Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thành Câu Thi La

Thành Câu Thi La

234
0

Thành Câu Thi Na (Kusinagar) hiện nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn độ. Kusinagar còn có một tên cổ là Kusinara, nay gọi là Kasia. Đây là một tiểu vương quốc trong 16 vương quốc thời cổ đại Ấn độ dọc theo lưu vực đồng bằng sông Hằng. Malla là một thị trấn nhỏ thuộc quốc vương Kusinagar thời bấy giờ.

 

Nơi đây tồn tại một thánh tích vô cùng quan trọng của Phật giáo, một cánh rừng vắng lặng, một thánh tích u tịch làm cảm động lòng du khách hành hương. Không khí thánh tích gợi nên một cảnh vật bi cảm của một sự kiện trọng đại trước mắt mọi người, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, trong khu rừng yên tĩnh, dưới hai gốc cây Sa la – Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Đại Niết bàn!

Sau khi tôn giả Xá lợi phất, Mục kiền liên và một số đại đệ tử của đức Phật qua đời, cũng chính là lúc sức khỏe và tuổi tác của đức Phật cũng đã già yếu. Ngài dạy rằng: "Thân này như một cổ xe đã cũ kỹ, nếu có miễn cưỡng sử dụng thì chỉ chạy được một đoạn ngắn". Lúc bấy giờ đức Phật đã tám mươi tuổi, thân thể yếu dần, Ngài biết được thân tứ đại giả huyễn này chẳng còn được bao lâu nữa nên Ngài tuyên bố cho hàng đệ tử biết trước Ngài sẽ nhập Niết bàn. Lúc này Ngài và một số đệ tử đang tịnh trú ở Phệ xá ly (Vaishali) và bắt đầu hành trình đi về hướng tây bắc đến thành Câu Thi Na, cách khoảng 280 km. Dù tuổi tác đã già, sức khoẻ yếu gầy nhưng đôi chân Ngài vẫn bước không mệt mõi, đến đâu Ngài cũng đều ban pháp hoá độ, đem tình thương và an lạc đến cho mọi người. Cho đến hơi thở cuối cùng Ngài vẫn còn thuyết giáo, hỏi lại những gì trong giáo pháp mà đệ tử của Ngài chưa hiểu hay còn nghi ngờ; để lại lời giáo huấn cuối cùng và độ ông Tu bạt đà la.

Năm 483 trước tây lịch, Thế Tôn bắt đầu cuộc hành trình du hoá như thường lệ, tuy ở đã độ tuổi tám mươi, Ngài vẫn gìn giữ nếp sinh hoạt tu tập bình thường, hằng ngày trì bát hoá trai, tuỳ duyên thọ cúng, ứng cơ thuyết pháp, sống một cuộc đời phạm hạnh, thanh khiết và thực tiễn. Ngài và một số đệ tử từ đỉnh núi Linh thứu đi qua Nalanda, Patna và rồi đến Phệ xá ly bên kia sông Hằng. Cùng mùa hạ năm ấy Ngài và chư Tăng kiết hạ an cư tại đây. Trong mùa an cư tại Phệ xá ly, Thế Tôn lâm bệnh nặng nhưng rồi cũng qua, thế nhưng sức khoẻ của Ngài giờ đã già yếu đi rất nhiều. Cho dù như vậy, sau khi giải hạ an cư, Thế Tôn vẫn hướng dẫn đại chúng đi về phía thành Câu Thi Na.

Ngài giả từ dân làng Licchavi bằng một bữa khất thực cuối cùng tại đây, dân làng thấy vậy bèn kéo nhau đến cúng dường và đảnh lễ Thế Tôn như tạ từ, rồi họ xếp hàng đi theo bước chân Thế Tôn mà không muốn xa Ngài. Đoàn người tiển chân Ngài thành một dãy dài mà không muốn quay trở lại, đến lúc Thế Tôn cùng đại chúng vượt qua dòng sông Gandak nước chảy khá mạnh khiến họ không còn cách nào khác mới bi thương đảnh lễ tạ từ Ngài trở về làng.

Qua sông Gandak, Thế Tôn cùng đại chúng đi về phía làng Pava của người dân Malla và xin trú nhờ trong một vườn xoài của bác thợ rèn tên Thuần Đà. Hay tin bác thợ rèn Thuần Đà đến đảnh lễ và cung thỉnh Thế Tôn cùng đại chúng ngày mai đến nhà ông tham dự lễ trai Tăng. Thế Tôn hoan hỷ nhận lời.

Ngày hôm sau, Thế Tôn cùng đại chúng theo lời hứa khả đến nhà bác thợ rèn Thuần Đà tham dự lễ trai Tăng. Bác thợ rèn thiết lễ trai Tăng vô cùng chu đáo và thành kính cúng Phật cùng Tăng. Trong những món sơn hào hải vị có một món nấm dại, Thế Tôn quán thấy vậy bèn bảo với bác thợ rèn rằng: "Này ông Thuần Đà, ông đã chuẩn bị thật chu đáo, hãy đem tất cả số nấm mà ông đã chuẩn bị cúng dường đến đây cho Như Lai, còn những thức ăn khác đem cúng dường chư Tăng." Thế Tôn bình thản thọ dụng nấm, vì sợ Tăng chúng hoặc người khác ngộ độc, Thế Tôn bảo người thợ rèn đem phần còn lại của số nấm đem đi chôn và không nên để người khác ăn nhầm.

Sau bữa trai Tăng, đức Phật thấy trong người khó chịu và đau đớn, thấy vậy mọi người vô cùng lo lắng, riêng bác thợ rèn thì lòng vô cùng đau khổ và tự trách mình, nhưng đức Phật ngược lại còn an ủi Thuần Đà và nói: "Này ông Thuần Đà, ông không nên tự trách mình, bữa cúng dường nấm của ông công đức cũng giống như công đức cúng dường bát sữa của tín nữ Tu xà đề, đều xuất phát từ lòng chí thành chí kính, vì vậy đây là bữa cúng dường công đức vô lượng vô biên." Nghe vậy bác thợ rèn vơi buồn và phát nguyện quy y.

Sau một thời gian tĩnh dưỡng, đợi cho sự đau đớn vì ngộ độc nấm qua khỏi, đức Phật cùng đại chúng tiếp tục du hoá về phía thành Câu Thi Na. Đây là đoạn đường khoảng 10 cây số. Thế Tôn cùng đại chúng tiếp tục đi, cuối cùng cũng đến, đoàn người dừng chân trong một khu rừng cây Sa la. Thế Tôn bảo A Nan chuẩn bị chỗ nằm dưới hai gốc cây Sala, Ngài nằm nghiêng về phía tay phải, hai chân xếp chồng lên nhau, tâm từ an nhiên như sư tử đang nằm nghỉ.

Đêm hôm đó, thành Câu Thi Na yên tĩnh, rừng Sala lay động dưới ánh trăng ngà, gió thổi nhè nhẹ, cành lá đung đưa, thi thoảng một vài vì sao vẽ lên bầu trời những lằn sáng.

Thế Tôn nằm tĩnh lặng an tường, xung quanh hàng đệ tử quỳ kính lo âu không một lời, ngaạo trừ âm thanh rì rào của rừng cây Sala. Chư Tăng yên lặng bồi hồi vì họ đều biết rằng, đêm nay Thế Tôn vị thầy tôn kính sẽ nhập Niết bàn!

Tôn giả A Nan, vị thị giả trung thành hơn mười năm hầu cận đức Phật lòng đau buồn đến nỗi không chịu đựng được sự im lặng vô tình, tôn giả khóc than bộc bạch hết nổi thống thiết. Biết được nỗi lòng của A Nan , đức Phật bèn gọi A Nan đến và dạy:

"Này A Nan! Con không nên quá đau buồn, cũng không nên khóc lóc bi thảm. Phải chăng, lúc trước Như Lai đã từng dạy thực tánh của vạn vật là như vậy, ngay cả người thân thương của chúng ta rồi cũng rời chúng ta mà ra đi?

Một vật có sinh tức có diệt, muốn cho nó tồn tại mãi mãi theo ý muốn của mình thì làm sao được? Không thể như thế được!

Này A Nan! Đã từ lâu con đã dùng thân khẩu ý từ ái dịu dàng làm thị giả Như Lai và phát nguyện kiên cố kham chịu khổ cực. Này A Nan! Con nên đương cần tinh tấn, không bao lâu nữa con sẽ đạt được lậu tận." (Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Để an ủi và động viên A Nan cùng đại chúng Ngài còn dạy tiếp: "Vạn vật do duyên mà sanh có, cũng tuỳ duyên mà mất đi; do duyên hoà hợp mà có cũng do duyên mà ly tán." Thế nhưng trước cảnh đau thương mất mác không ai cầm nổi nước mắt bi ai.

Lời khuyến giáo với A Nan và đại chúng vừa xong, người dân Malla sống gần thành Câu Thi Na hay tin đức Phật sắp nhập Niết bàn, già trẻ gái trai, họ kéo nhau đến đảnh lễ tiển biệt đấng Từ phụ lần cuối cùng. Nét mặt họ buồn bả bi thương, khóc than thảm thiết: "Thế Tôn sắp nhập diệt rồi! Ánh sáng trong mắt chúng con mất rồi!" Lúc này toàn bộ khu rừng Sala nhuốm một màu tan thương, tiếng khóc bi thương cùng với tiếng lá Sala rì rào buồn đau mãi khôn nguôi!

Trong số người dân Malla có một ngoại đạo Bà la môn đã lớn tuổi tên Tu bạt đà la (Subhadra) đang ở trong thành Câu Thi Na nghe tin đức Phật sắp nhập diệt bèn tự nghĩ: "Ta đã từng nghe thầy ta và huynh đệ đồng môn nói đến bậc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, bậc A La Hán, đấng Thiện Thệ Như Lai xuất hiện hy hữu trên thế gian; Ta nay tu hành đã lâu năm trong lòng còn nhiều nghi hoặc có thể Như Lai giúp ta giải đáp những nghi hoặc này chăng, ta nay nên đến đó lúc Như Lai chưa diệt độ, thỉnh Ngài giải trừ nghi hoặc." Rồi thì Tu bạt đà la đi vào rừng Sala xin tôn giả A Nan cho vào tham kiến Thế Tôn.

Tôn giả A Nan không muốn ai trong giây phút này làm mệt Thế Tôn nên đã từ chối lời yêu cầu của ông, nhưng Thế Tôn đã nghe lời qua tiếng lại của hai người mà không nở nhìn thấy người hữu duyên mất cơ hội giác ngộ bèn gọi A Nan cho Tu bạt đà la vào. Sau khi nghe Tu bạt đà la trình bày nghi hoặc, Thế Tôn cố gắng giải thích tường tận nghi hoặc và giảng rõ Bát chánh đạo.

Nghe xong pháp vũ phi phàm Tu bạt đà la liền liễu nghĩa và xin quy y gia nhập Tăng già. Đức Phật đồng ý và cho xuất gia thọ giới cụ túc. Sau một thời gian không lâu, Tu bạt đà la tinh tấn tu học giáo pháp và chứng quả A la hán. Tu bạt đà la là một vị tỷ kheo cuối cùng trong cuộc đời giáo hoá của đức Phật!

Sau khi khai thị và nhận Tu bạt đà la làm đệ tử cuối cùng thì sức khỏe của đức Phật cũng giống như đốm lữa leo lét trong gió của một ngọn đuốc sắp tàn. Ngài cố gắng nhắc lại những lời khuyên nhủ tận lòng như người cha già sắp sửa ra đi còn dặn dò đàn con dại:

– "Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ các con hãy tự mình thắp đuốc mà đi, hãy lấy giới luật làm thầy."

– "Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ nếu có hàng Tỷ kheo thối đọa thì phải mặc tẩn; nếu họ nói năng tuỳ tiện thì không nên bàn cãi, cũng không khuyến cáo, cũng không giáo huấn."

– "Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, nếu Tăng già đồng ý thì có thể xả bỏ những giới nhỏ."

Thế Tôn tận tình dạy dỗ như đấng cha già nghiêm kính, đấng Từ phụ bao dung cẩn thận dặn dò đàn con trẻ trước lúc ra đi. Thân thể của Ngài không còn bao lâu nữa, thể lực của Ngài như ngọn đèn sắp hết dầu, thế nhưng tâm nguyện cứu độ chúng sanh của Ngài vẫn như vô tận. Ngài hết lòng chỉ giáo, giải bày, dạy dỗ và nhắn nhủ cho đến hơi thở cuối cùng.

Giờ đây ngọn lữa đã tận diệt rồi, không trung vắng lặng, cảnh vật im lìm, chúng Tăng không còn điều nghi hoặc nữa, nhưng Ngài vẫn chưa yên tâm một lần nữa căn dặn: "Này các Tỷ kheo! Nếu trong đây có vị nào có đều gì cần hỏi mà không nói được thì có thể nhờ người bên cạnh hỏi giùm." Thế Tôn nói như vậy nhưng đại chúng Tỷ kheo vẫn im lặng. Và Thế Tôn nói với các Tỷ kheo:

"Này các Tỷ kheo, nay Ta khuyên dạy các Ngươi, các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật." (Kinh Đại Bát Niết Bàn)

Đó là lời cuối cùng của Như Lai.

Xác nhận trong đại chúng mặc nhiên như thị không còn nghi hoặc về Tam bảo, Thế Tôn không nói gì nữa. Một cuộc đời vì sự nghiệp hoằng dương chánh pháp, một cuộc đời vì sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai đến đây đã hoàn thành viên mãn!

Như quy luật của vô thường, như ngọn đèn hết dầu, như một chiếc lá vàng rơi, như ánh sáng ban ngày rồi lại có ban đêm, như một thân tứ đại tuỳ nhân duyên mà tụ tán. Năm 483 trước tây lịch, ngày trăng tròn tháng hai, đức Phật nhập Đại Niết Bàn!

Từ đó về sau trên quảng đường dài dọc theo bình nguyên sông Hằng, người dân không còn thấy nữa hình bóng thiêng liêng, từ bi và thanh thoát của đức Từ phụ trên bước đường vân du hoá độ, đưa chúng sanh từ bến mê quay về bờ giác. Nhưng giáo pháp của Ngài và con đường "Trung đạo" vẫn còn mãi mãi như một ngọn đèn trí giác soi tỏ ngôi nhà bị bóng tối bao phủ ngàn năm, như một cánh cửa giải thoát khai mở cuộc đời triền phược vô minh, chư thiên và loài người mãi mãi xưng tán và tín thọ phụng hành.

II. QUẦN THỂ THÁNH TÍCH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN:

1. Chùa Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple ):

Trong khuôn viên thánh tích nỗi bật nhất là chùa Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple), toàn bộ di chỉ được sơn màu trắng trên một nền cao, phần trên của chánh điện tứ bề có cửa sổ hình tròn.

Chánh điện tôn thờ tượng đức Phật nhập Niết bàn duy nhất, Ngài nằm nghiêng về phía tay phải, hai chân xếp chồng lên nhau, nét mặt an tường thư thái. Tôn tượng được làm bằng đá, khắc chạm tinh xảo và sống động, tượng dài khoảng 3 mét, toàn thân Ngài được đắp lên chiếc y vàng chỉ để lộ Phật diện và đôi bàn chân tôn quý. Sau này tượng được tín đồ Phật giáo Tây tạng thếp vàng. Người chiêm bái thường đến cúng dường hoa tươi và đèn nến. Quanh Tôn tượng các Tăng sỹ Thái lan, Miến Điện và khách hành hương ra vào tụng kinh, cầu nguyện, tĩnh toạ và chiêm bái. Không khí ở đây vừa trầm lắng vừa bi ai khiến du khách chiêm bái không ai cầm nổi nước mắt mỗi khi vào đảnh lễ. Hồi tưởng lại cuộc đời và sự nghiệp của đức Phật thật bao la rộng lớn, Ngài luôn nghĩ đến chúng sanh đang còn quay cuồng trong vòng sanh tử luân hồi mà tìm mọi cách để cứu khổ. Ngài luôn sống một cuộc đời thanh cao, đạm bạc và mô phạm. Ngài hy sinh vì lời ích của muôn loài một sự hy sinh vô bờ bến. Công ơn của Ngài đối với nhân thiên quả thật không thể dùng giấy bút để viết hết, không thể dùng ngôn từ để diễn tả được. Trong hồi lâu truy niệm ân đức cao dày của đức Phật, du khách hành hương chiêm bái bước ra ngoài với đôi mắt ươm hồng còn chưa ráo lệ.

Toà bệ và Phật tượng là một kiến trúc bằng đá đen hoàn chỉnh vỹ đại, nghệ thuật điêu khắc vô cùng tuyệt mỹ của các nghệ nhân khoảng thế kỷ thứ năm trước tây lịch. Khi Hồi giáo xâm lược Ấn độ ở thế kỷ 11, chúng đập phá các trung tâm và thánh tích Phật giáo, tượng được chư Tăng và tín đồ đem giấu trong lòng đất một thời gian rất lâu. Đến thế kỷ 19, những nhà khảo cổ mới phát hiện trong khi tiến hành khai quật. Tôn tượng có nhiều hư hoại mà chuyên gia Ấn độ không tài nào phục hồi hoàn thiện được, cuối cùng phải nhờ đến những chuyên gia châu Âu hỗ trợ mới hoàn chỉnh được.

Trên bệ toà có khắc chạm hình tôn giả A Nan (Ananda), tôn giả Tu bạt đà la (Subhadra), tôn giả Vaijrapani và năm vị trưởng lão khác đứng chắp tay nét mặt u buồn. Nhìn từ trên xuống dưới chân Ngài, chúng ta sẽ thấy nét mặt của Ngài an nhiên tự tại. Đứng ở trung tâm, chúng ta sẽ thấy được toàn bộ thân tướng của Ngài toát lên vẻ an lạc giải thoát. Nếu đứng dưới phía chân Ngài nhìn lên, chúng ta sẽ thấy được nét mặt Ngài trang nghiêm tịnh mặc. Từ mỗi góc độ chiêm bái mà chúng ta thấy được trạng thái lúc nhập Niết Bàn của đức Phật hoàn toàn an nhiên tự tại. Phải chăng đó chính là trạng thái Niết Bàn.

Toàn chánh điện được tu sửa vào năm 1876, rồi sau đó đến ngày kỷ niệm đức Thế Tôn nhập Niết Bàn lần thứ 2500, tức năm 1956, tín đồ Phật tử toàn cầu cùng nhau trùng tu thánh tích này. Do đó chánh điện chùa Đại Bát Niết Bàn và các thánh tích lân cận trong khuôn viên được sửa sang tu bổ cùng một lúc.

Thánh tích Đại Bát Niết Bàn mở cửa đón khách chiêm bái từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối, vì vậy du khách có thể tuỳ thời chiêm bái. Khi chiều buông xuống, cảnh thánh tích càng trở nên vắng lặng và u tịch, tường gạch loan lỗ rêu phong, ánh tịch dương vàng phủ nhẹ, tiếng kinh chiều thanh thoát tạo thành một chuỗi cảm giác trầm lắng linh thiêng phủ kín thánh tích và lòng người chiêm bái.

Du khách chiêm bái nên giành thời gian cho những buổi tụng kinh, niệm Phật, kinh hành để tạo nên công đức và chuyến hành hương trở nên có ý nghĩa hơn. Du khách hành hương có thể tham gia những buổi tụng niệm của các vị Tăng hoặc đem theo kinh để tụng, hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh ân triêm lợi lạc và nguyện cầu cho chuyến đi viên mãn an lành. Du khách có thể nhân cơ hội phát tâm hành tu trì theo từng hạnh nguyện của mình. Chẳng hạn cùng tham gia tụng kinh với các vị sư, rồi xin ban giáo ngữ, đó là một lợi lạc vô cùng. Hoặc du khách có thể giữ mình thanh tịnh yên lặng kinh hành quanh khuôn viên, hoặc tĩnh toạ trong chánh điện, hoặc thể nghiệm tâm linh giải thoát và giáo lý vô thượng, hoặc hồi tưởng dòng lịch sử về cuộc đời của đức Phật từ đản sanh đến nhập diệt…

2. Tháp Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Stupa):

Tiếp sau chùa Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple) là một đỉnh tháp hình chuông, đó là tháp Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinirvana Stupa) cũng còn gọi là Tháp chủ (Main Stupa). Tháp được sơn bằng vôi trắng cùng màu với chùa Đại Bát Niết Bàn.

Trong quá trình khai quật các chuyên gia khảo cổ học phát hiện một số cổ vật và một tiêu bảng bằng đồng có khắc chữ khoảng thế kỷ thứ năm sau tây lịch thời Kumara Gupta. Cổ ngữ cho biết bảng đồng đặt trong tháp và ghi nhận sự cúng dường xây dựng chùa và tháp cùng một thí chủ.

Theo Đại Đường Tây Vực Ký của Huyền Trang chép: "Trong tháp gạch có tôn thờ tượng Phật nhập Niết Bàn đầu quay về hướng bắc. Bên cạnh có một đỉnh tháp do vua A Dục xây dựng, nền tháp vững chải, đỉnh tháp cao khoảng hơn 200 xích. Phía trước có dựng trụ đá ghi nhận di chỉ nơi đức Phật nhập Niết Bàn…"

Sự ghi chép này cho chúng ta thấy được vào thế kỷ thứ 7, nơi đây đã có chùa và tháp, rồi vua A Dục tái kiến và cho dựng trụ đá đánh dấu di chỉ thánh tích nơi đức Phật nhập Niết Bàn. Thế nhưng không lâu sau đó, tháp và chùa không tránh được sự huỷ hoại của Hồi giáo và vì thế chùa và tháp Đại Bát Niết Bàn chịu một sự tàn phá không thể nói hết được dưới bàn tay vô minh.

Thánh tích Đại Niết Bàn hầu như bị chôn vùi đổ nát khá lâu trong khu rừng hoang phế, nhờ những nhà khảo cổ đến đây và tiến hành khai quật mà thánh tích được tái hiện. Khoảng năm 1927, một tín đồ Phật giáo Miến Điện đã phát tâm tái kiến đại trùng tu chùa và tháp Đại Niết Bàn, dùng vàng thếp lên tôn tượng đức Phật, và sau đó còn cho xây bảo cái trên đỉnh tháp. Và sau này tháp được tái kiến cùng một lần với chùa Đại Bát Niết Bàn. Hiện nay chính phủ Ấn độ nhìn thấy được sự lợi ích của thánh tích, đã cho gìn giữ và bảo tồn.

Theo lời kể của các vị Tỷ Kheo ở đây cho biết, phía bên dưới tháp có thờ xá lợi của đức Phật, tuy nhiên điều đó còn chưa thể biết được vì nơi đây đã từng nhiều lần hoang phế và tái kiến. Nhưng, có hay không chưa phải là vấn đề trọng yếu vì đức Phật đã để lại bảo vật quý nhất là pháp thân xá lợi. Là Phật tử chúng ta không thể quên lời đức Phật đã day: "Các con phải nương vào Phật pháp và lấy giới luật làm thầy." Phật pháp xuất hiện ở đâu thì pháp thân của đức Phật tồn tại ở đó!

3. Di chỉ thánh tích xung quanh:

Toàn bộ thánh tích và quần thể di tích lân cận ở Kusinagar khá tĩnh mịch và vắng lặng. Quang cảnh trong khu vực thánh tích Đại Bát Niết Bàn có sự hướng dẫn và săn sóc của các vị sư bản xứ làm cho thánh cảnh tôn nghiêm hơn. Vào mùa mưa các hồ quanh thánh tích đầy nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoa sen và hoa súng thi nhau nở, thi thoảng có tiếng ve, tiếng ếch làm cho những nền gạch rêu phong u tịch thêm chút sức sống. Mời du khách kinh hành quanh thánh tích, chánh niệm tĩnh thức, hít thở đều đặn, trong giây lát sẽ tiêu tan đi những mệt nhọc của trần lao.

Trước chùa và tháp có trồng hai cây Sa la khá cân đối nhưng không phải là hai cây nguyên thuỷ. Đây chỉ là sự tượng trưng của người đời sau nghỉ ra, thỉnh thoảng có một vài lá Sala rơi trong gió, tô điểm lên không trung và cảnh vật trầm lắng làm tăng thêm ý nghĩa sự kiện lịch sử chân thực của thánh tích.

Quang cảnh xung quanh chùa và tháp Đại Bát Niết Bàn rất vắng lặng và cổ kính, đó đây có những nền móng của Phật tháp nhỏ do những triều đại vua chúa kế tiếp nhau xây dựng kỷ niệm hoặc ghi lại những sự kiện liên quan đến đức Phật lúc sắp nhập Niết Bàn. Chẳng hạn phía bên phải chánh điện chùa có một nền gạch đỏ đánh dấu sự kiện sau khi đức Phật nhập diệt, kim thân của Ngài được tôn trí ở đây bảy ngày để vua quan và thần dân bá tánh của các vương quốc đến đây lễ bái tiễn biệt. Phía bên trái chánh điện có một nền tháp nhỏ, kỷ niệm một sự câu chuyện kể rằng, sau khi hay tin đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, hoàng hậu Maya từ cung trời Đao Lợi xuống đây đảnh lễ khấp biệt.

Những sự kiện lịch sử đan xen những câu chuyện thần thoại đó là phong cách của Ấn độ. Du khách hứng thú với những câu chuyện thực và thần thoại về mỗi sự tích trên những nền móng di chỉ, xin thỉnh một vị sư người bản xứ, họ rất sẳn lòng giúp du khách giải đáp tỉ mỉ.

III. THÁNH TÍCH LÂN CẬN:

1. Tháp Trà Tỳ (Angara Chaitya):

Tháp Trà Tỳ cách di chỉ thánh tích Đại Bát Niết Bàn khoảng một cây số rưỡi. Hiện nay Tháp Trà Tỳ được người bản xứ gọi là tháp Rambhar (Rambhar Stupa) là nơi hoả hoá kim thân của đức Phật sau khi Ngài tịch diệt. Tháp Trà Tỳ nằm trong một khu vườn khá rộng và cây cối thưa thớt. Tháp cao khoảng mười mét, xây bằng gạch nung, hình bán cầu, nằm uy nghiêm trong khu vườn.

Theo kinh điển ghi chép, Ngài Ca Diếp được đại chúng cử châm lửa trong lễ hỏa hóa kim thân đức Phật. Sau khi lễ hỏa hóa hoàn tất gom lại được nhiều xá lợi của đức Phật, thì bổng nhiên quân đội của các quốc gia rầm rộ kéo đến thỉnh xá lợi, vì số đông và thiếu trật tự, ai cũng muốn thỉnh được xá lợi của đức Phật về nước mình để chiêm bái, nên thiếu chút nữa xảy ra chiến tranh, may thay nhờ chư Tăng đứng ra triệu tập tổ chức hội nghị giải quyết theo tinh thần Phật giáo. Lịch sử và kinh điển gọi cuộc hội nghị này là hội nghị phân chia "Tám phần xá Lợi".

Trong tháp Trà Tỳ vốn được trang trí nhiều cổ vật có giá trị, thế nhưng bây giờ bị đánh cắp toàn bộ. May mắn tháp Trà Tỳ là một toà tháp gạch đỏ vững chắc được gia cố qua nhiều thời đại của các vị vua hộ trì Tam bảo, chính nhờ vậy mà bàn tay gian ác của đội quân Hồi giáo không tài nào phá nổi. Hiện nay được sự bảo tồn của chính phủ Ấn độ, tháp Trà Tỳ vững chãi in bóng dưới nền trời xanh mà không còn tiếp tục bị làm hại. Đây là một thánh tích lịch sử quan trọng của Phật giáo, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo, nơi hỏa hóa kim thân của đức Phật, đồng thời là một di sản văn hoá vô giá của nhân loại.

Hiện nay tháp được bảo vệ khá cẩn thân, khu vườn được xây tường bao quanh, cây cối được chăm sóc và tưới bón. Tuy nhiên đối với sự nhiệt tình cho công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Ấn độ còn quá yếu khiến toàn bộ thánh tích chưa được đảm bảo.

Ngoài sự quan tâm hời hợt của chính phủ Ấn độ còn có một sự việc khá phổ biến của tín đồ Phật giáo trên thế giới thường làm vì tâm linh cá nhân mà quên đi tai hại của nó khiến những di chỉ thánh tích Phật giáo ít nhiều bị tổn hại mà không biết, đó là việc lấy đất quanh tháp để đem về thờ cúng. Phải chăng vì tín ngưỡng cá nhân mà vô tình làm huỷ hoại thánh tích, cũng giống như vì muốn có xá lợi của Thế Tôn mà suýt nữa các vương quốc cổ đại phải dùng binh lực để giải quyết? Thật sự, một Phật tử chân chánh cần phải biết rằng tất cả các thánh tích Phật giáo đều là di chỉ đánh dấu sự kiện lịch sử của đức Phật, và là di sản quý báu độc nhất vô nhị của nhân loại trên thế giới nói chung và của tín đồ Phật tử nói riêng, không có ai có quyền tự lấy đi cho mình cho dù đó là lý do tín ngưỡng, vì tín ngưỡng là của chung chứ không có tín ngưỡng riêng tư. Hơn nữa đức Phật dạy chánh tín Tam bảo chứ không phải tôn thờ ngẫu tượng hoặc vật chất, dùng tâm xả bỏ chứ không phải cố chấp chiếm hữu. Nếu cứ mỗi Phật tử đến mỗi thánh tích Phật giáo lấy đi một ít đất rồi cho đó là ‘Phật địa’ mà đem về thờ phụng thì không bao lâu thánh tích sẽ trở lại hoang tàn đổ nát như thời Hồi giáo tàn hoại. Hành động như vậy chắc chắn sẽ xa Phật hơn chứ không phải gần Phật sau lần chiêm bái. Xin du khách hành hương hãy cẩn thận kẻo mà mang tội!

2. Thánh tích Mathakuar (Mathakuar Shrine):

Dọc trên tuyến đường đến thánh tích Đại Bát Niết Bàn khoảng 400 mét có một thánh điện nhỏ nằm trên một hồ nước nhỏ đó là thánh tích Mathakuar. Thánh tích này được xây dựng để đánh dấu nơi đức Thế Tôn thuyết kinh Di Giáo, bài thuyết pháp cuối cùng trong hành trình thuyết pháp độ sinh của đức Phật.

Khu thánh tích không mở cửa đón khách, tuy nhiên từ đường cái quan có thể nhìn thấy thánh tích một cách rõ ràng. Bên trong tôn thờ một ngôi tượng Phật Thích Ca bằng đá cổ khoảng thế kỷ thứ năm sau tây lịch. Thánh tích trông ra là một hồ nước không có dấu tích nhân tạo mà hoàn toàn trông như hồ nước thiên nhiên. Nếu du khách hành hương yêu cầu cúng hương hoa đèn nến, người trông coi cũng hoan hỷ mở cổng vào thánh tích.

3. Chùa chiền, tịnh xá các nước trên thế giới:

Các thánh tích lân cận ở Kusinagar rất ít và vắng lặng, tuy nhiên đây lại là một trong những Tứ Đại Động Tâm của Phật giáo, vì vậy có rất nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới đến đây lập chùa chiền, tịnh xá, tịnh thất, cơ sở từ thiện… để tu học và thuận tiện chiêm bái. Bao gồm chùa Tây tạng, Nhật bản, Trung hoa, Sri Lanka … Hiện nay chùa Trung hoa được tiếp quản bởi ni sư Trí Thuận. Xin giới thiệu để du khách hành hương thuận tiện lưu trú trong thời gian chiêm bái, cúng dường tạo phước.

IV. GIAO THÔNG, CHỖ Ở, ĂN UỐNG GIẢI KHÁT:

1. Giao thông:

Thành Câu Thi Na (Kusinagar) ngày nay gọi là thị trấn Kasia, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh. Câu Thi Na cách trung tâm thành phố Gorakhpur về phía đông khoảng 50 km, đây là một điểm giao thông thuận tiện cho mọi hướng. Vì vậy du khách muốn đến thành Câu Thi Na bằng xe lửa phải xuống ga Gorakhpur và đi xe bus về thị trấn Kasia. Thành Câu Thi Na nằm trên quốc lộ 28 (National Highway 28), du khách đi xe bus đến cửa ngõ thị trấn sẽ nhìn thấy một Phật đài khá cao lớn ngay giữa ngã tư và rẽ vào cổng Buddha Dwar Gate thì thành Câu Thi Na đã ẩn hiện trong tầm nhìn. Hầu hết các khách sạn, nơi ăn uống đều nằm trên con đường duy nhất Buddh Marg cách thánh tích khaỏng 3km. Vì vậy khách chiêm bái rất thuận tiện và dễ dàng trong việc đi lại, ăn ở và chiêm bái. Giao thông nội tuyến có những phương tiện như sau:

– Xe buýt:

Thành Câu Thi Na cách Phệ xá ly khoảng 280 km, có những chuyến xe buýt công cộng hai chiều qua lại rất thuận tiện. Lộ trình mất khoảng 8 giờ, giá vé 120 Rupees.

Hoặc từ ga xe lửa Gorakhpur du khách đón xe buýt về thành Câu Thi Na với những chuyến xe buýt tư nhân hoạt động từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, giá 30 Rupees, lộ trình 51 km mất khoảng 2 giờ. Ngoài ra còn có những chuyến xe nhỏ phục vụ nhưng rất đông người, có lẽ không hợp lắm với du khách hành hương.

2. Chỗ ở:

Thành Câu Thi Na hiện nay thuộc một thị trấn nhỏ nghèo và hẻo lánh, hơn nữa thánh tích tập trung trong một phạm vi không lớn vì vây chỗ ở không được thuận tiện lắm. Hầu hết các khách sạn và nhà nghỉ đều rất giản tiện.

Ngoài ra chùa chiền ở đây đều tiếp đón du khách thập phương rất nhiệt tình, du khách có thể tá túc ở đây suốt thời gian chiêm bái và tuỳ hỷ chút lệ phí. Ở đây gồm có chùa Trung hoa, Miến điện, Thái lan, Tây tạng và Nhật bản. Hiện nay chùa Trung hoa do sư cô Trí Thuận tiếp quản điều hành, vì vậy không khí đầm thắm và đạo vị mà thánh tích cũng gần bên cạnh. Du khách có thể thuận tiện ở đây. Xin liên hệ – Sư cô Trí Thuận, Linh son Chinese Buddhist Temple, P.O Dist. Kusinagar, U. P. India, tel (91) (5564) 271019.

– Hotel Pathik Nivas, tel (5564) 271038/ 271038, fax (5564) 271118, phòng đôi kèm phòng vệ sinh, giá 500-600 Rupees. Bên cạnh có một nhà hàng, thức ăn tạm dùng được, giá cả phải chăng.

– Lotus Nikko Hotel, tel (5564) 271139, giá từ 40-90 USD. Đây là khách sạn ba sao do Nhật bản đầu tư và phục vụ, vì vậy phong cách và điều kiện rất thoải mái, ăn uống miễn phí, vì vậy có rất nhiều du khách tây và Nhật bản, nhưng so với một du khách bình thường thì hơi đắc đỏ.

– Yama Kwality Cafe, đây là một nhà hàng phục vụ du khách hành hương khá chu đáo gần chùa Trung hoa, thức ăn chay ở đây cũng phong phú và rẻ, giá mỗi phần 25 Rupees. Kính mời!

V. TƯ VẤN HÀNH HƯƠNG:

Gorakhpur là một thành phố nằm phía bắc Ấn, thuộc bang Uttar Pradesh State , toạ lạc bên dòng sông Rāpti, là nhánh sông nhỏ của sông Ghāghra. Thành phố nằm trên trục lộ giao thông đường bộ và đường sắt chính của quốc gia, vì vậy kinh tế và thương nghiệp khá sầm uất ở mạng đông của tiểu bang. Hầu hết cư dân theo Ấn giáo. Ba trung tâm Phật giáo lớn là Kusinagar, Lumbini, and Sravasti đều lưu thông với Gorakhpur . Bộ mặt văn hoá tín ngưỡng tập trung tại đền Gorakhnath, đền do một đạo sỹ Yoga là Gorakhnath thành lập, nên thành phố cũng được gọi là Gorakhpur . Trường đại học Gorakhpur nằm ở trung tâm thành phố được thành lập từ năm 1957, dân số 505.566 người thống kế vào 1991.

Trong qua trình chiêm bái thánh tích tại thành Câu Thi Na du khách cần chú ý những điều sau đây:

Khi xuống ga xe lửa, du khách cẩn thận với người chào mời mua bán phòng bị lừa gạt và đánh cắp hành lí. Thuê xe về thánh tích cần nói rõ điểm đến là thị trấn Kasia, nếu không tài xế thường bỏ rơi hành khách ở đường Buddh Marg cách thị trấn Kasia 3 cây số ngay ngã tư Phật đài, nơi rẽ vào cổng chào Buddha Dwar Gate.

Kasia là một thị trấn nhỏ nghèo gần biên giới tỉnh Bihar và biên giới Nepal nên chuyện mất điện thường xuyên xảy ra, du khách không nên đi dạo ban đêm và đi một mình, nhớ mang theo đèn pin đề phòng lúc mất điện.

Đi lại chỗ đông người nên đề phòng kẻ gian, không để ví tiền lộ ra ngoài, mua đồ lưu niệm cần cẩn thận giá cả. Không nhẹ dạ cả tin những người bán đồ cổ, toàn là đồ phục chế mà thôi.

Trừ những điều vừa kể trên, thành Câu Thi Na là địa điểm thánh tích khá thuần khiết, cư dân giản dị và chất phát không quá rối rắm như các nơi khác.

Delhi University

Thiện Chánh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here