Trang chủ Phật học Tại sao đức Thế Tôn không thu thúc Lục căn?

Tại sao đức Thế Tôn không thu thúc Lục căn?

159
0

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Sự thu thúc tốt lắm. Thu thúc thân, thu thúc khẩu, thu thúc ý và thu thúc tất cả thì tốt đẹp biết bao nhiêu!” Đức Thế Tôn đã không hết lời khen ngợi về sự thu thúc như thế, nhưng một lần nọ, giữa đầy đủ tứ chúng và cận sự nam nữ hai hàng, ngài đã không giữ được sự thu thúc tốt đẹp ấy.

– Đại vương cứ nói tiếp tục.

– Vâng, lần ấy quả là Đức Thế Tôn đã không biết mắc cỡ, đã lò nam căn ra để khắp chư thiên và nhân loại cùng xem! Lại nữa, ngài lại còn chơi cái trò kỳ dị là le luỡi đụng tới lỗ mũi và hai lỗ tai, rồi lại đưa cái lưỡi lên che kín cả vừng trán! Thưa đại đức, ngài nghĩ thế nào, một Đức Chánh Đẳng Giác, một bậc thầy mô phạm cao quý của trời và người mà lại làm cái việc không thích đáng, một việc làm mà ai cũng cười chê như thế hay sao?

– Đại vương! Đức Thế Tôn sở dĩ phải hiện tướng nam căn và tướng lưỡi rộng dài là để tạo duyên lành cho ông bà-la-môn Sela, cốt ý chỉ để cho ông bà-la-môn Sela thấy, chứ tứ chúng, cận sự nam nữ hai hàng và chư thiên không thể thấy được, tâu đại vương!

– Trẫm không tin điều đó, đại đức!

– Rất có lý khi đại vương không tin, vì thứ nhất là đại vương không thể biết được tâm, tuệ cùng các khả năng thần thông bất khả tư nghị của Phật. Thứ hai là đại vương không biết được tâm của bà-la-môn Sela!

– Chuyện ấy thì có liên hệ gì hở đại đức?

– Sao lại không liên hệ! Ví như có một người bị đau khổ, đại vương có thể nào biết được sự thọ khổ trong tâm của người ấy ra sao không?

– Thưa, không thể biết.

– Cũng như vậy là việc làm của Đức Tôn Sư! Chỉ có Đức Tôn Sư là biết rõ việc làm của Ngài, là để tạo duyên lành cho bà-la-môn Sela. Và chính bà-la-môn Sela mới biết rằng ông ta đã nhận được duyên lành ấy. Còn đại vương, vì không thấy, không biết nên đại vương nghi ngờ, có đúng thế chăng?

– Có thể như vậy.

– Ví như ma qủy nhập vào một bệnh nhân, chỉ có bệnh nhân ấy mới biết rõ ma quỷ đã làm gì ở trong thân tâm mình, còn người khác thì không thể biết được. Cũng thế là trường hợp Đức Thế Tôn. Bà-la-môn Sela sau khi quan sát Đức Thế Tôn bằng đôi mắt của một bậc thầy tướng pháp, ông ta thấy Đức Thế Tôn hầu như có đủ ba mươi hai quý tướng cùng tám mươi vẻ đẹp của bậc đại nhân – chỉ thiếu có hai tướng là tướng nam căn mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Đức Thế Tôn biết rằng, nếu bà-la-môn Sela thấy thêm được hai tướng ấy, ông ta sẽ phát khởi lòng tin, và đấy là duyên lành để cho ông ta chứng ngộ đạo quả sau này! Vì lý do đó, Đức Thế Tôn đã dùng thần thông hiện tướng cái bóng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Việc làm ấy chỉ có Đức Thế Tôn biết và ông bà-la-môn Sela thấy, và lợi ích của nó ra sao chỉ có bà-la-môn Sela cảm nhận được mà thôi!

– Nếu Đức Thế Tôn dùng thần thông thì trẫm có thể tin được. Và ý của đại đức nói là Đức Thế Tôn đã dùng trí tuệ thiện xảo, tạo duyên lành cho ông bà-la-môn kia sau này thấy được giáo pháp cao siêu hay sao?

– Thưa vâng, trí tuệ thiện xảo – là cụm từ mà đại vương đã dùng rất hay – để chỉ cho phương tiện giáo hóa tùy căn cơ, tùy duyên, tùy căn, tùy cảnh mà Đức Thế Tôn thường dùng để hóa độ chúng sanh! Vậy là đại vương đã bắt đầu hiểu rõ vấn đề.

– Chưa đâu, xin đại đức cho nghe về cái gọi là trí tuệ thiện xảo ấy!

– Đức Thế Tôn là bậc có cơ trí thiện xảo vô song. Như một vị lương y đại tài, Người biết bệnh này phải cho uống thuốc xổ, bệnh kia phải cho thêm thuốc bổ, bệnh này nên mổ xẻ, bệnh nọ nên dùng tí độc mới trị được độc v.v… Lại còn phải biết gia giảm liều lượng tùy thời tiết gió mưa, nóng lạnh; tùy thân thể người nam hay nữ, trẻ hay già, người khỏe mạnh hay người huyết hư, suy kiệt v.v… Căn cơ trình độ chúng sanh giữa thế gian này vốn sai khác dị đồng; tâm bệnh, phiền não đều phức tạp, đa diện và rất khó phân, nếu Đức Thế Tôn không dùng nhiều phương cách trị liệu khác nhau thì sao có thể đạt hiệu quả cao, và được gọi là bậc Toàn Tri, Diệu Giác hở đại vương?

– Vâng, đúng thế!

– Vì tâm bi mẫn đối với chúng sanh, vì muốn giáo hóa chúng sanh nên Đức Thế Tôn đâu có nề hà gì trong việc hiện tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài cho người bà-la-môn thấy? Như người đàn bà sinh con, vì mong mỏi có đứa con thì người đàn bà đâu có mắc cỡ với bà mụ vào đỡ đẻ, phải thế không hở đại vương?

– Thưa vâng!

– Còn nói về trí tuệ thiện xảo giáo hóa của Đức Thế Tôn thì đại vương hãy thử nhớ lại trường hợp Ngài độ Đức Nandà, trường hợp Ngài độ vị tỷ kheo ba tháng không học thuộc được câu kệ ngôn, trường hợp Ngài độ kẻ cướp Anguli-màla…

– Trẫm không nhớ đâu, xin đại đức hãy cho nghe một vài câu chuyện để trẫm được mở rộng kiến văn.

– Vâng, đại vương có nhớ hoàng tử Nandà là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật, trong ngày cưới của Nandà với vị công nương xinh đẹp, Đức Phật đã thản nhiên đến dự, rồi sau đó dẫn hoàng tử Nandà đi xuất gia luôn! Tuy kính nể ông anh mà xuất gia nhưng Nandà không ngớt tơ tưởng đến hình ảnh của người vợ diễm kiều nên sinh ra tương tư sầu khổ, tiều tụy, võ vàng! Dùng thần thông và trí tuệ thiện xảo, Đức Phật đã dẫn Nandà lên cõi trời, cho Nandà trông thấy những thiên nữ thiên kiều bá mị, để rồi khi ngoảnh nhìn lại sắc đẹp của vị công nương hôn thê của mình – Nandà chợt nảy sự so sánh và thấy vợ mình chẳng khác gì con khỉ cái già bị lửa rừng thiêu trụi lông và đuôi!

Đức Phật nói: “Này Nandà! Nếu ông cố gắng tu tập thì Như lai hứa là ông sẽ có được năm trăm vị thiên nữ như thế”.

Khi Đức Nandà dụng công tấn tu thì thường bị bạn bè, đồng đạo chê cười vì mục đích hạ liệt; mắc cở quá, Ngài không hướng đến năm trăm thiên nữ nữa mà tâm lại có xu thế hướng về đạo quả cao siêu. Cuối cùng, Ngài đắc được Thánh quả!

Đại vương nghĩ thế nào về phương tiện giáo hóa ấy, Đức Thế Tôn có dùng trí tuệ thiện xảo không?

– Rất là thiện xảo!

– Vị tỷ kheo tên là Culapanthaka, ba tháng không thuộc được câu kệ ngôn, muốn hòan tục; Đức Phật quán căn duyên, trình độ của ông ta nên chỉ đưa cho một cái khăn tay! Cuối cùng, nhờ quán cái khăn thay đổi, biến dị từ sạch qua dơ… mà vị tỷ kheo chứng ngộ được sự vô thường, đắc Thánh quả, luôn cả lục thông!

Đại vương thấy thế nào, trường hợp ấy nếu không phải là trình độ của bậc Tòan Giác – thì ai có khả năng làm cho vị tỷ kheo dốt đặc thành một vị thánh phi phàm?

– Đúng thế!

– Lại có trường hợp một bà-la-môn tên là Moghàràja đến hỏi đạo Đức Thế Tôn. Cả ba lần hỏi, Đức Thế Tôn đều im lặng không trả lời. Thế mà nhờ vậy, bà-la-môn kia tiêu trừ được ngã chấp; bố thí xả ly tất cả tài sản, của cải, xuất gia tỳ kheo, tiến tu định tuệ, đắc quả thánh và thuần thục luôn cả lục thông! …

– Trẫm đã hiểu rồi, thưa đại đức! Vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh, vì để giáo hóa chúng sanh, vì muốn trao pháp mầu cho chúng sanh mà Đức Phật đã tùy nghi sử dụng nhiều phương pháp khác nhau… Trẫm và mọi người vì quá nhiều bụi cát trong mắt mà nghi ngờ như thế này thế kia, quả là ngu si! Trẫm đã có được con mắt sáng rồi, thưa đại đức!

(Kinh Mi Tiên Vấn Đáp)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here