Trang chủ Phật học Thể nhập hạnh nguyện Bồ-tát

Thể nhập hạnh nguyện Bồ-tát

140
0

Và muốn hóa độ chúng sanh thì phải thể nhập hạnh nguyện của Bồ-tát. Vì “Chư Bồ-tát đều lấy thân chúng sanh làm thân mình, lấy pháp giới làm nhà, chuyển hóa Ta-bà thành Tịnh Độ, trang nghiêm Phật độ. Thành tựu tâm từ bi, hỉ xả”. Cho nên thực hiện hạnh nguyện Bồ-tát là phương thức hữu hiệu nhất để sớm thành Phật đạo. Tiêu biểu cho hạnh nguyện của Bồ-tát là mười nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.

 Mười hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền được cụ thể hóa rất dễ dàng cho hành giả thực hiện. Chẳng khác nào như chiếc cầu thang để cho con người bước lên đến đỉnh cao của sự an vui giải thoát thực sự. Cho nên “ thực hành trọn vẹn mười hạnh nguyện Phổ Hiền là thể nhập được pháp thân của Phật, Thanh Tịnh được cõi phật và có năng lực để cứu độ chúng sanh”. Khi bước vào tìm hiểu và thực hiện từng hạnh nguyện thì chúng ta sẽ thấy rất rõ:

1. Lễ kính chư Phật: Tại sao phải lễ kính chư Phật? Bởi lẽ Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, toàn giác, toàn năng. Lễ Ngài là thể hiện lòng thành kính của mình đối với Ngài, chính lòng thành kính này sẽ tạo cho mình phước đức rất lớn. Lại nữa, tất cả chúng ta nghiệp chướng còn nặng nề, đạo tâm còn yếu đuối cho nên cần phải nương vào bản nguyện và năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát. Chúng ta tin rằng trên đường đạo, mỗi bước chân mình đi, mỗi việc làm của mình đều có chư Phật, chư Bồ-tát nâng đỡ hộ trì. Có niềm tin vững chắc như vậy thì khi gặp những nghịch cảnh chúng ta cũng không thối thất đạo tâm; đồng thời khi thành tựu việc Phật sự gì thì cứ nghĩ là nhờ ơn Phật gia hộ mà không sanh tâm tự cao, tự đắc. Biết bao nhiêu người làm được nhiều việc Phật sự nhưng để cho lòng tự cao, tự hào khởi lên, đó là cơ hội để cho ma nhập vào. Mỗi khi bị ma nhập vào rồi thì đường đi của họ bị lệch lạc không còn hợp với chánh pháp nữa.

Đứng về mặt ‘sự’ là như vậy; còn về mặt ‘lý’ thì lễ kính chư Phật cũng có nghĩa là tập cho mình có lòng khiêm cung nhã nhặn và tôn trọng tất cả mọi người. Vì đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh”. Vì thế chúng ta phải tôn trọng vị Phật trong tâm họ. Có nghĩa tôn trọng những đức tính tốt đẹp, cao quý của họ. Cũng nhờ đó mà bản ngã kiên cố của mình được đoạn trừ một phần nào. Nếu một người mà không tôn kính Phật thì chẳng còn biết tôn kính ai.

2. Xưng tán Như Lai: Là cảm mộ ân đức sâu dày của Ngài. Trong vô lượng kiếp  Phật vì chúng sanh mà phải chịu khổ chịu cực, xả thân cùng khắp để hành Bồ-tát đạo. Khi Phật chưa xuất hiện thì cuộc đời tối tăm, bạo loạn, chúng sanh thường bị rơi vào trong ba đường ác. Nhưng lúc Phật xuất hiện thì ánh hào quang trí tuệ của Ngài soi sáng cùng khắp, như đem ánh sáng đến cho người mù, như dựng lại những gì bị đổ ngã. Nếu không có Phật thì làm sao chúng ta biết được con đường để đi ra khỏi khổ đau. Ân ấy, đức ấy thật khó đáp đền. Nên mỗi khi xưng tán Ngài là ta nguyện cho muôn kiếp dù cho thịt nát xương tan, cũng nguyện được thân cận với chánh pháp của chư Phật.

3. Quảng tu cúng dường (cúng dường cùng khắp): Chúng ta làm sao có thể cúng dường cùng khắp? Trong bài kệ xuất sanh của lễ Quá Đường có câu “Thất lạp biến Thập Phương” (bảy hạt cơm biến ra đầy cả muôn phương) chỉ có bảy hạt cơm thôi nhưng nhờ lòng thanh tịnh chú nguyện cộng với lòng từ bi và nương nhờ vào năng lực của chư Phật mà bảy hạt cơm đó hóa ra đầy cả mười phương để cung cấp cho chim muông, quỷ thần và cho hết thảy chúng sanh đang đói khát. Như vậy vấn đề quan trọng ở đây là cái tâm. Cho nên muốn cúng dường cùng khắp thì phải cúng dường với cái tâm thanh tịnh, chứ không phải dùng số lượng để cúng dường. Trong Kinh Phát Hoa, Phẩm Phương Tiện nói: “Nếu có đồng tử dùng tay vẽ hình tượng Phật trên đất với tâm hân hoan cung kính, cúng dường như vậy cũng là nhân duyên để thành Phật đạo”.

Cúng dường lên Phật bằng nhiều hình thức khác nhau; nếu những ai biết phụng sự chúng sanh cũng là cúng dường chư Phật. Như vậy đối với một người không có gì để cúng dường chư Phật nhưng trong tâm thức cũng như lời nói, hành động luôn luôn hợp với Thiện Pháp đem lại lợi lạc, an vui cho mọi người, cho cuộc đời thì đó chính là cúng dường chư Phật rồi vậy.

4. Sám hối nghiệp chướng. Nếu ai cho rằng, ta làm gì tội lổi mà sám hối thì đó là một sự sai lầm quá lớn! Chư Phật dạy rằng động chân cất bước là đã có tội. Vì khi động chân cất bước là chúng ta đã giẫm đạp vô số côn trùng bò lúc nhúc trên mặt đất nhưng vì mắt phàm phu của chúng ta thiếu trí tuệ soi sáng nên không thấy mà thôi. Huống hồ vô thỉ kiếp đến nay vì si mê lầm lạc mà chúng ta đả tạo ra bao nhiêu tội lỗi làm sao kể hết! Đừng nói gì xa, mà ngay như những chuyện trước mặt; cách đây một tháng, một năm chúng ta đã tạo ra nghiệp chướng gì đâu còn nhớ. Và thời gian sắp đến chúng ta sẽ tạo ra những nghiệp bất thiện gì cũng không lường trước được. Cho nên hằng ngày chúng ta cần phải sám hối để tiêu trừ những tội lỗi đã gây tạo từ trước. Đồng thời để ngăn ngừa tội lỗi trong tương lai không cho xảy ra. Ngoài việc sám hối cho bản thân chúng ta còn phải sám hối tội lỗi cho mọi người. Vì sống trong cuộc đời con người luôn có sự tương quan tương duyên với nhau. Ngoài biệt nghiệp còn có cộng nghiệp. Nếu như nghiệp chướng của những người xung quanh còn nặng nề thì nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của ta. Cho nên chúng ta cần phải sám hối nghiệp chướng cho họ.

5. Tùy hỷ công đức: Tại sao ta phải tùy hỷ công đức, vui mừng trước sự thành công của người khác. Bởi lẽ, phàm là chúng sanh ở trong cõi Ta Bà này thì thường mang tâm lý ghen ghét, đố kỵ, cống cao ngã mạn, lúc nào cũng muốn mình hơn người chứ không bao giờ muốn ai hơn mình. Vì không có tâm, vui mừng tán dương thành tựu của người khác, cho nên trong tâm thường phát sinh những pháp bất thiện, đầy tội lỗi. Nếu những ai còn có tâm lý này là rơi vào trạng thái của thiên ma vì thiên ma ba tuần mỗi khi thấy có người tu tập chứng đạo liền sanh tâm ghen ghét muốn tìm cách phá hoại. Cho nên chúng ta cần phải phát tâm hoan hỷ tán thán mỗi khi thấy người khác làm việc thiện. Nhất là đối với những người có tâm tu tập hoàng dương chánh pháp, cúng dường và hộ trì Tam Bảo thì chúng ta nên hoan hỷ tán than và khuyến khích họ. Có như vậy thì những tâm lý đố kỵ, ghen ghét mới tiêu mất và  đường đạo của mình mới thăng tiến.

6. Thỉnh chuyển pháp luân: Phật pháp sở dĩ được tồn tại trên thế gian này là do con người có thực hành, tức là biết duy trì và sống đúng theo chánh pháp. Ngoài việc phiên dịch diễn giải kinh điển, dùng mọi phương tiện để truyền bá chánh pháp ra. Chúng ta cần phải sống với Pháp. Phải lập thời khóa tu tập, tụng kinh, niệm Phật. Ở nơi nào có tiếng tụng kinh, tiếng niệm Phật vang vọng là nơi đó Chánh pháp lưu hành. Lại nữa nhờ tụng kinh niệm Phật mà con người huân tập được những lời Phật Tổ dạy vào trong tâm thức tạo thành năng lực chuyển hóa những nghiệp bất thiện thành thiện nghiệp. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện của một bác nông phu: Một hôm vào chiều tối bác đi qua một ruộng dưa của nhà hàng xóm. Nhìn trước, nhìn sau, nhìn phải, nhìn trái thấy không có ai cả bác định cúi xuống hái một trái dưa thật to để vào giỏ. Nhưng ngay lúc đó trong tâm thức bác vang vọng lên lời kinh: “Vật của ai người đó giữ, dù một cây kim, một lá rau họ không cho cũng không được lấy”, tôi thấy cảm động quá! Lời kinh có năng lực quá! Tuyệt vời quá!. Như vậy tất cả phật tử chúng ta cần phải có bổn phận làm cho Chánh pháp được tồn tại mãi mãi ở thế gian.

7. Thỉnh phật trụ thế: Là làm cho hình ảnh của đức phật luôn luôn hiện hữu trên thế gian này. Nói đến đức phật thì có hai phương diện: đó là đức Phật lịch sử và đức Phật biến hóa. Nếu ai không tin có đức Phật biến hóa thì sự hiểu biết còn bị phiến diện. Còn mỗi khi đã tin có Phật biến hóa rồi thì chúng ta cần phải dựng tháp xây chùa, vẽ, đúc hình tượng của Phật tôn trí thật trang nghiêm để lễ lạy, cúng dường thì chúng ta sẽ gặp Phật. Phật sẽ hiện diện trên cõi đời này. Đó là đứng về mặt ‘sự’. Còn đứng về mặt ‘lý’ thì chúng ta phải dùng các thiện Pháp, lấy nước từ bi và trí tuệ để nuôi lớn Phật tánh ở trong tâm. Ngược lại nếu nhân danh là Phật tử ăn cơm Phật, mặc áo Phật mà trong tâm nghĩ chuyện của ma, ngoài thân làm việc của ma, nói chuyện của ma. Hay nói cụ thể hơn, nếu là Phật tử mà còn đắm say trong danh lợi, trong những thú vui tầm thường thấp kém, rượu chè, cờ bạc say sưa, ăn chơi trác táng; sống như vậy là tự mình làm tổn thương đến Phật, tự mình làm cho Phật vắng bóng không biêt bao giờ gặp lại Phật. Vậy muốn thỉnh Phật trụ thế thì chúng ta đừng bao giờ làm tổn thương đến Phật.

8. Thường tùy Phật học: Chúng sanh trong thế giới Ta-bà này sở dĩ si mê lầm lạc, thường gặp tai nạn khổ đau thường là vì thiếu trí tuệ; cho nên cần phải phát tâm học hỏi Chánh pháp để khai mở trí tuệ. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy: “Thân người khó được, Phật pháp khó gặp”. Nay chúng ta nhờ có gieo trồng thiện căn nên đã được làm thân người lại có duyên lành gặp được Chánh pháp, nếu như không phát tâm học hỏi thì thật đáng tiếc. Theo Kinh Pháp Hoa thì tiền thân của đức Phật có một kiếp Ngài làm vua, nhưng vì mến mộ Phật pháp nên ngài đã nhường ngôi cho Thái tử để đi theo hầu hạ vị Tiên nhơn; hái trái gánh nước, lượm củi, nấu ăn để được học hỏi giáo pháp. Tấm gương này có năng lực đánh động vào tâm thức của chúng ta, chúng ta không thể không noi theo. Mặc dầu giáo pháp của Đức Phật vô lượng vô biên nhưng chỉ có một vị duy nhất đó là hương vị giải thoát. Như nước biển tuy bao la mênh mông nhưng chỉ có một vị, ấy là vị mặn. Lại nữa, giáo pháp được ví như thuốc: “Thuốc không có tốt xấu, chữa lành bệnh là thuốc hay. Cũng vậy pháp không có cao thấp, hợp căn cơ là pháp diệu”. Cho nên chúng ta cần chọn cho mình một pháp hợp với căn cơ, với hoàn cảnh của mình để học hỏi, nghiên cứu, hành trì cho có kết quả.

9. Hằng Thuận chúng sanh: Đức Phật là một vị lương y đại tài tùy bệnh cho thuốc, nhờ đó mà chữa lành mọi căn bệnh của chúng sanh, cho nên chúng ta cần học theo phương cách giáo hóa của Ngài. Khi thể nhập vào cuộc đời thì phải biết tùy duyên mà quyền biến, không nên cố chấp. Chư Tổ dạy: “Nếu đem tâm ma để làm việc Phật thì việc Phật sẽ trở thành việc ma, còn đem tâm Phật mà làm việc ma thì việc ma sẽ trở thành việc của Phật”. Cho nên khi chúng sanh có nghỗ nghịch, xấu ác đến mấy chúng ta cũng đem tâm Phật để sống với họ, gần gũi để cảm hóa họ. Nhưng muốn gần gũi để cảm hóa họ thì chúng ta cần có tâm kiên trì nhẫn nại, phải tìm hiểu tâm lý, hoàn cảnh của họ xem họ đang cần gì để đáp ứng cho họ, rồi hướng dẩn cho họ vào đạo, tu tập theo thiện pháp để đạt đến an vui giải thoát.

10. Phổ giai hồi hướng: (hồi hướng cùng khắp): Tại sao chúng ta phải hồi hướng cùng khắp? Bởi lẽ ở đời con người chỉ biết nghĩ đến vợ (chồng), con cháu và bà con ruột thịt của mình mà chẳng mấy ai lo nghĩ đến người khác. Chính sự phân biệt ngã chấp này đã gây ra cho con người không biết bao nhiêu phiền não. Và phiền não này trong kinh dạy chính là dòng thác chảy mạnh lôi cuốn chúng sanh vào dòng sinh tử luân hồi, là xiềng xích trói buộc chúng sanh trong khổ đau không bao giờ thoát ra được.Vì vậy chúng ta cần phải thực hành hạnh hồi hướng cùng khắp. Nghĩa là mỗi khi tụng kinh, niệm Phật, lễ lạy, bố thí, cúng dường, tu trì được bao nhiêu phước đức cũng đều đem hồi hướng cho hết thảy chúng sanh khắp pháp giới. Có như vậy mới loại trừ tâm lý phân biệt, ích kỷ, hẹp hòi để hướng đến cái tâm bao la rộng lớn, thanh cao, hướng đến Bồ-đề Tâm.

Qua sự trình bày trên cho chúng ta thấy rằng: đối với những ai tha thiết mong cầu giải thoát giác ngộ đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người cho cuộc đời, dẫn dắt mọi người sống theo Chánh pháp thì không thể không thực hành theo mười Hạnh Nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Thực hành trọn vẹn mười Hạnh Nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền thì chúng ta sẽ thành tựu được trí tuệ, khai thông những chướng ngại, phá tan màng vô minh và những tâm lý bất thiện: tự cao, kiêu mạn, ích kỷ, hẹp hòi. Cõi lòng sẽ rộng mở để đón nhận mọi người mà không phân biệt thân sơ, giàu nghèo sang hèn, tốt xấu. Không từ bỏ cuộc đời nhưng không bị vướng vào vũng lầy của cuộc đời, không chạy theo danh lợi phù huyễn. Cũng không ngưng trệ nơi “Hóa thành” mà luôn luôn hướng tâm đến “Bảo sở”. Có như vậy mới không cô phụ hoài bảo lớn lao của đức Phật. Vì đức Thế Tôn ra đời với một mục đích duy nhất là dùng mọi phương tiện để khiến cho chúng sanh ngộ được ‘tánh Phật’ nơi mình để trở về an trú với ‘chơn tâm Phật tánh’, từ giả vĩnh viễn lục đạo luân hồi khổ đau.

Nhân đây tôi chân thật tán thán tinh thần học đạo của quý học viên. Quý vị phần đông tuổi đã ngoài sáu mươi nhưng vẫn khao khát ham thích và say mê học hỏi Chánh pháp. Tôi thiết nghĩ chẳng khác nào như những cây mai già cằn cỗi nhưng vẫn hấp thụ tinh hoa của vũ trụ để nở ra những đóa hoa thơm cho cuộc đời. Rồi có biết bao nhiêu vị tuy bị gia duyên ràng buộc, lại đường sá xa xôi nhưng quý vị vẫn tham gia các khóa học đều đặn. Điều này chứng tỏ thân quý vị còn ở trong thế tục nhưng tâm quý vị đã thoát tục. Chúng tôi cầu chúc quý vị sở học được thăng tiến để ứng dụng vào đời sống thường nhật đem lại an vui hạnh phúc cho bản thân, cho cuộc đời.

T.K.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here