Sơn Bằng là một ngôi cổ tự được xây dựng từ thời xa xưa cho đến nay vẫn chưa rõ niên đại. Hiện trong chùa còn tấm biển có ba chữ “Sơn Bằng Tự” bằng chữ Hán được sơn son thếp vàng do vị quan Thất phẩm cung tiến chùa vào năm Bảo Đại thứ 9, và cũng được biết vào năm 1897 quả đại hồng chung mới được đúc với trọng lượng 195kg, đến năm 1951 thì bị thất lạc. Sau đó, vào ngày 19 tháng 6 năm 1967, đệ tử bổn tự tịnh bổn thôn thành tâm phát nguyện đúc lại đại hồng chung với trọng lượng 350kg, dưới sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên Trú trì Tây Thiên Di Đà tự.
Năm 1953 trận lũ lịch sử đã nhấn chìm cả thôn Bằng Lãng, chỉ còn lại ngôi chùa chống chọi với sống lụt, bà con dân làng chạy về lánh nạn trên mái, đến khi đông người quá mái bị đỗ, thế là chùa lại một lần chứng kiến cảnh điêu linh và hư hoại theo dông bảo thời gian.
Sau trận lũ lịch sử ấy, bà con dân làng người công kẻ của chung tay nhau để xây dựng lại ngôi chùa khang trang hơn, để hằng đêm đến tụng kinh lễ bái sau một ngày mệt nhọc với công việc đồng áng nương rẫy bộn bề.
Chùa được kết cấu hài hòa trong một không gian thoáng đảng, gồm tiền đường và hậu tẩm. Cách bài trí thờ tự trong chùa rất đơn giản. Giữa chánh điện thờ pho tượng Bổn sư Thích Ca độc tôn, tả hữu thờ Quan Âm và Địa Tạng. Trước tiền đường có lầu chuông trống. Hai bên thờ tượng Hộ pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ. Hậu tẩm, ở chính giữa thờ long vị ngài khai canh khai khẩn của làng và thập nhị tôn phái, hai bên thờ quá cô hương linh tiền hậu công đức, chư hương linh ký tự nhập tự. Trước sân có tượng Quan Thế Âm lộ thiên nét mặt hiền từ tay cầm cành dương liễu đang tưới nước cam lồ mát dịu xuống miền trần gian làm xoa dịu lòng si mê và sân hận. Cổng Tam quan là 4 trụ biểu uy nghiêm có giắn biển hiệu “Sơn Bằng Tự” được viết bằng chứ Quốc ngữ sơn vàng trên nền đá màu đen trong cỗ kính.
Đường vào chùa là một lối nhỏ men theo bờ tường được trồng cau xen lẫn với những loài hoa dại, nối dài với bãi cỏ xanh vào đến tận hàng hiên. Sân chùa sắp đặt những chậu cây cảnh ngay ngắn tươm tất, được người chủ chăm sóc uốn nắn nhiều thế trong đẹp mắt. Vườn chùa chủ yếu trồng mít, thanh trà và những cây ăn trái khác. Do đất mầu mở bởi lớp bồi phù sa sau những trận lụt nên cây cối tươi tốt quanh năm, nhất là cây mít cho ra nhiều trái bổ trợ vào nguồn thức ăn của nhà chùa.
Chùa quay mặt về phía dòng sông Hương nước trong xanh mát chảy giữa đôi bờ bên bồi bên lỡ; đằng sau gối đầu với núi Tứ Tượng nối dài, tạo nên thế đứng vững bền. Theo các bô lão trong làng cho biết diện tích đất chùa trước đây vốn rất rộng, nhưng vì thế duyên nên nhiều lần bị thu hẹp. Gần hơn hết là sau trận lụt năm 1999 càn quét, trường lớp, phòng óc ở địa phương bị hư hại nặng, chùa lại một lần nữa nhượng một phần đất để xây dựng trường học nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt học tập cho con em dân làng. Hiện giờ hai bên chùa có hai ngôi trường phổ thông cơ sở của xã Thủy Bằng. Đến đây chúng ta mới thấy được sự cân đối hài hòa giữa hai mặt động, tịnh của không gian và thời gian. Một bên ồn ào náo nhiệt của các em học sinh mỗi khi trống đánh giữa giờ, một bên là vắng lặng yên bình của chốn thiền môn.
Cảnh chùa yên lành thanh tịnh nằm khiêm tốn giữa làng quê; là ngôi nhà chung cho tất cả bà con dân làng về đây tụng kinh lễ bái trong muôn rằm tứ quý. Từ đó, hạt giống Phật được sinh sôi triển nở trong tâm thức của tất cả mọi người. Niềm tin và lòng khát khao tu học Phật pháp của Phật tử nơi đây ngày một tinh tiến, ước mơ của họ là làm sao được cung thỉnh Chư tăng về Trụ trì để có người hướng dẫn tu học chánh pháp.
Vào tháng 9 năm 2004 Ban hộ tự, các vị Tộc trưởng và bà con dân làng trên dưới đều thuận lòng hiến cúng ngôi chùa cho Giáo hội và cung thỉnh Hòa thượng Thích Quán Chơn làm Trú trì với nguyện vọng duy trì phát triển và tạo nơi an tâm tu học cho bà con dân làng. Mặc dầu đang bộn bề nhiều Phật sự, nhưng vì sự khẩn cầu của bà con dân làng, Hòa thượng đã hứa khả đứng ra đảm nhận Trú trì để chăm lo Phật sự.
Chùa Sơn Bằng chính thức được BTS GHPG Thừa Thiên Huế tiếp nhận vào phiên họp ngày 4 tháng 7 năm 2007; đến ngày 1 tháng 5 năm 2007 lễ bổ nhiệm Trú trì với quyết định số 65/QĐ/BTS diễn ra trang nghiêm và trọng thể. Từ ngày có Chư tăng về ở, ngôi chùa trở nên ấm cúng, bổn đạo thập phương lui tới ngày một thêm nhiều, các hạng mục công trình được sửa sang chỉnh đốn ngày một khang trang đẹp đẻ.
Hiện tại, Đại đức Thích Trung Tạng là đệ tử của Hoà thượng Thích Quán Chơn đang tu học và chăm lo phụng sự Tam bảo tại đây. Ngôi chùa giờ đã trở nên gần gũi thân thương với bà con dân làng, tiếng mõ lời kinh lại vang lên đều đặn mỗi ngày, niềm phấn khởi hiện lên trên từng khuôn mặt của những người Phật tử. Giờ họ đã có chỗ trở về nương tựa thực sự; mỗi chiều sau những giờ làm việc mệt nhọc họ lại ghé qua chùa thăm Thầy, cùng ngồi uống chén trà nống đàm đạo trong cảnh thiền môn thanh tịnh mới thấy cuộc đời trở nên tươi vui ý nghĩa. Đây cũng là niềm tự hào của bà con dân làng, để rồi ai đó xa quê cũng phải thấy chạnh lòng vì:
“Chuông vãng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”
(Thơ Huyền Không)
T.Đ