Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tập huấn-bồi dưỡng Trú trì 2011: Chuyên đề "Giáo dục và đào...

Tập huấn-bồi dưỡng Trú trì 2011: Chuyên đề "Giáo dục và đào tạo Tăng, Ni kế thừa của Phật giáo"

146
0

A. Phần mở đầu: Mỗi một tổ chức muốn được tồn tại cần phải có một nguồn nhân lực tốt, một nguồn nhân lực được giáo dục đào tạo và được tiếp nối không ngừng. Đối với Phật giáo, Đức Phật Thích Ca sau khi thành đạo cũng đã nghĩ đến điều lợi ích cho người khác, trở lại vườn Lộc Uyển giáo hóa và lập giáo đoàn. Đặc biệt đức Phật lại truyền trao Chánh pháp nhãn tạng làm mạch sống cho hệ thống kế thừa của Đạo được cửu trú.

Ở đây chúng ta hãy tìm hiểu về mô hình tổ chức cũng như phương pháp đào tạo Tăng Ni kế thừa để Phật giáo tồn tại và phát triển.

B. Phần nội dung:

I. Vấn đề tổng quan: Đạo Phật lấy từ bi làm phương châm hành động, lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Do đó, giáo dục đào tạo cho Tăng Ni kế thừa là việc thiết yếu. Đây là nguồn nhân lực cơ sở cho sự nghiệp tồn tại và phát triển của Giáo hội. Chúng ta ai cũng hiểu, giáo dục là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng đặc trưng của con người, nhờ đó con người được văn minh, văn hóa phát triển không ngừng khác với tùy nghiệp thụ sinh của các sinh vật khác.

Giáo dục chuyển biến theo thời đại, theo chế độ xã hội nên có những nền giáo dục khác nhau đáp ứng những yêu cầu của con người và những mục tiêu theo đuổi khác nhau, nội dung phương pháp, phương tiện giáo dục được thay đổi và phát triển phong phú đa dạng.

Nói một cách tổng quát, nói đến viếc giáo dục đào tạo Tăng Ni kế thừa tức là đào tạo cả một nguồn nhân lực và trong ý tưởng quản lý nguồn nhân lực đó. (Human Resources Management- HRM ) qua các giai đoạn:

Phát triển nguồn nhân lực (Human Resources Development- HRD), sử dụng nguồn nhân lực (Human Resources Utilization-HRV) và nuôi dưỡng môi trường nguồn nhân lực (Human Resources Environment- HRE).

II.Mục đích và lý tưởng trong sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng Ni-nguồn nhân lực của Giáo hội:

Tăng Ni là những người thừa kế sự nghiệp của Phật Tổ, thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự, là người đem thông điệp của Phật Tổ đến với chúng sanh nên cần nắm rõ, hiểu rõ mục đích tối thượng của đức Phật khi xuất hiện ở cõi đời: muốn chúng sanh mở tri kiến Phật (Khai); chỉ cho thấy cái tri kiến Phật (Thị); nhận rõ tri kiến Phật (Ngộ); đi vào tri kiến Phật (Nhập). Ai hành theo pháp ấy đều chứng trí tuệ tối thượng –Phật Đà.

Nói một cách khác, giáo dục đào tạo Phật giáo không ngoài mục đích chuyển con người từ phàm phu thành bậc Thánh, bậc Chánh đẳng-Chánh giác tức là Phật. Nhưng phải hiểu lời giáo huấn “Ai hành theo pháp ấy” của đức Phật đều chứng vào trí tuệ tối thắng của Phật nghĩa là “Nhập tri kiến Phật” ấy phải tự tâm chứng lấy, ta phải tập trung hết khí lực bình sinh vào tâm nguyện tự mở trói xả trừ vô minh.

Và, chứng nhất thiết chũng trí tức chứng đắc thượng Bồ-đề tất cả các pháp đều Vô sở đắc, đại Bồ-tát phải an trụ nơi Chư Phật an trụ nơi tất cả các pháp chẳng phải an trụ. Từ đó, mục đích tu chứng đạt Phật quả là để độ sanh nên Nhất thiết chũng trí là thành quả hay nội dung của Giác ngộ vốn được thể hiện bởi Bát-Nhã và hoạt dụng của Bát Nhã sinh ra từ Đại-bi.

Xuất phát từ mục đích này, Tăng Ni cần phải được trang bị lý tưởng của Bồ-tát , phải thực sống với lý tưởng Bồ-tát,  xem đây là lý tưởng thiết yếu và thực tiển nhất. Đây chính cũng là lý tưởng của Đại-thừa. Cái nhìn của chúng ta hướng về thế giới không phải là cái nhìn đắm chìm trong bùn lầy ngã chấp, phải dọn sạch tất cả những chướng ngại khởi lên từ sự cố chấp của chúng ta, tự tánh của mọi vật lúc nầy sẽ hiện diện trong khía cạnh chân thực. Đại thừa sẵn sàng đương đầu những vấn đề được coi là đích thực của sự sống và giải quyết theo đạo lý Như thật (Yathabutam).

Ở đây chúng ta cũng cần nhớ lại câu thơ lừng danh của Bàng Uẩn

  “Thần thông tịnh diệu dụng
    Vận thủy cập ban sài”
    Này thần thông! Nàu diệu dụng!
    Ta gánh nước, ta đốn củi.

“Bồ-tát luôn luôn bận rộn với hạnh lợi tha, có khi trải rộng mình ra khắp cả vũ trụ, có khi xuất hiện trong một nẻo luân hồi nào đó… có khi kính lễ  và cúng dường chư Phật trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Bồ-tát hoàn toàn tự tại trong các cuộc vận động nầy” (Thiền luận –Suzuky tập hạ). Từ đó chúng ta phải thấy được xã hội là nơi thể hiện lý tưởng của Bồ-tát mà mỗi Tăng Ni đều phải lập nguyện.

Từ mục đích và lý tưởng Bồ-tát có tính cách chung các nhà giáo dục Phật giáo rút ra xây dựng mục tiêu giáo dục đào tạo cho từng cấp bậc tu chứng, từng hệ phái , từng bậc học cho giới xuất gia và tại gia. Cụ thể cho các trường Phật giáo: Sơ, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học, các lớp đào tạo cho Gia đình Phật tử. Nói một cách tổng quát qua các cấp độ vĩ mô (Phản ánh yêu cầu của xã hội đối với toàn hệ thống giáo dục đào tạo của Phật giáo) và vi mô (từng hệ phái, từng bậc học, từng loại hình của trường học, Học viện Phật giáo VN…v…) thường dùng khái niệm mục tiêu giáo dục.

Ở góc độ quản lý, giáo dục đào tạo những yêu cầu thể hiện trong mục đích giáo dục chính là các chuẩn mực bao hàm các giá trị về tu chứng, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ mà xã hội cũng như thời đại đặt ra đòi phải giải quyết được thể chế hóa qua các văn bản pháp quy đối với giáo dục.

Mỗi người với tư cách cá nhân trong quá trình học tập luôn luôn ý thức được mục tiêu cụ thể mà mình cần đạt tới trong mối tương quan chặt chẽ với sự tiến bộ và phát triển xã hội. Đây có thể được xem là sự biểu hiện sinh động cụ thể về mục tiêu giáo dục đào tạo ở góc độ cá nhân.

Mục đích giáo dục đào tạo phải phản ảnh yêu cầu của xã hội, của thời đại và mô hình nhân cách tu tập phục vụ có hiệu quả thiết thực mà Giáo hội và xã hội mong đợi, đòi hỏi ở hoạt động giáo dục đào tạo. Đó chính là tính dự báo , tính chất lý tưởng và tính định hướng của mục đích giáo dục đào tạo đối với hoạt động thực tiển.

III.Mô hình giáo dục đào tạo Tăng Ni-phát triển nguồn nhân lực cho Giáo hội:

Trước khi đi vào chiến lược của sự nghiệp giáo dục đào tạo hiện nay của Giáo hội, chúng ta thử nhìn lại một đoạn đường giáo dục- phát triển nguồn nhân lực của Giáo hội từ 1930-1954

* Ở Nam kỳ, năm 1931 Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học được thành lập và ba năm sau ngày 13.8.1934 Hội Lưỡng Xuyên Phật học được chính thức thành lập. Phật học đường Lưỡng Xuyên được tổ chức, khai giảng ngày cuối năm 1934 Đốc giáo do Hòa Thượng Thích Khánh Hòa. Trường thu nhận Tăng và Ni sinh (Ni sinh được học riêng lớp).

* Ở Trung kỳ: Năm 1932 Hội An Nam Phật học được thành lập

Năm 1933: Thiền sư Mật Khế mở trường Tiểu học Phật học tại chùa Vạn Phước, đến
Năm 1936 chuyển về chùa Báo Quốc Huế.
Năm 1934 Thiền sư Giác Tiên và Thiền sư Mật Khế tổ chức trường An Nam Phật học tại chùa Trúc Lâm thu nhận 50 học Tăng; Cuối năm nầy trường được nâng lên cấp Đại học Phật giáo.

Chương trình Phật học đầu tiên của trường An Nam Phật học gồm: 2 cấp ( kể từ 1934)

  – Tiểu học:   5 năm
  – Đại học :   5 năm
  – Tham cứu: 5 năm

Tốt nghiệp Tiểu học , học Tăng được thọ Sadi giới.

Tốt nghiệp Đại học học tăng được thọ Tỷ kheo giới. (Viên Âm số 8 Năm 3-1934)

Đến năm 1944 chương trình được thay đổi gồm:

  – Sơ đẳng :        2 năm
  – Trung đẳng:    2 năm
  – Cao đẳng:       2 năm

Đặc biệt có các điều quy định cho thi tuyển sinh

  – Đậu sơ học Pháp Việt.
  – Biết đọc và biết viết chữ Hán.
  – Quốc ngữ phải thông thạo. Có thể dịch một bài Kinh, Luận từ chữ Hán ra Quốc ngữ và một vài câu quốc văn ra chữ Hán.

Năm 1943 Trường An Nam Phật học thi tốt nghiệp 6/50 học tăng đủ điểm, 4 vị khác đủ điểm thi viết nhưng thiếu điểm thi phỏng vấn.

Trường Ni học được khai giảng lần đầu tại chùa Từ Đàm năm 1932 do Ni Sư Diệu Hương làm Giám đốc.

* Ở Bắc kỳ: Bắc kỳ Phật giáo hội được thành lập năm 1934.

 – Tăng học đường tại chùa Quán Sứ (Cấp Trung học)
 – Trường Phật học tại chùa Bồ-Đề (Sau dành cho Ni)
 – Lớp Đại học ở chùa Bằng Sở ở Thái Hà Hà Đông khai giảng năm 1936 do Thiền sư Trung Thứ làm Đốc giáo.
 – Lớp Tiểu học tại chùa Cao Phong ở Phúc Yên và chùa Côn Sơn ở Hải Dương.

Chương trình

 – Tiểu học :    4 năm
 – Trung học:  3 năm
 – Đại học:      3 năm
 – Bác học Cao đẳng ( 5 năm nghiên cứu)

Điều kiện để vào trường:

 – Tiểu học: Tuổi từ 13 đến 20 tuổi. Thuộc lòng  2 thời khóa tụng của Thiền môn và các Văn sám nguyện khác.
 – Trung học : tuổi từ 20 đến 30 tuổi.
 – Đại học: Không hạn tuổi tác.
(Việt Nam Phật giáo sử luận- Nguyễn Lang trang 151-152 xuất bản 1985)

*Giai đoạn từ 1954-1975

Dõi theo từng bước đi trong việc giáo dục đào tạo Tăng Ni của Giáo hội cho việc kế thừa chúng ta ai cũng thấy được tinh thần cao cả, lo lắng cho hậu thế, cho sự tồn tại và phát triển của Giáo hội. Hiện nay,Giáo hội đã có một nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng không đồng bộ về việc phát triển, về sử dụng, bố trí về nuôi dưỡng môi trường. Giáo hội cần có bộ phận tham mưu nghiên cứu trong việc tổ chức quản lý nguồn nhân lực Tăng Ni.

Hiệp định Paris 1954 tạm chia đất nước thành 2 miền  và theo hiệp định 1956 sẽ có cuộc Tổng tuyển cử thống nhất nhưng mãi đến năm 1975 mới được thống nhất, nền giáo dục đào tạo Tăng Ni của Giáo hội lúc này vẫn được tổ chức và phát triển theo với đà sử dụng nguồn nhân lực của Giáo hội.

Trong giai đoạn nầy “Các Phật học Viện có trọng trách đào tạo các Tăng Ni sinh đủ khả năng về trí thức và đức hạnh cũng như cách xử thế để sau này đảm nhiệm trọng trách truyền bá Chánh pháp và hóa độ chúng sanh.

Phật học Viện thuộc Tổng vụ Văn hóa Giáo dục GHPGVNTN được tổ chức”

• Sơ đẳng Phật học Viện
• Trung đẳng Phật học Viện
• Cao đẳng Phật học Viện

Các Phật học Viện đều thống nhất nguyên tắc: Nội điển là căn bản của nền giáo dục tại Phật học Viện.

• Sơ đẳng Phật học Viện:  3 năm
• Trung đẳng Phật học Viện: có 2 cấp học
  – Cấp Trung Đẳng I : gồm 4 năm
  – Cấp Trung Đẳng II:         3 năm
  ( Chia làm 2 Ban Chuyên khoa và phổ thông)
• Cấp Trung Đẳng I
  – Nội điển: 288 giờ/năm; riêng năm IV 216 giờ/năm
  – Ngoại điển: Từ Đệ Thất đến hết Đệ Tứ- bậc Trung học Đệ I cấp (bắt buộc)
• Cấp Trung Đẳng II Ban Phổ thông
  – Nội điển: 288 giờ/năm
  – Ngoại điển: Các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất bậc Trung học Đệ Nhị cấp (Lớp Đệ Nhất không bắt buộc)
• Cấp Trung Đẳng II Ban Chuyên khoa
  – Nội điển: 720 giờ/năm
  – Ngoại điển: Sinh ngữ, Cổ ngữ, kiến thức tổng quát.
• Cao Đẳng Phật học Viện: Có 2 cấp học
  a. Cử Nhân Phật pháp:  4 năm
  b. Tiến sĩ Phật pháp:     4 năm
   ( Cao học : 2 năm, Tiến sĩ :   Tối thiểu 2 năm)

Ngoài ra, có các lớp huấn luyện Quản trị Già Lam và Sư phạm Phật học.

• Lớp Quản trị Già Lam cấp 1 ( 6 tháng): mở tại Trung Đẳng Phật học Viện cấp II.
           Đào tạo trú trì, các cấp điều khiển Giáo hội ở cấp Xả và Huyện.
• Lớp Sư phạm Phật học cấp I ( 1 năm) tại Cao Đăng Phật học Viện.
           Đào tạo giáo thọ nội điển cho các Phật học Viện cấp Trung Đẳng I, giáo sư dạy giáo lý cho các trường Bồ-Đề và tín đồ Phật giáo.
• Lớp Sư phạm Phật học cấp II ( 1 năm )
           Đào tạo giáo thọ nội điển cho các Phật học Viện cấp Trung Đẳng II, giáo sư giảng dạy cho các Trường Bồ-Đề và tín đồ.
• Lớp Quản trị Già Lam cấp 2 ( 1 năm ) do Cao Đẳng Phật học Viện mở.
           Đào tạo trú trì, các cấp điều khiển Giáo hội Cấp Tỉnh, Miền.
 (Căn cứ quy chế tổ chức đào tạo của Giáo hội – Tổng Vụ Văn hóa Giáo dục)

Thời điểm này có 18 Phật học Viện trong toàn Miền Nam, có 2 Phật học Viện Trung Đẳng II Phổ thông: Phật học Viện Báo Quốc tại Huế do Hòa Thượng Thích Trí Thủ làm Giám Viện, và Phật học Viện Giác Nguyên ở Sài Gòn do Hòa Thượng Thích Thiện Tường làm Giám Viện và 1 Phật học Viện Huệ Nghiêm Trung Đẳng II chuyên khoa do Thượng Tọa Thích Bửu Huệ làm Giám Viện, còn lại là Phật học Viện Trung Đẳng I gồm 13 phổ thông và 1 chuyên khoa, 1 của Nam Tông.

Từ đây chúng ta thấy các Phật học Viện nhắm đến hướng hội nhập với thế giới với xã hội đa số hơn và việc sử dụng nguồn nhân lực phong phú hơn.

Ngoài ra, còn phải kể đến hệ thống giáo dục đào tạo cho thế hệ trẻ  của dân chúng trong đó có Tăng Ni của các Phật học Viện theo học.
 – Trung học: 38 Trường Bồ-Đề Đệ I cấp.
    20 Trường Bồ-Đề Đệ II cấp.
        Gồm 566 lớp, 36.462 học sinh.
 – Tiểu học :   70 Trường
    Gồm 486 lớp, 29.249 học sinh
 – Mẫu giáo và Sơ cấp: 30 Trường
    Có 91 lớp 5.290 học sinh.
 ( chưa kể Trường Trung học Bồ-Đề Sài Gòn và Bình Dương)

 Đó cũng chưa kể đến Viện Đại học Vạn Hạnh có 6 phân khoa: Phật học, văn học và khoa học Nhân văn, khoa học xã hội, Giáo dục, Khoa học ứng dụng.

 Và 2 bậc học: Cử Nhân và Cao học.

(Phúc trình của Viện Đại học Vạn Hạnh trong Đại hội Giáo dục Phật giáo kỳ IV -1974)

• Giai đoạn từ năm 1975 đến nay

Sau ngày thống nhất cả nước năm 1975, 6 năm sau Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo VN được diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ 04.11.1981 đến hết 07.11.1981.

Đại hội đã thỉnh cử Hội Đồng Chứng minh và suy cử Hội Đồng Trị sự TWGHPGVN. Các ngành hoạt động của Giáo hội có 9 Ban và 1 Viện Nghiên cứu Phật học VN trong đó có Ban Giáo dục Tăng Ni.

Mục đích của Ban Giáo dục Tăng Ni là hoạt động giáo dục đào tạo Tăng Ni thế hệ trẻ đáp ứng yêu cầu của Giáo hội có kiến thức về Phật học về văn hóa, khoa học xã hội v.v… có đức hạnh để tinh tiến trong tu học, đồng thời đảm trách công cuộc truyền bá Phật pháp phục vụ lợi ích nhân sinh. (Nội quy Ban GDTNTW)

Giáo dục đào tạo Tăng Ni – Nguồn nhân lực qua hệ thống

1. Sơ cấp Phật học       : 2 năm
2. Trung cấp Phật học  : có 2 cấp
 – Cấp I : 4 năm (tương đương các lớp 6,7,8,9 phổ thông-bổ túc trung học)
 – Cấp II: 3 năm (tương đương các lớp 10, 11, 12 phổ thông- bổ túc trung học hiện nay Trung cấp Phật học : 4 năm (tương đương 9,10,11,12)
3. Cao đẳng Phật học: 3 năm
4. Học viện Phật giáo Việt Nam ( Đại học): 4 năm
 Tăng Ni sinh Tốt nghiệp được cấp Bằng Cử Nhân Phật học và học viên đang chuẩn bị hậu Đại học-Cao học.
Học Viện đang dần dần từng bước từ niên chế sang hệ Tín chỉ bắt gặp về mặt tổ chức với các Đại học khác.
5. Hệ Cao đẳng chuyên khoa:  2 năm
• Ngành đào tạo Giảng viên cho Trường TCPH
• Ngành đào tạo Giảng viên hướng dẫn Giáo lý.
• Ngành đào tạo Chuyên viên hành chính quản trị.
• Ngành đào tạo trú trì cho các Tự viện
Chương trình
 Năm thứ I (chung cho các chuyên ngành)
 A.Giáo lý căn bản
 B. Văn hóa đại chương
 Năm thứ II (chuyên ngành)
o Chuyên ngành Sư phạm
o Chuyên ngành Hoằng pháp
o Chuyên ngành Hành chính Quản trị
o Chuyên ngành đào tạo Trú trì
         * Điều kiện vào Trung cấp Phật học hiện nay
• Ở chùa từ 2 năm trở lên, thuộc 2 quyển Luật Tiểu, hai thời Công phu. Có trình độ văn hóa từ lớp 9 trở lên
• Thông qua kỳ thi tuyển
• Tuổi
* Điều kiện vào Học Viện PGVN
• Tốt nghiệp Trung cấp Phật học, Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hệ Phổ thông hoặc hệ Giáo dục thường xuyên)
• Đã thọ Giới Sadi và không quá 30 tuổi.
 Hiện nay cả nước đã có một hệ thống Trường từ Sơ cấp-Trung cấp-Cao đẳng-Học Viện Phật giáo Việt Nam tương đối ổn định và phát triển về sự nghiệp Giáo dục đào tạo-Về nguồn nhân lực-cho Giáo hội.
 Căn cứ Báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI nhiệm kỳ 2007-2012.
 + Về Sơ cấp có 2000 Tăng Ni sinh đã Tốt nghiệp và 1500 Tăng Ni sinh đang theo học.
 + Về Trung cấp có 28 Trường có mặt khắp cả nước chỉ tính trong nhiệm kỳ V, từ năm học 2002-2007 đã có 3339 Tăng Ni sinh Tốt nghiệp và 2333 Tăng Ni sinh đang được đào tạo.
 + Về Học viện Phật giáo Việt Nam có 4 Học Viện.
 Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
 Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế
 Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
 Học Viện Phật giáo Việt Nam Nam Tông Khơmer tại Cần Thơ

Trong nhiệm kỳ V, các Học Viện đã có 711Tăng Ni sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân Phật học và đang đào tạo 2336 tại các Học Viện Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Học Viện Phật giáo Nam Tông Khơ Me tại Cần Thơ.

Điểm đáng lưu ý, trong những năm qua, các Tăng Ni sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân Phật học tại các Học Viện được du học tại các nước Ấn Độ ( 30 vị);Thái Lan (10 vị) Myanmar (10 vị) Đài Loan (119 vị), Trung Quốc (9 vị), Hàn Quốc (1 vị), Nhật Bản (3 vị), đồng thời hiện có 65 Tăng Ni học Tiến sĩ và Phó Tiến sĩ Phật học.

Hiện nay, có trên 50 Tăng Ni đã hoàn thành chương trình và đã tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ về nước và đang cùng Giáo hội chung lo Phật sự ở Trung ương và địa phương. (Theo Kỷ yếu Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI- Nhiệm kỳ 2007-2012)

Nhằm giúp việc sử dụng nguồn nhân lực, nuôi dưỡng môi trường nguồn nhân lực có hiệu quả thiết thực hiệu quả hơn, Ban Giáo dục Tăng Ni TW đã tổ chức khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Sư phạm Phật giáo từ ngày 25.8 đến hết 1.9.2006 và một số năm gần đây.

Nhìn chung việc giáo dục đào tạo Tăng Ni kế thừa được các cấp Giáo hội quan tâm.

Riêng đối với Tỉnh Thừa Thiên Huế chúng ta hiện nay có Học Viện PGVN tại Huế có khoảng 200 Tăng Ni sinh viên đang theo học các khóa V và VI (2009-2013 và 2011-2015).

Và Trường Trung cấp Phật học có 240 Tăng Ni sinh và Sơ cấp 152 TNS. Tổng cọng 392 Tăng Ni sinh.

Trường gồm 2 hệ đào tạo: hệ Phật học và hệ Thế học, hệ Thế học gồm các lớp 10,11 và 12 gồm 140 Tăng Ni sinh.

Hiện nay còn rất ít Trường duy trì hệ thế học, chỉ còn ở Thừa Thiên Huế và một vài Tỉnh, Thành lớn.

Tóm lại, việc phát triển nguồn nhân lực, sử dụng nguồn nhân lực và nuôi dưỡng môi trường nguồn nhân lực – giáo dục đào tạo Tăng tài kế thừa – có chiều hướng phát triển rất lớn. Điều chúng ta cần lưu tâm; tiến đến thống nhất chương trình giảng dạy, đặc biệt hệ tín chỉ giúp cho Tăng Ni sinh viên có tinh thần tự học nhiều hơn, kết quả chắc có hiệu lực nhiều hơn.

Ngày nay, đất nước đang đi vào xu thế hội nhập, Giáo hội cũng cần có Trường Đại học Dân lập, để Tăng Ni sinh theo học tạo thêm kháng tố trước những bước phát triển mới của xã hội.

Trong mô hình giáo dục đào tạo, chúng ta cũng cần lưu tâm về giáo pháp ngũ minh, lấy nội minh là chủ yếu nhưng phải xem y phương minh, công xảo minh, thanh minh, nhân minh là quan trọng và nên đầu tư nhiều về y phương minh, công xảo minh mới phát huy một cách lâu dài cho tổ chức và xã hội.

Phần kết: Dõi theo từng bước đi trong việc giáo dục đào tạo Tăng Ni của Giáo hội cho việc kế thừa chúng ta ai cũng thấy được tinh thần cao cả, lo lắng cho hậu thế, cho sự tồn tại và phát triển của Giáo hội. Hiện nay,Giáo hội đã có một nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng không đồng bộ về việc phát triển, về sử dụng, bố trí về nuôi dưỡng môi trường. Giáo hội cần có bộ phận tham mưu nghiên cứu trong việc tổ chức quản lý nguồn nhân lực Tăng Ni.

Là Tăng Ni phải lấy nội minh làm chủ yếu trong lúc tu học cũng như lúc hành sự, nhưng phải hướng dẫn Tăng Ni trong sự nghiệp đặc biệt về y phương minh, công xảo minh để góp phần ổn định và phát triển cho tổ chức Giáo hội nhất là tại Tỉnh nhà đang thực hiện công cuộc đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phồ trực thuộc Trung ương và cả nước đang hướng về xây dựng nông thôn mới.

HT. T.Đ.T
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here