Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Theo giòng…

Theo giòng…

155
0

(LQ) Công tác bảo tồn di tích văn hóa năm 2013 của cả nước vốn đã là những chuyện “ưu phiền” mà việc bảo tồn di sản văn hóa trong Phật giáo lại còn có nhiều “ưu phiền hơn”. Vấn nạn “bào mòn” di sản sẽ còn kéo dài đến năm 2014 và những năm tiếp theo nữa…Liệu các nhà nghiên cứu, các nhà chức trách và những người có liên quan có tìm ra được giải pháp để ngăn chặn…BBT lieuquanhue.vn giới thiệu bài viết ngắn của CTV Hà Xuân Liêm để chúng ta cùng tham khảo.

Trước hết là vấn đề bảo tồn. Khái niệm bảo tồn rất bao la, nhưng rất cấp thiết. Bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào? Nói đến Phật giáo đời Lý Trần và Phật giáo các đời sau, thì rõ ràng là vấn đề đã thuộc về lịch sử, chúng ta chỉ nhắc đến rất nhiều mà chưa thực sự khai thác để đem lại lợi lạc cho kiến thức và cuộc sống, cho học vấn hiện tại mấy. Những gì của Phật giáo Việt Nam thời xưa còn lại, vật thể và phi vật thể, đều có dính dán đến các nhà nghiên cứu, các học giả, và thậm chí là các triết gia. Viết sách, viết báo để làm nổi bật tư tưởng Phật giáo Việt Nam đời xưa, có gì đặc sắc mang tính riêng của dân tộc, để hình thành nền triết học Việt Nam, và đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học; Phật giáo đã đóng góp phần mình để tạo nên tinh hoa của dân tộc suốt hai nghìn năm, thì các học giả Việt Nam, kể từ thời tiền chiến đến nay người ta đã nghiên cứu và đã nói quá nhiều; nhưng thật sự chưa được vận dụng vào cuộc sống thực tế là bao nhiêu! Bởi một lẽ, hiện nay văn minh Âu Mỹ được phần bộ các thế hệ thanh niên nam nữ đua đòi, du nhập tràn lan, vô tội vạ, vô trách nhiệm. Nhất là trong thời hội nhập này, có một phần bộ thế hệ thanh niên nam nữ các thành phố lớn, các đô thị, sống rất đổ vỡ, lan tràn dưới sức ép của đồng tiền do kinh tế thị trường, do thế lực cạnh tranh thương mãi đem lại, mà người ta quên mất bản sắc văn hóa dân tộc. Sở dĩ hiện tượng này phát sinh là do thiếu một sự giáo dục truyền thụ từ gia đình, và kế thừa văn hóa truyền thống Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Về mặt kiến trúc chùa chiền, chúng tôi nghĩ cần phải có một kế hoạch thật lớn và tổng quan, đồng bộ. Mỗi tỉnh, mỗi miền, cần nghiên cứu một số ít những ngôi chùa lớn, tiêu biểu cho từng thời đại để tôn tạo theo đúng kiểu mẫu đến từng chi tiết, của ngày xưa để lại. Có như thế thì người nghiên cứu văn hóa Phật giáo của các thế hệ tương lai mới có thể tiếp bước để làm nổi bật những nét đặc thù của văn hóa Phật giáo Việt Nam qua diễn trình lịch sử liên tiến theo thời gian được. Còn lại những chùa nhỏ, gọi là chùa, nhưng chỉ là những nơi thờ Phật, không có kiến trúc mang những nét đặc thù tiêu biểu cho từng thời đại, không có cảnh quan xứng đáng, thì ta nên ghi vào sách (danh bạ) cái tên chùa là đủ, không cần viết nhiều đến việc tu bổ. Nói như các thế hệ nhà Nho xưa: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”; lại nói như kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Cái gì chật hẹp thì người đi vào đó cũng mang tâm hồn chật hẹp” mà thôi! Một ngôi chùa Phật phải là một “danh lam”, mà danh lam thì bao giờ cũng phải đặt vào khung trời “thắng cảnh”. Thắng cảnh là môi trường sinh thái có thiên nhiên bao la, khoáng đãng, có cây xanh phủ bóng, có gió reo trong lá, có chim hót, có bướm bay; và nhất là có không gian tĩnh lặng để con người đến đó phải cảm nhận được là mình đang sống đúng nghĩa “sống”. Những ngôi chùa xưa của chư Tổ để lại đều hội đủ các yếu tố này.

Thứ hai là vấn đề kế tục và phát huy. Theo học lý của đạo Phật thì vạn pháp biến đổi từng sát na; và nhất là học lý “tùy duyên bất biến”. Phật giáo đến đâu thì liền hội nhập với văn hóa bản địa nơi đó. Khi giảng dạy, các tông phái đạo Phật đều lấy “Tứ diệu đế”, “Thập nhị nhân duyên” và “Bát chánh đạo” làm nền tảng, cơ sở, không sai không khác, mà không hề khuynh loát bản sắc văn hóa truyền thống bản địa. Vì thế, không nói dài dòng về các nước, mà chỉ nói đến đạo Phật Việt Nam. Phật giáo Việt Nam có cái đặc thù là chỉ có Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông; có đặc thù về học lý, về tư tưởng, kết hợp nhuần nhuyển với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhưng không có đặc thù về kiến trúc. Nói là có ba tông phái, nhưng Thiền, Tịnh, Mật lại hợp dung trong một ngôi chùa. Cho nên bản sắc kiến trúc là chùa Thiền tông, mà cách tu học và cách hành giáo là một đạo Phật hợp dung cả ba dòng tư tưởng. Bởi đó mà kiến trúc chùa Việt Nam chỉ có sắc thái khác nhau là chùa miền Bắc, chùa miền Trung mà đặc trưng và đặc thù là chùa Huế, và chùa miền Nam. Không có chùa mang nét đặc thù của từng tông phái riêng biệt.

Bây giờ vấn đề còn lại là ta phải phát triển như thế nào? Những ngôi chùa xưa truyền thống có thể tiêu biểu cho từng thời đại, thì như chúng tôi đã nói trên, ta phải cấp thiết tôn tạo, đến từng chi tiết đều phải như xưa, để cung cấp tư liệu cho nghiên cứu văn hóa Phật giáo qua các thời đại nói riêng và cho văn hóa Việt Nam nói chung. Còn phát triển? Ta phải thừa nhận rằng chùa viện Phật giáo Việt Nam còn nhỏ bé quá! Bây giờ ta phải phát triển, chưa cần nhiều. Làm sao ba miền đất nước, mỗi nơi đều có một vài chùa viện cỡ lớn. Nhà cửa khang trang, xây dựng kiểu Việt Nam truyền thống; nhưng mở rộng hơn và to lớn hơn, vừa mang sắc thái cổ điển truyền thống, lại vừa có tính cách hiện đại, như kiểu “Trúc Lâm Tịnh Viện” ở trên đảo Hòn Tre tại thành phố Nha Trang. Có như thế thì một trăm năm, vài trăm năm sau, các nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáo của các thế hệ tương lai mới thấy được sự phát triển về kiến trúc chùa viện Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ XXI t.l. là thế nào.

Hiện ta đã có Trúc Lâm Thiền Viện, Trúc Lâm Tịnh Viện; và các chùa viện thuộc Phật giáo Theravada, ta còn phải phát triển chùa Mật tông, thậm chí còn phải phát triển Thiên Thai tông, Luật tông… mỗi tông phái đều có những ngôi chùa to lớn, rộng rãi mang những nét kiến trúc đặc thù của tông phái đó. Có như thế thì ngoài những gì Phật giáo đã đóng góp, đã tạo nên tinh thần, tâm thức, tình cảm cho dân tộc Việt Nam suốt hai nghìn năm qua, thì nay lại có thêm nhiều nét mới lạ về kiến trúc, về học thuật, về tư tưởng, về tâm thức tính linh, khế cơ khế lý với đà tiến hóa của nhân loại, được đóng góp thêm vào kho tàng văn hóa Việt Nam nói chung, và văn hóa Phật giáo nói riêng.

Theo các nhà dân số học thì vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ XXI t.l. dân Việt Nam sẽ đông đến khoảng một trăm năm mươi triệu người. Lúc đó xã hội Việt Nam sẽ có nhiều thay dổi. Vấn đề an ninh lương thực, vấn đề nước uống, vấn đề giao thông đều có thay đổi lớn. Kinh tế thay đổi, văn hóa sẽ có thay đổi. Trước sức tấn công của thế lực đồng tiền; trước sự tiến bộ vượt bậc của khoa hoc, vũ trụ học, tế bào học, siêu điện tử đều ào ạt mở ra những chân trời mới lạ, nhanh đến chóng mặt. Liệu những ngôi chùa mang sắc thái thời Lý Trần, thời Hậu Lê, thời Trịnh Nguyễn, thời triều Nguyễn… có đáp ứng được tầm nhận thức của con người Việt Nam lúc đó không? Hay là Phật giáo Việt Nam phải có những chùa viện lớn như ở Nhật Bản, ở Trung Hoa với nhiều nét kiến trúc đặc thù Việt Nam, với nhiều dòng tư tưởng của các tông phái, mà tất cả đều bắt nguồn từ Tứ Diệu đế, Thập nhị nhân duyên và Bát chánh đạo, không sai không khác và đều có một mục đích chung là phụng sự Đạo Pháp và Dân Tộc để làm nổi bật nét riêng của Phật giáo Việt Nam trong Phật giáo thế giới. Đó là việc cần làm hôm nay để phục vụ ngày mai vậy.

H.X.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here