Có thể nói, Viênchăn là một trong những trung tâm Phật giáo của thế giới, đến đâu cũng gặp chùa. Thế nên, đạo Phật mới được coi là quốc đạo ở đất nước Triệu Voi.
Mỗi người Lào, chủ yếu là đàn ông được coi là trưởng thành, có đầy đủ tư cách thì phải có ít nhất từ 3 năm đi tu trở lên, có người tu tới 7 năm. Khi đã đi tu rồi thì ai cũng am hiểu khá sâu về đạo Phật, sống theo giáo lý của Phật, nghĩa là không "tham, sân, si”, đó là "tam độc” làm hại cuộc sống con người, theo lời Phật. Sẽ thấy vô cùng đáng sợ nếu đối diện với ta là những kẻ tham lam, sân hận và si mê, và còn đáng sợ hơn khi chính ta lại là một kẻ như vậy. Theo chân Phật là phải sống từ, bi, hỷ, xả, khi nào con người luyện được phẩm chất đó thì trọn đường tu.
Chính vì thế mà người Lào có phong cách sống rất bình tâm, không vội vã đua chen trong cuộc sống, không ăn cắp, đánh nhau và làm những điều phi đạo lý. Mặc dù cuộc sống vật chất của một bộ phận dân chúng còn nghèo, còn nhiều điều khó khăn nhưng không vì thế mà người Lào bất chấp đạo lý để kiếm tiền, đặc biệt không ai lại kêu ca rằng mình nghèo khó. Đi trên đường phố Viênchăn hay trên đường làng quê du khách sẽ cảm nhận được không khí hiền hoà, bình thản, mọi thứ diễn ra tự nhiên như chính nó, không bao giờ gặp cảnh chen lẫn, xô bồ. Mỗi người dân Lào, từ ánh mắt, cử chỉ, giọng nói… đều toát lên thần thái của Đức Phật.
Những ngôi chùa là hình ảnh nổi bật khi đến Viênchăn, Ảnh: Hoàng Long
Sáng sớm trên đường phố, trên đường làng quê chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều các nhà sư trẻ đi khất thực, mỗi người cầm một cái âu đứng trước cửa nhà dân để chờ bố thí, ai cho gì cũng nhận, ai cho gì cũng ăn, trong ngày các nhà sư chỉ ăn đồ bố thí và không ăn sau 12 giờ trưa. Đó là bài học luân lý sâu sắc cho con người, cần phải bố thí cho kẻ nghèo hèn trong cuộc sống, cứu vớt một người lâm nạn là đại trường tu, làm được như vậy thì tâm hồn sẽ thanh thản. Bài giáo lý thứ hai ở đời, đó là đức kiên nhẫn trên con đường hành đạo, đi tìm ánh sáng cho lối ra cần một sự nhẫn nhịn, khiêm nhường, hào quang sẽ ánh lên phía trước, mọi sự trên đời này đều có lối thoát.
Trong chuyến đi lang thang vãn cảnh chùa ở Thủ đô Viênchăn, chúng tôi được người chạy xe tuk tuk đưa tới ngôi chùa Phật Tích toạ lạc trên đại lộ Naxay, một con phố rất đẹp. Chùa xây theo kiến trúc những ngôi chùa Việt Nam nên chúng tôi có cảm giác như đang ở quê nhà. Sư thầy Minh Nguyệt trụ trì chùa cho biết: "Chùa được xây dựng từ năm 1960, do sư bà Diệu Thiện trụ trì từ đó cho tới năm 2007 thì mất”. Khi mới xây chùa Phật Tích chỉ là một ngôi nhà lá 3 gian, còn bây giờ được xây lại khang trang, có lẽ ở Việt Nam cũng ít chùa được to đẹp và hoành tráng như ngôi chùa này. Chùa Việt Nam khác hẳn chùa của Lào về kiến trúc và thờ phật. Chùa của người Lào xây cao rộng và thoáng hơn, có rất nhiều chóp, còn chùa Việt Nam thì có mái ngói cong bao phủ, 4 góc mái và trên nóc là rồng phượng. Người Lào theo đạo Phật, theo phái tiểu thừa nên trong chùa chỉ thờ duy nhất 1 vị giáo chủ bổn sư, còn chùa Việt Nam thì có 3 tượng chính là Phật A Di Đà (giữa), Quan Thế Âm Bồ Tát (tả) và Đại Thế Chí Bồ Tát (hữu).
Người Việt Nam sống ở Viênchăn khá đông, hầu như ai cũng tới ngôi chùa Phật Tích nổi tiếng này trong những ngày lễ tết, rằm, mồng một. Do sống lâu năm ở Viênchăn nên người Việt ở đây cũng có phong cách gần giống với người Lào, cũng theo đạo Phật, sống và làm việc theo phong cách những người đã đi tu. Chị Trần Thị Liễu sang sống ở Viênchăn đã hơn 10 năm cho biết: "Tháng nào tôi cũng tới chùa Phật tích thắp hương khấn Phật để tu tâm. Con cháu tôi cũng tới chùa học kết hạ mỗi năm 1 lần”. Chùa Phật tích là địa chỉ quen thuộc của người Việt Nam tại Viênchăn, tới đây bà con có điều kiện gặp gỡ đồng hương, chia sẻ chuyện gia đình… Mỗi khi quê nhà có thiên tai, bão tố chùa lại tổ chức để các phật tử quyên góp tiền với mong muốn gửi về giúp đỡ bà con.
Trong 3 tháng kết hạ, thầy Minh Nguyệt thường xuyên nhắc nhở phật tử nhớ những điều Phật dạy. Tới chùa chỉ cầu xin Phật giúp đỡ cho tâm hồn bình an, cứu nạn cứu khổ, không tham, sân, si để sống từ, bi, hỷ, xả, chứ Phật không phù hộ cho buôn bán phát tài, làm quan, tiến chức. Vì vậy khi vào chùa chỉ cần đốt hương, đặt hoa tươi là đủ, không biến chùa thành nơi dung tục đời thường. Chính vì lẽ đó mà bà con kiều bào tới chùa Phật Tích với tâm hồn thư thái, vô tư.
Vào chùa Phật Tích ở Viênchăn chúng tôi thấy không khí khác hẳn khi vào chùa ở Việt Nam, không hề có chuyện mang gà luộc, giò chả vào bàn thờ, trong ban thờ cũng không được thắp hương, mà thắp ở lư hương bên ngoài sảnh. Thắp hương xong thì quỳ trước ban thờ Đức Phật, đánh 3 tiếng mõ, xưng danh và đọc lời cầu nguyện.
Theo Văn Đẩu (Đại Đoàn Kết)