Trang chủ Văn hóa - Lịch sử Tập huấn – bồi dưỡng trú trì 2011: Chuyên đề "Trách nhiêm...

Tập huấn – bồi dưỡng trú trì 2011: Chuyên đề "Trách nhiêm của vị trú trì đối với Ban Hộ tự và tín đồ"

132
0

A – Phần Mở Đầu:

Hình thức tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay là kế thừa hình thức tổ chức của các Giáo Hội tiền nhiệm, đặc biệt dựa vào mô hình từ thời Đức Phật còn tại thế, qua cả một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài.

Chúng ta thử tìm về trách nhiệm của vị “Trú Trì” đối với “Ban Hộ Tự” và “Tín Đồ” trong mọi sinh hoạt tu học và hướng dẫn Phật tử tại các Chùa, Niệm Phật Đường hiện nay để có một phương thức điều hành thích hợp, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các địa phương nói riêng, cho Giáo Hội nói chung trên bước đường củng cố và phát triển.

B – Phần Nội Dung:

I. Vấn đề tổng quan:

Từ thời khởi thủy, Trú Trì là các vị Bồ Tát vân tập tại Pháp hội, Đạo tràng về mặt bản thể và biểu tượng để hộ trì pháp tạng và trang nghiêm pháp hội.

Song qua thời gian, sự biểu hiện ấy đã được cụ thể hóa lần lần, có nghĩa là từ khi các Tịnh Xá, Tu Viện được thành lập do các vị Quốc Vương, Trưởng Giả, Cư sĩ thiết lập dâng cúng lên Đức Phật và Đại đệ tử của Phật. Từ đó, Đức Phật và các Thánh Đệ tử, ngoài trách nhiệm hộ trì pháp tạng, còn hộ trì cơ sở đang hiện hữu do tín đồ, Phật tử hiến cúng. Do đó, Đức Phật, Đệ Tử Phật, Chư Tăng là trụ trì cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá…khi công cuộc hoằng hóa của Đức Phật và các Đệ tử Phật bắt đầu định cư, an trú tại một cơ sở, một địa điểm nhất định.

Ngày nay, dù trải qua bao thời kỳ biến thiên của lịch sử, của xã hội, song vấn đề cơ sở và trú trì do chư Tăng, chư Ni đệ tử của Đức Phật ngày nay duy trì và phát triển vẫn là một quy định cố hữu và có ý nghĩa tất yếu của nó. Dù ở cấp độ nào, không gian nào hay lý do nào, tổ chức nào đi nữa thì vẫn là một ý nghĩa có tính nhất quán và cao đẹp của nó.

Ở đây, đơn cử một vài khái niệm chung nhất và phổ quát về trách nhiệ

của vị Trú Trì tại các Chùa, Niệm Phật Đường với Ban Hộ Tự và Tín Đồ trong giai đoạn hiện tại và thời đại hiện nay.

II. Ý nghĩa và trách nhiệm Trú Trì:

Vị Trú Trì là một vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc xây dựng Giáo Hội. Trụ: Trụ pháp vương gia, Trì: Trì Như Lai tạng. Nói một cách rõ ràng Trú Trì là người đang có trách nhiệm giữ gìn và phát huy chánh pháp của Như Lai, người duy trì ngôi nhà pháp vương được tồn tại mãi mãi giữa cuộc đời.

Do đó, vị Trú Trì có một vai trò rất quan trọng, bởi lẽ Chùa và Niệm Phật Đường là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người xã hội. Sự thịnh suy của ngôi Chùa, của Niệm Phật Đường chính là sự thịnh suy của Đạo Phật tại địa phương ấy và góp phần vào sự thịnh suy chung của Phật Giáo Việt Nam. Như vậy vị Trú Trì phải chịu trách nhiệm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật Pháp đến xã hội. Ngôi chùa, Niệm Phật Đường là nơi tu học chánh pháp, đáp ứng mọi nhu cầu tín ngưỡng cho quần chúng và cần phải xem đây như là một cơ quan truyền bá phật pháp đến mọi giới trong cộng đồng.

Vị Trú Trì cùng đại chúng sinh hoạt tại Chùa, Niệm Phật Đường có thể xem là một Giáo Hội Phật Giáo cấp cơ sở thu nhỏ, nếu vị Trú Trì thực hiện tốt các chức năng của mình là đồng nghĩa với việc hoàn thành trách nhiệm và sứ mạng của người trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng. Theo các nhà Phật học vị Trú Trì phải làm nhiều công việc trong một ngày, còn gọi là “Trú Trì nhật dụng”. khái quát có các trách nhiệm như sau:

– Thuyết giảng, dạy dỗ đồ chúng tu học.
– Chỗ dựa cho đại chúng về phương diện tâm linh
– Tinh tấn công phu tụng niệm, hướng dẫn đại chúng tụng kinh bái sám.
– Kiểm tra, đôn đốc, chăm sóc đồ chúng và mọi Phật sự.
– Xử phạt chúng Tăng – Ni vi phạm thanh qui.
– Nghinh tiếp trọng hậu chư Tôn đức, hoan hỷ tiếp đón quan khách, thiện tín đến Chùa, Niệm Phật Đường.

Vị Trú Trì còn mang một trách nhiệm lớn là đại diện pháp lý của Chùa, Niệm Phật Đường để đối nội và đối ngoại và quản lý chung các hoạt động của Chùa.

Với uy đức, trách nhiệm, tư cách làm Thầy của vị Trú Trì được thực hiện một cách trọn vẹn thì Chùa, Niệm Phật Đường và Giáo Hội ngày càng hưng thịnh trang nghiêm, vững mạnh. Thông qua “Đạo đức, ngôn hành, nhân nghĩa” của vị Trú Trì thì vị Trú Trì xứng đáng là bậc “Thạch trụ tòng lâm”. Bởi lẽ đạo đức ngôn hành là gốc của sự giáo hóa, nhân nghĩa là ngọn của sự giáo hóa. Giống như cây không có gốc thì không thể đứng vững được, cây thiếu ngọn thì khó lòng phát triển…

Với uy đức, trách nhiệm, tư cách làm Thầy của vị Trú Trì được thực hiện một cách trọn vẹn thì Chùa, Niệm Phật Đường và Giáo Hội ngày càng hưng thịnh trang nghiêm, vững mạnh. Thông qua “Đạo đức, ngôn hành, nhân nghĩa” của vị Trú Trì thì vị Trú Trì xứng đáng là bậc “Thạch trụ tòng lâm”. Bởi lẽ đạo đức ngôn hành là gốc của sự giáo hóa, nhân nghĩa là ngọn của sự giáo hóa. Giống như cây không có gốc thì không thể đứng vững được, cây thiếu ngọn thì khó lòng phát triển. Vì vậy Cổ Đức thấy chánh pháp không được hoằng truyền, tà chánh không thể phân biệt, và thấy người học đạo tự mình không giác ngộ được bổn tâm, cho nên mới kiến lập Tự Viện, Niệm Phật Đường để đệ tử xuất gia, tại gia có chỗ an trụ mà giáo hóa họ, cử người làm Trú Trì mà hướng dẫn họ, nhằm mục đích tiếp dẫn hậu lai, hoằng truyền phật pháp, lợi lạc chúng sanh. Bằng tinh thần vô ngã vị tha không trụ trước, vị Trú Trì luôn luôn trang nghiêm cơ sở một cách không biết mệt mõi với mục đích duy nhất là làm tròn bổn phận Trú Trì do nhân duyên đã định, Giáo Hội giao phó, Phật tử tin tưởng cúng dường, hộ trì Tam Bảo trong tinh thần phụng sự đạo pháp, phát huy văn hóa tâm linh qua hình ảnh một ngôi Chùa, Niệm Phật Đường hiện hữu ở thế gian huy hoàng thanh tịnh. Như Đại Sư Thủy Am đã nói:

“Bao năm bồi đắp chốn chùa chiền,
ngói sỏi biến thành Thích Phạm Thiên.
Quả phúc đã tròn nay để lại,
tay rung gậy trúc dạo Tam Thiên 

                               (Thiền Lâm Bảo Huấn).
 

III. Trách nhiệm Trú Trì với Ban Hộ Tự:

Tiền thân của Ban Hộ Tự là Ban Đại Diện các Khuôn Giáo Hội, sau này là Ban Hộ Tự các Niệm Phật Đường. Ban Hộ Tự là những nam nữ Đạo Hữu được Ban Trị Sự các Tỉnh Thành Hội bổ nhiệm bằng một quyết định với nhiệm kỳ là 5 năm. Theo hiến chương GHPGVN đã ghi rõ: Chức năng của Ban Hộ Tự là đại diện cho tín đồ Phật Giáo đảm nhận vai trò quản lý, điều hành sinh hoạt tín ngưỡng tại các cơ sở Tự Viện, Niệm Phật Đường đúng đường lối chủ trương của GHPGVN và pháp luật Nhà nước. Ban Hộ Tự được xem là nơi tụ hội tất cả các tâm tư, nguyện vọng của đông đảo quần chúng quanh vùng. Họ đã từng cùng sống, cùng học cùng tu, tối lửa tắt đèn, niềm vui nổi khổ đều có mặt bên nhau. Họ là những người mang trách nhiệm làm một chất keo dính trong mối dây gắn kết tinh thần của các thành phần Phật tử để xúc tiến công tác hướng dẫn, tu học và vận động Đạo Hữu cùng nhau trang trải được mọi chi phí trong các Phật sự tại địa phương.

Tuy nhiên với tư cách là những Đạo Hữu, Cư Sĩ Ban Hộ Tự không thể đóng vai trò như một vị tu sĩ làm chỗ nương tựa và hướng dẫn đời sống tâm linh, chuyển hóa nội tâm và dẫn dắt Phật tử trên lộ trình tu thân hành thiện. Vì thế cho nên hàng tại gia cư sĩ họ rất tha thiết cung thỉnh một vị tu sĩ về trú trì tại các Niệm Phật Đường, là một vị hướng dẫn tinh thần, gần gũi và chăm sóc đời sống tâm linh cho họ. Với tâm nguyện “Kỉnh Phật trọng Tăng”, các vị tại gia cư sĩ đặc biệt là Ban Hộ Tự luôn luôn sát cánh và ủng hộ mọi mặt để các vị Trú Trì thừa đương Phật sự được thập phần viên mãn.

Vậy thì trách nhiệm của một vị Trú Trì tại các Niệm Phật Đường đối với Ban Hộ Tự cần phải thực hiện những điều căn bản sau đây:

– Nghiêm trì giới luật, củng cố đạo tâm, tăng trưởng đạo lực, trau dồi đạo hạnh, hoàn thiện cho mình một nhân cách, đạo phong tốt đẹp để làm gương sáng cho Ban Hộ Tự, củng cố niềm tin tạo sự gần gũi giữa Ban Hộ Tự với vị Trú Trì.

– Vun đắp cho mình nhiệt tình cao thâm trong công tác Phật sự, không ngại khó khăn, kiên định và có lập trường vững chãi cùng với Ban Hộ Tự tiến hành mọi công tác Phật sự các Niệm Phật Đường trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp.

– Mọi Phật sự lớn nhỏ trong Niệm Phật Đường cần thông qua, bàn bạc với nhau một cách chân thật trong tình thầy trò trước khi cùng nhau thực hiện.

– Mạnh dạn giao việc, ủy thác cho Ban Hộ Tự các Phật sự trong Niệm Phật Đường tùy theo khả năng, trình độ. Phát huy thế mạnh của Ban Hộ Tự trong việc tổ chức các sự kiện lớn của Chùa, Niệm Phật Đường. Giúp cho Ban Hộ Tự phát huy kỹ năng hành chánh, quản lý, tổ chức điều hành, giải quyết vấn đề trong Niệm Phật Đường, để mọi Phật sự giữa vị Trú Trì và Ban Hộ Tự dễ dàng thông cảm trong tinh thần hiểu biết.

– Vị Trú Trì biết lắng nghe, ghi nhận, động viên kịp thời Ban Hộ Tự.

– Vị Trú Trì phải có trách nhiệm làm hưng thịnh ngôi Niệm Phật Đường. Xem Ban Hộ Tự là một bộ phận cần yếu để hỗ trợ cho vị Trú Trì trong mọi Phật sự.Vị Trú Trì có trách nhiệm hướng dẫn Ban Hộ Tự phải xem Niệm Phật Đường là cơ sở hạ tầng của Giáo Hội, vị Trú Trì cũng đừng bao giờ xem Niệm Phật Đường là chùa riêng của mình để lo việc riêng tư. Vị Trú Trì và Ban Hộ Tự lòng thành với Đạo, trung kiên với Giáo Hội luôn luôn nghĩ đến việc thịnh suy của đạo pháp mà phục vụ hết lòng, xem Niệm Phật Đường là nơi để hoằng dương chánh pháp, tiếp dẫn kẻ hậu học, chứ không phải nói của riêng Ban Hộ Tự và của vị Trú Trì để làm việc tư hữu.

– Vị Trú Trì phải làm tròn vai trò của một vị Thầy dạy đạo và là người cố vấn cho Ban Hộ Tự trong việc thực hiện đường lối chung của Giáo Hội, các Phật sự phụng đạo giúp đời. Muốn cho Ban Hộ Tự gắn kết với vị Trú Trì, với Niệm Phật Đường thì trước hết vị Trú Trì phải “Tri hành hợp nhất” trong ý nghĩ, lời nói và việc làm khuôn mẫu trong việc phụng sự Tam Bảo, lợi lạc hữu tình.

– Trong khi thừa hành phật sự tại các Niệm Phật Đường vị Trú Trì phải tránh xa kiểu cách làm việc bằng cảm tính, bằng sự độc tài và phe cánh. Phải nên “dụng nhân như dụng mộc” bằng thái độ dung hòa và vị tha. Hằng tháng vị Trú Trì cần có một phiên họp với Ban Hộ Tự để cùng nhau giải quyết các phật sự còn tồn đọng, bàn bạc kế hoạch tổ chức có tính khoa học và sáng tạo, cố gắng phát triển mọi phương diện để thu hút nhiều Hội viên, Phật tử tham gia.

IV. Trách nhiệm của vị Trú Trì đối với Tín Đồ:

Các vị Trú Trì có trách nhiệm tạo các điều kiện thuận lợi quan tâm đúng mức để các GĐPT có cơ duyên sinh hoạt tốt đẹp và ngày càng phát triển. Các vị Trú Trì phải là vị cố vấn giáo hạnh cho các đơn vị GĐPT, chúng ta cũng biết mục đích của GĐPT là nơi đào tạo những thanh thiếu đồng niên thành những Phật tử chân chánh, là nơi đào tạo mầm non kế thừa cho Giáo Hội, con em chúng ta là những chủ nhân của đất nước, là hạt nhân phát triển của Giáo Hội sau này…

Tín đồ Phật Giáo là các nam nữ cư sĩ Phật tử đủ mọi lứa tuổi, là những thành viên rất quan trọng của Giáo Hội. Ngày xưa Đức Phật gọi là cận sự nam, cận sự nữ, họ mang một chức năng quần chúng, lãnh trách nhiệm hộ trì Tam Bảo, một hậu thuẫn lớn lao kiên cố cho giới xuất gia. Ngày nay người tín đồ Phật Giáo không chỉ đến chùa lạy Phật, tụng kinh hoặc nghe giảng mà họ còn tham gia mọi công tác Phật sự của Giáo Hội, biết chia sẽ, gánh vác trách nhiệm cùng giới tu sĩ trong những hoạt động thuộc các cấp Giáo Hội. Vị Trú Trì có trách nhiệm phải tạo cho tín đồ một niềm tin, bồi dưỡng niềm tin trong lòng người Phật tử. Vị Trú Trì không phải chỉ để tín đồ đến với Chùa, với Niệm Phật Đường mà trái lại vị Trú Trì phải tìm đến với tín đồ, với các giới Cư sĩ Phật tử. Vị Trú Trì nên có mặt để an ủi khi gia đình của các Tín đồ, Phật tử gặp phải tai nạn, ốm đau hay quá vãng, nếu cần thì nên vận động để có thêm sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần.

Vị Trú Trì có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở Tín đồ, Đạo hữu tinh tấn tu học, siêng năng đến Chùa, đến Niệm Phật Đường tụng kinh, niệm Phật, nghe pháp, đồng thời phải hướng dẫn các Đạo hữu, Hội viên, Cư sĩ đưa con em đến với đạo pháp, xa rời cuộc sống xấu xa tội lỗi, rượu chè say sưa, nghiện ngập và suy đồi đạo đức. Trong một gia đình nếu có nhiều thế hệ kế tiếp nhau đều là Phật tử thì việc phật hóa gia đình hết sức dễ dàng. Các vị Trú Trì nên đề ra nhiệm vụ cho các Cư sĩ tại gia phải gieo duyên lành cho con cháu trong gia đình bằng cách cho con cháu của mình gần gũi với thầy bạn, với chùa chiền, với giáo lý và với các Phật sự.

Mưa dầm thấm sâu, sẽ giúp cho con cháu trong gia đình đến với Đạo Phật, thực hành theo lời dạy của Đức Phật một cách tự nhiên và bền vững.

Đối với các Niệm Phật Đường đã có Gia Đình Phật Tử, vị Trú Trì có trách nhiệm tạo các điều kiện thuận lợi quan tâm đúng mức để các GĐPT có cơ duyên sinh hoạt tốt đẹp và ngày càng phát triển. Các vị Trú Trì phải là vị cố vấn giáo hạnh cho các đơn vị GĐPT, chúng ta cũng biết mục đích của GĐPT là nơi đào tạo những thanh thiếu đồng niên thành những Phật tử chân chánh, là nơi đào tạo mầm non kế thừa cho Giáo Hội, con em chúng ta là những chủ nhân của đất nước, là hạt nhân phát triển của Giáo Hội sau này. Do đó vị Trú Trì với Ban Hộ Tự phải kết hợp chặt chẽ với vị Gia trưởng, Ban Huynh Trưởng đồng tâm hiệp lực chung sức chung lòng để có một định hướng rõ ràng mà lo cho con em, phải có những hình thức tổ chức để cuốn hút giới trẻ đến với Chùa, với Niệm Phật Đường. Tích cực làm sao để xây dựng được một đội ngũ hậu bị mạnh mẽ thì chúng ta mới dám đảm bảo được tương lai lâu dài trong mọi sinh hoạt của Chùa, của Niệm Phật Đường nói riêng và của Giáo Hội chúng ta nói chung. Theo quy luật tre già măng mọc, nhưng nếu tre tàn mà măng không tiếp tục mọc, hoặc măng mọc hoài mà không hàng, không lối thì tương lai sẽ như thế nào chắc ai cũng biết.

Vấn đề cạnh tranh, tranh thủ Tín đồ của Tôn giáo bạn là một trong những sách lược rất quan trọng của các Tôn giáo bạn, mặt khác, thời hiện đại vấn đề kinh tế và giá trị vật chất chi phối mối quan tâm của con người chiếm gần hết tâm trí của họ. Vì vậy, những giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, ý nghĩa chân lý… muốn có chỗ đứng trong lòng người cần phải quảng bá, đổi mới và phải có sức hấp dẫn để thu hút tín đồ đến với đạo.

Như vậy rõ ràng, Tín đồ Phật tử đến với Chùa, với Niệm Phật Đường, với Đạo Phật không phải chỉ vì một nhu cầu tâm linh_tín ngưỡng mà điều cốt lõi hơn là để tu học phật pháp, học các giá trị đạo đức, rèn luyện nhân cách, văn hóa ứng xử.

Vậy thì vị Trú Trì cần phải làm gì? Thật khó để trả lời một cách toàn diện, nhưng những điều cần thiết nổi bật thì khá rõ:

– Vị Trú Trì phải là một tu sĩ giới đức trang nghiêm, cần được trang bị kiến thức chuyên môn về Phật học và phổ thông về thế học.

– Công tác tổ chức quần chúng Phật tử phải được quan tâm hàng đầu, Tín đồ Phật tử có tổ chức sẽ có sức mạnh để cùng thực hiện các Phật sự. Nhờ có tổ chức mà đạo tình thầy trò được gắn bó, Đạo hữu biết thương nhau, có chung một cảm xúc đạo lý và chí hướng giải thoát. Nhất là tập hợp được Tín đồ và tăng trưởng số lượng qua các công tác tổ chức.

– Cần tổ chức các buổi thuyết pháp, các khóa tu tập Bát Quan Trai, Niệm Phật, Một Ngày An Lạc chuyên biệt dành cho các đối tượng khác nhau.

– Thông qua Ban Hộ Tự hay các Tín đồ Phật tử nòng cốt để lắng nghe, nắm bắt đời sống tâm lý, tình cảm của Tín đồ, Đạo hữu Phật tử thực hiện vai trò tư vấn hòa giải khi cần thiết.

– Giáo dục và đào tạo những Cư sĩ nòng cốt: Cần có một đội ngũ Cư sĩ có khả năng và tâm huyết cọng tác với vị Trú Trì nhất là nhân sự trong Ban Hộ Tự. Khi chúng ta có nhiều Cư sĩ, Tín đồ gương mẫu như vậy họ sẽ là những người tiếp sức với vị Trú Trì để truyền đạo và mang những thông điệp của Phật Giáo trong lòng xã hội, đồng thời họ thực hiện vai trò xã hội trong tinh thần Phật giáo rất có hiệu quả.

– Tổ chức các lễ hội văn hóa, văn nghệ: Thông qua các Đại lễ Phật giáo, chuyển tải những đạo lý cao đẹp cho cộng đồng Phật tử. Tổ chức các lễ hội như Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo, có chất lượng sẽ tạo ảnh hưởng mạnh lên cảm xúc của mọi người nhất là đối với thanh thiếu niên cảm thấy có ý nghĩa và vui vẻ khi đi dự lễ, có một tự hào về Tôn giáo của mình, giúp thế hệ trẻ gắn bó hơn với phật pháp, đề phòng các hiện tượng cải đạo.

– Tổ chức, hướng dẫn Tín đồ thực hiện các nghi lễ Phật giáo, nhất là các nghi lễ phổ thông như sám hối, cầu an, cầu siêu… đây cũng là một phương tiện để dễ dàng nhiếp hóa mọi người trở về với đạo.

– Vị Trú Trì có trách nhiệm hướng dẫn Tín đồ, Phật tử tham gia các hoạt động của Chùa, của Niệm Phật Đường, của Giáo Hội các cấp và các hoạt động xã hội.

– Vị Trú Trì có trách nhiệm cùng với Tín đồ vận động, quản lý kinh phí xây dựng, tôn tạo duy trì cảnh Chùa, Niệm Phật Đường, mọi hoạt động Phật sự trong Chùa, Niệm Phật Đường và các chi phí cho các công tác từ thiện xã hội, nâng cấp cơ sở phòng ốc, điện nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đa dạng như hội họp, không gian tu tập, thuyết pháp, văn nghệ…

– Bên cạnh những trách nhiệm liên quan đến sinh hoạt truyền thống của Chùa, của Niệm Phật Đường, vị Trú Trì cần tích cực tổ chức các hoạt động mạng tính cộng đồng, thiết thực và gắn bó với đời sống quần chúng trong xã hội như:

+ Tổ chức các lễ mừng thọ, chúc thọ, các lễ hằng thuận…,tư vấn tiếp sức mùa thi, tổ chức lễ tết trung thu, hiến máu nhân đạo, cứu trợ xã hội, xây dựng và phát triển quan hệ tốt và tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với mọi sinh hoạt của Chùa, NPĐ, chúc mừng thăm hỏi chính quyền đoàn thể tại địa phương vào các dịp lễ để tạo nên tình đoàn kết tốt đẹp.

+ Phối hợp tổ chức tham gia các hoạt động của địa phương, cùng với các Chùa, các NPĐ trong địa bàn tham gia các Phật sự của Giáo Hội các cấp.

C – Phần kết luận:

Sách có câu “Xây chùa, tạo tượng, đúc chuông, ba công đức ấy thập phương nên làm”, nói như thế cũng có nghĩa xây dựng ngôi Tam Bảo, bao gồm hình thức và nội dung của cơ sở Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường. Qua đó, vị Trú Trì mới có cơ sở hành đạo và an trụ tự tánh Tam Bảo, thi hành Phật sự, hóa độ chúng sanh, báo Phật ân đức. Bằng ý nghĩ ấy vị Trụ Trì cần phải duy trì, phát huy thành quả của chính mình, hay do Tăng Ni Phật Tử  đã dày công xây dựng, làm cơ sở cho Giáo Hội, cho nên Cổ Đức đã nói “Sớm trống tối chuông, cảnh tỉnh người đời trong bể ải. Lời kinh tiếng kệ giục người thức tỉnh giữa cơn mê”. (mộ cổ thần chung cảnh tỉnh ái hà danh lợi khách. Kinh thinh Phật hiệu, hoàn hồi khổ hải mộng mê nhơn). Do đó, một vị Trú Trì trong thời đại thật không đơn giản, một điều sai lầm sẽ lan tỏa rất nhanh và rất rộng bởi mạng thông tin hiện đại. Một sự chậm chân, lạc hậu sẽ làm việc hoằng pháp lợi sanh không có cơ duyên phát triển. Ngôi Chùa, Niệm Phật Đường phải là trung tâm văn hóa giáo dục của Đạo Phật. Để có được sự ứng biến nhanh nhạy và sinh động, vị Trú Trì luôn đặt trong tư thế sẵn sàng, trong tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn vì sự nghiệp chung, vì lý tưởng phụng sự đạo pháp và dân tộc của người trưởng tử Như Lai. Muốn làm hưng thịnh ngôi Chùa, Niệm Phật Đường vị Trú Trì phải nghĩ đến kế hoạch phát triển ở thời gian xa và công việc lớn trên cơ sở mục tiêu hướng tới của Giáo Hội. Khi có những công việc gì không thể quyết định được, phải thỉnh ý kiến chỉ giáo của Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội, các Bậc trưởng lão và các vị Thiện tri thức để rõ điều lợi hại.

Điều quan trọng là vị Trú Trì phải được lòng Ban Hộ Tự, Đạo hữu Thiện tín, Gia Đình Phật Tử và Tín đồ tại bổn tự của mình và khu vực, tức là không phải bằng uy quyền của một vị Trú Trì mà bằng tình người đối xử với nhau. Cổ Đức có dạy: “Tình người làm ruộng phước cho đời, tất cả đạo lý đều từ đó phát sinh”. Khi nói khái niệm tình người thì con người được ví như thuyền, tình được ví như nước. Nước thì có thể chở được thuyền, nhưng nước cũng có thể lật được thuyền. Thuận với nước thì thuyền thong dong di chuyển, ngược với nước thì thuyền khó nổi tới lui. Muốn được tình người mà chẳng lo việc tiếp dẫn kẻ dưới, không tôn kính người trên, không có tâm bao dung, độ lượng thì tình người không thu phục được. Tình người không thu phục được thì làm sao cho Chùa, Niệm Phật Đường hưng thịnh được còn nói chi đến việc báo Phật ân đức. 

HT.T.K.C
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here