Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Thanh đàm về sư tử Hà Đông hống

Thanh đàm về sư tử Hà Đông hống

135
0

Đường hoạn lộ của cụ Thượng Trứ có lúc vinh, lúc nhục. Nhục đến nỗi bị oan khiên bị đày và cách tuột chức tước còn lại là người lính thú ở Quảng Ngãi. Nhưng cụ Trứ vẫn an nhiên tự tại, coi như chuyện thăng – giáng là gió thoảng mây bay vì rằng “có tài mà cậy chi tài / chữ tài liền với chứ tai một vần” của Tiên điền Nguyễn Du.

Người Phú Xuân – Huế nhớ tưởng, nhớ thương cụ Trứ vì cụ đa tài, đa năng: Văn võ toàn tài, nghệ sĩ phóng dật với sở trường sáng tác “Hát nói”. Người dân Nam Định, Ninh Bình thuộc hai huyện Kim Sơn Tiền Hải, và hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất từ sau năm Minh Mạng thứ 9 (1828), tôn phong cụ là vị Đại khai khẩn, Đại thành hoàng. Người dân Nam bộ tôn kính cụ Trứ bởi vì cụ đã từng đánh Đông, dẹp yên bờ cõi rồi giữ chức Tuần vũ An Giang năm Thiệu Trị thứ 1 (1841). Năm Thiệu Trị thứ 7, cụ Trứ giữ chức Phủ doãn Thừa Thiên cho đến ngày trí sĩ Tự Đức thứ 1 (1848).

Các nhà xem tướng người xưa nay đều nhất thống cho rằng cụ Trứ có dáng đi đứng, ăn nói như “hổ tướng” hiện thân vậy. Giọng truyền quân, khiển tưởng của cụ lúc cầm cờ Đại tướng truyền chuyển quân lệnh khác nào là tiếng hống oai phong sư tử: “sư tử hống”. Xuất thân là quan Văn, sành sỏi cầm kỳ thi họa mà lại giỏi tài thao lược kiếm cung và khai khẩn đất hoang để nuôi dân hơn hai huyện:

“Ngửa lòng hứng nước nước nhà
Người dù không biết, trời đã biết cho”
(Ống máng, Nguyễn Công Trứ)

Ứng khẩu thành thơ nói lên chí khí và tấm lòng vì dân vì nước một khi bị kẻ xấu dèm pha người tài. Vua Tự Đức đã ân cần vỗ về ông và ban cho ông 100 quan tiền làm lộ phí hồi hương.

Quả thực thân mạng ông hiển lộ tướng hổ, lời nói ông đầy khí tiết khác nào Sư tử, chúa Sơn lâm hống vậy, làm cho bốn phương yên tĩnh.

Chúng tôi tưởng nhớ cụ Trứ, còn vì một lẽ khác: Ông sáng tác hát nói. Cụ đã để lại cho đời một khối lượng lớn những bài hát nói, luận về chí nam nhi, về chữ nhàn, về phong cách sống an nhiên tự tại không phiền lụy ai…

Bài hát nói có tựa đề “Lời tiểu thiếp tự tình” có hai câu khiến người đọc nhớ đời không quên:

“Trong trần thế sầu lây mấy kẻ
Giọng Hà Đông, the thé bên tai”

Vì phải bình giảng theo lối “trong nhà đóng cửa dạy con” cho nên chúng tôi đi tìm điển cố đã tan loãng vào tứ thơ của Uy Viễn tướng công. Ngài tướng công đã mất từ năm 1859 thế mà uy danh của Ngài vẫn đậm dư âm chốn triều đình và ngoài dân gian núi Ngự – sông Hương và đặc biệt đậm đà, đượm tình xứ Nghệ tài danh.

Hà Đông là địa danh lâu đời không những của nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông mà còn của nước Việt bất khuất sống với phương châm: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thị vi đại trượng phu”.

Hà Đông ám chỉ sư tử Hà Đông. Vào đời nhà Tống, Trần Quý Thường làm Thái thú Hoàng Châu. Ông ta có vợ là Liễu Thị, quê ở tỉnh Hà Đông. Bà có tính ghen tuông đến mức dữ tợn. Nội tướng như thế thì quan ông phải buộc lòng sợ vợ như sợ cọp vậy sao cho thu tóm, gói ghém lại việc gia đường cho yên nhà lợi nước.
Họ Trần thường giao du mật thiết với bạn là thi hào nổi tiếng Tô Đông Pha. Danh sĩ họ Tô nói rằng: Sư tử là chúa của các loài thú, hễ nó hét lên, các giống thú khác nghe tiếng đều run sợ; khác nào lời chính nghĩa nói ra ai ai cũng phải theo.

Một hôm Tô Đông Pha đi chơi Hoàng Châu, chống gậy vào nhà thăm bạn họ Trần đương chức đầu tỉnh ấy.

Trần Quý Thường mời bạn thân ở lại uống rượu. Khi chủ – khách đương nâng chén thù tạc thân thiện. Đùng đùng một cái! Chợ nghe rõ trong nhà nàng Liêu Thị gầm lên. Bà nói theo giọng “tam thế”, hỏi bọn thị tì đi đâu cả mà từ sáng đến giờ này không thấy mặt. Họ Trần tái mặt không còn một giọt máu, đánh rơi đũa xuống đất.

Còn Đông Pha vội vàng cầm gậy kéo lê chạy. Nỗi này thì có kế “tam thập lục chi kế, tẩu vi thượng sách”. Cuộc vui chỉ vì một phút giây manh động của Liễu Thị hóa ra tan tành khói mây.

Cơn bão đi qua một thời gian. Bạn cũ vẫn tìm đến. Sợ gì? Đại thi hào Đông Pha, nhắc lại chuyện Liễu Thị “gây sóng gió”, tĩnh bơ ngồi uống rượu, liền ngâm:

HỐT VĂN HÀ ĐÔNG SƯ TỬ HỐNG
TRỤ TRƯỢNG LẠC THỦ TÂM MANG NHIÊN

Nghĩa là:

Chợt nghe tiếng sư tử Hà Đông gầm lên,
Tay rơi gậy chống mà lòng rối tung.

Từ chuyện ấy, người đời sau ví đàn bà dữ tợn, hay ghen tuông quá mức Hoạn Thư, con quan Lại bộ Thượng thư là vì thế đó, thế ấy mà… Than ôi! Làm đấng mày râu, giữ yên trăm họ, sao lại sợ vợ?

Bắc thang mà hỏi ông Trời già để tìm ra câu giải mã.

Cuối năm cũ, bước sang năm mới Canh Dần, 2010 xin hiến tặng bạn đọc bài viết này. Ai hiểu sao thì hiểu. Tùy duyên. 

Đón Xuân mới
N.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here