Tại chùa Munirănsây, sau 6g tối khi cầu kinh xong các tăng sinh lại vội ôn bài, theo qui định của chùa phải xong trước 11g đêm. Trong khi là người tu hành, các sư chỉ được ăn cơm mỗi ngày hai bữa trước giờ ngọ, còn từ 12g trưa đến sáng hôm sau phải nhịn.
Vừa đến nơi tá túc, sư Danh Tú Thành, 20 tuổi, được chùa Munirănsây bố trí cho ở chung với các HS khác trong một phòng nhỏ chứa đầy sách vở. Trong lúc các bạn dùng cơm chiều thì sư vẫn lầm bầm ôn bài. Tu hành chay tịnh đạm bạc nhưng các tăng sinh vẫn tràn đầy đức tin lòng thành. Có bạn tò mò hỏi các sư sẽ cầu khẩn gì cho kỳ thi này, sư Thành nhìn các tăng sinh đồng môn nhoẻn cười: “Đi thi ai cũng mong điều tốt đến với mình”. Sư Sa Di, một tăng sinh ở Kiên Giang, khiêm tốn nói: “ĐH quá rộng, còn kiến thức của mình có hạn nhưng chúng tôi quyết tâm không buông xuôi”.
Sư Thành, sư Sa Di còn là đoàn viên cùng với 10 sư khác ở chùa Sóc Xoài lên Cần Thơ thi ĐH năm nay. Trước khi đi thi các sư được đại đức trụ trì chùa và bà con phum sóc gửi gắm niềm tin rất lớn. Năm nào chùa Sóc Xoài cũng có thí sinh được xét tuyển đậu ĐH. Truyền thống là vậy nên Sư Thành và các tăng sinh tự tổ chức cùng nhau ôn luyện kiến thức thi cử và chăm luyện, không bê trễ việc cầu kinh.
Thượng tọa Lý Hùng – chùa Viễn Quang, nằm trong chợ P.An Cư, Q.Ninh Kiều – cho biết hàng chục năm nay chùa luôn là nơi cưu mang các sĩ tử nghèo, không chỉ tổ chức đưa đón chặt chẽ con em người Khơme và các tăng sinh mà còn ổn định tinh thần, không để các đệ tử âu lo. Chùa đã bố trí chỗ ăn ở cho khoảng 50 HS, tăng sinh ăn nghỉ, thành lập tổ các sinh viên người dân tộc từng tá túc ở chùa hướng dẫn đưa đón thí sinh đến các hội đồng thi.
Quang Vinh