Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tết Trung thu – Khởi nguyên và biểu tượng văn hóa

Tết Trung thu – Khởi nguyên và biểu tượng văn hóa

157
0

1. Trung thu tiết – Khởi nguyên

Tết Trung thu là một lễ hội dân gian truyền thống ở khu vực Đông Á được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Tết Trung thu không chỉ là lễ hội cổ truyền của người Trung Hoa mà còn là một lễ tết truyền thống của các nước đồng văn như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam và một số dân tộc khác. Mặc dù cũng có những quan điểm cho rằng truyền thống mừng ngày Trung thu xuất phát từ nền văn minh lúa nước của người Việt và những tộc người ở phía Nam Trung Quốc, nhưng khối lượng những truyền thuyết của người Trung Hoa liên quan đến sự khởi nguyên Tết Trung thu xem ra vẫn dồi dào hơn.

Nông lịch của người Trung Quốc chia một năm ra làm bốn mùa xuân hạ thu đông, mỗi mùa có ba tháng. Tháng Tám rơi vào tháng thứ hai của mùa thu (Thu quý 秋季) nên được gọi là trọng thu (仲秋) hoặc trung thu (中秋). Ngày rằm tháng Tám là ngày mà mặt trăng sáng rõ nhất trên bầu trời; do đó, từ thượng cổ, người Trung Quốc đã có tục cúng trăng vào ngày rằm tháng Tám.

Để giải thích tục cúng trăng, truyền thuyết Trung Hoa thời cổ có câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt (Hằng Nga chạy trốn lên mặt trăng). Đã là truyền thuyết thì có nhiều dị bản, nhưng phiên bản sau được chấp nhận và phù hợp với tâm thức dân gian hơn cả: Chàng Hậu Nghệ dũng cảm đã trèo lên đỉnh Côn Lôn bắn chín mặt trời chỉ chừa lại một mặt trời để cứu dương gian và được Vương Mẫu nương nương ban cho thuốc trường sinh bất tử. Một lần, khi chàng rời nhà đi săn, Hằng Nga, vợ chàng, đã bị Bàng Mông, một kẻ tâm thuật bất chính, ép phải giao thuốc trường sinh. Vì không muốn viên thuốc rơi vào tay kẻ bất nhân, Hằng Nga đã uống viên thuốc và nàng trở thành một tiên tử trốn lên cung trăng. Hậu Nghệ trở về biết chuyện rất nhớ thương Hằng Nga. Nhìn lên mặt trăng thấy thấp thoáng có bóng giai nhân, chàng bèn cho người bày dưới bóng trăng những thức ăn mà Hằng Nga vẫn thích, rồi mời một số người thân đến uống rượu tâm tình. Về sau, mọi người theo đó bày hương án dưới ánh trăng, cầu xin Hằng Nga ban cho may mắn và bình an.

Các nhà nghiên cứu cho rằng xét về góc độ từ nguyên, hai chữ Trọng thu được tìm thấy sớm nhất trong thiên Nguyệt Lệnh của sách Lễ ký, một thiên sách nhằm phác lược chương trình hoạt động của bậc thiên tử thời xưa suốt 12 tháng trong một năm.

Sách ghi:

Trọng thu chi nguyệt… thị nguyệt dã, dưỡng suy lão, thụ kỷ trượng, hành mi chúc ẩm thực.

(仲 秋 之 月⋯ 是 月 也, 養 衰 老, 授 几 杖, 行 麋 粥 飲 食).

Nghĩa là:

Tháng giữa mùa thu… tháng này nuôi dưỡng người già yếu, cho ghế ngồi và gậy chống, cho cháo và thức ăn thức uống.

Như vậy, vào tháng Tám, bậc nhân chủ nên quan tâm tới những người cao tuổi; do đó, trong nhân gian, con cháu cũng trở về cố hương để cha mẹ vui lòng, hình thành ý nghĩa của sự đoàn viên.

Phải chờ đến đời nhà Đường, với truyền thuyết Đường Minh Hoàng (Đường Huyền Tông, 685-782) du nguyệt điện, cho rằng trong ngày rằm tháng trọng thu, nhà vua được lên đến cung Quảng Hàn rồi sau đó sáng tác nên điệu múa Nghê thường vũ y1, tục thưởng trăng nhân ngày rằm tháng Tám âm lịch mới trở thành định lệ; cũng có thuyết cho rằng ngày rằm tháng Tám còn là sinh nhật của Đường Huyền Tông.

Dần dần, lễ hội Trung thu trở nên phổ biến vào cuối đời nhà Tống. Năm 1276, quân Mông Cổ chiếm Lâm An, kinh đô nhà Nam Tống. Niên hiệu Chí Nguyên thứ 16 (1279), Mông Cổ tiêu diệt toàn bộ tàn quân của Tống, chính thức đặt sự cai trị trên toàn lãnh thổ Trung Quốc với một chính sách cực kỳ tàn bạo và hà khắc. Trong cuộc khởi nghĩa chống Nguyên Mông, mưu sĩ Lưu Bá Ôn đã khôn khéo dùng bánh trung thu để truyền đi mật lệnh: Ngày 15 tháng 8 là ngày tiêu diệt Thát tử (xước danh người Hoa gọi người Mông Cổ). Năm 1368, cuộc khởi nghĩa chống Mông Cổ thành công, người lãnh đạo của khởi nghĩa là Chu Nguyên Chương lên làm vua mở ra nhà Minh, đặt niên hiệu là Hồng Vũ. Từ đó hàng năm, cứ đến dịp Trung thu, Minh Thái Tổ (tức Chu Nguyên Chương) lại ban bánh ngọt cho quần thần; việc làm này vừa có ý nghĩa chúc mừng ngày Tết, vừa để ôn lại những khó khăn thuở còn hàn vi của cuộc khỏi nghĩa. Từ thời Minh Thanh trở đi, Tết Trung thu trở thành một ngày Tết truyền thống của Trung Quốc.

2. Lễ hội Trung thu và những biểu tượng văn hóa

  • Bóng trăng – Hình ảnh đoàn viên

Mặt trăng luôn là hình ảnh gần gũi và thân thuộc với mọi người. Trăng theo chân ngày mùa đi vào từng giấc mơ của người nông dân. Trăng in bóng trong những câu hát ngàn đời của dân tộc. Trăng bao tuổi ta nào biết, chỉ hiểu trăng là trăng, muôn đời vẫn thế, tròn đầy, hao khuyết rồi lại viên mãn. Trong kho tàng truyền thuyết của nhân loại có nhiều câu chuyện về mặt trăng và những nhân vật trên cung Quảng. Theo người xưa, vệt đen trên mặt trăng là bóng của con thỏ ngọc đang giã thuốc cùng nàng Hằng Nga, có truyền thuyết cho rằng đó là cái bóng của chàng Ngô Cương vì muốn thành tiên mà ngày ngày ra sức đốn cây Đan Quế. Đối với người dân Việt, tự ngàn đời nay, đó là hình ảnh của “Chú Cuội ngồi gốc cây đa, để trâu ăn lúa gọi cha ời ời…” vẫn hàng ngày nhìn ngắm dương gian trong tâm trạng đầy tiếc nuối.

Hình ảnh mặt trăng tròn đầy, viên mãn ấy không chỉ thể hiện ước vọng đoàn viên mà còn là ước nguyện về một sự ấm no, hài hòa, sung túc của con người. Thỏ ngọc giã thuốc tiên, cây Đan Quế thần kỳ và những nhân vật cụ thể như Hằng Nga, Ngô Cương, hay chú Cuội, hay Thiềm Thừ xét đến cùng đó cũng chính là những nhân vật đã mang ước vọng siêu nhiên, chinh phục tự nhiên mà con người luôn mơ ước.

  • Ngắm trăng, cúng trăng – Một phong tục cao nhã
    Trên thực tế, Trung thu có từ hơn 2.000 năm trước, một số dân tộc thiểu số của Trung Hoa đã có tục mùa xuân tế nhật, mùa thu tế nguyệt, nghĩa là vào mùa xuân thế cúng mặt trời còn vào mùa thu thì cúng mặt trăng. Vào mỗi đêm rằm tháng Tám, mọi người cùng nhau du ngoạn phố phường và đối ẩm dưới trăng gọi là thưởng nguyệt. Những mơ ước con trẻ với mâm cỗ, chiếc lồng đèn xanh đỏ hay chú lân sặc sỡ mang lại may mắn vào mỗi dịp Trung thu là một giá trị đẹp được gìn giữ ngàn đời Trung thu còn được gọi là khánh đoàn viên. Trung thu như một lý do để mọi người dừng mọi công việc của mình trở về tìm cảm giác ấm cúng của gia đình. Mọi người cùng nhau ăn bánh trung thu, thưởng trà, và đi dạo trên những con phố tấp nập, rực rỡ đèn hoaMột dị bản về câu chuyện Hằng Nga bôn nguyệt cho rằng Trung thu là ngày duy nhất trong năm chàng Hậu Nghệ được lên cung Quảng Hàn thăm vợ, tương tự như câu chuyện Ngưu Lang và Chức Nữ trong tháng 7 vậy. Có thể thấy Trung thu quả thực là một ngày Khánh đoàn viên của mọi gia đình Á châu.

Bên cạnh đó, mùa thu còn là mùa của những hứng cảm. Kẻ thi nhân thả bước lững thững phiêu du qua những miền miên viễn của kí ức nhân loại để tìm lại chính bản thể của mình. Thơ ca viết về phong tục này cũng nhiều, nổi bật nhất có thể kể đến là bài Thuỷ điệu ca đầu 水調歌頭 của Đông Pha cư sĩ Tô Thức, danh sĩ thời Bắc Tống, hay bài Mộc lan hoa mạn trung thu 木 蘭花慢中秋 của Tân Khí Tật, danh sĩ thời Nam Tống.

Trong cuốn Đông kinh mộng hoa lục 東京夢華彔 có ghi như sau:

Trung thu dạ, quý gia kết sức đài tạ,
Dân gian tranh chiếm tửu lâu ngoạn nguyệt.

中秋夜貴家結飾台榭, 民間爭占酒樓玩月.

(Đêm Trung thu, nhà giàu thì treo đèn kết hoa trên đài cao, dân gian thì tranh nhau chiếm lấy chỗ ở tửu lâu mà ngắm trăng).

  • Bánh trung thu – Thức quà đầy ý nghĩa

Ngắm trăng và thưởng thức bánh trung thu đã là một trong các phong tục cần có trong Tết Trung thu của người Trung Quốc.

Người Trung Quốc có câu tục ngữ:

Bát nguyệt thập ngũ nguyệt chính viên, Trung thu nguyệt bính hương hựu điềm. 八月十五月正圆, 中秋月饼香又甜.

(Ngày rằm tháng Tám trăng tròn viên mãn, bánh trung thu vừa thơm lại vừa ngọt). Hai chữ Nguyệt bính có lai nguyên từ trong cuốn Mộng lương lục của nhà thơ Ngô Tự Mục thời Nam Tống .

Trước kia, bánh trung thu (Nguyệt bính) chỉ là một thức điểm tâm khá phổ biến. Xuôi theo vùng đất ven sông Chiết, ngoại trừ loại bánh trung thu nhân trứng muối với đậu đã khá phổ biến, còn có bánh trung thu nhân thịt cá tươi. Bánh nhân cá tươi được phổ biến trong cả bốn mùa trong năm. Nó bắt nguồn từ vùng Giang Tô, Dương Châu, vị ngon nằm ở vị ngọt của bánh bằng cách đun nóng sau đó sấy khô các loại nguyên liệu. Bánh trung thu nhân cá tươi là một loại Tô Thức nguyệt bính. Tô Thức nguyệt bính tương tự như Quảng Thức nguyệt bính, ăn nhiều không gây cảm giác là có dầu mỡ hay quá béo cũng không thấy quá ngọt. Đến thời Bắc Tống (960-1127), bánh này được gọi là cung bính (bánh của cung đình), chỉ dùng trong cung điện. Trong dân gian thường gọi là Nguyệt đoàn với ngụ ý đoàn tụ tốt đẹp. Từ đó về sau, bánh trung thu được phổ biến, và là món ăn, quà tặng và còn là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng trăng, thổ địa công vào mỗi dịp Tết Trung thu. Bánh tròn tượng trưng cho đất, trên mặt bánh là hình ảnh của một mặt trăng tròn trịa đủ đầy soi xuống cõi trần. Chiếc bánh đem lại không khí ấm cúng của sự đoàn tụ, đồng thời là sự ký thác bao nghĩ suy về cuộc đời. Ngày nay, bánh trung thu cũng chính là món quà tặng nhau trong ngày Tết đoàn viên của gia đình, món quà bày tỏ tình cảm quý mến của tình bằng hữu keo sơn gắn bó.

Nhìn từ góc độ văn hóa, lễ hội Trung thu được tổ chức ở mỗi nước cũng có những nét khu biệt nhưng niềm tin, ước vọng về sự viên mãn, đoàn viên và sung túc luôn là những ý niệm văn hóa thường trực trong tâm thức con người Á Đông. Ngày hội Trung thu mãi mãi là một mỹ tục mang những nét văn hóa độc đáo. Trung thu không chỉ là ngày hội của trẻ thơ mà nó là ngày hội của tất cả mọi người. Một mùa Trung thu nữa lại về, người người chuẩn bị đón một cái Tết đoàn viên ấm cúng, hạnh phúc đủ đầy. •■

Chú thích:

  1. Nghê (霓) là cầu vồng. Thường (裳) là xiêm, để che phần hạ thân của người phụ nữ. Nghê thường: có nghĩa là xiêm cắt bằng lụa năm màu. Vũ y (羽衣) là áo dệt bằng lông chim, hay có nghĩa là kiểu áo theo hình cánh chim hay còn gọi là cánh tiên. Nghê thường vũ y 霓裳羽衣: có thể hiểu theo nghĩa hẹp là những vũ nữ mặc áo theo hình cánh chim, còn quần thì bằng lụa ngũ sắc.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 185-Trung Thu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here