Huế không có được tiềm năng phát triển kinh tế so với những thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Nhưng cũng chính vì điều này mà Tết Huế bảo lưu được một số nét ta có thể tạm gọi là nét truyền thống của Huế. Một trong những nét đó là ăn Tết của Huế đến bây giờ vẫn mang đậm phần lễ hơn là phần hội.
Ở Hà Nội hay TP HCM vào thời điểm giao thừa là già trẻ, gái trai đổ ra đường vui chơi, xem pháo hoa, gặp gỡ, chúc nhau ở ngoài đường. Còn giao thừa ở Huế mang tính chất sum họp gia đình, gồm nhiều thế hệ. Đối với người già, đây là niềm an ủi lớn nhất trong suốt một năm vì được gặp đông đủ con cháu vào những ngày cuối đời.
Nhà nghiên cứ Huế Hồ Tấn Phan. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Nếu như ở Hà Nội hay Sài Gòn, nơi thờ tự chỉ mang tính thờ vọng (mang tính kỷ niệm) thì ở Huế các gia đình vẫn giữ được cách thờ tự truyền thống. Bàn thờ chiếm vị trí trang trọng nhất trong nhà và là trung tâm của ngôi nhà đó. Các khâu chuẩn bị, trang hoàng cho bàn thờ đều do những người trong gia đình thực hiện với đầy đủ tự khí (như tam sự, ngũ sự, hương án, ảnh thờ hoặc thần vị…).
Với phong tục cúng tất niên, cúng giao thừa, Tết ở Huế là sự gặp gỡ của những người tại thế với tổ tiên ông bà và giữa trần thế với thế giới siêu nhiên (thần thánh). Vì thế, Tết Huế vừa mang tính chất dòng họ, làng xóm với việc tổ chức lễ cúng ở nhà thờ họ, đình làng, vừa mang tính tín ngưỡng tôn giáo như đi lễ chùa vào ngày đầu năm…
Ngày xưa, ở Huế có hai hình thức ăn Tết. Đó là Tết dân gian và Tết cung đình. Ngày nay, cùng với những đổi thay của lịch sử, hình thức ăn Tết cung đình không còn tồn tại. Riêng hình thức ăn Tết dân gian vẫn được người dân cố đô giữ gìn.
Những ngày cuối tháng chạp, người ta bắt đầu mua sắm những vật phẩm đặc biệt nhất trong năm để chuẩn bị ăn Tết. Do đó, nhiều chợ quê ở Huế ngày Tết tấp nập. Hàng hóa nhiều hơn so với những ngày bình thường nhưng người Huế vẫn thích mua những mặt hàng có tính cổ truyền như bánh tét, bánh in…
Hoa giấy Thanh Tiên được sử dụng trang trí cho ngày Tết. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Ngày Tết, ở nông thôn, nhiều nhà ở gần nhau cùng làm thịt một con lợn, chia nhau, nhờ thế mà mỗi phần dù ít nhiều đều có đầy đủ bộ phận, giúp cho việc nấu nướng được nhiều món, từ đó cỗ bàn được đầy đủ, thịnh soạn hơn ngày thường. Hình thức này mang đậm tính chân tình, làng xóm thân mật. Điều này hầu như ở thành phố không có.
Cuối năm, gia đình nào ở Huế cũng trồng hoa trong bồn trước nhà, chủ yếu là các loại hoa để dùng cho việc thờ cúng và trang trí. Nhà nào ít thì đi xin nhà khác. Ngày xưa hoa ít có chuyện mua bán.
Hoa mai vàng, một loài hoa xuân đặc trưng của Huế từ xưa, được hầu hết nhà dân trồng trong khuôn viên trước nhà, gắn với không gian sống của người Huế là nhà vườn. Mỗi lần hoa mai nở là tín hiệu của mùa xuân đến.
Không khí Tết ở Huế thực sự bắt đầu từ sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng chạp. Đến 30 Tết, nhà nhà đều dựng cây nêu (cây tre đực già, tỉa hết nhánh chỉ để một chùm lá ở trên ngọn) và treo chuông khánh, cờ phướng, cau trầu, lễ phẩm. Người ta tin rằng dựng cây nêu lên để thông báo nơi đây đã có chủ, ma quỷ không được xâm phạm. Đây cũng là dấu hiệu (giống như số nhà) để ông bà tổ tiên về ăn Tết. Đến mùng 7 Tết thì làm lễ hạ nêu và mọi công việc hoạt động bình thường trở lại.
Việc biếu quà cũng được thực hiện khá phổ biến trước ngày Tết: học trò biếu thầy; con bệnh biếu ông lang; rể biếu nhà vợ; cấp dưới biếu cấp trên; bà con, bạn bè biếu nhau…
Phụ nữ đi mua đồ để bày mâm ngũ quả. Ảnh: Văn Nguyễn. |
Lễ cúng giao thừa của người Huế được thực hiện đúng giữa đêm, vừa cúng ngoài trời, vừa cúng trong bàn thờ. Người ta tin rằng ai chịu khó thức đến nửa khuya để cúng giao thừa thì năm đó sẽ gặp mạnh khỏe, bình an, may mắn. Vào thời điểm đó, người Huế đặt bao nhiêu sự hy vọng vào một sự tốt đẹp của năm mới không chỉ với sự phấn đấu của bản thân mình mà còn với sự phù hộ của tổ tiên ông bà cũng như sự phù trợ của thần thánh, trời Phật.
Ăn Tết dân gian ở Huế cũng có những nét đặc trưng như tranh thờ làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, bánh tét làng Chuồn… Người Huế còn có tục cúng bổn mạng (hoa tre được làm bằng tre tươi, tô màu để cúng bổn mạng). Mâm lễ phẩm cúng bổn mạng khá đơn giản, chỉ là hoa quả, cau, trầu, rượu, miếng thịt và đĩa xôi. Hoa tre được găm vào đĩa xôi. Nhà nào giàu thì miếng thịt được thay thế bằng một con gà (đàn ông cúng gà trống, phụ nữ cúng gà mái).
Nhiều người cho rằng ở Huế vẫn còn giữ được những nét ẩm thực cung đình, đặc biệt là ẩm thực Tết, nhưng thực chất ẩm thực cung đình dường như ít còn tồn tại. Có còn cũng mờ nhạt, thậm chí biến chất. Bởi loại hình ẩm thực này chỉ được thực hiện trong bốn bức tường của hoàng cung chứ ít được truyền ra ngoài, mà có truyền ra ngoài thì dân gian cũng không đủ sức làm vì tính chất cầu kỳ, kỹ lưỡng của các món ăn. Các sách sử về ẩm thực còn lại cũng không nói nhiều, nói kỹ nên ẩm thực bị thất truyền.
Ngày nay, kinh thành còn đó, bao nhiêu lễ nghi, ẩm thực người ta đang muốn phục hồi nhưng phục hồi để làm kinh doanh, làm du lịch. Tinh thần khác thì vật chất cũng khác.
Cố đô Huế là vùng đất còn giữ được những nét đẹp của thuần phong mỹ tục, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Và Tết ở Huế không thoát ra ngoài nét truyền thống đó – Tết sum họp.
Hình thức Tết cung đình ở Huế gồm:
1 – Ban sóc (vua ban lịch cho thiên hạ biết ngày tháng trong năm) được tổ chức vào đầu tháng chạp.
2 – Lễ cúng trâu đất và mang thần (thần nông) được cử hành phía ngoài cửa Đông kinh thành vào dịp lập xuân.
3 – Phất thức: Lau chùi ấn tỷ, bỏ vào rương hòm, niêm phong (nghỉ làm việc, không đóng dấu trong ngày Tết).
4 – Lễ dựng nêu tại nhiều địa điểm trong kinh thành, lăng, miếu (giống như trong hình thức ăn Tết dân gian nhưng phần lễ phẩm được làm linh đình hơn).
5 – Vua ban quà tặng cho các quan trong triều.
6 – Sáng ngày mùng 1 Tết thiết đại triều ở điện Thái Hòa để các quan trong triều dâng hạ biểu (bài văng mừng) và sau đó đi mừng tết ở cung Diên Thọ…
|
Theo Express