Con người có năng khiếu lý luận. Sự cách biệt giữa người và vật chỉ là ở chỗ con người biết phát triển khả năng lý luận và hành động phù hợp. Người Phật Tử chấp nhận rằng con vật không những có sức mạnh trực giác mà cũng có khả năng suy nghĩ tuy ở một mức độ kém hơn
Trong vài phương diện, con vật cao hơn con người. Loài chó có thính giác nhậy bén hơn; côn trùng có khứu giác tinh tế hơn, diều hâu có tốc độ nhanh hơn, chim phượng hoàng có tầm nhìn xa hơn. Chắc chắn con người khôn ngoan hơn nhưng cần phải học hỏi nhiều điều nơi con kiến và con ong. Tuy loài vật có một số khả năng như vậy nhưng loài người còn có nhiều hơn nữa: Chúng ta có tiềm năng phát triển tinh thần.
Phật Giáo không chấp nhận là do ai đó con vật được tạo ra cho con người; nếu vậy hóa ra loài người cũng được tạo ra cho loài vật vì có một số con vật ăn thịt người.
Người Phật Tử được khuyến khích nên thương yêu tất cả sinh vật, và không nên chỉ hạn hẹp trong tình thương cho con người mà thôi. Họ nên thực hành lòng từ-ái với tất cả mọi sinh vật. Đức Phật dạy rằng quả không hợp lý nếu con người lấy đi đời sống của bất cứ sinh vật nào vì mỗi chúng sinh đều có quyền tồn tại. Con vật cũng sợ hãi và đau đớn như con người. Tước đoạt mạng sống của chúng thật là sai quấy. Ta không lạm dụng trí thông minh và sức mạnh để tàn hoại sinh vật mặc dù đôi khi chúng gây thiệt hại cho ta. Loài vật cần thiện cảm của con người. Giết hại chúng đâu phải là biện pháp duy nhất để tống khứ chúng. Mỗi sinh vật đều đóng góp vào việc bảo tồn thế giới này. Thật là bất công khi ta tước đi quyền sống của chúng.
Trong cuốn Handbook of Reason (sách nói về lý trí), D. Runes nói:
"Thật khó nói về đạo đức trong sự tương quan với các sinh vật mà con người đã ăn nuốt một cách có hệ thống, hầu hết bằng cách thui nướng và đôi khi ăn sống. Có nhiều người thực hành hạnh thương yêu súc vật như ngựa chó mèo … Nhưng chính những người này lại có thể túm cổ con hươu, con nai, đâm họng chúng hứng huyết uống tươi hoặc làm dồi tiết, và cắn lấy thịt tươi. Và ai là người nói con ngựa mà họ cưng cao quý hơn con hươu họ ăn? Thật ra có người ăn thịt mèo, chó, và ngựa nhưng lại chỉ dùng bò như loài gia súc để làm việc".
Có người khóc than một con chim nhỏ hay một con cá vàng mới chết; Lại có kẻ lặn lội thật xa bắt cá bằng một lưỡi câu ghê tởm để ăn hoặc chỉ để tiêu khiển hoặc tìm vui trong thú bắn chim. Có kẻ đi vào tận rừng sâu săn giết thú như một loại thể thao trong khi có kẻ khác lại tiêu rất nhiều tiền để nuôi những con vật này tại nhà như những gia súc yêu quý.
Có người nuôi ếch nhái để tiên đoán thời tiết; người khác lại cắt đùi chúng đem chiên. Một số nuôi chim trong những chiếc lồng hào nhoáng; một số khác lại dùng chúng để ăn điểm tâm. Tất cả hầu như lẫn lộn nhau. Trong một thế giới mà người đánh người để kiếm tiền hoặc chỉ để đổ máu chơi, quả là khó khăn mà có đủ thì giờ cân nhắc về đạo đức của con nguời trong mối tương quan với loài vật.
Tôn giáo nào cũng khuyên ta thương yêu đồng loại. Có đạo còn khuyên ta thương yêu nhau nhiều hơn nếu cùng thuộc về một tín ngưỡng. Nhưng Phật Giáo cao cả hơn ở chỗ dạy chúng ta thể hiện quan tâm và lòng bi mẫn đồng đều cho khắp mỗi chúng sinh trên vũ trụ này. Sự phá hoại bất cứ sinh vật nào đều gây rối cho nền Trật Tự của Vũ Trụ.
Trong những lời dạy của Ngài, rõ ràng Đức Phật chống lại mọi hình thức độc ác với bất cứ chúng sinh nào. Một hôm Đức Phật thấy một người đang sửa soạn giết súc vật để làm lễ tế thần . Hỏi tại sao lại đem giết con thú vô tội này, người đó trả lời là để làm vừa lòng thánh thần. Đức Phật bảo vậy hãy giết Ngài đi để tiến lễ, vì nếu mạng sống của súc sanh có thể làm họ toại ý thì mạng người ắt còn làm cho họ vừa lòng hơn nữa.
Sự độc ác đối với loài vật còn là hình thức biểu lộ của lòng tham bất trị của con người. Ngày nay nhân loại tiêu hoại cầm thú và tước đi quyền sống của chúng để mở rộng môi sinh cho sự tiện nghi của mình. Nhưng chúng ta đã phải trả đắt giá về hành động độc ác và ích kỷ này. Môi sinh của chúng ta đang bị báo động và nếu chúng ta không có những biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ sự sống còn của các sinh vật, sự hiện hữu của chính chúng ta trên trái đất này cũng không thể được bảo đảm. Sự có mặt của một số sinh vật quả cũng có đe dọa đời sống con người. Tuy nhiên chúng ta lại chẳng bao giời lưu ý rằng con người chính là mối đe dọa to lớn nhất đối với tất cả sinh vật trên trái đất và trong không gian, trái lại sự hiện hữu của vài sinh vật chỉ là một nguy cơ nhỏ đối với một số khác mà thôi.
Vì mỗi sinh vật đều đóng góp cho sự bảo tồn hành tinh và bầu khí quyển, tiêu diệt chúng không phải là một giải pháp để khắc phục những sự xáo trộn của chúng ta. Con người phải dùng các biện pháp khác để duy trì mức cân bằng của thiên nhiên.
(Thuvienhoasen.org)