Tháng 3.2001, chính quyền Taliban dùng thuốc nổ đánh sập cả hai pho tượng Phật cổ trước sự bất lực của cả thế giới.
Thăng trầm 2 tượng Phật 1.500 năm tuổi
Được khắc sâu vào núi đá ở Bamiyan, miền Trung Afghanistan từ năm 507 đến 554, một bức tượng cao 53 m, bức kia cao 38 m là biểu tượng cho phong cách điêu khắc pha trộn cổ điển của nghệ thuật Gandhara (nền nghệ thuật được trộn lẫn giữa sự tinh tế của phương Tây và nét hài hòa của phương Đông, đặc biệt là nghệ thuật Phật giáo).
Ban đầu 2 pho tượng được chạm khắc sơ bộ vào đá. Sau đó một hỗn hợp đất sét, rơm và lông đuôi ngựa đắp thành trang phục rồi tô màu lên. Nhờ khí hậu nóng và khô ở Afghanistan cộng với độ sâu của hốc đá đã giúp bảo vệ 2 pho tượng qua nhiều thế kỷ. Hai pho tượng nằm trong số các pho tượng và quần thể quang cảnh văn hóa tàn tích khảo cổ tại thung lũng Bamiyan được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Năm 1221, Thành Cát Tư Hãn mang đại họa khủng khiếp đến Bamiyan nhưng rất may ông không đụng đến các pho tượng cổ tại đây. Sau đó Hoàng đế Mogul Aurangzeb rồi vua Ba Tư vào thế kỷ 18 là Nader Afshar đã dùng pháo để phá hủy các bức tượng. Vua Afghanistan trị vì cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 Abdur Rahman Khan trong một chiến dịch chống lại người Shia Hazara đã lệnh cho quân lính nã pháo vào bức tượng khiến gương mặt tượng bị hỏng.
Tội ác chống lại nền văn hóa của cả loài người
Ngay khi nắm quyền kiểm soát thung lũng Bamiyan năm 1997, Abdul Wahed, một chỉ huy cao cấp của Taliban, đã gửi thông báo rằng trước sau gì họ cũng sẽ phá hủy các tượng Phật. Ngày 2.3.2001, lãnh đạo Taliban Mullah Mohammed Omar ra lệnh đặt chất nổ vào 2 pho tượng để phản đối việc quốc tế viện trợ tiền bạc để duy tu, bảo trì 2 bức tượng quý trong khi dân chúng Afghanistan đói khổ.
Trả lời phỏng vấn báo giới, Omar nói: “Tôi không muốn tiêu diệt các tượng Phật ở Bamiyan nhưng sau khi một số người nước ngoài đến gặp tôi và cho biết họ muốn tiến hành công việc sửa chữa chúng do hư hại vì mưa gió tôi thật sự bị sốc. Tôi nghĩ họ thật nhẫn tâm khi chẳng quan tâm đến những người Afghanistan đang chết đói mà lại lo cho các bức tượng Phật, một đối tượng không có sự sống. Điều này là cực kỳ tồi tệ và tôi đã ra lệnh phá hủy chúng”.
Ban đầu, các binh lính Taliban đã dùng súng phòng không và cả pháo binh nã liên tục vào 2 bức tượng gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng không thể phá hủy hoàn toàn.
Sau đó, Taliban phải đặt mìn chống tăng phía dưới chân tượng tạo lỗ hổng, sau đó các chiến binh đu mình trên vách núi để đặt mìn vào các lỗ hổng trên thân tượng. Cuối cùng, một tên lửa được sử dụng để phá hủy hoàn toàn phần đầu tượng.
Ngày 6.3.2001, báo The Times (Anh) dẫn lời Mullah Mohammed Omar cho biết: “Người Hồi giáo nên tự hào về việc đập bỏ các bức tượng Phật”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) ngày 13.3.2001, Bộ trưởng Ngoại giao Taliban Wakil Ahmad Mutawakel cho biết việc hủy diệt các pho tượng này như một sự trả đũa, chống lại cộng đồng quốc tế đã ban hành lệnh trừng phạt kinh tế. “Chúng tôi đang phá hủy các bức tượng theo luật Hồi giáo và đó hoàn toàn là vấn đề tôn giáo”, Wakil Ahmad Mutawakel xác nhận.
Tổng giám đốc UNESCO lúc đó là Koichiro Matsuura đã gọi sự hủy diệt này là: “Một tội ác chống lại nền văn hóa của cả loài người. Thật khả ố để tàn phá lạnh lùng và tính toán các tài sản văn hóa đó – những di sản của người dân Afghanistan và thực tế là của toàn thể nhân loại”.
Cam kết xây dựng lại các bức tượng
Chính phủ Nhật Bản, Thụy Sĩ cùng nhiều quốc gia khác đã cam kết xây dựng lại các bức tượng Phật bị Taliban phá hủy.
Tháng 5.2002, một bức tượng Phật gần giống với bức tượng ở Bamiyan được chạm khắc trên ngọn núi ở Sri Lanka. Từ mùa hè năm 2006, chính phủ Afghanistan đã quyết định xây lại các bức tượng nhưng chưa thống nhất thời điểm.
Để chờ quyết định, UNESCO đã tài trợ dự án 1,3 triệu USD để thu thập, phân loại các khối đất sét, thạch cao và những tảng đá hàng tấn của các bức tượng bị vỡ vụn. Tháng 3.2011, tại Paris (Pháp), nhóm chuyên gia UNESCO đã có cuộc thảo luận về số phận 2 bức tượng ở Bamiyan. Theo tính toán, các mảnh vỡ của tượng Phật sẽ được ráp nối lại bằng việc sử dụng hợp chất silicon. Tuy nhiên, nhà hoạt động nhân quyền Abdullah Hamadi cho rằng nên giữ nguyên dấu vết di tích bị tàn phá để công chúng thấy rõ sự cuồng tín của Taliban.
Nguồn: thanhnien.com.vn