Trang chủ Phật học Thân tâm vô ngã, vậy ai tu ai chứng?

Thân tâm vô ngã, vậy ai tu ai chứng?

141
0

Vì quên hẳn Pháp thân, cho nên vọng nhận tứ đại làm tướng thật cho tự thân, vin theo bóng dáng sáu trần nhận làm tướng cho tự tâm. Ví như con mắt, nhậm vọng thấy giữ hư không có hoa đốm và mặt trăng thứ hai. Con mắt nhậm dụ cho vô minh, hoa đốm giữa hư không dụ cho vọng thân; còn mặt trăng thứ hai dụ cho vọng tâm, hoặc vọng kiến. Sáu căn bên trong, bốn đại bên ngoài làm chỗ cho sáu trần tạo tác. Khi căn và trần hoà hiệp, thì khiến cho sáu thức sanh khởi; vì thế nên gọi là giả hợp lại mà thành. Tám thức này là tâm giả hợp, chỉ là vọng tưởng mà thôi. Bốn đại giả hợp, khi thân diệt, thì mỗi đại tự động trở về nguồn gốc của nó. Căn bên trong đã không, thì căn bên ngoài làm sao có trần đối đãi. Căn và trần đã tiêu, thì tâm vin níu cũng diệt; vì vọng tâm là giả dối, huyễn ảo vậy.

Mọi huyễn ảo và không huyễn ảo đều từ tâm sanh, cho nên chúng cũng đều là huyễn ảo. Khi chúng biến đổi, dẫn đến sự tan rã và hoại diệt, nhưng “tâm viên giác” vẫn không đổi và không sanh diệt; nó thường trong suốt, vô tướng, bất động và rỗng rang như hư không. Ví như hoa đốm trong hư không là không thật, hoa đốm diệt mất mà hư không vẫn thường như thế, tròn đầy viên giác. Nếu đã  như vậy, thì làm sao để thoát khỏi huyễn ảo? Vậy tại sao phải dụng huyễn ảo để tu huyễn ảo ư?

 Trước hết, phải đoạn trừ mọi chấp thủ, kể cả chấp thủ của tâm viên giác và huyễn ảo. Trong Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Ngôn vọng hiển chư chơn, vọng chơn đồng nhị vọng”. Nghĩa là: lời vọng bày các chơn, cả vọng chơn đều vọng. Nếu bỏ vọng tìm chơn, thì chơn đó cũng là vọng. Biết huyễn phải nên lìa huyễn. Vạn vật là huyễn cảnh, vậy nên dùng huyễn tâm ly huyễn cảnh, dùng huyễn trí ly huyễn tâm, dùng huyễn không ly huyễn trí, và cuối cùng cái ‘không’ cũng đều xả ly, vô chấp. Ví như người kéo cây lấy lửa, lửa phát cây cháy, cây cháy thành tro, tro bay khói dứt. Dùng huyễn tu huyễn cũng lại như vậy, các huyễn diệt hết, tịch tịnh vô tướng. Đã là vô tướng, vậy tướng nào huyễn, có huyễn nào diệt (?).

 Huyễn ảo diệt hết, vậy thì ai tu ai chứng? Đức Phật chỉ rõ: “Hết thảy huyễn ảo của chúng sanh đều phát sanh nơi viên giác”. Như hoa đốm giữa hư không, hoa đốm huyễn ảo diệt, mà không gian không hề diệt. Cũng vậy, vô minh huyễn ảo thì huỷ diệt, vì thân tâm huyễn ảo; huyễn ảo huỷ diệt, nhưng viên giác bất động. “Biết huyễn tức lìa huyễn. Lìa huyễn tức là giác ngộ”. Vốn biết thân đã không thật, tâm thì vô tướng, mà lại còn khởi lên niệm nghi: “ai tu ai chứng?”. Nếu còn chấp “ai”, tức là còn chấp “ngã”. Đâu biết rằng chính nơi huyễn thân là Pháp thân. Vì sao? Vì: “Vô minh thật tánh, tức Phật tánh, Ảo hoá không thân, tức Pháp thân”. Trong Tâm Kinh Bát-nhã, đức Phật dạy:

Vô trí diệc vô đắc; dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề tát-đoả y Bát-nhã Bà-la-mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn”.

Tóm lại, nếu dựa vào sự giải thích trên, mà còn hỏi “ai tu ai chứng?” thì người hỏi như thế chính là kẻ thật sự vô minh. Việc thành Phật rồi thì cũng là người đó, chứ không ai khác. Như trước đây, đức Phật là Thái tử Tất-đạt-đa, sau khi giác ngộ gọi là Phật Thích Ca vậy thôi, gọi là thành mà chẳng có gì để thành; gọi là tu mà chẳng tu chi hết, chẳng tu chi hết mà tu nhiều lắm. Biết huyễn ly huyễn, ngay khi thật sự ly huyễn thì đã là thành Phật rồi. Dụng chân trí viên giác thanh tịnh để soi chiếu chân lý viên giác thanh tịnh là phương pháp tu hành thẳng tắp, đúng như chánh pháp của chư vị Bồ-tát thượng thượng căn.

Q.L

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here