Vì đang trong giờ học, nên đoàn chúng tôi chưa vào thăm các cháu mà bắt đầu mỗi người mỗi công việc. Các chị Phật tử trong đoàn đã chuẩn bị sẵn các dụng cụ để nấu món cháo chay ngay trong nhà bếp của Trung tâm bảo dưỡng; còn chúng tôi tản bộ quanh khu đồi phía bên trên nơi ngôi nhà nhỏ có bàn thờ Phật rất trang nghiêm, thì ra đó là ngôi nhà của cô Nguyễn Trần Thị Tri pháp danh Nguyên Ân, người sáng lập Trung Tâm. Cô là một Việt kiều Thụy Sĩ gốc Huế, sống xa quê hơn 30 năm, trong một chuyến về thăm quê hương, thấy tình cảnh ở quê nhà còn nhiều khốn khó, nhất là các em mồ côi không nơi nương tựa, Cô quyết định mua đất thành lập trung tâm để thu nhận các em mồ côi cha mẹ vào ở.
Trò chuyện với chúng tôi cô Tri nói: “Con vốn là một người bất hạnh, mồ côi cha mẹ từ lúc lên 5, nên con rất hiểu và thấm thía nỗi gian khổ của những trẻ mồ côi, trong thâm tâm con luôn ước nguyện rằng nếu sau này có điều kiện mình sẽ làm một cái gì đó để chia sẻ bớt một phần mất mát và bất hạnh cho các cháu mồ côi. Sau mấy mươi năm ước nguyện đó nay đã được thực hiện. Đầu tiên con tiến hành mua đất rồi mở phòng Đông y, để khám và chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, dần dân xây dựng thêm nhà cửa đến năm 2006 Trung tâm bảo trợ trẻ em An Tây mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động có sự bảo trợ của Hội tương trợ”.
Nhà Trung Tâm gồm hai tầng, tầng trên là chỗ ở còn tầng dưới là phòng học, khu ẩm thực và các công trình phụ khác. Trong khoảng đất hơn 7.000m2, được thiết kế hài hòa bao gồm: điện thờ Quán Âm, thờ tượng Bổn Sư Thích Ca lộ thiên, đường đi bộ, ao cá và khu sân chơi thể thao trong một không gian thoáng mát.
Đến nay, Trung tâm đã thu nhận hơn 40 em, phần lớn là mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tại đây, các em được cho đi học văn hóa, được các gì Bảo mẫu chăm sóc chu đáo từng bửa cơm, manh áo. Ở đây, nếu em nào không đủ khả năng theo học chữ thì Trung tâm vẫn có một cơ sở đào tạo nghề như: may, thiêu, vi tính…để sau này các em có một nghề nhất định để đi ra sống với cuộc đời. Đặc biệt tại đây có một ngôi nhà tịnh niệm, cứ mỗi chiều chủ nhật hàng tuần các em được mặc áo lam lên lễ Phật tụng kinh và tọa thiền để cho các em được vui chơi sinh hoạt trong nếp sống đạo đức tâm linh, làm vơi bơt nỗi cô đơn bất hạnh mà các em đang đối diện.
Một buổi chiều thăm các em, với một nồi cháo nấm chay và ít bánh sữa, của không nhiều nhưng đó đã gói trọn lòng thương mến của người con Phật, biết cảm thông chia sẽ nỗi bất hạnh với trẻ mồ côi. Chúng tôi ra về trong niềm luyến tiếc mến thương. Vẫn còn đâu đó rất nhiều những mãnh đời bất hạnh, nhưng vẫn có nhiều tấm lòng nhân ái vị tha đang đem hết tâm sức ra phụng sự cuộc đời. Tôi thật sự cảm kích trước những việc làm đầy ý nghĩa của những người đang âm thầm cống hiến hết tâm lực của mình để làm vơi bớt nỗi khổ niềm đau cho cuộc đời, để những trẻ mồ côi thấy ấm áp trong vòng tay thương yêu của mọi người.
T.Đ