I. Tổng Quát Về Thần Chú :
I.1. Nguồn gốc :
Thần chú có nguồn gốc từ Kinh Vệ Đà của đạo Hindu ở Ấn Độ, xuất hiện cách đây khoảng 3500 năm.
Theo tinh thần của kinh Vệ Đà thì vũ trụ được gọi là Jagat, nghĩa là cái đang chuyển động, bởi vì mọi sự vật tồn tại được là do sự phối hợp của các lực và chuyển động, và mỗi chuyển động sinh ra dao động và có âm thanh riêng của nó.
Do đó, mỗi sự vật trong vũ trụ đều có mối liên hệ chính xác với âm thanh riêng của chuyển động sinh ra sự vật ấy. Thế cho nên, mỗi sự vật đều có cái tên tự nhiên của nó. Tên đó chính là âm thanh được tạo ra bởi hoạt động của những lực chuyển đông từ đó mà sự vật ấy được tạo.
Vì vậy, bất cứ ai mà có thể phát âm ra cái tên tự nhiên của một sự vật gắn liền với lực tạo ra sự vật ấy thì có thể đưa sự vậy có tên ấy vào trong hiện hữu.(1)
Đó là quan điểm cơ bản của đạo Hindu trong việc sử dụng thần chú.
I.2. Ý nghĩa :
Theo kinh Vệ Đà, thần chú là dạng âm thanh của một thực thể có năng lực đưa cái thực thể mà nó đại diện vào trong hiện hữu. Nói rộng ra, thần chú là một dạng của lời nói có hoạt tính tâm lý (psychoactive speech) có ảnh hưởng trực tiếp lên cơ thể, lên cảm xúc, lên tâm trí của con người và ngay cả trên các quá trình biến đổi vật chất trong tự nhiên.(2)
Theo Khanna : Thần chú là những âm tiết tiếng Phạn được viết ra, về cơ bản là “dạng thức có tư duy” tượng trưng cho những tính thần thánh hay năng lực vũ trụ, tác động ảnh hưởng của chúng nhờ những dao động âm thanh.(3)
Khi con người tụng niệm miên mật câu thần chú, tập trung cao độ tâm ý vào âm thanh hay lời câu thần chú thì khiến cho tâm trí tách ra khỏi các tham muốn theo bản năng cơ bản, các quyến rũ phóng dật về vật chất hay tinh thần.
Vì vậy. ở Ấn Độ, trong nghi thức tôn giáo, người ta rất xem trong việc phát âm chính xác câu thần chú theo tiếng Phạn.
I.3. Phân Tích Theo Từ Nguyên :
I.3.1 Tên tiếng Phạn của thần chú là mantra 🙁 Devanāgarī मन्त्र ) : một âm thanh, một âm tiết, một từ, một nhóm từ được tin là có khả năng tạo ra sự biến đổi (4) ảnh hưởng đến đời sống thể chất hay tinh thần của con người và cả những quá trình biến đổi vật chất trong vũ trụ (5).
Từ mantra có thể được phân tích theo các cách như sau :
Cách 1 : Từ mantra trong tiếng Phạn (giông đực : मन्त्रः , cũng là giống trung : मन्त्रं) gồm có:
– gốc là man, nghĩa là suy nghĩ, tư duy (to think), cũng là ở trong từ manas, nghĩa là tâm trí (mind)
– và hậu tố tra, có nghĩa là công cụ (tool).
Vì vậy dịch theo nghĩa đen: mantra là “ công cụ của tư duy” (instrument of thought). (6)
Cách 2 : Một cách giải thích khác là hậu tố tra có nghĩa là bảo vệ (7). Cho nên mantra là để bảo vệ, bảo hộ tư duy khỏi bị lung lạc bởi những tư tưởng xấu ác hay những cám dỗ đồi trụy.
Cách 3 : Một cách giải thích nữa là hậu tố tra được suy ra từ gốc trayoti có nghĩa là sự giải phóng (liberation) (8). Như thế, một mantra là một công cụ đưa đến sự giải phóng của tâm trí khỏi những ràng buộc do những tư tưởng bị ô nhiễm gây ra.
Cách 4 : Hậu tố tra là hậu tố hướng hành động (action-oriented suffix)(9).
Như thế một mantra có thể được xem như một công cụ ngôn ngữ để đào sâu vào tư tưởng của con người.
Mantra được dịch ra chữ Trung Quốc là chân ngôn (zhenyan 眞言, 真言), có nghĩa đen là “ lời nói đúng thực “ (true words).
Dịch ra tiếng Nhật là “yomi”, nhưng người Nhật đọc “chân ngôn” của tiếng Trung Quốc là shingon. Từ Shingon đã được dùng làm tên của hệ phái mật tông Nhật Bản nổi tiếng là Chân Ngôn Tông do Đại sư Kūkai (774-835) (空 海 = Không Hải) lập nên vào thế kỷ thứ 9 sau khi học đạo từ Trung Quốc trở về.
I.3.2 : Một từ khác là dhāraṇī : Một dhāraṇī (Trung Quốc phiên âm thành : 陀羅尼, đà la ni) là một loại lời nói dùng trong nghi thức tôn giáo tương tự như một mantra.
Từ dhāraṇī được suy ra từ gốc dhṛ trong tiếng Phạn, có nghĩa là cầm giữ, hay duy trì.
Cho nên Ryuichi Abe và Jan Nattier gợi ý rằng dhāraṇī thường thường được hiểu như là một công cụ giúp trí nhớ để bao hàm ý nghĩa của một đoạn hay một chương của một kinh (10).
dhāraṇī ra tiếng Trung Quốc thành 總 持,tức là “Tổng trì “, nghĩa là cầm giữ tất cả, tóm thâu tất cả .
3.3 Khác biệt giữa mantra và dhāraṇī :
Chúng ta có thể nêu ra một nhận xét như sau :
– Sự phân biệt giữa dhāraṇī và mantra là khó là rạch ròi.
– Có thể nói rằng tất cả mọi mantra đều là dhāraṇī, nhưng không phải tất cả dhāraṇī đều là mantra.
– Mantra thường có khuynh hướng ngắn hơn dhāraṇī.
– Cả hai dhāraṇī và mantra đều chứa một số phần có âm không thể hiểu như Om, hay Hūm, mà có lẽ đó là lý do khiến một số người xem chúng về cơ bản là vô nghĩa.
– Mantra dùng riêng cho các nghi thức Phật giáo có tính chất bí mật trong khi dhāranī được thấy dùng trong cả hai nghi thức mật và hiển (công khai).
– dhāranī cũng được xem như để bảo vệ những ai tụng đọc chúng khỏi các ảnh hưởng ác độc và các tai họa.(11)
I.4 Phạm Vi Sử Dụng :
Từ nguồn gốc trong Kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ xưa, về sau các thần chú được dùng trong phạm vi rộng lớn hơn : Thần chú, theo thời gian đã trở thành :
– một phần cơ bản trong đạo Hindu.
– một phần nghi thức thực hành trong các tôn giáo như Phật giáo, đạo Sikh, đạo Jainism.
Tuy nhiên, các thần chú cũng đã được dùng như các lời thần chú có ma thuật (magic spell) trong việc cầu các mục đích trần tục như được giàu sang, và sống lâu, và loại trừ kẻ thù, v.v… (12).
II. Thần Chú trong Phật Giáo
II.1 Tổng quát :
Đạo Phật xuất hiện vào khoảng 500 năm trước dương lịch, tức là sau đạo Hindu với Kinh Vệ Đà khoảng 1000 năm. Khi đạo Phật chưa xuất hiện thì thần chú đã được dùng trong Kinh Vệ Đà.
Vào thời kỳ đầu của đạo Phật, các Phật tử không chấp nhận sử dụng các thần chú vì thần chú liên kết mật thiết với Kinh Vệ Đà thuộc ngoại đạo đối với Phật giáo. Hơn nữa trong một số thần chú còn có cả những mong cầu thu lợi về vật chất, là điều trái với Phật pháp. Nhưng trong một số kinh thuộc Pāli tạng như Ratana Sutta (13), Karaṇīyamettā Sutta (14), và Maṅgala Sutta (15) đều được tụng niệm để bảo vệ những nhà tu khổ hạnh ở nơi hoang vắng tránh khỏi những vọng tưởng xấu, ác, và sự tấn công của thú dữ, rắn,…Đấy được xem như là hình thức sử dụng thần chú đầu tiên trong Phật giáo.
Theo Edward Conze (16) , việc sử dụng thần chú trong Phật giáo có thể chia thành 3 giai đoạn :
– Giai đoạn một : giống như các tín đồ người Ấn độ, các Phật tử dùng mantra như các câu thần chú (spell) bảo hộ để loại trừ các ảnh hưởng ác hại. Mặc dầu có điều khoản trong Luật tạng ( Vinaya) cấm các nhà sư tham dự vào việc cử hành nghi thức Bà la môn trong việc đọc tụng các thần chú để thu tài lợi vật chất, vẫn có một số nghi thức đọc tụng một số câu kinh để bảo vệ cho một nhóm các nhà sư tu khổ hạnh trong việc loại trừ các ảnh hưởng ác hại.
Tuy nhiên, ngay cả vào thời kỳ đầu nầy, có lẽ có một cái gì đó hơn cả pháp thuật theo chủ thuyết vạn vật hữu tình (animistic magic) đã phát huy tác dụng. Đặc biệt trong trường hợp của Kinh Ratana (Ratana Sutta trong Pāli tạng) thì sự hữu hiệu của những bài kệ dường như liên hệ tới khái niệm “ chân lý “ (truth). Mỗi bài kệ của bài kinh kết thúc với dòng chữ :
“nhờ chân lý nầy mà có thể có hạnh phúc”
(by the virtue of this truth may there be happiness) (17)
– Giai đoạn hai : Conze lưu ý rằng về sau các thần chú được dùng nhiều hơn để bảo vệ đời sống tinh thần của người trì chú, và các đoạn thần chú bắt đầu được thêm vào trong một số kinh Đại thừa như Pháp Hoa ( Diệu Pháp Liên Hoa Kinh= saddharmapuṇḍarῑka sūtra), và Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra Sūtra). Phạm vị bảo vệ cũng thay đổi trong thời kỳ nầy (mở rộng tới nhiều đối tượng, CL). Trong kinh Ánh Sáng Vàng (Sutra of Golden Light), bốn vị Đại Vương hứa thực thi chủ quyền trên các tầng lớp Á thánh, để bảo vệ toàn thể Jambudvipa (Tiểu lục địa Ấn Độ), bảo vệ các nhà sư trì tụng kinh, bảo vệ các vua bảo trợ cho những nhà sư đọc tụng kinh Phật.
• Sự phát triển cao nhất của loại hình sử dụng nầy là trường phái Phật giáo Nichiren (日 蓮 宗 = Nhật Liên Tông) do Đại sư Nichiren : 1222-1282 thành lập tại Nhạt Bản vào thế kỷ 13. Trường phái nầy đã đúc kết các phần quan trọng nhất trong nhiều nghi thức phức tạp của Phật giáo có từ trước thành sự sùng kính Kinh Pháp Hoa thông qua việc đọc thuộc lòng câu thần chú (trong tiếng Nhật, thần chú cũng được gọi là “daimoku” : 題目 :đề mục, CL) :
Nam Myōhō Renge Kyō
(南無妙法蓮華經, Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)
có nghĩa là : Kính ngưỡng kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Homage to the Lotus Sutra)
– Giai đoạn ba: bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 7, thần chú đạt tới thời kỳ phát triển chính và trở thành môt phương tiện trong việc cứu độ theo khả năng riêng của thần chú. Các kinh dạy nghi thức sử dụng, thực hành thần chú trong Phật giáo Tây Tạng (Tantra) bắt đầu lấy được đà phát huy tác dụng trong thế kỷ thứ 6 và thứ 7, với các dạng thức Phật giáo riêng biệt xuất hiện sớm vào khoảng năm 300 sau dương lịch.
II.2 Ý Nghĩa Tổng Quát Của Thần Chú Trong Phật Giáo :
Thần chú phát xuất từ Kinh Vệ Đà, khi được tiếp nạp vào Phật giáo thì tuy có tương tự những nghi thức có từ trước trong xã hội Vệ đà, nhưng Phật giáo đã phát triển cho mình một hệ thống riêng và cách hiểu riêng về thần chú và cũng tạo ra những nét đặc biệt riêng, nhất là tùy theo vùng lãnh thổ(18).
Thần chú đã trở thành một phần chính yếu trong nghi thức tu tập của Phật giáo mật tông (Esoteric Buddhism), phát xuất từ Kim Cương Thừa (Vajrayāna) tại Ấn Độ và về sau tồn tại phát triển thành Phật giáo Tây Tạng và Chân Ngôn Tông (Shingon) ở Nhật Bản.
Chẳng hạn, trong kinh Đại Nhật Như Lai (Mahāvarocana Sūtra) của Chân Ngôn Tông đã giải thích về năng lực của thần chú như sau :
“Nhờ lời nguyện ban đầu của các chư Phật và Bồ Tát, mà một thần lực hàm chứa trong những thần chú, cho nên nhờ tụng đọc các thần chú, người ta có được công đức vô lượng “ (19).
Còn Phật giáo Kim Cương Thừa (Vajrayāna) ở Tây Tạng ngày nay nguyên ban đầu được đặt tên là Mantrayāna, nghĩa là Thần Chú Thừa, Con Đường Thần Chú, hay Con Đường Tu Dựa Vào Thần Chú(20). Điều nầy chứng tỏ thần chú giữ một vị trí rất quan trọng trong nghi thức tu tập của Phật giáo Tây Tạng.
Câu thần chú nổi tiếng nhất trong Phật giáo Tây Tạng, cũng thuộc loại nổi tiếng nhất và được sử dụng nhiều nhất trong Phật giáo là :
Oṃ Maṇi Padme Hūṃ
Những trường phái khác của Phật giáo đều có sử dụng ít nhiều thần chú. Ngay như Thiền Tông là trường phái ít sử dụng thần chú nhất, nhưng câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh:
Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā
lại là một trong những thần chú nổi tiếng nhất, được sử dụng nhiều nhất trong Phật giáo, và mọi hành giả Thiền tông đều tụng niệm câu thần chú nầy nhiều lần trong một ngày.
Như đã nói ở phần trên, thần chú được xem như một công cụ ngôn ngữ để đi sâu vào tư tưởng của con người, hay theo ngôn ngữ Phật giáo thì thần chú là một công cụ để phát triển tâm giác ngộ(21).
Nhưng thần chú gồm các biểu tượng âm thanh bí mật đi liền với truyền thống thực tập tâm linh của người Ấn Độ từ xa xưa, cho nên, chúng ta thường hỏi một thần chú có ý nghĩa gì cũng là điều tự nhiện và tốt, nhưng câu hỏi tốt hơn là thần chú làm được cái gì ?
Với những Phật tử trong Mật Tông ở Tây Tạng, Chân Ngôn Tông ở Nhật Bản, và phần ít hơn trong các môn phái khác như Tịnh Độ Tông, Thiên Thai Tông, Thiền Tông, một thần chú gợi lên và giúp tìm cầu những đức tính của Tâm Giác Ngộ (Awakened mind).
Như thế thì những thần chú đưa chúng ta vào trong mối liên hệ với Sự Giác Ngộ và là một phương tiện nhờ đó chúng ta có thể nhận biết rõ sự vật như chúng thật sự đang là.
Với nhiều Phật tử, một thần chú cũng có thể là một biểu lộ của lòng tin vào Tam Bảo.(22)
Phật giáo Tây Tạng dùng nhiều thần chú làm phương tiện tu hành. Nhưng không nên hiểu lầm là thần chú sẽ đem tha lực từ bên ngoài vào trong con người tu để đưa họ đến giác ngộ. Mà đúng ra, thần chú là phương tiện giúp đánh thức những tiềm năng đã có sẵn trong con người chúng ta, như xác nhận sau đây :
Trong hầu hết các truyền thống tôn giáo, người ta cầu nguyện các vị thiên thần của tôn giáo với hy vọng nhận được ân huệ của các ngài, mà đó là lợi lạc theo một cách nào đó. Tuy nhiên trong truyền thống Phật giáo Kim Cương Thừa (vajrayāna) và nói chung trong Phật giáo thì ân huệ và năng lực và các tính chất tốt đẹp nhất của những bậc giác ngộ đều không được xem như đến từ một nguồn bên ngoài, mà được tin là bẩm sinh, là những sắc thái của bản chất đích thực của riêng chúng ta. Ngài Chenrezig ( tiếng Tây Tạng chỉ ngài Quán Thế Âm : Avalokiteśvara) và lòng từ bi của ngài là có sẵn bên trong chúng ta (23).
Vấn đề quan trọng của việc tu hành là khơi mở được các tiềm năng vốn có nầy.
Để tìm giúp hiểu rõ hơn về thần chú trong Phật giáo, những phần tiếp theo sẽ bàn về các vấn đề :
– Thần chú trong đạo Hindu.
– Thần chú trong Phật Giáo Tây Tạng.
– Thần chú trong Phật giáo Chân Ngôn Tông ( ở Nhật Bản)
– Thần chú trong Phật Giáo Đại Thừa Không Mật Tông.
– Câu thần chú trong Bát Nhã Tâm Kinh :
Oṃ Gate Gate Pāragate Pārasaṃgate Bodhi Svāhā
– Câu thần chú trong Mật Tông :
Oṃ Maṇi Padme Hūṃ
– Chú Đại Bi
L.T.H
Tài liệu tham khảo
1. http://www.ansers.com/topic/mantra
2. http://www.ansers.com/topic/mantra : Occultism and Parapsychologi – mantra
3. Khanna, Madhu. Yantra: The Tantric Symbol of Cosmic Unity. (Inner Traditions, 2003). ISBN 089 2811 323 & ISBN 978-089 2811 328, p. 21
4. Feuerstein, G. The Deeper Dimension of Yoga. Shambala Publications, Boston, MA. 2003.
5. xem 2.
6. Mantra – Etymology, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
7. Mullin, G.H., The Dalai Lamas on tantra, p.11 (Snow Lion, 2006)
8. Mantra – Etymology, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
9. Mantra – Mantra in Shingon Buddhism, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
10. Mantra – Mantra in Shingon Buddhism, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
11. Mantra – Mantra in Shingon Buddhism, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
12. Mantra – Mantra in Shingon Buddhism, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
13. Ratana sutta : Ratana sutta là Kinh Tam Bảo (không phải Kinh Bảo Tích = Ratnakūṭa sūtra) là một kinh ngắn trong Pāli tạng, gồm 17 bài kệ (trong Phạn văn gồm 19 bài kệ) ca tụng những tính chất đặc trưng của Tam bảo : Phật, Pháp, và Tăng.
Theo một luận trong Pāli tạng, nhân duyên có bài kinh nầy là vào lúc thành vesāli (P) ( vaiśālῑ (S)) bị khốn khổ vì dịch bệnh, thú vật và ma quỉ quái ác, và nạn đói hoành hành; trong cơn tuyệt vọng đó, dân chúng đến cầu xin đức Phật giúp đỡ. Đức Phật bèn sai ngài A Nan (Ānanda) đi khắp thành đọc tung Kinh Tam Bảo, nhờ đó tiêu trừ được những thứ gây nên thống khổ cho dân chúng thành vesāli(P).
Trong những xứ và tu viện theo Theravāda, bài kinh nầy thường được tụng đọc như một phần của các nghi lễ tôn giáo nơi công cộng hay tư gia với mục đích ban phúc cho những công việc mới sẽ làm và xua tan đi những thế lực mang điềm xấu, bất lợi (Ratana Sutta , http://en.wikipedia.org/wiki/Ratana_Sutta)
14. Karanῑyamettā sutta: Karaṇīyamettā Sutta hay Mettā Sutta là Kinh ngắn trong Pāli tạng. mettā (pāli) = sự nhân từ, tình bằng hữu; karanῑya (Pāli) = Phận sự, Công việc ắt buốc phải làm. Kinh nầy chỉ gồm 10 bài kệ, ca tụng những phẩm chất đạo đức và sự phát triển thiền định của lòng nhân từ
Theo một luận về Sutta Sutta Nipāta (Tuyển tập các kinh ngắn), nhân duyên có kinh nầy là như sau : một nhòm nhà sư bị quấy nhiễu bởi những vị thần sống trên cây trong một khu rừng; khi những nhà sư cầu cứu sự giúp đỡ của đức Phật để đối phó với những thần ấy, đức Phật mới dạy cho các vị sư bài Kinh Mettā Sutta nầy để cho họ đọc tụng thường xuyên; những nhà sư đã làm như thế, và kết quả là các thần ấy không còn quấy nhiễu nữa
Bài kinh nầy thường được tụng như một phần của nghi thức trong truyền thống Theravada, và cũng có cả trong truyền thống Đại thừa. Vun bồi lòng nhân từ qua việc tụng đọc bài kinh Mettā Sutta đôi khi được tin là có năng lực tránh, ngăn ngừa các điều xấu, ác theo truyền thống Theravāda (The Mettā Sutta, http://en.wikipedia.org/wiki/Metta_Sutta)
15. Maṅgala sutta : Kinh maṅgala (maṅgala sutta) được lưu trữ trong Pāli tạng (của Phật giáo Theravāda). Đây là bài kinh do đức Phật nói tại Kỳ viên (Jetavana) để trả lời cho câu hỏi của một vị Trời (deva) nêu ra là những gì trong thế giới nầy được xem thực sự là những điều đem lại sự tốt lành (maṅgala). Nội dung bài kinh gồm 38 điều đem lại sự tốt lành được phân thành 10 đoạn.
Kinh nầy thường được tụng đọc trong nghi lễ phù chú hổ trợ, bảo vệ tránh khỏi những vận xấu hay những điều kiện nguy hiểm. Nghi thức đọc tụng kinh bảo vệ nầy bắt đầu rất sớm trong lịch sử Phật giáo (Mangala Sutta, http://en.wikipedia.org/wiki/Mangala_Sutta)
16. Conze, E. Buddhism : its essence and development, Philosophycal Library, New York, 70614LV00004b/54, pp. 181-183 ; và Mantra, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra
17. Mantra, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra, Mantra in Indo-Tibetan Buddhism
18. Mantra in Buddhism , http://www.answers.com/topic/mantra :
“ Buddhism developed its own system and understanding of mantra, which while similar to the previous practices of Vedic spociety, also took on its own particulsarities, especially accordig to region”.
19. Conze, E. Buddhism : its essence and development, Philosophycal Library, New York, 70614LV00004b/54, p. 183 : “Thanks to the original vow of the Buddhas and Bodhisattvas, a miraculous force resides in the mantras, so that by pronouncing them one acquires merit without limits”
20. Mantra, http://en.wikipedia.org/wiki/Mantra, Mantra in Indo-Tibetan Buddhism :”Mantrayana (Sanskrit), that may be rendered as "way of mantra", was the original self-identifying name of those that have come to be determined ‘Nyingmapa’. The Nyingmapa which may be rendered as "those of the ancient way", a name constructed due to the genesis of the Sarma "fresh", "new" traditions. Mantrayana has developed into a synonym of Vajrayana”.
21. Thus a mantra can be consdered to be a linguistic device for deepening one’ s thought, or in the Buddhist context for developing the enlightened mind, Mantra in Shingon Buddhism, http://www.answers.com/topic/mantra)
22. Visible Mantra, http://www.visiblemantra.org Mantras bring us into relationship with Enlightenment, and are a vehicle by which our consciousness can awaken to the way things really are. They are rooted in age old traditions emphasising the interconnectedness of all things. For Buddhists a mantra may also be an expression of devotion towards, or faith in, the Three Jewels .
23. The Meaning of Om Mani Padme Hum, http://dharma-haven.org/tibetan/: “In most religious traditions one prays to the deities of the tradition in the hopes of receiving their blessing, which will benefit one in some way. In the vajrayana Buddhist tradition, however, the blessing and the power and the superlative qualities of the enlightened beings are not considered as coming from an outside source, but are believed to be innate, to be aspects of our own true nature. Chenrezig and his love and compassion are within us”.