Trang chủ Phật giáo khắp nơi Phật giáo thế giới Thấy "Phật" ở Myanmar

Thấy "Phật" ở Myanmar

147
0

Lịch sử ngưng đọng

Tĩnh lặng ngay ở giữa trung tâm thương mại lớn, từng là thủ đô của đất nước Phật giáo, là cảm nhận đầu tiên của tôi khi chạm cửa Yangon. Đường từ sân bay về trung tâm thành phố vắng lặng dù mới khoảng gần 7h tối. Tịnh không tiếng còi xe, không một bóng xe máy. Đường nhựa phẳng lì, sạch bong. Hai bên đường ngút bóng cây xanh.
 
Tôi may mắn đã được đến nhiều vùng đất trên thế giới, nhưng quả thật Yangon có một vẻ riêng biệt không giống nơi nào. Không thể nói là lạc hậu vì những đường phố được quy hoạch về giao thông và kiến trúc khá quy củ. Song trên nền tảng ấy lại là một nhịp sống chậm rãi và có phần lạc hậu đến bất ngờ. Dường như lịch sử đang ngưng đọng ở chốn này.

Mới hơn chín giờ tối, song cả thành phố chìm trong yên tĩnh và bóng tối. Ngay cả đường phố trung tâm nơi khách sạn chúng tôi ở cũng chỉ thấy le lói ánh đèn hắt ra từ các cửa hiệu mở muộn. Mặc cả đi từ khách sạn ra chùa vàng Shwedagon khoảng 2km mất 2 nghìn chạt (tiếng địa phương gọi đồng kyas – đơn vị tiền tệ của Myanmar, một nghìn chạt ăn 1USD), sáu khách du lịch chúng tôi được nhồi vào một chiếc xe taxi. Ghế trước nhồi hẳn hai ông (ở VN chắc bị phạt tiền triệu, giữ bằng).
 
Trông bên ngoài chiếc xe taxi thuộc loại xe Nhật cũ từa tựa như những xe tập lái cổ lỗ của VN, nhưng nội thất thì ôi thôi thật kinh hoàng. Ghế xe được bọc bằng loại vải nỉ không còn rõ màu sắc. Một mùi khó tả pha trộn bốc lên dai dẳng khiến tôi phải thò đầu ngay ra ngoài cửa xe không kính mở toang hoác, thầm nghĩ “may quá xe không kính”. Khi xe chạy, tất cả các bộ phận đều cọt kẹt trừ chiếc còi không kêu. Taxi không hề có bộ đàm và côngtơmét. Giá cả do khách và chủ xe thỏa thuận.

Trên xe, tôi tranh thủ khai thác anh chàng lái xe cao và gầy nhỏng như một cây sậy, đen xỉn, mới biết: Cả Yangon có khoảng 2.000 xe taxi, chất lượng na ná như nhau. Giá xe ôtô ở đây rất cao vì nhà nước hạn chế nhập khẩu. Hiện cả nước Myanmar có khoảng 400.000 ôtô các loại.
 
Những chiếc xe như thế này có giá khoảng 15.000 – 20.000USD (anh bạn cùng trên xe – một tay “tổ” về ôtô lập tức phì cười không nín nổi vì “xe này ở VN nếu muốn cho, có lẽ phải các thêm tiền để người ta nhận”). Giá một chiếc xe Camry 3.0 mới khoảng 200.000USD. Giá xăng ở đây khoảng 3 nghìn chạt một lít.

Myanmar rất hạn chế nhập khẩu xe máy. Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân là xe đạp, xe bus và ôtô. Xe bus, xe khách luôn lèn chặt người. Giá xe bus 2 chạt/người/chặng. Người đứng, ngồi trên nóc xe hay may mắn được ngồi ghế cũng chịu cùng giá vé. Phương tiện giao thông công cộng luôn trong tình trạng quá tải, thiếu xe và cước phí cao. 

Giá cả sinh hoạt tại Myanmar khá dễ chịu. Với mức chi trả khoảng 200USD cho một người trong tour du lịch 4 ngày 3 đêm (không kể vé máy bay), bạn đã có thể được hưởng những tiện nghi hạng nhất. Qua cô hướng dẫn viên xinh đẹp và nhiệt tình, có cái tên gốc Hoa dễ thương Chin Chin của Myanmar, chúng tôi đã nạp kha khá thông tin về đất nước này.

Thông tin liên lạc tại Myanmar có thể nói là rất hạn chế. Cả nước chỉ có khoảng 400.000 máy vi tính được nối mạng trên 57 triệu dân. Điện thoại không roaming. Gọi điện thoại quốc tế bằng thẻ với giá khoảng 5USD/ phút về VN. Tại các khách sạn mới có Internet, giá vào mạng 2USD/tiếng. Điện cung cấp cho sinh hoạt trong tình trạng khan hiếm. Chỉ các khách sạn và cơ quan quan trọng mới có điện suốt ngày.  Đầu tư nước ngoài vào Myanmar cũng rất hạn chế. Song điều bất ngờ là Việt Nam đã có BIDV đặt ngân hàng tại đây.

Lang thang ở Yangon, chúng tôi bắt gặp những khu dân cư nghèo nàn, những căn nhà chật chội, thấp, tối và thiếu tiện nghi. Các chung cư ngay mặt đường hệt như khu chung cư của VN thời bao cấp, tuy không “đeo balô” cơi nới, nhưng cũng nhằng nhịt quần áo, dây dợ. Hàng tiêu dùng nhập khẩu hiếm và đắt đỏ. Trẻ em và phụ nữ thường hỏi xin khách du lịch son môi, chắc thứ này quý với họ. 

Chùa Vàng – ánh sáng lòng tin

Một Myanmar tĩnh lặng có phần lạc hậu nào ngờ lại là bè trầm ấp ủ cho một nốt nhạc vút cao chót vót gây sững sờ cho du khách. Cảm giác ngất ngây đã chiếm lĩnh tôi khi những tia nắng bình minh đầu tiên rọi trên ngọn tháp kiêu hãnh, có một không hai trên thế giới, tháp Chùa Vàng – Shwedagon.
 
Sức phản chiếu của khoảng 80 tấn vàng dát trên thân tháp ở độ cao 98,9m đủ sức làm loé mắt bạn dù ở khá xa. Quanh ngọn tháp chính toạ lạc trên diện tích hơn 21ha là 74 ngôi chùa nhỏ và 4 ngôi chùa lớn với hàng nghìn tượng Phật lớn nhỏ nạm vô số viên kim cương và ngọc quý. Chùa Vàng lúc nào cũng nườm nượp phật tử từ khắp đất nước Myanmar và thế giới đến hành lễ, ngồi thiền, du khách tham quan. Vé vào cửa cho một người là 5USD. 

Lời kể trầm bổng của cô hướng dẫn viên Chin Chin đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử: Vào thế kỷ 6 trước Công nguyên, hai anh em nhà buôn Tapussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và được giác ngộ về đạo Phật nên đã về Myanmar xây chùa vàng Shwedagon. Hai nhà buôn còn mang hai bảo vật là tám sợi tóc của Đức Phật và một nhánh rễ cây bồ đề nơi Đức Phật chứng ngộ về trồng tại chùa.

Đến nay trải qua hơn 2.500 năm, tám sợi tóc của Đức Phật vẫn được lưu giữ trong lòng tháp vàng cùng với bộ áo cà sa, cây gậy của các vị Phật và 3 bộ tàng kinh. Còn nhánh rễ cây bồ đề khi xưa đã thành một “cụ” bồ đề hơn 2.500 tuổi với đường kính gốc gần 2m và tán lá xanh rì rào rậm rạp đang tỏa bóng che mát cho chúng tôi dưới cái nóng hầm hập hơn 38 độ C.

Lúc đầu tháp chỉ được xây bằng gạch, cao 26m, không được dát vàng. Đến thế kỷ 15, một vị nữ vương rất tin vào Tam bảo nên đã cung tiến 41kg vàng, bằng đúng trọng lượng cơ thể của bà để dát lên toà tháp. Noi gương mẹ, thái tử con nữ vương cũng cung tiến số vàng bằng trọng lượng thân thể để dát tiếp lên tháp. Từ đó đến nay, phong tục cung tiến vàng, ngọc dát lên tháp cứ nhân lên theo lòng kính yêu Đức Phật của các phật tử đất nước này.

Sau nhiều lần trùng tu, nâng cấp ngọn tháp Chùa Vàng Shwedagon hiện tại cao 98,9m, được dát 80 tấn vàng và nạm 89. 994 viên ngọc quý. Quả cầu trên đỉnh tháp có đường kính 9 inch nạm 1.600 viên hồng ngọc, tổng trọng lượng 1.800 cara, trong đó viên to nhất 76 cara. Qua thời gian, 20 tấn vàng đã bị mưa gió bào mòn nên ước tính số lượng vàng trên tháp còn vào khoảng 60 tấn. Cứ 5 năm, tháp lại được bảo dưỡng.

Một điều kỳ diệu là Chùa Vàng Shwedagon vẫn vững như bàn thạch qua 8 trận động đất và một đám cháy lớn vào năm 1931. Dường như lòng kính yêu Phật của hàng triệu phật tử đã giữ ngôi chùa trường tồn hơn 2.500 năm, vượt qua sự khốc liệt của thiên tai. Tôi bỗng “ngộ” ra vì sao cuộc sống của người dân Myanmar còn khổ ải, lạc hậu, theo cách đánh giá hiện đại, song nụ cười bình an lại nở trên môi nhiều người đến vậy.

Từ những nhà sư đi khất thực đầu trần chân đất, đến các chị quét rác gầy guộc. Từ những người buôn thúng bán bưng đến các bà chủ hiệu vàng ngọc đều an hoà vui vẻ, thân thiện với du khách. Chin Chin cho biết, những người theo đạo Phật ở Myanmar thường chọn các nghề xã hội, họ không đi theo con đường kinh doanh.

Cả nước có đến 450.000 nhà sư nam và 28.000 nhà sư nữ, nhiều hơn hẳn số lượng quân sĩ trong quân đội là 300.000. Các phật tử rất mộ đạo. Sáng sớm trước khi đi làm, buổi chiều sau khi tan sở, họ đều đến chùa cầu nguyện và cảm ơn Đức Phật với một vẻ hài lòng, thảnh thơi hiện rõ trên nét mặt. Họ dẫn theo những đứa trẻ lớn, bế theo cả các đứa còn ẵm ngửa.

Lễ vật chỉ là hoa, quả, nến và những lá vàng dát mỏng để dát tượng Phật. Trong chùa sực nức mùi hương hoa. Tuyệt nhiên tiền không được đặt như một thứ lễ vật. Tiền công đức được bỏ vào các hòm kính. Thu nhập của người dân không cao, nhưng họ cung tiến rất nhiều vàng dát chùa. Ngay cả các bức tường trong chùa cũng được dát vàng sáng chói.

Tôi đã ngỡ ngàng trước trùng điệp tượng vàng, tượng ngọc, chùa vàng…, đã được đặt chân lên nền gạch bạc, gạch vàng lát chùa ở Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc…, đã trầm trồ trước sự sùng kính, mến yêu Đức Phật của người dân các nước này. Song tới Shwedagon, dường như có một thứ ánh sáng kết tinh từ lòng tin thuần khiết của hàng triệu trái tim phật tử đất này làm bừng thức chân lý trong tôi.

Lịch sử hình thành Shwedagon là sự tỉnh thức, cởi bỏ tham vọng, là ước mơ về một thế giới coi thứ quý nhất không phải vàng ngọc, mà là tình yêu hồn nhiên không vụ lợi, là sự bình an của tâm hồn. Đó là “Phật”(!). Tôi đã thấy “Phật” ở Myanmar.

Chiếc Focker 70 của Vietnam Airlines rời sân bay Yangon 8 giờ tối, nhưng ánh sáng lung linh từ ngọn tháp Chùa Vàng vẫn nhìn thấy qua cửa sổ máy bay. Trong tôi như vi vút mãi tiếng chuông gió trong veo, tiếng reo của những lá bồ đề trái tim lao xao trong nắng: Bình an, bình an, bình an…

 Đ.T (Lao Động)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here