Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Tăng Ni thế hệ trẻ với vấn đề "thiểu dục tri túc"

Tăng Ni thế hệ trẻ với vấn đề "thiểu dục tri túc"

124
0

Cứ như thế con người mãi luẫn quẩn trong dục vọng đau thương. Niềm vui ngắn ngủi, mong manh mà khổ đau của cuộc đời thì miên man bất tận. Chỉ có con đường xa lìa những ham muốn tầm thường nhỏ hẹp đó mới làm thăng hoa tâm hồn con người, khiến chúng ta đạt đến hạnh phúc cao thượng, chân thật, đó là con đường cao quí! “xuất gia học đạo”.

Tuy vậy, cách đức Phật tại thế quá xa, khoa học kỷ thuật ngày càng phát triển, lao động máy móc dần thay thế lao động chân tay, thời đại công nghệ thông tin vượt bậc, vật chất sung túc…liệu lời dạy của đức Phật về ý nghĩa “tam thường bất túc” còn có giá trị nữa hay không đối với thế hệ Tăng Ni trẻ trong thời đại hội nhập này? Chúng ta cùng tìm hiểu.

Cùng với sự hội nhập và phát triển của thời  đại, con người tiến đến nền văn minh khoa học càng nhiều, hưởng thụ vật chất càng cao lên một bậc thì đạo đức con người lại giảm xuống một bậc! Vì sao? Quan niệm việc kiếm tiền và tạo ra của cải là mục tiêu hàng đầu của cuộc sống, con người trở nên tham lam hơn, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích cá nhân, vì thế lòng tham một khi được thỏa mãn cũng có nghĩa con người đã sa vào hố sâu của tội lỗi, gây tạo vô số nghiệp bất thiện.

Chúng ta đều biết rằng nghèo đói đưa đến bất hạnh nhưng chưa hẳn người giàu đều có được sung sướng, hạnh phúc. Nếu tự xem mình là người giàu có, cuộc sống của bạn sẽ càng lúc càng đầy đủ hơn. Giàu có không có nghĩa là đầy đủ về vật chất mà còn có những thứ khác ngoài tiền bạc và của cải, đó là tình yêu thương, tinh thần vị tha, bao dung, sự khiêm hạ, kính trọng, thán phục, tình bạn chân thành và cả trí tuệ diệt khổ…

Đối với người xuất gia chư Tổ đã từng dạy: phải phát tâm chí vượt bậc “xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần, việc ăn, mặc, ngủ nên thường biết lượng và biết đủ, “tam thường bất túc”. Ngày nay, do say đắm trong ngũ dục, nó sẽ sai sử chúng ta mất đi bản chất chân thật. Nếu không có tinh thần phản tỉnh, chúng ta sớm muộn gì cũng rơi vào hưởng thụ và tham đắm vật chất, càng đắm trước tâm hồn càng bị nhiểm ô, tham sân si càng tăng trưởng thêm. Ngày xưa, phương tiện là giải thoát vì thế đức Phật và chư Tổ thanh bần mà lạc đạo, hạ thủ công phu, tinh cần giới luật, đầu tư trí tuệ và đi sâu thiền định, tìm rõ con đường diệt khổ. Ngày nay, phương tiện là cứu cánh, chúng ta càng nhiều vật chất bao nhiêu thì lại thiếu may mắn bấy nhiêu, không có cơ hội cọ sát với tinh thần “thiểu dục tri túc”, trưởng dưỡng đạo tâm, xoay lại chính mình ngõ hầu đạt được hạnh phúc chân thật. Đức Phật đã nhập diệt, pháp chỉ còn trong kinh điển, sách vở lưu truyền…và tăng chính là diện mạo của Phật pháp, niềm tin vào đạo cho chúng sanh. Nếu “Tăng” không sống với Phật pháp, thực hành hạnh Phật thì làm sao khuyến khích họ phát Bồ Đề tâm, hướng họ vào đạo được .

Có  nên hay chăng thế hệ Tăng Ni trẻ hiện nay tiếp xúc với nhu cầu công nghệ thông tin quá sớm và phung phí: việc sử dụng điện thoại di động, phương tiện đi lại xe cộ hợp thời, tiện nghi sinh hoạt, máy thu âm, chụp hình, laptop, máy nghe nhạc, truyền hình cáp…Bản thân phương tiện không có tội, lỗi là do tâm niệm của người dùng. Hàng loạt các hậu quả đáng tiếc đã xẩy ra và người gánh trách nhiệm không chỉ bản thân Tăng Ni mà còn ảnh hưởng đên quý Ân sư, Thầy tổ như: bỏ học, hành động thô lỗ, thiếu tôn trọng người khác…nghiêm trọng nhất vẫn là rời bỏ thiền môn, hoàn tục, chấm dứt con đường xuất gia cao quý.

Khi sử dụng phương tiện chúng ta nên cần biết đủ và tự cảnh tỉnh rằng: thật sự là cần những phương tiện ấy không, khi cương vị của chúng ta là “điệu” và “chú” đang tu tập, tập sửa mình, việc chính yếu đó là:

            “Nội cần khắc niệm chi công

             Ngoại hằng bất tránh chi đức”

                                       (Tổ Quy Sơn dạy)

Trong phải siêng năng hạ  thủ công phu tu tập, sàng lọc các cặn bã của ngoại duyên để tiếp nhận những tinh hoa đang dàn trải quanh mình, mở rộng tình thương sống bao dung hơn…Ngoài thì học hạnh nhẫn nhục, cố gắng vượt qua mọi khó khăn thử thách, coi đó là điều kiện căn bản cần có trong cuộc sống. Việc gì cũng trãi qua gian lao khi đó kết quả thành công mới vinh hiển và chúng ta không quên rằng “Đạo đức là gốc con người”. Chính rễ sâu bền mới cho nhiều hoa thơm trái ngọt. Đó là những tư lương cần thiết trong cuộc đời người tu sĩ cần vun bồi để làm hành trang, thềm bậc cho những bậc thang tiếp theo. Khi đó, mục đích lợi tha-hoằng truyền chánh pháp sẽ được phát huy, lợi lạc cho tha nhân nhiều hơn.

Thế  hệ Tăng Ni trẻ ngày nay cần xác định cho mình một phương pháp đúng đắn, thích hợp trên bước đường tu tập. Pháp môn có vô lượng nhưng thâu tóm trong Giới-Định-Tuệ con đường đạt đến trí tuệ vô lậu được thể hiện ở ba phương diện Văn-Tư-Tu. Văn tuệ là trí tuệ đạt được do nghiên cứu, đàm luận giáo lý Phật giáo. Sự hiểu biết do tư duy đó chính là Tư tuệ, còn trí tuệ đạt được sau khi học tập và thực hành đã trọn vẹn chính nghĩa là tu tuệ. Ngoài ra, cũng cần những trợ duyên tác động không nhỏ như: ý chí kiên cường, thái độ học tập nghiêm túc, tôn trọng bản thân, cần biết lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ nhũng bậc đáng kính, thiện hữu tri thức. Có tâm tha thiết mong cầu trao đổi kiến thức Phật pháp để làm hành trang sửa đổi tự thân, có nội lực để chuyển hóa khổ đau, đem lại hạnh phúc cho mình và người khác trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

“Nhất thốn quang âm nhất thốn kim” (Cổ đức dạy) “Mỗi phút dây là vàng”, tận dụng sức lực tuổi trẻ thời gian để học tập. Người tu sĩ thời nay, Phật học cũng như thế học đều càng được đầu tư. Tuy nhiên cần lưu ý kiến thức thế học chỉ là phương tiện nhập thế, khả dĩ kết hợp cùng sự thông đạt Phật pháp là phương tiện hầu mong vực dậy sự sa sút tâm linh, chứ không phải là mục tiêu cứu cánh.

Tăng Ni trẻ chính là nguồn hy vọng của các bậc tôn túc, mong mỏi sẽ là những sường cột cho Phật pháp, tương lai tiếp nối con thuyền Bát Nhã đưa chúng sanh vượt qua biển mê đến bờ giác ngộ, đạt được cuộc sống an vui hạnh phúc.

Nếu mỗi hành giả không có “bản giác trí” thì  làm sao chuyển hóa chúng sanh. Phật pháp tàn không phải do môi trường, hoàn cảnh điều kiện bên ngoài tác động mà chính nơi ý niệm của Tăng Ni trẻ: “Sư tử trùng trung thực sư tử nhục”. Khổng Tử cũng dạy: “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Trước hết tự bản thân Tăng Ni trẻ phải nhận thức rõ mình là ai, nhiệm vụ và trách nhiệm mình như thế nào để định hướng cho con đường mình đang bước, sẽ bước và tiếp tục tiến. Con đường ấy sẽ có chất liệu của tinh thần từ bi, tình thương rộng mở và có ánh sáng của chánh kiến soi dẫn. Có trạch pháp chúng ta mới biết rõ đường nào đưa đến an lạc, đường nào dẫn đến khổ đau. Cùng nhau cố gắng học và hành, cả phước huệ cùng tu vì rằng “tuệ giác là hoa trái của công phu tu học chứ không phải là của kiến thức chứa góp”. Phải tự mình nỗ lực cải đổi, xoay lại chính mình, chân thật hành thiện. Chúng ta sẽ trải nghiệm được những bài học quý và bổ ích sau những lần vấp ngã: “Có đau thương thì mới trân quý và nuôi dưỡng hạnh phúc, có khó khăn thì mới có cơ hội đánh giá bản thân: hoặc chạy trốn, hoặc lánh mặt, hoặc tìm hướng khắc phục nó…”

Chúng ta phải luôn mang tâm niệm của Đại Bồ Tát, hành Bồ Tát hạnh: sống và cống hiến tất cả  những gì đang có. Quy luật nhân-quả rất công bằng, có thể sự cho đi và nhận lại không gống nhau về hình thức nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đáp trả dưới một hình thức khác, trong đời này hoặc đời sau. Tất cả hạnh phúc hay khổ đau đều hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của chính chúng ta tạo nên. Hy vọng Tăng Ni trẻ ra sức mình cố gắng gieo nhân thiện, nhân lành để gặt những quả ngọt, để hương luôn tỏa ngát làm đẹp cho đời.

“Con xin nguyện làm viên gạch nhỏ

Đắp xây nền đạo pháp thế gian

Cố phát huy truyền thống đạo vàng

Tô điểm trần gian này thêm đẹp”.

Lê Thị Mỹ Linh

(Ni Sinh lớp B1- Trường TCPH Báo Quốc)

 

Ban Biên tập web site lieuquanhue.vn rất mong nhận được thư từ, bài, ảnh của chư Tăng Ni sinh và Phật tử trẻ gởi về chia sẻ những suy nghĩ, những ưu tư của mình qua địa chỉ Email [email protected] hoặc [email protected]

  

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here