Trang chủ Sáng tác - Nghệ thuật Tâm Huế 4 (hết)

Tâm Huế 4 (hết)

132
0

Sau “Đại Hội Con Gà”, tiếng chuông Thiên Mụ cùng với tiếng gà đánh thức bình minh lại nhen nhóm trở về với Trí Hải. Tiếng chuông giọt ngắn giọt dài rơi vào lòng ông lúc nầy cũng như những giọt mưa đêm rơi vào lòng biển động. Mất hút, lạnh lẽo, mù sương. Ông nôn nao dậy sóng đi tìm một nghĩa sống cho đời trong khi tiếng chuông vẫn khoan thai, thanh thản, vô tình trôi như chiếc thuyền nan trên sông Hương trước chùa Thiên Mụ. Có lúc ông say đắm bằng nỗi đam mê vụng dại với tiếng chuông, nhưng cũng có lúc ông giận hờn, bất mãn vì tiếng chuông quá thản nhiên trước những thao thức trăn trở của con người. Ông muốn tiếng chuông phải “đeo sầu”, phải có cái “ngã” trong khi tiếng chuông lại hoàn toàn vô ngã.

Cũng vẫn là tiếng chuông Thiên Mụ của trăm năm trước, cũng vẫn là tâm hồn Trí Hải của trăm năm sau sao bây giờ lại khác. Trí Hải sống với tiếng chuông như sống với một em bé nhỏ hay một bác nông phu. Chuông và người cùng sống, cùng ăn và cùng thở. Đêm khuya ông vẫn nói chuyện rì rào với chuông. Ông hiểu chuông hơn bao giờ hết. Trí Hải không cần phải thức khuya dậy sớm mới nghe được tiếng chuông khi trong lòng ông có nắng hòa với tiếng chuông sâu thăm thẩm phát khởi tự tâm hồn.

Ông nghe tiếng gió từ muôn phương, ông thấy cành trúc từ vạn cổ, ông cảm tiếng chuông từ tám hướng, ông nhận tiếng gà từ làng thôn. Tiếng gió, cành trúc, tiếng chuông, tiếng gà và lòng người gặp nhau từ vô ngã.

Có một ngày, người lão bộc nghe vị chủ nhân gõ vào sừng trâu mà hát:

Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương
.

Hát ngêu ngao như một người lãng tử và chơi đùa với đám mục đồng như thuở ấu thơ, Trí Hải được sống ngây ngất với từng giây phút trôi qua mà không một chút tiếc nuối với cuộc đời quá dài hay quá ngắn. Đầu óc ông trở nên khoảng khoát như một bầu trời mơn man mây trắng và lòng ông tĩnh lặng như ánh trăng vằng vặc trên đồi xa. Rừng sách vở vẫn còn là một dấu ấn chưa phai nhưng đã được phủi bụi và được xếp vào ngăn riêng của nó. Nhờ vậy ông đã bắt đầu tập nói chuyện triết lý cao siêu bằng ngôn ngữ chất phác và đơn sơ như nói vè hay kể chuyện Tấm Cám. Dường như đôi khi ngôn ngữ là một phương tiện nghèo nàn,  bất lực và yếu đuối trước im lặng suy tư. Lý sự là chiếc ghe chòng chành mà im lặng là chiếc cầu vững chải để qua sông, giòng sông tư tưởng có bờ bên nầy là bão nổi bon chen tuyệt vọng và bên kia là trầm tư tĩnh lặng tuyệt vời.

o0o

Có đám bụi đất đỏ của đàn trâu đạp lúa đang về và có đám bụi mù của vó ngựa phi nhanh trên đường quê Thái Ấp. Đối với Trí Hải thì đám bụi nào cũng giống nhau, vó trâu hay vó ngựa cũng chỉ là những bước đi dấy lên từ đất, nhưng đối với người dân Thái Ấp thì vó ngựa có người kỵ mã mang lệnh bài của triều đình là một biến cố. Mọi người lập tức dạt ra hai bên đường và dắt trâu nép xuống bờ ruộng cho kỵ sĩ và tuấn mã phi nhanh về phía dinh ông hoàng. Trí Hải đang kể chuyện về giống vịt trời cho đám trẻ con đang chen lấn nhau, hoác miệng cười vang bên bờ ruộng. Ông cung tay thi lễ đón nhận lệnh của vua triệu vào cung khẩn cấp với vẻ bình thản như nghe chuyện xảy ra hàng ngày trong Thái Ấp đã làm cho mọi người và ngay cả sứ giả ngạc nhiên đến độ sững sờ. Một Trí Hải nghiêm trang, trịnh trọng, lạnh lùng và cách biệt không còn dấu vết nơi ông. Trước khi bước lên cổ xe song mã lộng lẫy của triều đình vào nội thành, Trí Hải còn vui cười vẫy lũ trẻ sợ hãi ngồi im thin thít hay chạy biến loanh quanh để dặn dò lúc về ông sẽ kể tiếp chuyện vịt trời.

Trên đường vào đại nội, vị quan bộ lễ hộ giá hoàng thân kể rằng, sau vụ án “văn chương phản nghịch” ấm Thuyên, vua mang tiếng là bạc đãi trung thần và khắt khe với hiền sĩ nên đã tìm cách lấy lại niềm tin của giới nhân sĩ Bắc Hà bằng cách cho vời vào cung một phái đoàn nhân sĩ đất Thăng Long gồm nhiều nhân vật danh tiếng và các học sĩ lừng lẫy xứ Bắc vào Huế để được thấy tận mắt uy thế của thiên triều và giang sơn hoa gấm của đất Thần Kinh. Đồng thời vua cũng muốn ổn định phương Bắc quá xa xôi và sử dụng nhân tài, nhưng trong hơn mười ngày qua, giới nhân sĩ Bắc Hà không làm vua hài lòng vì họ vẫn xa cách và lạnh nhạt trước những tiểu yến và đại yến được mở ra tưng bừng để chiêu hiền đãi sĩ. Với quyền uy thiên tử, chém đầu ba họ thì chỉ cần một cái gật đầu, nhưng chinh phục được lòng người thật khó. Giới sĩ phu Thăng Long không khuất phục trước quyền thế, không mờ mắt trước hư danh, không dễ dãi chấp nhận những lời biện thuyết của giới học sĩ Đàng Trong. Sự từ chối lời mời ở lại phò vua, giúp nước của họ đã làm cho cả triều đình Huế vừa bối rối vừa ngấm ngầm tức giận nên mọi hy vọng đang đổ dồn vào Trí Hải.

Đại yến đang mở ra tại Ngự Viên. Đội ngự binh gươm giáo sáng lòa. Các quan phẩm phục lóng lánh như sao sa. Cung tần, thị nữ đẹp rực rỡ và thơm mát như những hình hài không có thật ở trần gian… Bỗng mọi người đều “ồ” lên kinh ngạc khi Trí Hải bước vào. Một hoàng thân Trí Hải có dáng đi đường bệ với khuôn mặt nhìn thẳng lạnh lùng trong phẩm phục triều nghi có thể chói lòa trong đêm tối đâu rồi. Một Trí Hải khác có dáng đi khoan thai, khuôn mặt vẫn thanh tú nhưng màu da trắng xanh nay trở thành rám hồng vì nắng gió. Nét cười khoan hòa dễ dãi và đôi mắt tinh anh nhưng lại ấm cả vùng trời đang đậu trên từng người quen và khách lạ. Áo quần đơn sơ mà thân thiện như người nông dân đi ăn giỗ. Một thoáng xôn xao nổi lên trong đám nhân sĩ Bắc Hà. Người ta tự hỏi, một vị hoàng thân tiếng tăm như Trí Hải lại là một người bình thường và đơn giản đến thế sao.

Buổi đại tiệc bắt đầu khi xa giá của nhà vua ngự đến. Những lễ nghi quan cách rườm rà lúc đầu từng bước nhường lại cho mục đích chính của buổi ngự yến là cuộc đấu trí tay đôi giữa nhân sĩ Bắc Hà và giới học sĩ đất Thần Kinh nhằm thuyết phục khách Thăng Long ở lại ra tay phò vua giúp nước. Các Văn minh điện đại học sĩ, Võ hiển điện đại học sĩ, Cần chánh điện đại học sĩ cùng các danh gia, danh sĩ Thần Kinh đối mặt với sĩ phu Bắc Hà trên chiến trường trùng điệp, võ trang bằng lý thuyết và tư tưởng của Bách Gia Chư Tử. Khi hai bên đều có kẻ tung người hứng không để hở đường tơ kẻ tóc thì Trí Hải và Lê Trung Ọn, thủ lãnh sĩ phu Bắc Hà vẫn ngồi im lặng lắng nghe. Hai phe chưa ai nhường ai nửa chữ. Đêm trôi dần, cuộc đấu xoay chiều đến hồi gay cấn qua chuyện “chính danh”. Dù lời lẽ bóng bẩy nhẹ như tơ trời, dù sự ngụ ý xa xôi như sao khuya leo lắt, nhưng ai cũng hiểu là hai phía đang nói đến vương mạng của nhà Lê và nghiệp đế của nhà Nguyễn. Mọi con mắt đều đổ dồn về phía Trí Hải và Lê Trung Ọn khi luận bàn chuyện “tiếm quyền và tiếm văn”. Phía nhân sĩ Bắc Hà thì cho rằng, chỉ có câu ca dao duy nhất phát xuất từ miền Bắc:

Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.

Giới học sĩ Thần Kinh thì lại dùng mọi luận chứng lịch sử để cho rằng, chỉ có một câu ca dao xuất phát từ Huế, sau khi chùa Thiên Mụ được chúa Nguyễn Hoàng cho khởi công xây dựng vào năm 1601:

Gió đưa cành trúc là đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.

Vô hình chung, Trí Hải và Lê Trung Ọn biến thành thủ lãnh của hai phe. Thế nhưng im lặng kéo dài. Mãi đến khi nhà vua lên tiếng gọi hai người ngõ lời, Trí Hải mới đứng lên. Mọi người như nín thở chờ đợi những lời minh triết cao siêu, những biện giải hùng hồn như sấm dậy do vị hoàng thân uyên bác nầy sắp sửa nói ra. Trí Hải mĩm cười nhìn Lê Trung Ọn và đồng thời cũng bắt gặp nét cười trả lại. Hai nét cười tỏa hào quang của sự đơn sơ như cỏ nội hoa đồng, của sự cảm nhận sâu xa và trọn vẹn. Hai lối nhìn tinh anh, sâu thẳm nhưng nhu hòa không gợn một chút thách đố khen chê. Trí Hải đọc mấy câu thơ của Tuệ Trung nói với vua Trần Nhân Tôn về cái tâm tĩnh lặng, vô ngã:

Giữa ba nghìn thế giới,
Có chung một nụ cười.
Trăm nhánh sông vô ngã:
Chung một giòng ra khơi.

Thiên Mụ, Trấn Võ, Thọ Xương… đều là tên đặt, là danh từ, là huyễn tướng. Tên sông không phải là giòng sông, tên đường không phải là con đường, ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng. Cho nên tranh nhau cái tên gọi là hoàn toàn vô ích, phù phiếm. Tiếng gió lao xao qua cành trúc, tiếng chuông, tiếng gà đến và đi từ vô ngã, không lời. Chấp ngã, nhiều lời sinh ly tán!

Nhiều người thở dài thất vọng. Với họ, Trí Hải đã mất đi khả năng ứng đối khóa lưỡi kẻ thù, chẻ tóc làm tư.

Mọi người lại nhổm dậy. Đến lượt Lê Trung Ọn đăng đàn lên tiếng. Ông mượn lời của thiền sư Hương Hải nói với vua Lê Dụ Tôn về cái tâm rỗng lặng:

Nhạn bay cao vút trời xanh,
Nước soi bóng nhạn mong manh giữa vời.
Nhạn đi bóng mất lưng trời,
Nước không lưu giữ bóng ngời thoáng qua.

Thiên Mụ, Trấn Võ, Thọ Xương và tiếng gió, tiếng chuông, tiếng gà đều là giả tướng, không có thật. Khi tâm lắng nghe là có, khi tâm khép lại là không. Khi đã không thì cả thế gian này cũng không. Không có chấp ngã mà cũng chẳng có vô ngã. Quyết tranh nhau cái không có để về đâu?!

Trong khi mọi người còn đang ngơ ngác thì Trí Hải và Lê Trung Ọn đã tiến lại gần nhau, cầm tay nhau như hai người bạn cố tri, như hai người anh em từ kiếp trước và nhìn vào mắt nhau rất sâu như đọc hết những thế giới âm u ẩn tàng sau nét mĩm cười rất nhẹ. Nhà vua cũng cả cười bước xuống cầm tay họ và chư khách cũng bùng vỡ tiếng cười vui không che dấu những mưu toan. Đêm tàn nhưng đại tiệc chưa tan. Bỗng tất cả đều lặng im vì tiếng chuông công phu của chùa Thiên Mụ vừa lọt vào Ngự Viên. Lê Trung Ọn ngỏ lời: “Nước non muôn thuở không hay có. Một cõi đi về phát tự tâm”. Trong mắt vua, ngời ánh phong quang và thoáng nét phong trần nhưng thuần hậu của tay hảo hán Lương Sơn Bạc, người đã vào sinh ra tử để thống nhất sơn hà, dựng nên nghiệp đế. Nhóm nhân sĩ Bắc Hà, cùng nhìn một hướng về phía giang sơn thay cho nụ cười kiêu bạt, lên tiếng: “Vâng, chúng tôi sẽ ở lại!”

Tiếng chuông Thiên Mụ từ hai trăm năm trước vẫn ngân nga mà cũng chẳng bao giờ có thật.

Hết

T.K.Đ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here