Thế mà bây giờ đã thấm thoát đến tuổi 67 rồi, Phương cảm thấy sức khoẻ mình không còn như xưa, nàng cảm thấy cơ thể cứ đau nhức mãi, khiến tinh thần chùng xuống như thể bị suy sụp, mệt mỏi và lười biếng, không còn mẫn cảm và cáng đáng công việc như xưa. Trong lúc bàng hoàng nửa tỉnh nửa mê sau giấc ngủ, Phương đưa tay lên vuốt mặt cho tỉnh táo và xoa bóp toàn thân cho đỡ nhức mỏi, như thể đang an ủi những cảm nghĩ vớ vẩn của sự già nua đã ám ảnh trên nét mặt và thở một hơi dài để xua tan bao mệt mỏi của tinh thần. Nàng cố gắng tập nhanh vài động tác thể dục để lấy lại sức sống năng động và giàu nghị lực của thời thiếu nữ. Cảm thấy tinh thần hơi phấn chấn, nàng buông cả hai chân xuống giường, trong lòng khấp khởi, từ trong ký ức bỗng dưng vang lên mấy vần thơ:
“Từ sáng giờ Dần đến canh chiều,
Hết thảy chúng sanh thân kính yêu,
Nếu lỡ chân tôi làm mất mạng,
Nguyện sanh Tịnh độ, cõi cao siêu”.
Phương chẳng nhớ mấy vần thơ này xuất xứ từ đâu, mà nó đã hằn sâu trong ký ức nàng; vì mỗi sáng khi chân quờ quạng tìm đôi dép, thì lời thơ lại vang lên rõ ràng, như đang nhắc cô ta rằng “À…, ra thế! Trong những lúc vô tình, từ giờ phút khởi đầu của một ngày, mỗi người có lẽ khó tránh khỏi sự giẫm đạp trùng kiến và những sinh vật nhỏ, gây sát hại, làm tổn hoại đến lòng từ bi, tạo nên nghiệp sát. Huống gì giữa những loài hữu tình đã đang sống đối đãi với nhau, mỗi ý nghĩ đều sinh tâm giận hờn và thù oán, hơn thua và ganh ghét, cứ thế từ vô thỉ kiếp đến nay, rồi lại kéo dài suốt cả đời người”.
Đi đến vòi nước, Phương đưa tay vốc nước lên rửa mặt và lòng cảm thấy tỉnh táo và phấn chấn hẳn bởi đang có cảm giác tận hưởng những giọt nước mát lạnh chảy từ mặt, rồi thấm qua tóc, chảy xuống cổ, ướt đến áo. Rứa mà, nàng vẫn cứ để tự nhiên như thế, rồi bước ra khỏi nhà như Thi-ca-la-việt ngày nào với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt, chắp đôi tay lại, từ từ đưa cao lên tận tráng, rồi thành kính đảnh lễ sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Hạ và Thượng. Thế nhưng khi ở đây, Phương phải đi đến bãi tập thể dục để tập Thái cực Trường sinh (128 động tác) vào mỗi buổi sáng; trong khi đưa đẩy các động tác nhẹ nhàng, khoan thai, nàng lại nghĩ đến sự lễ lạy thành kính của Thi-ca-la-việt, bỗng dưng Phương lại mỉm cười; nàng rất rất vui sướng, vì những thao tác như thế cũng giống như sự thể hiện lòng thành kính đang lễ lạy sáu phương, tám hướng với áo thấm ướt, với tóc thấm ướt. Nhưng nàng lại cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn cả Thi-ca-la-việt; vì nàng đang lễ lạy với tâm niệm của một người con Phật, đúng theo lời đức Phật đã dạy. Và cứ thế, Phương tiếp tục đi vào bài tập thể dục: khi đưa tay lên, nàng lại nhiếp tâm cho thân, khẩu và ý được thanh tịnh và bốn phiền não (ngã ái, ngã si, ngã mạn và ngã kiến) thảy đều được tiêu trừ.
Phương lại nghĩ rằng nếu chúng ta không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, thì sẽ không làm cho ai khổ đau, phiền não, mà bản thân ta cũng không liên luỵ đến những điều phiền toái, khổ đau. Phật dạy rằng phải điều phục tâm mình đừng để tham lam, sân hận, si mê, sợ hãi lôi kéo ta làm các nghiệp ác. Người ở đời vì lòng tham mà sinh ra trộm cắp, cướp của, giết người. Cũng vì nóng nảy và sân hận mà sinh ra xung đột, mâu thuẫn, cãi vả, đánh đập, chém giết nhau. Cũng do si mê, cho nên nghe theo lời dua nịnh ngon ngọt, dụ dỗ của kẻ khác, khiến tạo tác và gây ra những việc làm thiếu trí tuệ và trái với lương tâm; không phân biệt phải trái, đúng sai hoặc hay dở; không suy xét đến hậu quả của việc mình làm, cho nên đã dẫn đến sai lầm, gây nhiều điều bại hoại gia phong, vu khống và gây ra mối oan nghiệp mà dẫn đến những kết quả nguy hiểm khó lường ngoài ý hướng và chủ đích của mình. Ngoài ra, sự sợ hãi cũng thường khiến người ta che dấu, lường đảo và cuối cùng dẫn đến phạm tội sát nhân nhưng muốn bịt đầu mối để phi tang_con đường cùng tệ hại nhất của xã hội. Tất cả những sai lầm đều do lửa tam độc: tham, sân và si tạo ra.
Động lòng trắc ẩn và quá đỗi thương tâm của mình, Phương lại nghĩ đến những gia đình nghèo khó, thiếu thốn, con cái không được học tập, gia đình bất hoà, không có hạnh phúc; vì người cha nghiện ngập và say sưa suốt ngày, cứ la cà ngoài đường phố, rong chơi với bạn bè xấu ác; hoặc người mẹ ngoại tình, hay cờ bạc, tìm thú vui để giải toả dục vọng nơi các quán nhảy, quán bar, hoặc ở các vũ trường. Những hạng cha mẹ như thế phải liệt vào hạng lười biếng, vô giáo dục, lũng đoạn gia phong, phung phí tiền của vào các thú vui đồi truỵ, không có văn hoá, mà hậu quả là dẫn đến tình cảnh gia đình khó khăn, ngày càng thiếu thốn và bần cùng cơ cực. Phương lại nghĩ rằng nếu chúng ta biết từ bỏ bốn phiền não tà kiến, cũng không tập theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản như đã nói, thì chúng ta sẽ trở thành người che chở, hộ trì sáu phương và khi thân hoại mạng chung được sanh lên Thiên giới.
Mỗi chúng ta phải tự tu tâm và dưỡng tánh để xa lìa những ác pháp, rồi mới nghĩ đến việc lễ lạy sáu phương. Nhưng muốn thực hành được tâm nguyện ấy và hành đúng theo lời Phật dạy, chúng ta cần phải có những người bạn tốt giúp đỡ, những người bạn đúng nghĩa. Họ là những người luôn trung thành và thường chia xẻ với ta trong những lúc nguy hiểm hay hoạn nạn, an vui hoặc đau khổ. Họ luôn khuyên ta hành thiện, làm những điều lợi ích, có lòng thương tưởng, chứ không phải những người bạn tri hành bất nhất, chỉ biết nói cho hay trên đầu môi chót lưỡi; còn thực tế thì hoàn toàn ngược lại, chạy theo tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Cần phải tránh những kẻ nịnh hót, bưng bít và tiêu pha xa xỉ. Đức Phật đã dạy chúng ta rất kỹ về việc chọn bạn; vì bạn hay pháp hữu chính là người luôn có mặt bên cạnh Thầy, có thể giúp cho ta định hướng cuộc đời mình trở nên có nghĩa và hữu ích hơn.
Đức Phật đã dạy cho Thi-ca-la-việt hiểu rõ sáu phương như sau: Phương Đông là cha mẹ; phương Tây, vợ con; phương Bắc, bạn bè; phương Nam, Sư trưởng (Thầy); phương trên, Sa-môn; và phương dưới, nô bộc (người giúp việc).
Ngoài ra, Ngài còn dạy bổn phận của người làm cha làm mẹ phải biết ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy dỗ hoặc tìm thầy dạy cho con học chữ, học nghề; cưới vợ và gã chồng cho con sao cho hợp tình, hợp lý và nhất là làm sao phù hợp với sự mong cầu của đôi lứa. Nếu có của thừa tự, thì trao cho con đúng lúc. Ngược lại, bổn phận con cái phải biết nuôi dưỡng và hầu hạ hoặc lo toan cho cha mẹ, lo thuốc thang khi cha mẹ đau ốm; tận tuỵ và hiếu thảo, vâng theo lời dạy bảo của cha mẹ, giữ gìn truyền thống của tổ tiên, giòng tộc và gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và khi cha hoặc mẹ qua đời thì phải lo việc tang lễ cho đúng theo Chánh pháp.
Đối với bậc làm Thầy, phải trao truyền kiến thức mà mình hiểu biết cho đệ tử, khuyên răn, giáo huấn và dạy dỗ cho đệ tử, thương yêu và khen ngợi đệ tử đúng việc, đúng lúc và đúng đối tượng. Ngược lại, bổn phận của người làm đệ tử phải biết tôn kính, tận tâm phục vụ và hầu hạ Thầy cho chu đáo, nỗ lực tu học, không lãng phí thời giờ, rèn luyện kỹ năng và sở thích cho thuần thục và tinh xảo.
Bổn phận làm một người chồng, thì phải biết kính trọng vợ, trung thành với vợ, không được ngoại tình; vui vẻ, niềm nở và luôn đối xử tốt với cha mẹ, bà con, nội ngoại và những bạn bè của vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang để bù đắp, hoặc để an ủi và chia xẻ niềm hạnh phúc cho vợ. Ngược lại, bổn phận làm một người vợ cũng phải biết tôn trọng chồng, trung thành với chồng; vui vẻ, niềm nở và luôn không được ngoại tình, đối xử tốt với cha mẹ, bà con, nội ngoại và những bạn bè của chồng, giữ gìn tài sản của chồng, của gia đình; tận tuỵ và khéo léo để chu toàn mọi công việc.
Nếu trong nhà có người giúp việc, thì phải biết giao công việc đúng với sức lực của họ, cho họ ăn uống đầy đủ, trả tiền lương đúng kỳ hạn đã định, lo thuốc thang khi họ lâm bệnh, thăm hỏi và chia xẻ những món ăn ngon vật lạ; đặc biệt phải cho họ nghỉ phép để về thăm gia đình. Ngược lại, bổn phận của người giúp việc phải ngủ sau và dậy trước gia chủ; vui vẻ và bằng lòng những gì chủ ban cho; siêng năng, đảm trách và khéo léo các công việc mà chủ đã giao phó, luôn đem tiếng tốt về cho chủ.
Đối với những vị Sa-môn, họ là những người dày công tu tập, kiến thức cao sâu, thường khuyến khích chúng ta hành thiện, tránh ác; có từ tâm thương xót chúng ta; giảng dạy cho ta những điều chưa được nghe và làm cho ta hiểu rõ ràng nghĩa lý để phân biệt được tà chánh; chỉ bày cho ta con đường tu tập đúng như chánh pháp mà có thể thực hành theo để được an lạc và giải thoát. Ngược lại; bổn phận của chúng ta cần phải tinh tấn tu tập để trau dưỡng thân tâm, gột rữa tam nghiệp thân, khẩu và ý; tỏ lòng tôn kính đối với những vị Sa-môn ấy, hân hoan và niềm nở mời đón họ, cúng dường tứ sự (thuốc thang, y phục, đồ ăn và thức uống); thân cận và lắng tai nghe pháp; đối với những giáo pháp, nếu có điều gì nghi ngờ và tối nghĩa, cần phải khiêm cung thỉnh vấn giải bày và phải lắng lòng nghe kỹ miễn sao cho đúng lúc hợp thời. Nếu làm đúng như thế, chúng ta sẽ được che chở và thân tâm sẽ cảm nhận được niềm an lạc và giải thoát khỏi các khổ ách.
Sáu phương pháp giáo huấn, như vừa nêu trên, là một bài học vô cùng hữu ích cho chúng ta. Nó rất đầy đủ và vi diệu, mà từ trước đến nay chưa có người nào giảng bày và giáo huấn rõ ràng như thế. Con xin thành tâm đê đầu đảnh lễ đức Phật, Ngài đã ban cho kẻ hậu học như chúng con những lời dạy vô cùng giá trị, mà suốt đời con đã trải qua mãi đến hôm nay con mới được tiếp nhận và lãnh hội những lời vàng ngọc ấy. Bài pháp thuần tuý cho hàng cư sĩ tại gia, tuy nghĩa lý không cao siêu, nhưng thấm đượm tình người; tuy không chiêm ngưỡng được tướng hảo và kim thân của Ngài, nhưng những lời dạy ấy rất thực tế, gần gũi và nhiệm mầu làm sao! Phải chăng Ngài đang hiện hữu trong xã hội, như là một bậc Thầy giáo dục vĩ đại đang giáo huấn cho nhân sinh (!?).
Dạ đúng như thế! Ngài quả thật là một nhà Giáo dục toàn diện, dạy cho mỗi người phải có bổn phận và phải làm tròn bổn phận ấy, biết sống một cuộc đời lành mạnh và an vui đúng theo cương vị của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là phải làm một người cha tốt, một người mẹ hiền, một người chồng lý tưởng và thần tượng, một người vợ đảm đang và tận tuỵ, một người bạn chung thuỷ, một vị thầy khả kính, một người học trò (đệ tử) ngoan, một người chủ nhân ái, một người nô bộc trung thành và trên hết là một bậc Sa-môn đáng được cung kính và đáng được cúng dường.
Thiết nghĩ, chỉ có đức Phật mới có một tầm hiểu biết sâu và rộng như thế, một nguồn tuệ giác tinh tế và tuyệt vời mới có thể truyền dạy và ban bố cho hàng Phật tử chúng ta giáo pháp nhiệm mầu, gần gũi và thấu đáo, thiết thực và vi diệu. Đó là bài pháp nêu lên việc lễ lạy sáu phương của Thi-ca-la-việt, mà nó đúng theo truyền thống cao đẹp của Bà-la-môn giáo tại Ấn-độ và đặc biệt nhấn mạnh đến bổn phận của hàng hậu thế cần phải được duy trì và phát huy. Liên quan đến bài pháp này, chúng ta đã gặt hái được giáo nghĩa mầu nhiệm như rất thiết thực đối với bổn phận và trách nhiệm của mỗi người sống trong gia đình và xã hội. Nó nhấn mạnh đến vấn đề nhân quả, nhưng rất thiết thực trong hiện tại cũng như sự an lạc và giải thoát trong vị lai.
Qua bài pháp này, chúng ta thấy hình ảnh của Thi-ca-la-việt là sự biểu hiện của một người siêng năng, thường dậy sớm, có tính cách sạch sẽ và tươm tất, rất hiếu kính với cha mẹ; cho nên, vị ấy đã thực hành rất thành kính đúng theo những gì người cha đã căn dặn và dạy bảo trước lúc lâm chung. Điều này cho thấy rằng Thi-ca-la-việt lễ lạy sáu phương như vậy là vì lòng tôn trọng và kính tín người cha. Tuy hành theo truyền thống cao đẹp mà cha đã dạy, nhưng Thi-ca-la-việt hoàn toàn lễ lạy theo tâm niệm của một kẻ phàm phu thường tình mà không hiểu biết gì về Phật pháp cả. Mãi đến khi được gặp đức Phật và được nghe Ngài chỉ bày và khơi mở ý nghĩa cao sâu và mầu nhiệm hơn, thì lúc ấy Thi-ca-la-việt mới chợt tỉnh ngộ và thỉnh cầu đức Thế Tôn giảng giải nghĩa mầu.
Tóm lại, nhờ vào nhân duyên lễ lạy sáu phương của Thi-ca-la-việt và nhờ vào sự giải bày nghĩa lý thiết thực và mầu nhiệm của đức Thế Tôn, Ngài đã để lại cho hàng Phật tử chúng ta một bài học giá trị và thích đáng, mà ngày nay chúng ta có thể ứng dụng vào thực tiễn để cuộc sống trong gia đình và ngoài xã hội ngày một thêm tươi đẹp và nở hoa. Nó lại chính là bài học rất thực tiễn, là kim chỉ nam cho cuộc sống của hàng cư sĩ tại gia. Nó giúp chúng ta hiểu rõ và thấy rõ ý nghĩa của cuộc đời, khỏi bị lạc hướng vào tà đạo. Quả thật đúng như lời tán thán của Thi-ca-la-việt rằng “đức Thế Tôn đã đem đèn sáng vào trong bóng tối, để cho những ai có mắt đều có thể thấy được; Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị quăng ngã xuống”. Nhớ rằng Thi-ca-la-việt là người theo đạo Bà-la-môn, nhưng vị ấy sau khi đã thành tâm ca tụng và tán thán đức Thế Tôn xong, liền quỳ xuống và nguyện suốt đời xin quy-y Tam bảo.
N.P