Chúng ta ai nấy đều đã biết câu nói này: Hãy tha thứ cho tôi như khi tôi tha thứ cho những người đã xúc phạm mình. Tha thứ là một hành vi quan trọng và tinh tế. Phải nắm được ý nghĩa của nó, và đặt ra những câu hỏi bình thường – ai đã xúc phạm ai, ai đã tha thứ cho ai, ai tha thứ chuyện gì và tại sao – để thoát ra được cái ách của một sự tha thứ ban phát như kiểu tuyên án trong tòa công lý và nhận được mối quan hệ giữa người bị xúc phạm, kẻ xúc phạm và sự sửa sai.
Trong thực tế, khi chúng ta có một hành vi tiêu cực, thoạt tiên đó là sự xúc phạm với chính bản thân mình và trách nhiệm đối với hành vi đó hoàn toàn thuộc về chúng ta. Xét trong quan hệ nhân quả, mọi hành vi cố tình phạm tội đều dẫn đến nghiệp đáng thương. Khi tha thứ, chúng ta đã làm cho người khác thoát khỏi cái nghiệp mà người đó đã tạo, đồng thời chúng ta cũng giải thoát khỏi vòng quay nghiệp chướng đó. Tha thứ là bắt đầu bằng việc hiểu rõ mức độ của hành vi, trước khi xem chúng ta tha lỗi cho ai – phải biết được chuyện gì và tại sao xảy ra chuyện đó. Việc này phải được phát xuất từ bên trong trước khi thể hiện ra bên ngoài.
Có lần, tôi xem một cuốn phim kể về vị nữ tu trẻ người Tây Tạng bị người Trung Hoa cầm tù và đã chịu hành hạ vô cùng thảm thương. Tôi lại nghe ông thầy của cô nói: “Không phải nhằm vào con, Phật tính, mà người ta phạm hành vi đó”. Khi bạn cảm thấy bị xúc phạm, hãy nghiệm và đối thoại với Phật tính của bạn. Khi bị gây hấn, áp bức, gì gì đó nữa không quan trọng, phải nhớ là không phải với mình mà anh ta phạm hành vi vô lối kia, mà chính là với chính anh ta. Như vậy, các bạn sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi cái nghiệp trả thù.
Khi bạn mắc sai lầm, đừng ngại xin lỗi. Nhưng không vì thế mà bạn sẽ được tha thứ, bởi vì mọi lỗi lầm luôn đòi hỏi có sự sửa sai. Mỗi khi bạn đã nhận ra lỗi lầm thì chính bạn đã cho mình một cơ hội sửa sai, quay đầu, thay đổi cuộc đời. Khi nhận lời tha thứ cho ai thì chúng ta đã tha thứ cho chính mình. Từ chối tha thứ thì lúc đó chính chúng ta lại gây một lỗi trầm trọng với chính mình. Đồng ý tha thứ không phát xuất từ tính kiêu căng, cho rằng chúng ta có quyền xá tội. Cũng không phải là bản án tuyên bố trong phiên tòa. Mà là sự tha thứ được phát khởi từ lòng từ bi, để cái nghiệp sinh ra từ lỗi lầm đó không còn lập lại. Chúng ta không thổi thêm hơi vào lửa đỏ. Làm như vậy, chúng ta tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác.
Thiền sư Eihei Dogen (1) có lần nói: Hãy nhìn vào cuộc sống, quán chiếu sự hành trì. Hãy quán chiếu sự vật và quán những ảo tưởng của bạn. Quán hết thảy mọi việc bạn đã làm trong sự tồn sinh này. Hãy nhìn bằng đôi mắt của đấng sinh thành. Đó là người mẹ vẫn thấy được ở kẻ giết con mình còn vẻ đẹp của tâm hồn con người.
Đôi khi, trong một vài hoàn cảnh nào đó, tôi không thể nào nhìn thấy sự việc như nó vẫn thế, và vì vậy tôi thật khó lòng tha thứ. Với thời gian, tôi bắt đầu nhận ra tại sao và thế nào tôi lại từ chối thấu hiểu sự thống khổ đã dẫn người ta đến hành động như vậy. Có khi tôi cũng nghĩ rằng mình không thể nào tha thứ, vì tôi không thể quên được. Suy nghĩ đó thật đáng khinh. Thật ra, sự tha thứ không cần thiết phải quên đi. Trải qua thời gian, tôi hiểu ra rằng đáng lý tôi không nên dừng lại ở sự tự biện cho những thủ đoạn của kẻ khác. Thái độ của tôi, quan điểm của tôi, lòng khao khát được thương yêu của tôi không phụ thuộc vào người khác, và càng không phụ thuộc vào từ ngữ.
Tuy nhiên, có một câu rất hay: Hãy tha thứ cho tôi cũng như chúng tôi đã tha thứ cho những người đã xúc phạm mình. Sự chuộc tội bắt đầu ở chỗ không dẫm bước vào nghiệp của người khác. Nhất là không được nghĩ rằng, chúng ta hiện hữu trên cuộc đời này là để phán xét, quy tội và bỏ tù ai đó. Khi một con người như Robert Badinter (3) dám nói: “Papon (4) già quá rồi, bây giờ phải thôi ngay,.Ông ta bị bệnh, nhà tù không để làm gì nữa, thời gian ít ỏi còn lại của ông ta cũng đã là một nỗi đau khá lớn. Gieo thêm khổ đau cho ông ta nữa để làm gì?”. Đó là một con người vĩ đại, bởi vì ông ta hiểu được rằng, mong muốn trả thù và sửa sai một người đang đau khổ thì không đáng.
Tha thứ không phải là quên đi, mà chỉ là biết được rằng sẽ không xảy ra chuyện gì tương tự. Như vậy chúng ta sẽ phải làm gì? Bạn ơi hãy nhớ, tôi sẽ làm hết sức mình để can ngăn bạn không rơi vào sai lầm của bạn một lần nữa.
Thanh Thủy chuyển ngữ
(Nguồn: http//www.buddhaline.net)
Chú thích:
Thiền sư Jiken Kakudo, Giám đốc Trung tâm Hành Thiền Genève – Thuỵ Sĩ
(1) Eihei Dogen (1200-1257), thiền sư Nhật Bản, người đã có công khá phá thiền phái Tào Động (Soto) ở Trung Quốc và truyền vào Nhật Bản
(2). Robert Badinter, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Pháp, người tuyên bố hủy bỏ án tử hình ở Pháp năm 1981.
(3). Maurice Papon, chính trị gia của Pháp, bị tố cáo nhúng tay vào vụ đày người Do Thái vào trại tập trung ở Đức trong thế chiến thứ hai.