Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tết ở Huế

Tết ở Huế

158
0

Mùa xuân thường đến với Huế sau mùa mưa và cái giá lạnh bắt đầu. Khi mai vàng nở rộ trong các vườn và miệt vườn Kim Long, Vỹ Dạ, Đại nội, báo hiệu Tết sắp đến.

Không khí Tết ở Huế có tính chất trầm mặc như cố đô cổ kính của một thời xa xưa. Có lẽ thi vị Tết của Huế mang sắc thái dung hợp của hai miền.

Huế chuẩn bị Tết không ồn ào, nhộn nhịp như miền Nam. Từ khoảng hai mươi tháng chạp âm lịch, những gian hàng Tết được trưng bày những sản phẩm của địa phương hay từ nơi khác mang tới trược chợ Đông Ba hay Thương Bạc. Không khí tết nhộn hẵn lên, thức ăn từ vùng quê Hương Điền, Phú Lộc, Phú Vang chuyển đến. Những hạt nếp trắng, thơm dẻo từ Sịa vào, làng Chuồn lên. Cam quít ngọt ngào từ Hương Cần, bưởi Kim Long, Nguyệt Biều. Bên cạnh những trái dưa hấu tròn trĩnh từ trong Nam ra, rượu đủ loại và vải vóc, áo quần may sẵn. Từ Bắc vào như trà Bắc Thái, vải thiều, hồng đỏ, táo tàu, kẹo bánh…

Vào ngày 23 Tết, ngày đưa ông Táo về trời, Huế có tục cúng âm hồn (nhớ ngày thất thủ kinh đô) nên ở đâu cũng thấy hương khói nhất là trong Đại nội. Lễ tảo mộ cũng diễn ra trong những ngày này. Người sống lo cho người chết. Những ngôi mộ nằm rảI rác ở Nam Giao, Ngự Bình được làm cỏ, quét vôi lại. Ở nông thôn, người ta chuẩn bị Tết chậm hơn phải đợi đến sau vụ cấy từ 25 Tết trở đi.

Cúng Giao thừa đón năm mới

Nói đến Tết ở Huế, phải nói đến thức ăn và nghệ thuật nấu nướng khéo léo của các bà nội trợ. Ngoài những món đặc sản hàng ngày của Huế như bánh khoai của Thượng Tứ, cơm hến bến đò Cồn, bún bò Gia Hội, bánh cuốn Vỹ Dạ, bánh bèo Ngự Bình và các loại chè đậu xanh đánh, chè hột sen… Thức ăn cua Huế không ngọt và béo như miền Nam nhưng thường cay và mặn nhưng giữ tính chất đậm đà của địa phương.

Ngày Tết ở Huế dù nghèo nhất cũng gói cho được bánh tét nhân mỡ, nhụy đậu xanh. Đặc biệt bánh tét gói nếp làng Chuồn (An Truyền), mềm, dẻo, thơm ngon để lâu. Các loại khác như bánh ít đen, ít trắng, bánh hột xoài, hột sen… Mứt thì đủ loại đặc biệt: mứt gừng cay, bí trắng, mứt hột sen lấy từ sen hồ Tịnh Tâm.

Bánh Tét dưa món hương vị Tết Huế

Tết với món dưa món, củ kiệu. Chọn trái đu đủ già, gọt vỏ, thái mỏng, phơi qua một nắng, ngâm vào nước mắm ngon và bỏ thêm ít đường, củ kiệu. Dưa món ăn với bánh tét, hợp với khẩu vị không chi bằng. Nước mắm ruốc biển ngon thơm: mắm Nam Ô, Thuận An không thua gì Phan Thiết hoặc Phú Quốc. Thịt gà luộc bóp rau không trộn gỏi như trong Nam, thịt heo ba chỉ chấm mắm tôm chua ăn với khế, vả… Tết không thể thiếu nem, chả, tré. Nem ngon An Cựu, tré “mụ” Tôn của Đông Ba ăn chua, dòn. Ngày Tết ở Huế diễn ra trong không khí đầm ấm của gia đình. Huế vẫn còn giữ những tập tục, kiêng cử ngày xưa, không xuất hành, động thổ ngày mồng một Tết.

Ăn mặc trong ba ngày tết tươm tất, trọng lễ nghi. Đối với người lớn tuổi chuộng khăn đóng, áo dài. Phụ nữ với tà áo dài xanh phơn phớt hồng hoặc tím. Tà áo dài và chiếc nón bài thơ là nét chấm phá tuyệt vời, tô điểm thêm cảnh hữu tình cho sông Hương núi Ngự.

Trong cảnh sương mù tỏa nhẹ trên dòng Hương Giang, tiếng chuông Thiên Mụ ngân vang, tạo cảnh nên thơ:

“Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương…”

Thú vị nhất, ngày Tết lên chùa vãng cảnh, theo đò dọc lên thăm điện Hòn Chén, lăng tẩm hoặc xuôi về bến đò Cồn, Vỹ Dạ và nhớ lại câu hò năm xưa:

“Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá Đò từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình, Lờ đờ bóng ngả trăng chênh Giọng hò xa vọng, nhân tình nước non”.

Các bạn có cảm tưởng như lạc vào cõi thần tiên, phiêu bồng. Trước đây những trò giải trí thường tổ chức sau mồng năm Tết như Hội chợ ở Thương Bạc, đánh bài chòi, lối chơi như bài tới hoặc đua ghe trên sông Hương, hội vật ở làng Sình… Cuộc chơi kéo dài đến mồng bảy, ở nông thôn đến rằm tháng giêng.

Hội Vật mùa Xuân

Ngày nay, trước sự đổi thay của lịch sử, cố đô Huế đã chuyển mình trở thành trung tâm du lịch nổi tiếng, một di sản quốc tết. Huế vẫn còn giữ được tính cách bình dị, âm thầm kín đáo trong sinh hoạt ăn mặc, cảm nghĩ. Tính chất này thể hiện đậm đà trong những ngày Tết.

Ai đến Huế, xa Huế làm sao không khỏi chạnh lòng nhớ thương với cảnh thơ mộng Huế, thi vị đầm ấm của những ngày Tết cổ truyền của Huế. Huế đã để lại trong lòng bạn những kỷ niệm khó quên. Huế đẹp, Huế thơ, Huế mơ mộng…

N.M.C

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here