Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Tập huấn bồi dưỡng Trú trì: chuyên đề "Tịnh hóa xã hội"

Tập huấn bồi dưỡng Trú trì: chuyên đề "Tịnh hóa xã hội"

146
0

Chiều ngày 12.10. 2011 Hòa thượng Thích Quang Nhuận đã có buổi giảng về đề tài "Tịnh hóa xã hội". Theo ghi nhận của PV lieuquanhue.vn toàn bộ 50 học viên đều theo học rất nghiêm túc, rất chăm chú nghe giảng bài và có ý thức học tập rất cao, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy mà Ban Tổ chức đã đề ra.

Dưới đây là bài giảng chuyên đề "Tịnh hóa xã hội" BBT trang nhà Liễu Quán Huế xin đăng tải toàn bộ bài viết để quý vị cùng tham khảo.

——————————————————————————————–

TỊNH HÓA XÃ HỘI
Hòa thượng Thích Quang Nhuận

Chúng ta đang sống trong một thời đại của nhiều biến động. Những biến động do chủ quan của con người tạo nên và những biến động do tự nhiên mang lại. Những biến động của kinh tế, chính trị và xã hội đã tạo ra những bất ổn của đạo đức và đánh mất niềm tin của con người. Trong năm 2010, chúng ta thấy ranh giới giữa hoà bình và chiến tranh ngày càng trở nên mong manh tại nhiều khu vực: Đông bắc Á, vùng biển Thái Bình Dương, và bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, những cuộc chạy đua vũ trang của các quốc gia giành lấy ưu thế quân sự trên toàn cầu đã là nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề hạt nhân và phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt đang đe dọa nền hòa bình của nhân loại. Kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát và thất nghiệp gia tăng, trong khi khoa học và công nghệ vẫn tiếp tục đạt được những thành tựu lớn trong việc khám phá và chế tạo những phương tiện, công cụ vô cùng tiện lợi cho cuộc sống con người, và chính chúng cũng gây ra không ít các vấn nạn an ninh kinh tế, môi trường, lương thực thực phẩm ngày nay.

Mặt khác, con người càng dần đưa cuộc sống của mình vào một thế giới của văn minh khoa học hiện đại, họ sáng chế rất nhiều loại máy móc tinh vi để cho ra xã hội ngày càng nhiều sản phẩm, phục vụ ngày một tốt hơn các nhu cầu vật chất của mình, thì nhu cầu tinh thần của con người ngày càng bị bỏ ngỏ, không mấy quan tâm, hoặc bị vật chất hóa đến mức có thể tính toán được. Sự mất cân bằng này của xã hội đã đem lại sự mất cân bằng cho thế giới con người và thế giới tự nhiên. Con người làm đảo lộn thế giới tự nhiên, thế giới tự nhiên đem lại những bất ổn cho con người. Những cuộc cách mạng công nghiệp trên toàn cầu đã tạo nên những biến đổi: bức xạ mặt trời, núi lửa, hiệu ứng nhà kính và nhiệt độ trên Trái đất tăng … đều do các hoạt động phá rừng và đốt nhiên liệu hóa thạch của con người tạo nên. Các chất hóa học thải ra từ các nghành công nhiệp làm suy yếu tầng Ôzôn trên bầu trời của các vùng chung quanh Nam cực, các bức xạ cực tím từ đó trở lại gây hại con người bằng các bệnh ung thư da và đục nhãn mắt. Nhiệt độ toàn cầu tăng đã làm cho mực nước biển dâng gây ra các thảm họa như lũ lụt và sóng ngầm. Tham vọng chinh phục thiên nhiên càng tăng, thì con người phải gánh chịu những hậu quả do thiên tai mang lại càng lớn. Thay vì con người xem mình như một phần của thế giới tự nhiên để học cách sống hài hòa với nó, thì con người lại tự đặt cho mình một cách để đối phó với nó. Thế nhưng: 

‘Trúc ảnh tảo giai trần bất động,
Nguyệt minh xuyên thủy hải vô ngân.’

Chúng ta thử nhìn lại lịch sử Phật giáo Ấn Độ cách đây 2300 năm, bất cứ một sử gia nào dù người đó là ở phương Đông hay ở phương Tây, dù người đó có thiện cảm hay không có thiện cảm đối với đạo Phật đều cũng phải thừa nhận rằng: Đạo Phật đã tạo ra trong con người vị vua này một biến đổi thần kỳ- Asoka, con người tàn ác, sau khi theo đạo Phật ông đã trở thành- Asoka, con người thiện hạnh. Lý tưởng mà Asoka theo đuổi suốt đời mình là đảm bảo hạnh phúc vật chất và tâm linh bao gồm cả người và vật, không những trong vương quốc mình mà cả cho toàn thế giới. Ông yêu quý và trân trọng con người, cỏ cây và loài vật bất luận sự sống ấy biểu hiện dưới dạng nào. Cho nên dạo ấy đất nước, muôn dân Ma Kiệt Đà sống yên bình, thế giới không có nạn binh đao, biến động. Đây là một đặc điểm riêng của đạo Phật.

Theo sử sách có chép rằng: Asoka là Thái tử của Vua nước Ma Kiệt Đà thuộc trung Ấn độ. Lúc còn nhỏ, Asoka rất cuồng bạo, không được vua cha yêu mến. Gặp lúc nước Đức Xoa Thi La làm phản, vua cha sai ông đi dẹp loạn, cốt ý cho ông chết ngoài chiến trận. Nhưng không ngờ Asoka đã đánh tan quân phản loạn và quyền uy lừng lẫy. Sau khi vua cha mất, ông giết hết anh em rồi lên làm vua. Ông khét tiếng là một ông vua bạo ác mất hết nhân tâm, tàn sát đại thần, phụ nữ, làm thêm nhà ngục, giết hại trăm họ vô tội. Do sự cảm hóa của Ngài Ni Cù Đà, ông đã quy y Phật. Sau khi lên ngôi được tám năm, nhân cuộc chinh phục nước Yết Lăng Già, ông thấy cảnh chết chóc thảm thương mà xúc động nên niềm tin Phật giáo càng kiên cố hơn. Asoka đã vô cùng hối hận và long trọng tuyên bố: ‘Nay tôi thực hành chánh pháp. Tiếng trống trận của chiến tranh không còn vang lên nữa, mà thay vào đó là tiếng trống của chánh pháp’. Từ đó ông quyết không dùng sức mạnh quân sự để mưu tìm con đường thống nhất đất nước Ấn Độ, và chỉ dùng chánh pháp để chinh phục lòng người với niềm tin: ‘Sự thắng lợi nhờ chánh pháp mà đạt được là sự thắng lợi trên hết’. Chánh pháp, đúng như Asoka hiểu, tức là sự quan tâm đến với đời sống vật chất và tâm linh của tất cả mọi dân chúng, của tất cả mọi loài. Từ đó ông dốc sức cho việc truyền bá Phật pháp. Ông là một ông vua không những có công trong việc thống nhất đất nước Ấn Độ mà còn là một Phật tử có công trong việc tịnh hóa xã hội thời bấy giờ. Qua đây, chúng ta có thể kết luận rằng: Hạnh phúc và an lạc của một sự cố gắng không chỉ dành riêng cho vua Asoka hay một bậc vĩ nhân nào khác. Nếu chúng ta muốn, thì người bình thường cũng có thể cố gắng và vươn đến được. Bởi trong kinh có dạy:

‘Vọng niệm thành sanh diệt,
Chơn như bất biến thiên.’

Đối với Tăng ni chúng ta thì sao? Mục đích, lý tưởng, hạnh nguyện chúng ta là gì? Và chánh pháp theo cái hiểu của chúng ta trong thời hiện đại này như thế nào? Những câu hỏi này mỗi chúng ta tự tìm câu trả lời cho chính mình. Và chính câu trả lời sẽ phản ảnh trình độ hiểu biết và khả năng hành trì tu tập của tự thân. Hôm nay, chúng ta cùng ngồi lại với nhau, cùng ôn lại giáo lý của Đức Phật, không phải chỉ để đánh giá, nhận xét hay thưởng thức như một bức tranh toàn hảo, mà là để cùng nhau chiêm nghiệm và khắc chế hơn nữa trên con tu tập của mình. Có thể hình ảnh đầu trần, chân đất, một bình bát và ba y đi khất thực hằng ngày, chúng ta không thể y như Ngài được. Những giác ngộ cao siêu của Ngài, chúng ta cũng chưa thể đạt đến được. Nhưng những lời dạy của Ngài và phong cách của một vị thầy, chúng ta có thể phản quan tự kỷ và tự tôi luyện được, bởi rằng những điều Ngài dạy không có gì vượt ngoài khả năng của một con người.

Chúng ta hiện đang là những Tu sĩ khoát chiếc áo Ca sa trên mình với hạnh nguyện, mục đích của người xuất gia, chúng ta  phải biết sống và sống đúng để làm lợi ích cho tha nhân cũng như cho tự thân. Chúng ta phải là một người Thầy mẫu mực làm cội nguồn sinh động hỗ trợ đạo đức cho hết thảy xã hội. Nghĩa là ngoài việc học tập kinh kệ và tu tập thiền định, chúng ta còn đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa bản thân và chuyển hóa xã hội trên cơ sở tự nỗ lực của cá nhân. Đây chẳng phải là vai trò dễ dàng gì và đôi khi đã đặt ra những áp lực lớn cho những vị còn trẻ. Vậy nên, việc đáp ứng được vai trò của một vị Thầy trong xã hội đầy khó khăn như hiện nay, trước hết chúng ta phải dựa vào sức mạnh của Tăng già để thiện hóa lòng mình trước, rồi sau mới tịnh hóa xã hội. Tịnh hóa lòng mình bằng pháp Lục hòa trong đời sống Tăng già. Bằng cách sống này, Ngài muốn tạo cho chúng ta một cơ hội tự bào mòn dần cái bản ngã của mình trong môi trường đại chúng và dần đi vào một nếp sống hòa hợp trong thanh tịnh. Hòa hợp cả tinh thần lẫn vật chất, thanh tịnh trong ý nghĩ cả việc làm. Có như vậy tư tưởng mới thăng hoa, và qua từng cấp độ của chân thiện mỹ, cái đẹp mới được hình thành bằng dòng suối yêu thương lan tỏa. Sự cảm thông và trách nhiệm giữa mình với mọi người sẽ là một lý tưởng tốt trong đời sống đạo.

Tất cả chúng ta có mặt hôm nay đều được gọi chung là Tăng. Vậy,Tăng là thế nào? Tăng chính là tiếng gọi tắt của hai chữ Tăng già và có nghĩa là một đoàn thể xuất gia tu học hoà hợp thanh tịnh từ bốn người trở lên và cùng thực hành sáu điều sau được trích từ trong Sơ Đẳng Phật học giáo khoa thư :

‘Tăng giả Tăng già chi tỉnh xưng, ý vi hòa hiệp chúng, hoà hữu lục chủng…’

Và sau đây chúng ta tìm hiểu qua từng điều.

1/Thân hòa đồng trụ:

Là mục tiêu thứ nhất của hàng tu sĩ. Thân tu sĩ phải có một tiếng nói chung đó là tiếng nói của vô ngã tướng. Thường xuyên sống trong quán chiếu lý vô ngã, năng lực quán chiếu đó sẽ làm cho cái ngã trong ta dần dần biến mất và chúng ta sẽ tìm thấy một sự hòa hợp thanh tịnh của chúng Tăng. Sự hòa hợp này đôi khi tưởng chừng như đơn giản của một sự vui vẻ, vừa lòng. Nhưng không, sự hòa hợp của chúng Tăng là sự hoà hợp trên tinh thần tôn trọng giới luật của một người xuất gia và đó cũng là y báo, chánh báo của một vị tu sĩ chúng ta. Những người đồng xuất gia như chúng ta luôn cùng một hoài bảo, cùng một hạnh nguyện để cùng có mặt giữa thế giới loài người và  luôn cầu mong:

‘Sanh sanh dữ Phật vi quyến thuộc,
 Thế thế Bồ đề kết thiện duyên.’

Thành tựu trong thân hòa đồng trụ thì việc đi và đến trong một không gian nhỏ hay giữa vũ trụ bao la điều không lấy gì làm ngăn ngại, như trong kinh Kim Cang đã dạy:: ‘Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ cố danh Như Lai’.

2/Khẩu hòa vô tránh:

Ngoài cái ăn, cái ở, thì ngôn từ cũng là yếu tố cần thiết trong sự sống hằng ngày không mang tính đối đãi giữa người với người, giữa anh và tôi, nhưng cũng rất quan trọng trong vấn đề hoà nhập. Chúng ta là những tu sĩ phải tuyệt đối giữ ‘khẩu hòa vô tránh’. Người đời còn biết nói: ‘Nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ tán bang’. Huống gì chúng ta là người mô phạm, sự thận trọng khẩu nghiệp là điều tất yếu và phải nằm lòng khẩu hiệu: ‘Im lặng như chánh pháp, nói năng như chánh pháp’.

3/Ý hòa đồng duyệt:

Ý hòa, mọi người sẽ rất vui. Thân hòa, khẩu hòa theo đó ý mới hoà được. Ngược lại, ý hòa cũng làm cho thân và khẩu được hòa. Thân, khẩu, ý đều hòa thì tâm trong sáng và thanh tịnh. Hòa hợp và thanh tịnh trong chúng cũng là hòa hợp và thanh tịnh trong mỗi thành viên. Mỗi thành viên muốn được thanh tịnh cho mình thì cần phải có sự hòa hợp trong chúng. Chúng hòa hợp là môi trường tốt nhất để mỗi người tự nổ lực tu hành. Chúng ta cần phải có trách nhiệm và biết nương tựa để cùng được thanh tịnh trong hòa hợp. Đó là nghĩa rốt ráo của ý hòa đồng duyệt vậy.

50 học viên chăm chú nghe giảng chuyên đề "Tịnh hóa xã hội"

4/Giới hòa đồng tu:

Mỗi vị xuất gia đều phải thọ giới và sống theo giới pháp. Giới chính là những rào cản cho chúng ta khỏi bị sa vào đời sống của ngũ dục khi năng lực tu tập còn hạn chế. Mức độ tuân hành và tôn trọng giới là thước đo giá trị đạo đức, nhân cách và phạm hạnh của mỗi người tu sĩ. Trượt theo đà của ngũ dục thì rất dễ, còn khép mình vào giới luật và sống hòa với nó là rất khó cho nên chúng ta cần phải nương tựa lẫn nhau. Người mới xuất gia nương tựa vào những người đã xuất gia lâu năm, những người đã xuất gia lâu năm nương tựa vào những bậc trưởng thượng, cùng sách tấn lẫn nhau mà tu hành đạt đạo, hoàn thiện trong tứ oai nghi và thành tựu trong tam thường. Đồng tu, đồng học, đồng tôn trọng giới, đồng hòa hiệp trong giới pháp thì tăng chúng mới đủ năng lực để tịnh hóa con người, tịnh hóa xã hội và đề cao nhân phẩm, bảo vệ đạo đức.

5/Kiến hòa đồng giải:

Chúng ta luôn bị đè nặng bởi sở tri chướng hẹp hòi và nông cạn của bản ngã, nên việc giải bày những những kiến chấp của mỗi người thật là cần thiết. Trong Tăng chúng thường có những dị biệt về tuổi đời và tuổi đạo, nhưng khi đã có sự hòa hợp trong giới pháp, thì sẽ có hòa hợp trong kiến giải, hay nói cách khác, một khi đã có sự hòa hợp của thân, khẩu, ý thì ở đó đã vắng bóng của kiến chấp. Sự hòa hợp của chúng tăng để hòa hợp những kiến giải, hay ngược lại sự hòa hợp của kiến giải để gìn giữ sự hòa hợp và thanh tịnh của chúng tăng.

6/Lợi hòa đồng quân:

Là một yếu tố trong hệ thống lục hoà của Tăng chúng. Nói đến cái lợi phần lớn Tu sĩ chúng ta đều né tránh, không dám đối diện nên lắm lúc cũng bị lâm vào những tình thế khó xử. Do chúng ta không thấy hết ý nghĩa của việc lợi hoà mà Đức Phật đã dạy. Lợi hoà ở đây được hiểu cả vật chất lẫn tinh thần, cả những niềm vui nhỏ lẫn những việc lớn đều được san sẻ với chúng tăng. Có lợi để chia sẻ đã là một niềm hạnh phúc, có chúng tăng để mình chia sẻ lại là hạnh phúc lớn hơn. Người đời luôn sống trong cảnh ức hiếp, lo toan, manh tâm thôn tính lẫn nhau vì họ cho rằng có mình thì không có người, có người thì không có mình. Còn chúng ta lợi hoà đồng quân sẽ mang lại càng nhiều niềm vui từ nhiều sự chia sẻ và được chia sẻ cho nhiều người. Sự hoà hợp đó mang tính bền vững và lâu dài, góp phần thắt chặt tình thân trong Tăng chúng. Điều này đã gói trọn hết thảy là vì hạnh phúc của số đông của chư Thiên và loài người.

Quan trọng hơn là mỗi thành viên hãy tự khép mình bằng một cái tâm mềm mại nhu nhuyến nhờ vào công phu tu tập bào mòn bản ngã để hòa vào cái chung của đại chúng, và đại chúng là nơi dung hòa tất cả các thành viên, đừng để thiếu đi năng lực phòng hộ từ phía Tăng già. Pháp Bố tát và pháp an cư là hai hình thức biểu hiện của một đoàn thể Tăng già, tuy nhiên bản thể Tăng chỉ được thành tựu khi và chỉ khi đoàn thể Tăng già sống hòa hợp và thanh tịnh đúng với một đời sống phạm hạnh của người xuất gia hướng đến thành tựu quả vị giải thoát và lợi lạc quần sanh. 

Tóm lại, Tăng hoặc Tăng già là những người tự nguyện sống với đời sống hoà hợp thanh tịnh để hỗ trợ cho nhau thực hiện đời sống giải thoát giác ngộ. Chính trong đời sống này có thể trở thành những mảnh đất trù phú để cho mọi người gieo được hạt giống phước đức và là nền tảng cho những tiến bộ của đời sống chánh hạnh. Vậy Tăng già sẽ là những tấm gương tốt của sự hoà hợp thanh tịnh, nhiếp phục tha nhân và tịnh hoá xã hội. Nhưng muốn thành tựu được vai trò này, trước tiên chúng ta phải tịnh hóa lòng mình, tịnh hoá ngũ trược bằng sự hòa hợp của đoàn thể làm nguồn năng lực chinh  phục nhân tâm, cân bằng xã hội. Mỗi một nỗi trăn trở của chúng ta là làm thế nào để được như Ngài Thuyền Tử Đức Thành Thiền sư  từng dạy:

‘Bách xích ty luân trực hạ thuỳ
Nhất ba tài động vạn ba tuỳ
Dạ tịnh thuỷ hàn ngư bất thực
Mãn thuyền không tải nguyệt minh quy.’

HT. T.Q.N
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here