Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Tản mạn về màu xanh

Tản mạn về màu xanh

165
0

Thế giới sắc màu gắn bó với con người từ thiên nhiên, kiến trúc, công trình, cho đến các vật dụng thiết thân cho cuộc sống, rồi đi vào nghệ thuật. Sắc màu đem lại niềm cảm hứng, là thể hiện của nội tâm, là biểu tượng của ý chí, tình cảm, niềm tin..

Cảm nhận về cái đẹp của sắc màu là cái gì riêng tư, về một hiện tượng, cảnh vật, con người nào đó, dầu có khi chỉ là trong một giây phút của cuộc đời: đôi mắt, mái tóc, màu áo, cây cỏ, hoa lá, màu nắng, ráng chiều, mái chùa, dòng sông, nhà cổ, … Cảm nhận đó là lòng hân hoan trước thiên nhiên hoang sơ như khi trở về mùa nước nổi mênh mông miền Đồng Tháp: “Những chòm điên điển vàng rực góc trời, bơi xuồng từ xa đã thấy nó chấp chới như reo vui mời gọi. Bông điên điển đẹp như hoa lan vũ nữ. Cả một rừng “vũ nữ” óng ánh cao sang rợp trời như vậy trên đồng nước, thiệt là hào phóng cái đẹp trời cho”(1). Cảm nhận đó trở thành một ấn tượng đẹp như trường hợp du khách đến cố đô Luang Prabang (Lào) bắt gặp màu y vàng của các nhà sư ôm bình bát đi khất thực, khoan thai, lặng lẽ, trong buổi bình minh rực rỡ, bên đường là người dân cúi đầu cung kính chờ dâng phẩm vật. Cảm nhận đó ẩn sâu trong tâm hồn thành nỗi nhớ bâng khuâng như nhớ người áo tím qua cầu: “Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang,  tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương…”( 2). Cảm nhận đó thành hoài niệm một giá trị tinh thần như món quà cưới “Hồng cốm tốt đôi… (…) Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”(3)

Cảm nhận riêng tư của mỗi người về sắc màu không bao giờ xa rời màu xanh. Màu xanh là màu của thiên nhiên, đâu đâu cũng màu xanh: núi rừng, biển cả, sông ngòi, … cho đến màu xanh cây leo trên khung cửa sổ cao cao trên tầng chung cư. Màu xanh là màu của sự sống: cây cỏ sinh sôi, nẩy nở, đem lại chất dinh dưỡng cho người và sinh vật. Màu xanh là sự che chở bao dung cho con người: cây xanh ngăn chặn lũ lụt, tạo bóng mát, tiêu thụ bớt thán khí, hạn chế bụi bặm,… Màu xanh là màu của đất trời, của khoáng đạt. Màu xanh là màu của hòa bình, của đại đồng, của tình thân giữa mọi người. Màu xanh là màu hy vọng vô biên, là niềm lạc quan phơi phới, là niềm tin hướng thượng. Màu xanh là tuổi trẻ, thời còn trẻ của đời người gọi là thời tóc còn xanh.

Hà Nội, thành phố được UNESCO phong tặng là thành phố Vì Hòa Bình, luôn giữ mãi màu xanh, xanh thiên nhiên và xanh trong ước vọng đi lên:

Xanh xanh thẳm, bầu trời xanh Hà Nội
Hồ Gươm xanh, như mái tóc em xanh (4 )

Tạo hóa đã ban cho Huế dòng sông Hương thơ mộng, với màu xanh trải rộng đôi bờ, từ núi rừng phía Tây đến cung điện, lăng tẩm, di tích, chùa chiền, nhà vườn, công viên, ruộng lúa, rồi mênh mông đầm phá, xa xa là biển. Huế có những con đường đẹp, xanh nổi tiếng như đường Lê Lợi, đường trong Thành Nội, đường lên đồi thông Thiên An… Tôi cũng đặc biệt thích đoạn đường từ cầu Bạch Hổ cho đến Phu Văn Lâu. Hiếm có cửa ngõ ra vào thành phố nào đem lại cảm giác êm dịu, khoan khoái, mát mắt cho người đi qua, nhất là trong mùa hè nắng gắt: đường rộng rãi, rợp bóng cây cao, một bên là công viên chạy dài theo bờ sông, một bên là hoàng thành cổ kính. Gặp mùa hè, khách đi đường thấy rộn ràng với màu hoa phượng đỏ rực, và nếu may mắn, chợt thích thú phát hiện chùm hoa hoàng yến vàng lủng lẳng. Cũng chẳng đâu xa, tầm mắt bình thường bắt gặp hàng chè tàu tỉa thẳng tắp, ôi hàng chè tàu của thời thơ ấu, bình dị, hài hòa với khu vườn nhỏ, chợt sáng lên khi nắng sớm về.

Một thành phố phát triển, đất chật người đông thì khó có nhiều không gian xanh, tuy nhiên, Singapore đã vượt qua bài toán đó: cây xanh nhiều, bố trí hài hòa với kiến trúc đô thị, với phố xá, làm cho người dân, dầu là ở chung cư đến 90% dân số, vẫn thụ hưởng cây xanh. “Rừng trong phố” là một diễn tả ngắn gọn về môi trường Singapore. Đây là một mẫu mực về “xanh, sạch, đẹp”.

Thiên nhiên đã tặng cho loài người màu xanh kỳ diệu và con người cũng đã tô điểm thêm màu xanh để tận hưởng lạc thú cuộc sống. Nhưng thiên nhiên cũng có đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố để giáng xuống thiên tai cho mọi sinh linh và vạn vật điêu đứng; và con người, vì lợi ích cuộc sống, vì khai thác thiên nhiên vô tội vạ, đã rước lấy thảm họa cho chính mình: khí thải nhà kính làm trái đất nóng dần lên, nhiều diện tích đất bị sa mạc hóa, nước biển dâng cao, sóng thần, lũ lụt, sạt lỡ, cháy rừng, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, dịch bệnh…

Nạn cháy rừng và phá rừng xảy ra thường xuyên, nhất là rừng nhiệt đới. Năm 2006, cháy rừng khổng lồ ở Indonesia gây khói bụi dày đặc lan tới miền Nam Thái Lan, Bắc Malaysia. Tháng 10 năm 2007, cháy rừng khủng khiếp ở California (Mỹ) thiêu hủy hàng chục ngàn hecta rừng và hàng ngàn căn nhà, khiến 300.000 người phải chạy di tản. Còn rừng nhiệt đới Amazon có diện tích 5, 5 triệu km2, trải rộng trong 9 quốc gia Nam Mỹ, chiếm hơn 50% rừng mưa nhiệt đới của trái đất, một tác nhân đáng kể ổn định khí hậu toàn cầu, trong 15 năm qua, đã bị phát quang 243.000km2.

Trái đất có khuynh hướng ngày càng nóng dần lên do hiệu ứng khí thải nhà kính. Lượng carbon dioxide (CO2) từ khí thải công nghiệp và từ xăng nhớt của máy móc, xe cộ đã tăng mật độ trong không khí, khiến nhiệt độ tăng. Nếu như trong thế kỷ 20, nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng 0,6 độ C thì với chiều hướng hiện tại, nhiệt độ của trái đất trong thế kỷ 21 sẽ tăng từ 1,4 độ C đến 5,8 độ C.

Ảnh hưởng của hâm nóng toàn cầu làm tăng tốc độ băng tan, gây ra lũ lụt và các biến động của thủy triều. Hiện nay, thiên tai (sóng thần, bão lụt, hạn hán, nước biển dâng cao) đã xảy ra thường xuyên và phức tạp hơn. Ở nước ta, thời gian gần đây đã hứng chịu nhiều thiên tai, và ngay nơi yên bình là thành phố HCM cũng chịu nạn úng ngập và triều cường khá trầm trọng.

Tác hại đối với môi trường sống đã là nguy cơ, và buộc thế giới phải có hành động chung để cứu vãn thiên nhiên, cứu

Màu xanh là màu của thiên nhiên, đâu đâu cũng màu xanh: núi rừng, biển cả, sông ngòi… cho đến màu xanh cây leo trên khung cửa sổ cao cao trên tầng chung cư. Màu xanh là màu của đất trời, của khoáng đạt. Màu xanh là màu của hòa bình, của đại đồng, của tình thân giữa mọi người. Màu xanh là màu hy vọng vô biên, là niềm lạc quan phơi phới, là niềm tin hướng thượng. Màu xanh là tuổi trẻ, thời còn trẻ của đời người gọi là thời tóc còn xanh.

lấy cuộc sống con người. Nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã tới Nam Cực ngày 10/11/2007 để cảnh báo thế giới về môi trường, khi chứng kiến những dòng sông băng đang tan, đã nói với các phóng viên rằng ông đã nhìn thấy những cảnh vô cùng đẹp mà cũng vô cùng đáng buồn. Chính ông đã chủ trì một hội nghị của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu tổ chức tại Bali (Indonesia) từ ngày 3/12/2007 đến 15/12/2007, quy tụ 12.000 đại biểu của 185 quốc gia. Hội nghị đã đi đến một đồng thuận về “Lộ trình Bali”, theo đó các nước sẽ tiếp tục đàm phán cho đến năm 2009 phải đạt một quyết định về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay thế nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào năm 2012 (nghị định thư này được thương lượng vào năm 1997 tại Kyoto, yêu cầu các nước công nghiệp hóa giảm thải khí CO2 xuống 5,2% dưới mức các nước này đã thải ra trong năm 1990, tuy nhiên một số nước lớn không tham gia, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ).

Nguy cơ về cuộc sống hành tinh này bắt buộc con người đối xử phải đạo với thiên nhiên, quan niệm thiên nhiên như là người mẹ che chở và nuôi dưỡng, như là người bạn cùng nương thân trong cõi vô thường này. Đạo đức Phật Giáo đã soi sáng lương tri con người từ lâu: coi trọng đức hiếu sinh, sống tri túc, tu tập hạnh từ bi. Màu xanh trái đất này, bầu trời này không chỉ vì lợi ích loài người, mà vì sự sống của chúng sinh, trong đó có loài người. Muốn sống cùng thiên nhiên thì phải hiểu thiên nhiên từ hoang sơ, bản lai diện mục. Hai nhân vật sau đây đã thực hiện phương pháp canh tác theo hiểu biết như thế( 5).

Đó là Tiến sĩ nông nghiệp Nhật Masonobu Fukuoka và Đại sư Shunryu Suzuki, Sư trưởng một thiền viên ở San Francisco (Mỹ). Một người sáng tạo phương pháp canh tác tự nhiên “vô vi bất tác” dựa vào tánh Không của Đạo Phật, một người úng dụng thành công phương pháp đó trên vùng đất của thiền viện mà phần lớn là cằn cỗi. Vị Đại sư, trước khi mất không lâu, ngồi giữa chúng đệ tử, chăm chú ươm những hạt giống tuyết tùng vào những bầu đất, và căn dặn: “Hãy ươm hạt giống cẩn thận vì đó là tâm lành của ngài Fukuoda, khi chúng nẩy mầm hãy đem trồng ra khắp thung lũng”. Vị tiến sĩ trở lại thăm thiền viện, sau khi Đại sư mất, được đưa đi thăm hàng mấy trăm cây tuyết tùng đã lên cao khoảng hai mét, một đệ tử của ngài lên tiếng: “Thưa ngài Fukuoda, chắc Đại sư đang hoan hỷ gọi ngài: Nào, chúng ta cùng nhau gieo hạt giống thiện lành trên sa mạc thế gian!”. Trước quang cảnh đó, vị giáo sư tiến sĩ nước mắt trào ra, nghẹn ngào: “Đại sư là người gieo giống chân chính. Chỉ có Đại sư mới thực sự hiểu tôi, thất sự dám sống chết cùng tôi. Đại sư có tâm bồ tát nên biết việc cứu độ chúng sanh nằm trong cả những điều bình thường nhất như việc trồng cây.”

C.H.H

——————————————————————————————————————————————-

Chú Thích:
(1) Ăn bông, tản văn, Thu Nguyệt
(2) Tà áo tím, lời nhạc Hoàng Nguyên
(3) Hà Nội ba mươi sáu phố phường, bút ký, Thạch Lam
(4) Trời Hà Nội xanh, lời nhạc Văn Ký
(5) Dẫn bài “Chân tướng cây trồng”, tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 28, tác giả Chân Phương, viết theo The Natural Way of Farming, Masanobu Fukuoda, Japan Publications, Inc., New York
 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here