Một khoảng thời gian ngót nghét hơn 300 năm từ khi xứ Thuận Hóa ghi dấu bước chân hành cước của chư vị thiền sư đến hoằng pháp khai sơn lập thất trên vùng đất đế đô. Chứng tích sống động nhất hiện còn là hệ thống mộ tháp của các ngài với những thông điệp vô cùng quý giá mà các thế hệ tiếp nối phải có trách nhiệm giữ gìn.
Mộ tháp nơi tôn trí nhục thân của chư Tổ (và chư Tăng) sau khi lâm chung. Tiếng Phạn gọi các loại tháp đều là “stupa”, Hán ngữ phiên âm và tiếng Việt gọi là “tháp”. Chúng tôi dùng chữ “tháp Tổ” để phân biệt với “tháp Phật” và “tháp thờ” như tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ), tháp Điều Ngự (chùa Thánh Duyên)…
Toàn cảnh tháp Tổ Liễu Quán. Ảnh Nguyễn Thịnh
Hệ thống mộ tháp của chư vị Tổ sư ở Huế nằm rải rác trong các gò đồi như khu nghĩa trang chùa Quốc Ân, chùa Bảo Quốc, chùa Từ Hiếu, chùa Vạn Phước… hoặc trong khuôn viên các ngôi tổ đình danh tiếng. Những ngôi tháp cổ xưa được tạo dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII như mộ tháp Tổ sư Khắc Huyền (1706), Tổ sư Giác Phong (1715), Tổ sư Nguyên Thiều (1729), Tổ sư Liễu Quán (1742)…
Nhìn tổng thể các ngôi tháp Tổ, yếu tố đầu tiên cần chú ý là phong thủy địa lý. Hầu hết các ngôi tháp Tổ đều tọa lạc trong một vùng núi đồi rất hữu tình, 4 hướng phong thủy, huyệt mạch hòa hợp tương duyên ứng đối rất chặt chẽ. Có lẽ do thiên về yếu tố này nên phần lớn các ngôi mộ tháp của chư Tổ xưa ít được đặt trong khuôn viên chùa mà lại tôn trí ở một nơi khác xa như tháp Tổ Nguyên Thiều cách chùa Quốc Ân khoảng 3km, tháp Tổ Liễu Quán cách chùa Thiền Tôn khoảng 1km.
Toàn cảnh tháp Tổ Nguyên Thiều. Ảnh Ngô Thúy Hồng
Bố cục ngôi tháp Tổ thường được chia làm 3 phần chính. Phần la thành ngoài cùng thường được xây bằng đá có độ cao khoảng 1 đến 1,5m có độ dày từ 0,3 đến 0,5m. Cổng tháp cũng có nhiều loại, cổng vòm như tháp ngài Huệ Giám Đại sư; cổng kiểu long đình, long tán như tháp Tổ Liễu Quán, tháp Tổ Nguyên Thiều, hoặc loại cổng chỉ có 4 trụ biểu… Hai bên cổng tháp có hai câu đối, trên các trụ thành cũng có nhiều vế đối khác. Bên trong có hai bình phong, một bình phong tiền và một bình phong hậu. Tiếp đến là một khoảng sân nhỏ và một bia đá. Cấu trúc nơi đặt bia đá cũng rất đa dạng, có tháp thì làm nguyên một nhà bia, có tháp thì làm áp vào phần la thành. Tiếp đến thêm một vòng thành thấp và mộ tháp.
Khu tháp Tổ chùa Từ Hiếu
Tháp thường xây theo hình bát giác (tám mặt), có độ cao khoảng từ 3m đến 5m. Số tầng của mỗi tháp không đồng nhau, có tháp thì 3 tầng, có tháp thì 4 tầng, 5 tầng nhưng phần lớn là bảy tầng. Tầng dưới cao khoảng 1,2m, các tầng tiếp theo ngắn dần từ 0,3m đến 0,1m. Các mái của tháp không vuốt, không đắp giả ngói và không có giao-cù mà thường là có dạng bầu và trơn kiểu như một lá sen úp. Trên đỉnh, có tháp thì đắp bình hồ lô nhưng đa phần là hình búp sen.
Cách trang trí mộ tháp cũng rất đơn giản, hầu như không có hoa văn sành sứ, các góc mái để trơn, qua thời gian hầu hết các tháp đều nổi lên lớp rêu phong cổ kính rất trầm mặc. Phía trước ở ngay sát dưới chân tháp có đắp một khối hình chữ nhật bằng vôi gạch, có nơi làm kép thành hình cái bàn thấp (hộp tợ), mặt chạy chỉ, có bốn chân quỳ là nơi đặt lư hương. Hai bên tháp có hai câu đối, ở cổng vào cũng có câu đối. Bia tháp thường làm bằng đá sa thạch màu gan gà hoặc cẩm thạch xanh, chữ Hán khắc theo kiểu Chân và Lệ. Các bia tháp này chính là thông điệp của người xưa, giúp chúng ta biết được lịch sử, tông phái và hành trạng của Tổ… cùng một số nét sinh hoạt Phật giáo đương thời.
Tháp cố HT.Thích Thiện Siêu
Qua mỗi thời kỳ, lối kiến trúc tháp cũng có vài thay đổi. Nhiều ngôi tháp được trùng tu sửa chữa và những ngôi tháp mới tạo dựng vào nửa cuối thế kỷ XX đến nay có những thêm thắt mới lạ như mái ngói xanh hoặc vàng lưu ly, có giao-cù ở các góc mái, trang trí chữ Phạn, nền lát gạch, khoảng cách giữa các tầng tháp cao hơn… Điều đáng lưu tâm là sự phá cách đến tùy tiện trong kiến trúc tháp hiện nay. Có tháp còn được làm đẹp bằng sơn và các hóa chất hiện đại rất lạ mắt! Người ta đã tô vẽ, thêm nhiều đường nét rườm rà và có nhiều ngôi tháp thật quy mô cao lớn. Tình trạng này mặc dầu chưa đến độ báo động nhưng cũng đã đến lúc giới Phật giáo Huế phải lưu tâm để có hướng bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa chùa tháp đặc trưng mà ít nơi nào có được.
Khu tháp Tổ chùa Tây Thiên
Trí Năng