Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tết xưa và nay

Tết xưa và nay

138
0

Tết đến xuân sang khiến lòng người không khỏi thấp thỏm đợi một mùa bội thu mới. Có người lo lắng về một cái Tết khốn cùng nhưng rồi những suy tư ấy được gác lại để đón Tết, dù to hay nhỏ không quan trọng mà là được thắp nén hương, làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Vì cái tâm của con người đong đếm qua hành vi trong cuộc sống chứ không phải là mâm cao cỗ đầy.

Tết mang lại cho người ta sự nghỉ ngơi và là thời gian để thăm viếng họ hàng, bạn bè và những người thân yêu. Đó cũng là thời gian mỗi người ngẫm lại những gì mình làm được và chưa được năm qua để rút kinh nghiệm cho mình.

Cuộc sống thay đổi từng ngày và hương vị Tết cũng dần mất đi. Tết không còn như trước dù nó vẫn là ngày đặc biệt nhất trong năm, đặc biệt với những người xa quê, đến Tết mới có dịp về sum vầy bên gia đình. Tết đến làm con người gần nhau hơn.

Ngày trước, đêm 30 Tết, khi đồng hồ đổ chuông 12 tiếng là tiếng pháo nổ rộn ràng trên khắp ngõ phố. Mọi người háo hức chờ thời khắc chuyển giao như chờ một điều rất thiêng liêng. Trong khoảnh khắc ấy, lòng người rộn lên những niềm vui, hy vọng mà không ai cắt nghĩa được. Tết đến, những đứa trẻ thật sự vui sướng vì được nghỉ học, được ăn ngon mặc đẹp và điều thú vị nhất là được mừng tuổi, dù vật chất chỉ là thứ yếu nhưng nó mang lại niềm vui tinh thần.

Tết đến, mọi người đi lễ chùa để cầu xin một năm mới an lành và thịnh vượng. Với những người nông dân, họ mong mưa thuận gió hoà để một năm bội thu – những mong ước thật giản dị và sâu lắng. Từ giáp Tết, hầu hết mọi nhà đã nổi lửa cho nồi bánh chưng, một món ăn không thể thiếu trong dịp Tết, có khi nhà nhà thức thâu đêm trông nồi bánh và cùng thấm thía cái rét nhưng trong lòng rộn ràng tiếng xuân. Tất cả đã làm nên một cái Tết cổ truyền thật đầm ấm và hạnh phúc.

Thời nay, nhiều thứ không được như trước, tiếng pháo thay bằng bầu trời pháo hoa rực rỡ sắc màu. Phố xá đông đúc, người người kéo nhau ra đường và "dòng chảy" ấy rồng rắn đi lễ chùa trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Nhưng cái khác lớn nhất là ở cách nghĩ của con người. Tết ngày nay làm không ít người ngại khi Tết đến! Đó là sự thay đổi suy nghĩ khi vật chất và tình cảm được đặt lên bàn cân, mọi thứ được đong đếm thật chuẩn và chính xác từng li.

Thật buồn khi cuộc sống toàn vật chất, một thứ sản phẩm xa xỉ đối với nhiều người trong xã hội này. Nhiều người hướng về Tết với cảm xúc không mấy tích cực, người thì mong lắm túi mình dầy hơn và có nhiều cơ hội kiếm trác. Chính những việc làm của người lớn tranh thủ lễ Tết để cung phụng nhau, để làm giàu bất chính là những mối mọt nhét vào đầu trẻ thơ. Họ biến tập tục tốt đẹp và ý nghĩa mừng tuổi đầu năm thành sự kiếm lời chính đáng. Thay đổi là người ta nghĩ đến cái tốt đẹp hơn nhưng xung quanh chúng ta có mấy điều là thay đổi tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn?

Cuộc sống vẫn đều đặn guồng quay của nó để con người gồng mình lên cùng hòa nhịp, để không bị gọi là lỗi thời. Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt, khi chúng ta biết hoà nhịp chứ không hòa tan thì cuộc đời vẫn đẹp. Vẫn còn rất nhiều người biết sẻ chia với nỗi đau của người khác và hướng về Tết với xúc cảm nguyên sơ và đẹp đẽ nhất.

Và dẫu sao, Tết đến xuân sang vẫn mang bao khát khao và hy vọng để lòng người bay bổng khi tiết xuân về.
 

Theo Ngôi Sao

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here