Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Thân khỏe tâm an đón xuân về

Thân khỏe tâm an đón xuân về

132
0

Thân tâm là một cách gọi khác về con người gồm có sắc thân vật lý và cấu trúc tâm lý, đôi khi cũng được gọi là danh sắc (nàmarùpa), ngũ uẩn (pancakkhandha) hay sáu nội xứ (cha ajjhattikàni àyatanàni). Đạo Phật nói cho chúng ta biết rằng con người là một hợp thể của các yếu tố tâm-vật lý, hiện hữu do nhân duyên, chịu sự biến diệt, thường xuyên thay đổi và không ai làm chủ được (vô ngã). Vì thế, để có được một thân thể luôn luôn khỏe mạnh và một tâm thức luôn luôn an lạc trong điều kiện như vậy là điều không thể và không nên quá kỳ vọng. Chỉ có thể hiểu rằng nhờ theo đuổi một nếp sống sáng suốt hợp lý mà con người duy trì được một cơ thể và tâm thức tương đối thoải mái và thanh thản, tránh được các phiền toái hay khổ đau phát sinh ảnh hưởng đến thân tâm trong quá trình sinh tồn của mình.1 Đạo Phật nói đến “thân khỏe tâm an” hay “thân tâm an lạc” trong một ý nghĩa như vậy.

Để giúp cho mọi người có được một đời sống thanh thản an lạc, tránh các phiền toái hay khổ đau phát sinh liên quan đến thân thể và tâm thức, Đức Phật nói đến một phương pháp tu tập gắn liền mật thiết với các sinh hoạt hàng ngày của con người. Đó là quán niệm về sáu nội, ngoại xứ hay thu nhiếp thân tâm, không để cho các căn môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) chạy theo các trần cảnh (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), khiến cho thân tâm không rơi vào các hoạt động sai lầm cực đoan, không trở nên căng thẳng và mệt mỏi, giữ được trạng thái hài hòa, quân bình, thoải mái, thanh thản, an lạc. Đây được gọi là pháp môn phòng hộ căn môn hay còn gọi là “thân tu tập tâm tu tập”, tức là giữ cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp lôi cuốn rơi vào các hoạt động sai lầm cực đoan khiến thân tâm trở nên mệt mỏi và bất an.

Theo quan niệm của đạo Phật thì sở dĩ thân tâm rơi vào mệt mỏi bất an, không có được sự thoải mái an lạc, đó là do chúng đã phải làm việc quá sức bởi các quan niệm mê lầm và lối sống cực đoan. Với kinh nghiệm của bậc Giác ngộ, Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng có hai lối sống cực đoan mê lầm làm cho thân tâm (con người) trở nên mệt mỏi bất an, đó là lối sống khắc kỷ khổ hạnh và lối sống chạy theo dục lạc hay các lạc thú thế gian. Cả hai lối sống này được xem là cực đoan sai lầm bởi chúng khiến cho thân tâm trở nên mệt mỏi bất an, không khỏe khoắn, không thoải mái, không thanh thản, không an lạc. Lối sống khắc kỷ khổ hạnh làm cho thân tiều tụy, tâm mệt mỏi2 trong khi lối sống chạy theo các lạc thú thế gian khiến cho thân mệt mỏi, tâm kiệt quệ3. Đức Phật thấy rõ sự sai lầm tai hại của hai lối sống cực đoan này và do vậy Ngài chủ trương sống theo Trung đạo – Bát chánh đạo – khiến cho thân tâm hoạt động và phát triển hài hòa, không rơi vào căng thẳng, mệt mỏi hay ốm đau bệnh tật, được khỏe mạnh, được thoải mái, được thanh thản, được an lạc. Sau đây là những lời Phật nêu rõ thế nào là lối sống buông thả, không phòng hộ các căn, khiến cho thân tâm phải lao nhọc vất vả, trở nên mệt mỏi bất an và thế nào là phương pháp tu tập, hộ trì các căn môn, khiến cho thân tâm không hoạt động quá sức, không rơi vào mệt mỏi bất an, trở nên thanh thản an lạc:

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là không hộ trì? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, thiên chấp sắc khả ái, ghét bỏ sắc không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn… khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý nhận thức các pháp, thiên chấp pháp khả ái, ghét bỏ pháp không khả ái, sống với thân niệm không an trú, với tâm nhỏ hẹp. Vị ấy không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi ấy, các ác, bất thiện pháp ấy khởi lên không được đoạn diệt không có dư tàn.

Ví như, này các Tỳ-kheo, có người bắt được sáu sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con chim, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con chó, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con dã-can, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với những sợi dây vững chắc, người ấy cột một cái gút ở chính giữa và thả chúng đi. Này các Tỳ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình. Con rắn lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào gò mối”. Con cá sấu lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào trong nước”. Con chim lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ bay lên trời”. Con chó lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào làng”. Con dã-can lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào nghĩa địa”. Con khỉ lôi kéo, nghĩ rằng: “Ta sẽ đi vào rừng”. Này các Tỳ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, khi ấy, con sinh vật nào mạnh hơn các sinh vật còn lại, được chúng đi theo, chúng tuân theo, chúng phục tùng. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, với Tỳ-kheo thân niệm không tu tập, không làm cho sung mãn, con mắt sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái. Tai sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái. Mũi sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái. Lưỡi sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái. Thân sẽ lôi cuốn nó đối với các sắc khả ái và ghét bỏ đối với các sắc không khả ái. Ý sẽ lôi cuốn nó đối với các pháp khả ái và ghét bỏ đối với các pháp không khả ái.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, là không hộ trì.

Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hộ trì? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, không thiên chấp các sắc khả ái, không ghét bỏ các sắc không khả ái, sống với thân niệm an trú, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây, các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn… khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết các pháp, không thiên chấp các pháp khả ái, không ghét bỏ các pháp không khả ái, an trú thân niệm, với tâm vô lượng. Vị ấy như thật rõ biết tâm giải thoát, tuệ giải thoát; chính ở nơi đây các ác bất thiện pháp khởi lên được đoạn diệt không có dư tàn.

Ví như, này các Tỳ-kheo, có người bắt được sáu con sinh vật, giới loại khác nhau, chỗ tìm món ăn khác nhau, và cột chúng với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con rắn, người ấy cột với một sợi dây vững chắc. Sau khi bắt được con cá sấu… Sau khi bắt được con chim… Sau khi bắt được con chó… Sau khi bắt được con dã-can… Sau khi bắt được con khỉ, người ấy cột với sợi dây vững chắc. Sau khi cột chúng với sợi dây vững chắc, người ấy cột vào một cái cột hay cái trụ vững chắc. Rồi, này các Tỳ-kheo, sáu con sinh vật ấy, với giới loại sai khác, với chỗ tìm món ăn sai khác, mỗi con sẽ lôi kéo, tùy theo chỗ tìm món ăn và giới loại sai biệt của mình… Này các Tỳ-kheo, khi nào sáu con sinh vật ấy trở thành mệt mỏi, chúng sẽ đứng gần bên, ngồi gần bên, nằm gần bên cái cột ấy hay cái trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, khi nào Tỳ-kheo thân niệm được tu tập, được làm sung mãn, con mắt không lôi kéo vị ấy theo các sắc khả ái, đối với các sắc không khả ái, không ghét bỏ… ý không lôi kéo vị ấy theo các pháp khả ái, đối với pháp không khả ái, không có ghét bỏ.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, là hộ trì”.4

Lời Phật nhắc cho chúng ta rằng việc buông thả các căn môn, tức thân niệm không được tu tập, hay lối sống chạy theo các lạc thú thế gian là nguyên nhân khiến cho thân tâm trở nên mệt mỏi bất an bởi tính chất cực đoan mê lầm của nó. Đó chính là lối sống buông lung, phóng dật, khiến cho con người trở nên mê say, chìm đắm, quay cuồng trong các dục, không còn tỉnh táo và sáng suốt, bị trói buộc, bị dẫn dắt và bị lôi cuốn không dứt bởi dục vọng hay thói quen tìm cầu dục lạc của chính mình. Chính lối sống cực đoan mê lầm như vậy khiến cho cả thân và tâm trở nên mệt mỏi bất an, vì chúng luôn luôn bị lôi kéo chạy theo trần cảnh hay các lạc thú thế gian, thường xuyên rơi vào các phản ứng yêu ghét cực đoan và không hề được nghỉ ngơi. Chúng mệt mỏi và bất an vì chúng đã phải làm việc quá sức để thỏa mãn những gì yêu thích và chống lại những gì không thích ý. Nói cách khác, một khi các căn môn – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – bị các trần cảnh – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp – trói buộc, dẫn dắt và lôi cuốn thì con người trở thành nô lệ của bản thân mình, phải phục dịch quá sức cho lòng tham muốn không biết vừa đủ của chính mình và đó là lý do khiến cho thân tâm trở nên mệt mỏi và bất an.

Nhận thức rõ ràng như thế về lý do vì sao thân tâm trở nên mệt mỏi bất an tức là tìm ra lời giải cho một lẽ sống thanh thản an lạc, cả về thân thể lẫn tâm thức. Thân tâm sở dĩ trở nên căng thẳng, mệt mỏi, bất an, không có được sự thoải mái, thanh thản, an lạc, ấy là do chúng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) thường xuyên bị các trần cảnh hay các lạc thú thế gian ràng buộc và lôi kéo, phải làm việc quá sức trong tư thế hết chạy theo cái này lại phản kháng cái kia do tập quán yêu thích hay ghét bỏ đối với thực tại. Nhưng thực tại thì luôn luôn biến đổi; hết thảy những gì mà con người cho là tốt hay xấu, thích ý hay không thích ý, đáng yêu hay đáng ghét, tất cả chúng đều chịu sự thay đổi, biến diệt, không ai làm chủ được và do vậy không đáng cho người ta phải bận tâm hay lao nhọc vì chúng. Vậy nên, để giữ cho thân tâm được thanh thản an lạc, tránh rơi vào căng thẳng, mệt mỏi và bất an do thói quen yêu ghét hay do các phản ứng thuận nghịch5 thì con người cần phải tập nuôi dưỡng cái nhìn cho thật đúng về thực tại, phải tập phòng hộ căn môn, phải thực hành thiền định để chuyển hóa nội tâm, nghĩa là phải có kinh nghiệm tự nội nhận ra hết thảy những gì mình thích hoặc không thích, yêu mến hay ghét bỏ, đều là những thứ chịu sự sanh diệt, thường xuyên thay đổi, không thường hằng, không tồn tại mãi. Thấy như vậy rồi thì các căn môn sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo các trần cảnh, không còn rơi vào các phản ứng yêu thích hay ghét bỏ, thuận ứng hay nghịch ứng. Con mắt sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo sắc khả ái và ghét bỏ sắc không khả ái, lỗ tai sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo âm thanh khả ái và ghét bỏ âm thanh không khả ái, lỗ mũi sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo mùi hương khả ái và ghét bỏ mùi hương không khả ái, lưỡi sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo hương vị khả ái và ghét bỏ hương vị không khả ái, thân sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo các xúc khả ái và ghét bỏ các xúc không xả ái, ý sẽ không còn bị lôi kéo chạy theo các pháp khả ái và ghét bỏ các pháp không khả ái.

Không yêu thích hay ghét bỏ, không thuận ứng hay nghịch ứng, không chạy theo hay lẩn tránh thực tại thì thân không mệt mỏi, tâm không mệt mỏi, được tự do, được giải thoát, được thanh thản, được an lạc6. Đây chính là kết quả của pháp môn quán niệm về sáu nội, ngoại xứ hay nếp sống phòng hộ các căn, nghĩa là nhờ chú tâm quán sát nhân duyên sanh và diệt của các pháp hay các hiện tượng, nỗ lực thu nhiếp bản thân, không để cho các căn môn chạy theo trần cảnh hay các lạc thú thế gian mà thân tâm được điều phục, không dao động, không bị trói buộc, được tự do, được giải thoát, được thoải mái, được thanh thản, được an lạc. Nói cách khác, một khi ngộ ra rằng “con mắt không phải là kiết sử của các sắc, các sắc không phải là kiết sử của con mắt; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử… Ý không phải là kiết sử của các pháp, các pháp không phải là kiết sử của ý; ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham. Dục tham ở đây là kiết sử”7 hoặc “khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng… khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”8 thì bấy giờ thân tâm sẽ trở nên thanh thản an lạc, do chúng không bị chi phối, không bị trói buộc, không còn quay cuồng hay vùng vẫy trong thế giới nhị nguyên đối đãi bởi động cơ dục vọng.

Trên đây là lẽ sống minh triết đưa đến “thân khỏe tâm an” hay “thân tâm an lạc” mà bậc Giác ngộ mong muốn giới thiệu cho mọi người, một lẽ sống nói rõ thái độ tỉnh táo và sáng suốt của đạo Phật trong cách nhìn về con người và về phương pháp tu tập giúp cho con người thoát khỏi mọi mê lầm và cực đoan, mọi vướng mắc và trói buộc, được tự do và tự tại, được giải thoát và thanh thản, được thoải mái và an lạc ngay trong thế giới gồm các hiện tượng hiện hữu do nhân duyên, luôn luôn chịu sự biến đổi bởi quy luật sinh diệt. Đối với người con Phật, lẽ sống ấy được xem như mùa xuân, mùa xuân của thân khỏe tâm an, của thực tại an lạc, luôn luôn hiện hữu trong mỗi sát-na của sự sống, trong sự chuyển dịch bất tận của vạn vật vũ trụ. “Xuân đến xuân đi, ngỡ xuân hết; hoa nở hoa tàn, ấy là xuân”9. Trong không khí nhẹ nhàng ấm áp của những ngày đầu năm, chúng ta thử lắng nghe dư âm về một lẽ sống như vậy mà Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng chứng ngộ và thể hiện trước thực tại “xuân đến xuân đi, hoa nở hoa tàn” của dòng hiện hữu sinh diệt miên viễn:

Thuở nhỏ chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa bướm rộn trong lòng.
Chúa xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải 
giường thiền ngắm rụng hồng.10 „■

Chú thích:

  1. Kinh Nakulapità, Tương Ưng Bộ.
  2. Đại kinh Saccaka, Trung Bộ.
  3. Theo nghĩa tâm trở nên vị kỷ, nhỏ mọn, hạn hẹp, không cởi mở, không hướng thượng. Xem Đại kinh Khổ uẩn, Đại kinh Đoạn tận tái, Kinh Bất động lợi ích, Trung Bộ.
  4. Kinh Sáu sinh vật, Tương Ưng Bộ.
  5. Chỉ cho tham và sân, tức là tham ái đối với những gì thích ý, hấp dẫn và bất mãn đối với những gì không thích ý, không hấp dẫn, hai loạt phản ứng của tâm thức đưa đến phiền não khổ đau cùng có chung gốc rễ là vô minh hay si mê. Xem Tiểu kinh Sư tử hống, Trung Bộ.
  6. Kinh Bất động, Trung Bộ; Kinh Channa, Tương Ưng Bộ.
  7. Kinh Kotthika, Tương Ưng Bộ.
  8. Kinh Hữu học, Trung Bộ.
  9. Thơ của Thiền sư Chân Không.
  10. Thơ Trần Nhân Tông.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số Xuân 193-194

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here