Trang chủ Phật giáo khắp nơi Thật không còn gì để nói

Thật không còn gì để nói

119
0

Nỗi đau nhãn tiền ấy là những kiện quần áo cũ được gửi từ Bắc vào Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An để ủng hộ đồng bào vùng lũ bị biến thành những tải giẻ lau phục vụ cho một xưởng cơ khí sửa chữa ô tô gần ga Vinh. Thông tin do chính người dân gọi điện thoại khẩn cung cấp cho phóng viên. Phóng viên cũng đã vào được hiện trường và chụp ảnh. Dù có mong muốn đó không phải là sự thật thì cũng không được.

Bà Bùi Thị Mai-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An-trả lời báo Vietnamnet rằng: hàng cứu trợ gửi về quá nhiều, kho của Hội chứa không hết nên mang sang đó “gửi nhờ” chờ phân loại. Câu trả lời như chiếc giáo nhọn đâm vào tim những người hảo tâm.

Cứ cho rằng không có chuyện quần áo cứu trợ bị biến thành giẻ lau. Cứ cho rằng việc đống quần áo bị xới tung lên như đống giẻ rách trong hình ảnh phóng viên ghi lại được chỉ là do “sơ xuất trong quá trình vận chuyển”. Thế thì lý do gì mà những tải quần áo trong kho của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An chưa được chuyển đi cứu trợ cho đồng bào? Lý do gì mà Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An cất giữ “cái ấm” của người dân gặp thiên tai lâu thế và nhiều thế- trong khi đã 2 tuần sau lũ trôi qua và hàng triệu người dân, hàng vạn người già, con trẻ đang vô cùng thiếu thốn manh quần tấm áo để chống chọi với những đợt rét cắt da đang dồn dập tràn về?

Hàng cứu trợ để trong kho của Hội chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An. Ảnh: Vnexpress

Không có bất kỳ lý do gì có thể biện hộ được cho hành vi chậm – hoặc tệ hơn nữa – là không chuyển hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ. Thiếu người, thiếu phương tiện hay thiếu cơ chế hẳn sẽ là những lý do sắp được đưa ra hòng che đi cái thiếu thực chất và duy nhất là lương tri.

Nếu có lương tri, người ta không thiếu gì cách để làm. Bao nhiêu công nhân viên chức nhà nước phải chi tiêu tằn tiện mới đủ lo cho gia đình của họ cũng sẵn dàng trích tiền lương để ủng hộ miền Trung. Bao nhiêu người xin nghỉ việc cơ quan để tổ chức những chuyến hàng cứu trợ trực tiếp miền Trung. Và ngay trong rốn lũ, những tấm gương vì nghĩa quên thân vẫn còn tươi như máu đỏ: ông trưởng thôn bất chấp mưa to gió lớn chèo thuyền trong lũ mang mì tôm đến cho dân mà bỏ mạng; ông lái đò cụt tay, chột mắt đã ngoài 60 tuổi vẫn dùng chân đạp mái chèo đi cứu người chẳng màng hiểm nguy; anh trưởng thôn để mẹ già, bà ngoại và hai con nhỏ ở nhà chống chọi với lũ đi tháo mái ngói từng ngôi nhà bị ngập cứu gần 100 người già và trẻ nhỏ mang về nhà mình; ba cha con, trong đó có cậu bé mới 13 tuổi bơi thuyền giữa đêm bão mịt mùng để cứu 13 người dù nhà mình cũng đang ngập đến nóc… Những người đang làm trách nhiệm đưa hàng cứu trợ của bao nhiêu tấm lòng gửi gắm tới người dân vùng lũ kia có biết về những nông dân lam lũ mà cao cả ấy không và họ đang nghĩ gì khi so sánh với bản thân? Liệu có phải họ chẳng nghĩ gì cả, chẳng cảm thấy gì cả? Vì nếu có cảm, có nghĩ thì họ đã không hành động một cách vô lương tri như thế.

Dù truyền thông có nói nhiều về sự xuống cấp nghiêm trọng đạo đức xã hội, dù năm nào có lũ lụt ở miền Trung, người ta cũng phát hiện ra sai phạm của cán bộ chính quyền địa phương, nhưng thông tin về những bộ quần áo hảo tâm bị biến thành giẻ lau máy vẫn làm sang chấn tinh thần những ai có lương tri. Tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” vẫn được coi là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Sao vẫn có thể xuất hiện, và ngày càng xuất hiện nhiều hơn những hành vi gian dối, biển lận, tư lợi cá nhân trên sự hoang tàn, đổ nát của quê hương và nỗi thống khổ của đồng loại!

Thế nhưng, cho đến khi nào những tội ác của các “quan” như xà xẻo tiền cứu trợ, dùng tiền cứu trợ để gửi ngân hàng, để cho vay nặng lãi vẫn được bao che, lấp liếm bằng từ “thiếu trách nhiệm”, thì khi ấy vẫn còn Hội Chữ thập đỏ như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An – cứ dửng dưng, đủng đỉnh bỏ kho những kiện hàng cứu trợ, mặc bao người đang sôi sục gom góp từng chiếc quần, chiếc áo, quyển sách, đồng lương để chuyển vào miền Trung sớm ngày nào tốt ngày ấy.

Trong công tác cứu trợ, không gì tốt bằng việc quy tất cả về một đầu mối tổ chức để đi phân phát tới từng người dân gặp nạn. Điều này thực tế đã được áp dụng trong rất nhiều năm. Nhưng rất nhiều năm đó và kéo dài đến tận bây giờ- khi phong trào cứu trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân ngày càng nở rộ-nhiều đầu mối nhận quyên góp cứu trợ vẫn làm việc một cách tắc trách và thiếu minh bạch. Tất cả những người ủng hộ đều được nêu tên như một cách tôn vinh và khuyến khích. Nhưng tất cả những người được ủng hộ thì không ai được biết danh tính và cụ thể lượng vật chất mà họ nhận được. Đó là cơ hội cho những kẻ mất lương tri đục nước béo cò. Và đó là cơ hội cho sự nảy sinh những nỗi đau bất tận sau lũ như câu chuyện về quần áo cứu trợ và mớ giẻ lau ở Vinh.

Hàng cứu trợ tại một tiệm sửa chữa ô tô (Ảnh: KHĐS )

Hiện tại thì Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An đã thừa nhận cho các gara ôtô một số hàng cứu trợ là quần áo cũ. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đang khẩn trương kiểm tra, xử lý những vi phạm. Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An thông báo với báo chí: “Tỉnh uỷ đã giao cho công an vào cuộc để xem xét cụ thể và có hình thức xử lý thích đáng”. Công an thành phố Vinh đã xuống tận hiện trường kho hàng kiểm tra và chụp ảnh. Tất cả những động thái tích cực trên hy vọng sẽ được làm đến nơi đến chốn, chứ không phải “giơ cao đánh khẽ”, mới mong ngăn ngừa chắc chắn những hệ luỵ tương tự trong tương lai và phần nào lấy lại niềm tin đã mất mát quá nhiều của dư luận.

(Theo Tổ Quốc)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here