Trang chủ Thiền môn xứ Huế Chùa -Tháp Thăm chùa Thánh Duyên

Thăm chùa Thánh Duyên

203
0

Thánh Duyên Quốc tự thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Chùa tọa lạc trên một ngọn núi có tên Thúy Vân quanh năm sương phủ cùng núi tía mây ngàn.

Từ dưới chân núi một tấm bia đá xanh có khắc 3 chữ Hán Thúy Vân Sơn rất đẹp và tinh xảo được dựng trên một tảng đá to tướng như một biểu tượng của dấu ấn thời gian vô hạn định và là thông điệp của tiền nhân từ quá khứ huy hoàng của một thời vàng son cùng núi, cùng hoa, cùng thảo mộc ngàn năm. Dấu tích nguyên sơ núi có tên là Mỹ Am Sơn đến năm Mịnh Mạng thứ 6 (1825) vua cho đổi tên là Thuý Hoa Sơn, sau đó vì trùng tên mẹ là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa nên sau khi lên ngôi vua Thiệu Trị cho đổi tên là Thuý Vân Sơn và chạm tấm bia đá  khắc tên núi bằng 3 chữ Hán (翠 雲 山) nói trên làm dấu tích và truyền lại cho bá tánh biết mãi đến ngày nay. Thế mà người đời vẫn cứ quen gọi là Tuý Vân Sơn mới lạ!

Trầm ngâm với chữ nghĩa với nhân tình thế thái mãi chút nữa tôi cũng say xưa mà quên mất mình đang là một khách hành hương. Chợt bừng tỉnh ngước mắt trông lên thấp thoáng dưới những táng cây rừng um tùm, cổng tam quan Thánh Duyên Quốc tự sơn màu vàng ẩn hiện trong cây, trong mây, rất đượm màu sơn tự. Những bậc tam cấp bằng đá đã bị bào mòn theo dấu chân người qua bao năm tháng miệt mài mưa nắng và những rễ cây cổ thụ đâm ngang đâm dọc tạo thành những bậc cấp nâng bước chân người tưởng chừng như chỉ có trong truyện cổ tích.

Chánh điện của chùa Thánh Duyên nằm sát liền kề ngay bên sau chiếc cổng, cửa chùa khép kín, thoang thoảng mùi hương trầm quyện toả cùng mùi thảo mộc thơm phưng phức sởi ấm lòng người. ĐĐ. Thích Minh Chính, người trông coi hương khói trong chùa dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh chùa. Biết bao lần chúng tôi đã đến đây, đã được dâng nén hương lòng lên ngôi Tam Bảo tại chánh điện nầy, nhưng cứ mỗi lần đứng trước Phật điện thâm u, uy nghi cổ kính của một ngôi Quốc tự trong lòng lại dậy lên một niềm xúc động vô biên khó tả nên lời.
Men theo con đường đất phủ đầy lá rừng cùng dây leo vất vưởng ven bên ngoài thành chùa, ẩn hiện một ngôi miếu cổ thờ Sơn Thần hoàn toàn đã bị che khuất bởi cây rừng, từ ngôi miếu toả ra một luồng linh khí rất lạ, nếu không có gan chắc chẳng có ai dám ngắm nhìn chớ đừng nói chi việc thắp hương. Chúng tôi bạo gan khoác dây rừng len lỏi đến trước cửa ngôi miếu cổ kính để nhìn vào, nội miếu tối om, quả là miếu núi và chùa núi có cái gì đó làm cho con người ta vừa thấy sợ nhưng vừa gần gũi. 

Theo lối sau chùa dẫn lên Đại Từ các, theo những bậc tam cấp bằng đá xanh, thi thoảng quay đầu nhìn lại thấy hậu hậu liêu chùa được bao bộc bởi một tường thành cao, dày, một chiếc cổng hậu rêu phong ẩn mình trong mưa gió càng làm tăng thêm vẻ u tịch và lưu luyến của ngôi Quốc tự. Những cây tùng vạn niên sần sùi, cương nghị, tráng liệt ngàn năm tuổi vẫn đứng vững giữa mưa gió thời gian và cùng trải qua bao nổi thăng trầm cùng tuế nguyệt, cùng triều đại nầy triều đại khác…

Từ trên cao Đại Từ các nhìn ra bốn phía, trời mưa mù mịt, sống biển Tư Hiền vỗ dồn dập trắng xoá, mờ ảo trong màn mưa không một bóng người, không một bóng thuyền, cận cảnh là một chiếc cổng đổ nát lưu dấu tích của thời gian nghiệt ngã và sự tàn phá của những người vô tâm đang oằn mình với tháng năm như thi gan cùng những cây tùng cổ thụ. 

Những người đang ngày đêm tu hành tụng kinh niệm Phật tại chùa Thánh Duyên cùng với núi rừng cây cỏ núi Thuý Vân quả đúng là “kỳ nhân dị thảo”. ĐĐ. Thích Minh Chính còn rất trẻ tuổi nhưng đã được chư tôn đức tin tưởng giao cho trông coi chùa được mấy năm nay mà luôn hương đỏ cỏ sạch và khách hành hương cũng mến mộ và ngày càng đến viếng cảnh chùa đông hơn. Tính thầy chất phát như cây như cối giữa rừng, cười cười nói nói hồn nhiên tiếp đãi chúng tôi bằng những món ăn thức uống hái từ cây rừng mà ấm nhậm quá. Thầy nói, “dường như trời thương, đất thương, núi rừng sơn thần thổ địa cũng thương nên ở trên cao nhưng trồng cây gì cũng tươi tốt và cho nhiều củ quả…”. Hai cụ già đã qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng đã hơn 10 năm nay vẫn leo lên leo xuống chiếc cầu thang thẳng đứng sáng tối mưa cũng như nắng để gác trên tầng dưới của ngôi Đại Từ các vẫn thấm đượm mùi hương và vang vọng lời kinh tiếng kệ.

Đến chùa, chúng tôi cảm nhận những giá trị sống được tâm ấn, điều làm nên sự thiêng liêng của một ngôi già lam được chọn làm quốc tự của kinh đô xưa.


Nhật Học

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here