Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Thánh Duyên: Ngôi quốc tự mộng mơ xứ Huế

Thánh Duyên: Ngôi quốc tự mộng mơ xứ Huế

237
0

Thánh Duyên là ngôi quốc tự có vị trí đẹp, nơi trời mây sông nước quyện hòa cùng phong cảnh Bụt. Chùa tọa lạc tại Thúy Vân sơn, ngọn núi được vua Thiệu Trị xếp hàng thứ chín trong 20 cảnh đẹp của xứ Huế, thuộc phường Đông Am, tổng Diên Trường, huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nay là làng Hiền An, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Khi trùng kiến chùa vào năm 1836, vua Minh Mạng đã dụ rằng: “Những danh lam thắng tích ta không có quyền để chúng lụi tàn, mất hết dấu tích, không lưu lại cho thế hệ mai sau. Huống gì quang cảnh nơi đây đều do Hoàng tổ của ta (Minh Vương Nguyễn Phúc Chu) vì triều đình, vì thần dân mà tạo dựng, nhằm mục đích khuyến khích mọi người tu tâm, tích thiện, tạo phước điền”.Chùa được vua đặt tên là Thánh Duyên vì: “Thánh tức thị Phật, Phật tức thị Thánh, hữu thị Thánh phương khai Phật pháp chi sùng thâm; duyên bổn thị nhân, nhân bổn thị duyên, hữu thị duyên nãi khuyếch thiện nhân chi quảng bị”. Chính vua Minh Mạng đã ngự chế câu đối ấy và cho lồng chép vào nội dung văn bia để khắc vào bia đá “Ngự chế Thánh Duyên tự chiêm lễ” vẫn còn ở chùa.

Cổng tam quan chùa Thánh Duyên được xây dựng theo dạng cổ lâu đặc trưng của Huế

Kiến trúc chùa Thánh Duyên hài hòa với địa thế của ngọn núi nơi ngôi chùa tọa lạc. Bia đề tên núi “Thúy Vân sơn” bắt đầu những bậc tam cấp lên chùa. Cổng tam quan dạng cổ lâu đặc trưng chùa Huế có thiết trí thờ Hộ pháp Vi Đà.Chính điện là tòa nhà ba gian hai chái, cao rộng và thoáng đãng. Phần mái được lợp ngói liệt theo kiểu trùng thiềm điệp ốc đặc trưng của Huế trang trí bằng cù giao, lưỡng long, vân hóa long tinh xảo.Nội điện thờ Phật cùng nhiều vị hiền thánh thiện thần khác. Gian chính ở giữa thờ Tam Thế Phật: Quá khứ, hiện tại và vị lai; phía trước thấp hơn bàn thờ Phật là bàn thờ bài vị vua Minh Mạng.

Hai bên có hai dãy sập để tôn trí thờ Thập Điện Minh Vương, mỗi bên gần sát vách thờ 5 tượng; tiếp đến vào phía trong thờ 2 dãy tượng Thập Bát La Hán, mỗi bên 9 tượng.

 

Đại hùng bửu điện là gian nhà rường đặc trưng.

Dãy bên trái có tượng Bồ Đề Đạt Ma tọa thiền, đối diện bên phải là tượng Địa Tạng ngồi trên con sư tử xanh. Phía sau chính điện là nhà tổ, thờ các thế hệ tăng cang và thập phương thiện tín của chùa.

Nằm giữa lưng chừng núi, cách chính điện khoảng chừng 50 mét là Đại Từ Các. Đây cũng là ngôi nhà rường nằm trong tổng thể kiến trúc theo hình thế núi: Chùa, gác, tháp. Sau khi trùng tu, các Đại Từ được chia làm 3 gian: Gian giữa phía trước thờ Phật (A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni và Di Lặc), phía sau là pho tượng Chuẩn Đề Bồ Tát, gian bên phải thờ đức Quan Âm và gian bên trái thờ Bồ Tát Đại Thế Chí.

Công trình cao nhất nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Thánh Duyên là tháp Điều Ngự hình khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét. Điều Ngự là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm. Khi tâm đã được chế ngự thì không có việc gì không làm được, đây chính là ý nghĩa của việc vua Minh Mạng cho dựng đình Tiến Sảng phía đằng sau tháp. Trên đỉnh tháp ngày xưa có dựng trụ đồng đặt pháp luân chuyển động theo gió, kèm theo hệ thống chuông lắc. Khi gió thổi pháp luân xoay, âm thanh của tiếng chuông sẽ vang vọng gần xa.

Tháp Điều Ngự hình khối tứ giác có 3 tầng, cao khoảng 13 mét, là một trong mười danh xưng của Đức Phật nhưng Điều Ngự cũng có ý nghĩa là nơi để vua điều phục và chế ngự tâm

Là quốc tự nên sau khi được trùng tu dưới triều Minh Mạng, nhiều vị cao tăng đã được sắc cử làm tăng cang và trụ trì ở đây để lo Phật sự như Hòa thượng Liễu Đạo Chí Tâm, Hòa thượng Tánh Khoát Huệ Cảnh, Tánh Thông Nhất Trí, Hòa thượng Vĩnh Thừa, Hòa thượng Giác Nhiên, Hòa thượng Mật Hiển. Hiện nay Hòa thượng Hải Ấn giữ nhiệm vụ làm trụ trì chùa nhưng người đang sống và coi sóc công việc của ngôi tự lại là Đại đức Thích Minh Chính.

Sau một thời gian dài bị đồi phế, Thánh Duyên đã được Nhà nước và Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế trùng tu năm 2003 để trả lại vẻ đẹp vốn có cho ngôi chùa. Nhiều văn vật, pháp tự, pháp khí có giá trị như chuông đồng, bia đá và các bài thơ của các vị vua triều Nguyễn chạm trên vách đố bằng gỗ theo lối nhất thi nhất họa vẫn được bảo tồn và lưu giữ cẩn thận, đặc biệt là những pho tượng bằng tre hay bằng đồng rất có giá trị.

Trong số gần 70 pho tượng tại chùa, đáng chú ý hơn cả là bộ tượng Thập Bát La Hán bằng tre thếp vàng và bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đồng xưa và lớn nhất Việt Nam được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam năm 2008.

Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, quốc tự Thánh Duyên đã từng là đạo tràng lớn của Giáo hội. Chùa một thời được Chư tôn đức trong sơn môn Tăng già Thừa Thiên dùng làm nơi tu học cho chư tăng vào các mùa An cư kiết hạ. Đến thời kỳ hội An Nam Phật học ra đời, khuôn hội Tịnh độ cũng đã được thành lập tại đây. Bỏ lại đằng sau sự huy hoàng của quá khứ, chùa Thánh Duyên ngày nay đang hòa mình vào đời sống dân dã của làng quê. Chùa vẫn là nơi du khách thập phương vãn cảnh dù đông hay hè, là nơi Phật tử lui tới cúng dường đức Phật và cũng là nơi nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ, giúp thế hệ tương lai của đất nước hướng thiện.

Đến chùa vào ngày Rằm, mồng một, các em thanh thiếu niên quây quần bên thầy Thích Minh Chính vui chơi cũng như trong bữa cơm chay đạm bạc. “Nhìn thấy Phật ắt tâm hồn sẽ hướng Phật, để các em vui chơi và sinh hoạt ở chùa giúp các em tránh sa vào các trò chơi không tốt sau giờ học và cũng là phương cách nuôi dưỡng tâm hồn hướng thiện, giúp các em có ích cho cộng đồng, trở thành người tốt khi trưởng thành”, thầy Minh Chính chia sẻ. Bỏ qua sự tĩnh lặng và uy nghiêm của một ngôi quốc tự, Thánh Duyên giờ đây gần gũi với người dân hơn bao giờ hết. Nó không xuất phát bởi vị trí nằm giữa xóm thôn hay là chốn viếng thăm quen thuộc của du khách thập phương mà bởi sự mở lòng vốn có của nhà Phật.

Bài viết có tham khảo Giới Hương (Phỏng dịch) (1994); Văn bia chùa Huế.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here