Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Phật giáo:
Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi của Hòa thượng Phúc Điền
NSGN – Sách do hòa thượng An Thiền-Phúc Điền chùa Đại Giác Bồ Sơn biên soạn. Ván được khắc vào niên hiệu Thiệu Trị thứ tư (Giáp Thìn, 1844). Lê Duy Phức ở thôn Quan Nhân, xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì viết chữ.
Bản phục chế
Sách giấy dó, khổ lớn, 138 trang. Mỗi trang 2 mặt, mỗi mặt 10 cột, mỗi cột 24 chữ. Từ trang 100 trở đi (bắt đầu từ mục Phật Tổ kế đăng) mỗi mặt 12 cột, mỗi cột 29 chữ. Chữ mảnh, đẹp. Văn bản còn khá tốt, trừ trang 1 là bài tựa bị mất nhiều chữ. Phần dùng ghi tên sách giữa trang: trên cùng ghi các chương mục thay đổi, giữa là chữ kinh chú luật nghi cố định, dưới cùng là số trang được đánh số liên tục từ 1 đến 138.
Nội dung sách gồm 21 mục. Mục lục ở trang 2 có kê đủ các mục và số trang mỗi mục. Theo cấu trúc tổng thể gồm 3 phần kinh, luật, và luận:
Thời khóa tụng sáng, trưa và chiều không khác ngày nay nhiều, duy có vài tiểu tiết thay đổi và chú trọng phần sám hối đầu khóa tụng. Các nghi thức Cúng Phật hay Mông sơn thí thực hiện nay cũng thường dùng. Phần khóa lễ này tương đương với tiểu kinh nhật tụng ngày nay.
Phần luật nghi gồm Sa-di, Uy nghi và Cảnh sách bằng chữ Hán, chỉ thiếu phần Tỳ-ni là thành bộ luật tiểu cho hàng Sa-di ngày nay.
Phần các bài tựa và tiểu sử chư Tổ là tập hợp những luận thuyết căn bản và bàn truyền thừa mà một người tu thời ấy cần phải biết. Đây được xem như phần luận.
1- Lễ Phật tịnh tự 禮佛并序 (1-3, 3tr)
2- Triêu thời khóa tụng 朝時課誦 (4-15, 12tr)
3- Ngọ thời khóa tụng 午時課誦 (17-35, 19tr)
4- Mộ thời khóa tụng 暮時課誦 (36-45, 10tr)
5- Chư kinh kệ tụng 諸經偈誦(46-58, 14tr)
6- Sa-di luật nghi 沙弥律儀 (59-73, 14tr rưởi)
7- Thiền gia quy ước 禪家規約 (74-78, 5tr)
8- Trai Phật chúc thánh 齋佛祝聖 (79-80, 2tr rưởi)
9- Thí thực nghi thức 試食儀式 (81-83, 3tr)
10- Niệm thực nghi thức 念食儀式 (84. 1tr)
11- Tổng trì chú pháp 總持咒法 (85-86, 2tr)
12- Cảnh sách văn 警策文 (87-89, 3tr)
13- Xuất gia châm giới 出家箴戒 (90, 1tr)
14- Kim ngưu phạn ca 金牛飯哥 (91, 1tr)
15- Bổ di phù hậu 補遗附後 (92-93, 2tr)
16- Cúng Phật nghi 供佛儀 (94-97, 4tr)
17- Lược thực nghi 畧食儀 (98-99, 2tr)
18- Phật Tổ kế đăng 佛祖繼燈 (100-108, 9tr)
19- Bản quốc chư Tổ kế đăng 本國諸祖繼燈 (109-114, 6tr)
20- Kinh lục chư tự 經綠諸序(115-136, 22tr, 25 bài tựa)
21- Sớ văn, mất tiêu đề giữa trang (137-138, 2tr).
Đặt trong bối cảnh kinh nhật tụng đương thời, chúng ta nhận thấy bộ Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi là sự tiếp nối và chịu ảnh hưởng của những bộ kinh nhật tụng đang lưu hành ở Trung Quốc và miền Bắc nước ta, nhưng bộ sách của Hòa thượng Phúc Điền cũng đã tinh giản đi nhiều, rất tiện dụng. Thêm vào phần tiểu sử chư Tổ và các bài tựa trong các sách chính là sáng kiến mới của Hòa thượng Phúc Điền. Và có thể còn nhiều sự khác biệt với dụng ý khác nữa mà chúng tôi tạm thời chưa khảo sát được.
Lời tựa bản gốc
Rất có thể với việc tổ chức nội dung tập sách gồm ba phần kinh, luật, luận thông dụng, Hòa thượng Phúc Điền muốn tạo nên một cuốn sách căn bản “gối đầu giường”, nhưng đầy đủ và tiện dụng cho chư Tăng Ni tu học vào thời đại mà kinh sách còn rất khan hiếm. Việc biên soạn một bộ sách như vậy cũng phù hợp với tính cách chu toàn của ngài, vốn là tác giả của nhiều công trình văn hóa khác từ xây dựng chùa chiền, tiếp Tăng độ chúng cho đến hệ thống trùng san các cổ bản của tiền nhân. Một cuốn sách tương tự khác của ngài đã được biên soạn cho hàng tại gia là quyển Tại gia tu trì thích giáo nguyên lưu gồm 3 quyển thượng, trung, hạ.
Hai mục Bản quốc chư tổ kế đăng và Kinh lục chư tự là hai mục quan trọng giúp cho việc tìm hiểu lịch sử và cổ tịch Phật giáo ở nước ta.
Bản quốc chư tổ kế đăng cung cấp một cách đầy đủ sự truyền thừa các tông phái ở miền Bắc nước ta từ cuối Trần cho đến thời đại của ngài (thời vua Thiệu Trị). Sách còn ghi nhận cả sự truyền thừa của Ni giới thời đó. Một tài liệu quý để tìm hiểu các tông phái và chư Tổ ở miền Bắc nước ta.
Mục kinh lục chư tự trùng khắc 24 bài tựa bạt (trong sách ghi là 25):
1- Ngự chế Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh tự. Vĩnh Lạc thập niên, lục nguyệt, sơ tứ nhật
2- Pháp hoa kinh tri âm, Như Ngu soạn. Vạn Lịch tam thập niên, Nhâm Dần hạ lục nguyệt, thập ngũ nhật
3- Lăng nghiêm chính mạch sớ tự
4- Lăng già kinh tự. Trì Nghị đại phu tương chi kì tuyển
5- Di Đà sớ sao hậu tự. Thê Phóng cư sĩ Lý Dương Xuân thư
6- Phạm võng phát ẩn tự
7- Tam kinh nhật tụng tự
8- Tuyết Đậu Minh Giác hòa thượng tụng cổ tập tự
9- Thiên Đồng Hoành Trí Giác hòa thượng tụng cổ tập tự
10- Trùng khắc quy nguyên trực chỉ tự. Vân Môn Tuyết Đậu đạo nhân Đường vi tân tuyển
11- Trùng khắc Truy môn cảnh huấn tự. Thạnh Hóa lục niên, sa-môn Cảnh Long tự
12- Ngũ đăng hội nguyên tự. Sùng Trinh Giáp Tuất niên Thích Hậu Học Phí Ẩn thông tục hòa nam đề
13- Trúc song tam bút tự. Ất Mão xuân, Vân Thê Châu Hoằng cẩn chí
14- Bảo huấn cựu tự. Canh Dần hạ nhật, Vũ Lâm Tịnh Huệ cư sĩ Trương Văn Gia trọng gia phủ thuật
15- Thái căn đàm tự
16- Thiền quan sách tấn tự. Vạn Lịch nhị thập bát niên Vân Thê Châu Hoằng chí
17- Khóa hư tự. Sơn Tây Hưng Hóa Tuyên Quang tổng đốc Bồ-tát giới pháp danh Đại Phương cẩn tự
18- Lục đạo tập tự. La Phù Trần Cung Quân bái đề
19- Trùng tuyên Hộ pháp luận tự dẫn
20- Trùng tuyên Bổ Đà chí tự
21- Đỉnh Hồ chí tự. Quảng Đông đề đốc Trạch Đạt cẩn tự
22- Phật tổ thống ký tự. Đông Hồ Sa-môn Chí Bàn tuyển
23- Vãng sanh tập tự. Sa-môn Châu Hoằng chí
24- Trùng tuyên Thiền uyển tập anh tự.
Đa phần các bài bài tựa được rút trong kinh sách lưu hành thời đó, trong đó có một số bộ do chính Ngài tổ chức trùng san như: Đỉnh hồ sơn chí-Bổ đà sơn chí (in chung, hơn 600 trang), Hộ pháp luận, Phật tổ thống ký… Đặc biệt nhất là bài tựa của hai sách Khóa hư lục và Thiền uyển tập anh.
Khóa hư tự chính là bài tựa của quan Tổng đốc Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang pháp danh Đại Phương được rút ra từ truyền bản Khóa hư lục 3 quyển thượng-trung-hạ (khác với truyền bản 2 quyển, dày hơn) in vào năm Canh Tý, triều Minh Mệnh (1840). Đại Phương cũng chính là người đứng ra tổ chức khắc bản bộ Đỉnh hồ sơn chí-Bổ đà sơn chí do Hòa thượng Phúc Điền chủ trương. Ông chính là Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai, người đã hỗ trợ đắc lực Hòa thượng Phúc Điền trong việc trùng san kinh sách Phật giáo thời bấy giờ. Truyền bản Khóa hư 3 quyển này lại được chùa Linh Quang trùng khắc vào năm Tự Đức thứ 8 (1854). Các truyền bản Khóa hư này không còn nhiều, bản gốc còn lưu trong Viện Hán Nôm và một số ít chùa ở miền Bắc.
Mục lục bản gốc
Trùng tuyên Thiền uyển tập anh tự, không đề người viết tựa, được Hòa thượng Phúc Điền cho khắc vào phần Kinh lục chư tự nhưng không biết ngài lấy từ bản Thiền uyển tập anh nào vì bỏ đi dòng niên đại khắc bản, vốn luôn xuất hiện sau những bài tựa trùng san. Chúng tôi được biết, ở nước ta hiện chỉ còn 3 bản gốc của truyền bản Thiền uyển tập anh ra đời năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715). Hai ở Viện Hán Nôm mang ký hiệu VHv.1267 và A.3144, một của thầy Giác Thành lưu ở chùa Linh Ứng, Gia Lộc, Hải Dương. Bản A.3144 không biết mặt mũi thế nào, hai bản còn lại khá tốt. Thiền uyển tập anh không được trùng san vào thời Nguyễn như các sách Tam tổ, Khóa hư, Kế đăng… và ván khắc cũng không còn, nên tùng thư Việt Nam Phật Điển Tùng San không thể rập bản lại. Bài tựa Hòa thượng Phúc Điền cho khắc in trong mục Kinh lục chư tự chính là rút ra từ truyền bản Thiền uyển tập anh nói trên. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao Hòa thượng Phúc Điền không cho trùng san Thiền uyển tập anh như ngài đã rất mặn nồng với việc trùng san các sách sử của chư Tổ Việt Nam? Có thể vào thời của ngài, ván khắc đã hư hoại/ không còn. Sách giấy có thể không còn nguyên vẹn nên ngài chỉ lưu lại được bài tựa. Các chùa miền Bắc cũng không còn sách để trùng san lại. Ta biết rằng từ thời Lê đến Bảo Đại, Thánh đăng lục có ít nhất 4 truyền bản, Khóa hư ít nhất 3 truyền bản thế mà Thiền uyển tập anh chỉ có một. Trong khi Thiền uyển tập anh là quyển sách cực kỳ quan trong cả về lịch sử Phật giáo, tư tưởng và văn học… ít ỏi của thời Lý còn sót lại. May mắn mà chúng ta còn tìm ra được 3 bản Thiền uyển tập anh, nếu không thì bài tựa của ngài Phúc Điền đã trở thành di tích cuối cùng của bộ sách có ảnh hưởng vào hàng bậc nhất ở nước ta.
Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi không chỉ là quyển sách quan trọng cho việc hành trì hằng ngày của Tăng chúng đương thời mà còn có ích rất lớn đối với việc nghiên cứu ngày nay. Tuy nhiên sách gần như tuyệt bản. Bản mà chúng tôi sử dụng để phục chế lại do Thượng tọa Thích Giác Thành cung cấp. Đây dường như là bản duy nhất được tìm thấy hiện nay. Hiện văn bản gốc được Thượng tọa Thích Giác Thành trân tàng tại chùa Linh Ứng ở Gia Lộc, Hải Dương. Thư viện Huệ Quang phục chế theo nguyên bản trong tùng thư Huệ Quang Phật Điển Tùng San với ký hiệu HQPĐTS.34.
Chúng tôi xin chân thành tri ân Thượng tọa Thích Giác Thành, nhờ công sưu tầm và gìn giữ của ngài mà nước ta được thêm một văn bản Hán Nôm quý hiếm.
Thích Không Hạnh
Huệ Quang, mùa hạ năm Mậu Tuất, 2018