Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Thay đổi để làm mới đời mình

Thay đổi để làm mới đời mình

149
0

Em hỏi rằng, vì sao em chưa thể rời xa được cái người đã đối xử tệ bạc với em, không những một lần mà những nhiều lần. Em đã khóc gần như cạn cùng nước mắt cho những gì đã trải qua, mà tác nhân trực tiếp là chính người ấy.

Tôi bảo, đó là sự yếu đuối. Là sự lệ thuộc mà đôi khi em đã quá quen với con người và cách đối xử ấy, đến nỗi “nghiện” bị mắng mỏ và được khóc. Em có tin là sống gần mãi bên bờ kênh hôi thối người ta cũng nghiện thứ mùi dơ dơ dấy dấy ấy, nên nhỡ có phải xa bờ kênh đen thui với cái mùi thôi thối ấy người ta sẽ phải… mất ngủ và cần thời gian để thích nghi với mùi mới, có khi trong lành hơn rất nhiều lần.

Thói quen sống là sợi xích vô hình trói chân, cột tay một người, nhiều người ở lại cái nơi mà họ lớn lên, với cái người mà họ chung đụng ngày này qua ngày khác, dẫu có khi là những lời xóc óc, thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Có lẽ vì thế mà có biết bao đồng bào sống tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ, tứ bề đói rét, thiếu vệ sinh… vẫn không chịu rời bỏ nương cao, núi thẳm và mãi xem văn minh là điều gì đó rất xa xôi, khó bề thích nghi.

Cũng vậy, dẫu biết cõi Ta-bà có lắm điều uế trược, học Phật ta biết cõi Tây phương hay Đông phương ngát thơm, tinh sạch, đất bằng lưu ly, dây báu giăng đầy đường mà có khi cũng không muốn lên đó, vì trộm nghĩ lên đó không có ai “tám”, chẳng còn những thú vui gắn với mùi người cùng đủ thứ xúc chạm từ mắt, mũi, lưỡi, thân… trong mấy mươi năm mượn tạm tứ đại này rồi tới tứ đại khác, quẩn quanh lên xuống. Bằng chứng cụ thể cho sự không muốn lên đó chính là ta vẫn dành trọn thời gian cho những bôn ba chốn này chứ chưa chịu hay thường ơ thờ với tích lũy năng lượng để về cõi thanh tịnh, ngát hương sen nhiệm mầu.

Nghiệp. Là một từ gợi lên cho ta hình dung về “số phận” gọi tên mình, trong tư duy thúc bách của một thứ lực nào đó mà mình đã tích lũy trong nhiều đời, để rồi mình cứ phải phong trần như thế, cam chịu như thế mới “đúng điệu”, mới “phải”. Nguyễn Du có câu thơ “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” để nhấn nhá về cái lực chi phối bởi nghiệp quá khứ, hay thói quen thuộc về tập khí, tác tạo từ ý-khẩu-thân nhiều đời, nhiều kiếp này.

Có câu “Cuộc sống thay đổi khi ta thay đổi”. Theo đó, để vượt lên, bức phá và thay hình đổi dạng thì trong tâm thức phải có ý thức về sự đổi thay đó và thực tập từ ngữ-thân (lời nói, hành động) một cách thường xuyên, quyết liệt và đôi khi không phải trong một kiếp mà cần nhiều đời huân tập thì mình mới có thể. Tướng từ tâm sinh, nhưng tâm này (nguyện lực) không phải chỉ một vài niệm nho nhỏ, ngăn ngắn… mà có thể thành tựu. Nguyện lực ấy phải lớn hơn nghiệp lực, tích lũy về nhân thiện phải đủ lớn, hơn những nghiệp xấu xí đã gieo tạo thì mới có thể có những biến chuyển.

Nhìn được vậy, ta sẽ thay đổi nếp nghĩ về những người đi chùa, niệm Phật hay làm từ thiện nhưng vẫn còn một số thói quen chưa hay, hơi dở – cụ thể, thay vì bài xích “sao họ đi chùa, Phật tử, tu tập kiểu gì mà… còn trần gian quá” bằng việc “họ đang hoàn thiện dần”. Cán cân thiện đang nhích lên và nó sẽ đến lúc biểu hiện sáng trong và phủ trùm màu đen mà họ đã gieo tạo từ vô thỉ kiếp.

Tất nhiên, khi cái thiện đủ lớn và thật sự trùm khắp nơi ý-khẩu-thân của một người thì những màu đen hay ác nghiệp trước đó trong tỉ lệ so sánh sẽ tiến về bằng không – để ta cảm nhận được nơi người ấy là ánh sáng chứ không phải là lốm đốm vệt xám vệt trắng như đã từng.

Nên, khi ta thật sự muốn làm lại đời mình thì ta cần phải mạnh mẽ, trong việc thay đổi suy nghĩ về đối tượng tương tác với mình trong vô thủy vô chung của dòng luân hồi nơi cõi Ta-bà này. Đồng thời, thay đổi bên trong để mình làm chủ chính mình từ nếp nghĩ tới hành động.

Thực ra, dẫu có thế nào thì ta vẫn có thể sống và sống tốt, chỉ cần ta biết nguyên lý sống đơn giản như “ở hiền gặp lành” (không gặp đời này thì đời sau sẽ gặp) để bước tới và nguyện đi mãi với giá trị ấy. Nguyên lý sống là phương tiện, để mình qua bên kia, chứ không phải một ai đó làm hình mẫu hoặc gắn với mình, nếu không phải là họ thì không thể được. Y pháp bất y nhân cũng chính là ở đây.

L.Đ.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here