Trang chủ Phật giáo khắp nơi Thấy gì qua hai lần kêu gọi…

Thấy gì qua hai lần kêu gọi…

111
0

Lâu nay, tôi cũng không tin lắm vào những lời nhận xét theo kiểu rất "ác mồn ác miệng" rằng với Tăng, Ni trẻ bây giờ tinh thần trách nhiệm với tập thể, với tổ chức, với Giáo hội…là một thứ gì đó rất xa xỉ đối với họ.

Tôi cũng không tin lắm lòng nhiệt huyết của Tăng, Ni bây giờ không còn nữa mà cứ đau đáu một niềm tin rằng chắc nó còn tiềm ẩn ở đâu đó, nó còn ẩn núp ở đâu đó để đợi thời cơ bộc phát ra…

Tôi cũng không tin lắm rằng Tăng, Ni bây giờ chỉ biết sống hưởng thụ, chạy theo vật chất, đua đòi những phương tiện đi lại (xe cộ sang trọng, hon da, xe máy đến ô tô hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng), nghe nhìn (điện thoại di động  iphone, ipad, ti vi máy tính hàng hiệu hàng chục triệu chiếc…). Tất cả chỉ để hưởng thụ, để hơn thua nhau khoe khoang núp dưới danh "phương tiện".

Mặc dầu rất không muốn nghe, không muốn thấy hình ảnh của Tăng, Ni mất dần trong niềm tin của Phật tử, của người dân, nhưng cứ mỗi lần ra đường, mỗi lần nói chuyện với nhau về Đạo pháp, về tình hình Giáo hội, Phật giáo thời nay…thì lại mỗi lần được nghe, được biết có rất nhiều những hình ảnh Tăng, Ni phản cảm mà mọi người đã thấy đã nghe…

Vừa qua, nhân Ban Trị sự GHPG tỉnh TT Huế chuẩn bị tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm 18&19.6 Nhâm Thìn, thì trong hai kỳ Bố Tát 30/5 và 14/6/ Nhâm Thìn Hòa thượng Thích Chơn Hương, Trưởng Ban Tăng Sự đã hai lần đứng ra kêu gọi Chư Tăng nhiệt tình tham gia Lễ Hội…thấy nhói lên một nỗi đau cần phải nhìn lại.

Mới nghe qua lời kêu gọi rất thống thiết lần đầu vào kỳ Bố tát 30/5 Nhâm Thìn, chúng tôi cứ nghĩ rằng đây chắc là lời tự đáy lòng của thầy dặn trò, anh dặn em cùng cầm tay nhau đến với lễ hội để thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với Phật, đối với vị Bồ tát với hạnh nguyện lăng nghe và yêu thương với cuộc đời. Nhưng càng nghĩ lại càng thấy đằng sau lời kêu gọi ấy là cả một nỗi buồn đau đáu cho đạo pháp, cho truyền thống Phật giáo một vùng đất mà từ lâu nay luôn được xem là trung tâm Phật giáo của cả nước.

Đang nghĩ lời kêu gọi lần thứ nhất chưa thông thì lại đến lời kêu gọi lần thứ hai vào ngày Bố tát 14/6 Nhâm Thìn, tự dưng thấy trong lòng nhói lên, giờ thì không phải suy nghĩ chi nữa, rõ ràng đây là vấn đề, là một vấn nạn mà không phải của riêng ai. Tình trạng Tăng, Ni trẻ sống "vô cảm" với các sự kiện Phật giáo mà Giáo hội, mà Ban Trị sự tổ chức đã đến hồi báo động.

Còn nhớ lại các kỳ lễ hội Quán Thế Âm trước đây thì đúng là rất buồn, nhìn vào kháng đài chỉ thấy lèo tèo khoảng vài chục Tăng, Ni tham dự ngồi lọt thỏm giữa đông đảo quý vị lãnh đạo chính quyền các cấp và các đạo tràng Phật tử. Hình ảnh đó đã khiến chư tôn Hòa thượng rất đau lòng và suy nghĩ.

Tại sao có tình trạng nầy, không những lễ hội Quán Thế Âm mà ngày chính lễ Phật đản cũng thế. Nghĩ mà đau, một tỉnh có lượng Tăng, Ni lên đến hơn 800 người nếu chỉ cần đi phân nửa số đó thôi thì sân chùa Từ Đàm hay không gian lễ Hội Quán Thế Âm cũng sẽ bị nhuộm vàng chứ làm sao có lời nhận xét vừa tiếu lâm vừa đau nhức nhối như thế nầy "sinh nhật Phật, sinh nhật Bồ tát mà quý thầy, quý cô đi dự còn ít hơn cả lãnh đạo chính quyền các cấp".

Còn nhớ cách đây không lâu, sau kỳ tổ chức Đại lễ Phật đản xong, Ban Trị sự và Ban tổ chức đã họp tổng kết, kiểm điểm có nêu ra vấn đề tại sao chư Tăng, Ni không đi dự lễ Phật đản; Rất nhiều ý kiến đưa ra, lý do nầy lý do nọ…đáng chú ý là có một ý kiến nói rất đau rằng "Bạch chư tôn đức vấn đề chư tăng không đi dự Phật đản trước hết chư tôn đức tự kiểm điểm lại mình đã có ai kêu gọi, nhắc nhở, sách tấn Tăng chúng trong chùa mình là làm chi thì làm nhớ sáng rằm tháng Tư đi dự lễ Phật đản chưa, hay chư tôn đức tại các cơ sở có đông Tăng Ni như Học Viện, trường Trung cấp Phạt học đã bao giờ vận động Tăng, Ni tham gia các Phật sự và đặc biệt là tham gia đại lễ Phật đản tại chùa Từ Đàm hay lễ hội Quán Thế Âm tại núi Tứ Tượng chưa? Nếu thế thì trước hết chư tôn đức phải tự kiểm điểm lại mình, Ban Điều hành Học viện, Ban Giám hiệu trường Trung cấp Phật học phải tự kiểm điểm lại mình; chư Tăng Ni đang nhờ ai mà sống, áo ai mà mặc, cơm ai mà ăn, chùa ai mà ở mà tu mà hưởng thụ nếu không phải là Đức Phật vậy Đức Phật có phải của Ban Trị sự đâu tại sao Tăng, Ni sinh lại không đi dự lễ mà Ban Trị sự đã đại diện đứng ra tổ chức…"

Tại sao thế? tại sao một số Tăng, Ni lại có ý thức tổ chức sinh nhật của mình thật to, thật lớn, mời bạn mời bè đông đúc hoặc thậm chí còn có một số Tăng, Ni đi chơi Noel, tổ chức Noel mà không tổ chức Phật đản, không đi chơi Phật đản. Phải chăng lối sống mạnh ai nấy sống theo kiểu "sống chết mặc ai" đang trở thành cái mốt chung trong giới Tăng, Ni trẻ. Phải chăng đang xuất hiện và có sự tác động từ một số người vô cảm, lãnh cảm với tình hình Phật giáo, cứ thoải mái sống hưởng thụ sa hoa đã tác động đến nhiều Tăng, Ni trẻ hiện nay.

Càng nghĩ càng buồn, càng thấy thương đức Phật, thương chư Tổ bởi một số người trong hàng hậu học của đức Phật của chư Tổ ngày nay dường như họ đang sống theo biến nghĩa công án thiền "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ". Chao ôi họ đang "chẻ tượng" để nấu những món ăn sa hoa và hưởng thụ!?

Càng nghĩ càng buồn, tình trạng đã đến hồi báo động mà phương pháp chấn chỉnh thì mãi còn nơi nảo nơi nao. Phật giáo quá tùy tâm nên đã sinh ra một lớp người quá tùy tiện…

Từ hai lần kêu gọi của Hòa thượng Trưởng Ban Tăng Sự mà thấy đằng sau đó là cả một vấn nạn cho Phật giáo ở cố đô Huế đã từng được mệnh danh là trung tâm Phật giáo của cả nước nhưng tinh thần cũng như ý thức trách nhiệm của Tăng, Ni với Giáo hội, với Ban Trị sự thì đang ngày càng bị bào mòn…

Thực ra, cứ sau một hiện tượng tốt hay xấu thì bắt đầu đi tìm nguyên nhân, mà nguyên nhân thì bao giờ chẳng có chủ quan chẳng có khách quan, một ít do mình, một ít do người nên mới thành nguyên nhân.

Tình trạng Tăng, Ni không đi dự lễ trước hết và rõ ràng là do tinh thần trách nhiệm, ý thức đối với tổ chức của Tăng, Ni đang trên đà xuống cấp là đúng nhưng Ban Tổ chức Lễ hội cũng cần xem xét lại cách tổ chức lễ hội của mình mà theo nhiều người thì cũng còn hàng tá vấn đề cần phải bàn cãi, cần phải khắc phục sao cho thật sự hấp dẫn, có tính thu hút, sao cho cái mặc cảm giữa người tổ chức và người dự lễ bị xóa nhòa đi trong một cái chung nhất, mọi người đều được tắm mình trong tình thương của đức Bồ Tát…

Bao giờ cũng vậy, trung ngôn thì nghịch nhĩ, nhưng cứ vướng bên nầy, vướng bên kia mà không nói thẳng, nói thật không chịu lắng nghe những lời trái tai thì muôn đời cũng không thể truyền thông được cho nhau những điều cần nói, những điều cần nghe để chia sẻ để cuộc sống ngày mỗi tốt hơn…

T.N

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here