hư không trong suốt. Thường là ánh trăng sáng vằng vặc trong một khoảng không gian bao la cao rộng và sâu hơn giới hạn. Sự đơn lẽ của một vầng trăng sáng trên núi cao hay giữa bầu trời cũng tạo nên một cảm giác về sự tĩnh mịch vô biên của thế giới ngoại vật trong con mắt tuệ. Mặt khác, ánh trăng trong nước còn là biểu tượng cho cái giả, ảo ảnh của thế giới hiện tượng.

      Hữu không như thủy nguyệt
      (Có  không như ánh trăng dưới nước)
                              Đạo Hạnh Thiền sư

Trăng hầu như chỉ có chức năng biểu tượng để diễn đạt một triết lý, một chất thơ và  khơi gợi những cảm xúc nơi người đọc về sự  huyền diệu của bản thể của Đạo, chân tâm, tuệ giác.

      Tùng phong thủy nguyệt minh
      Vô  ảnh diệc vô hình
      Sắc thân giả cá thị
      Không không tầm hưởng thinh.
     
(Gió  trên cây tùng trăng dưới nước
      Không có bóng cũng không có hình
      Sắc thân cũng như thế đó
      Tìm tiếng vang ở trong khoảng không)
                              Thiền sư Minh Trí

Gió  trên cây tùng cũng như trăng dưới nước, tưởng như  là cái hiện hữu, nhưng kỳ thực không thể  nắm bắt, là hư không. Hiện tượng này được ví như sắc thân của con người, tất cả chỉ  là giả, là cái biểu kiến không có thật.

Rồi thì, trong khung cảnh thiên nhiên chung ấy, hoa và chim cũng vừa có ý nghĩa trực tiếp vừa là biểu tượng để diễn đạt quy luật tuần hoàn theo chu kỳ  tự nhiên.

      Ly hạ trùng dương cúc
      Chi đầu thục khí oanh.
   
   (Cúc trùng dương dưới chậu
      Oanh thục ấm đầu cành)
                              Viên Chiếu Thiền sư

Hình ảnh hoa sen lại tượng trưng cho phẩm chất thanh khiết, bất diệt – nhất là đóa sen trong lửa. Đóa sen trong lò thiêu đốt vẫn nở tươi, như  người tu hành nhờ giác ngộ nên dù thân xác có bị hủy diệt nhưng chân tâm không bao giờ  mất đi, vẫn mãi mãi tồn tại.

      Ngọc phần sơn thướng ách thường nhuận
      Liên phát lô trung thấp vị  can
      (Trên núi ngọc thiêu sắc vẫn nhuận
      Trong lò sen nở sắc thường tươi)
                              Ngộ Ấn Thiền sư

Ngoài ra, mây, núi, nước trong Thiền thi lại diễn đạt sự hồn nhiên tự tại của vạn vật. Chúng vận động theo quy luật nào đó, nhưng là vô tâm vô ý. Nước muôn đời vẫn chảy mãi về Đông, ngàn xa mây trắng vẫn lững lờ trôi, núi xanh mặc cho bao thăng trầm của thế sự, cả những cuộc biến động như lửa dữ bừng cháy thiêu. Đây là hình tượng vĩnh cửu chân lý.

      Kiếp hỏa đồng nhiên hào mạt tận
      Thanh sơn y cựu bạch vân phi
     
(Lửa hồng thiêu đến mảy tơ
      Ngàn xanh mây trắng bây giờ còn bay)
                                    Chơn Không Thiền sư

Thiên nhiên còn được các Thiền sư đón nhận với tâm hồn bình lặng trong suốt để thông cảm với tạo vật và để ngộ đạo. Đó là trực cảm tâm linh sáng suốt của con người đạt đạo, chế ngự  những tham dục.

      Thu lai lương khí sảng hùng khâm
      Bát  đẩu tài cao đối nguyệt ngâm.
    
  (Êm dịu hơi thu mát cõi lòng
      Tài thơ ngầm chọi ánh trăng trong)
                              Tịnh Giới Thiền sư.

Như  thế, thiên nhiên trở thành “sự sống” của con người, của Thiền sư. Khi họ sống, làm thơ  hay khai ngộ người khác đều không tách rời với  cái đẹp bất diệt của thiên nhiên.

T.N

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here