Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi “Ta không vào Địa Ngục thì ai sẽ vào đây” ( Kinh...

“Ta không vào Địa Ngục thì ai sẽ vào đây” ( Kinh Địa Tạng)

145
0

Em có thói quen hay lạy sám hối vào những ngày cuối tuần. Một lần em hỏi ta rằng, lạy sám hối có thật sự diệt được hết nghiệp ác và tội lỗi không? Ta nói, nếu em có thể lạy thấp hơn chút nữa thì sẽ có công năng như thế. Em nhìn ta nhíu mày, cứ như là ta đang nói đùa vậy, bởi vì em vốn là một người con Bụt rất thành tâm, có lạy nào mà năm vốc của em không sát đất đâu chứ. Ta không chịu nổi sự dễ thương nơi cái nhíu mày dường như trách cứ ấy.

– Ừ, thì nếu em có thể ở thấp như đất thì tất cả tội lỗi và nghiệp quả đều được tiêu trừ.

Em còn nhíu mày nhiều hơn và biểu lộ sự trách cứ nhiều hơn nữa.

– Thôi sáng mai, ta và em cứ quay lại nơi đồng cỏ, rồi từ đó, ta sẽ tìm ra cách để được ở thấp như đất vậy…

Và sáng hôm ấy, em lần nữa lại theo ta lang thang trên cánh đồng cỏ xanh, chim hót, mây trời và gió lộng. Em còn nhớ người thợ gốm ở quê mình không? Ông lão nghệ nhân già nua với đôi mắt kèm nhèm nhưng đôi tay thì linh hoạt và điêu luyện vô cùng. Cũng nơi đôi bàn tay ấy mà những cái lu, cái khạp cho đến chén dĩa tinh xảo đều được ra đời. Nếu đất có một hình tướng riêng biệt thì làm sao ông lão ấy có thể nặn đất trở thành những công cụ kia. Cho nên ta có thể xem VÔ TƯỚNG như là một đặc tính đầu tiên của đất vậy. Mà em hãy nhìn rộng ra cả pháp giới này, có pháp nào là có tướng trạng cụ thể đâu? Như chiếc lá khi vàng úa thì rơi xuống tan lại trong đất, và trả hơi nước nhỏ bé cho đám mây. Nên ta nói rằng chiếc lá có mặt trong đám mây, trong ánh nắng, trong cơn mưa, trong đất và trong vạn pháp. Như hạt muối đi vào trong biển, thì cả đại dương kia có chỗ nào mà không có mặt của hạt muối bé bỏng ấy đâu. Em đừng vội cho rằng tinh thể muối là có hình tướng cụ thể khi phóng to qua lăng kính trong phòng thí nghiệm. Vì hình tướng đó cũng giống như chiếc lá kia thôi. Vì VÔ TƯỚNG nên muối mới tan được trong đại dương, nên lá trở thành bất nhị với vạn pháp. Mà chính em, ta và tha nhân đây cũng là không có hình hài cụ thể. Cái thân xác chúng ta đang đây giống như hiện tướng của tinh thể muối vậy. Và thân này, thấy vậy nhưng lại như là hoa nắng bên thềm, thấy là có nhưng không thể nắm bắt, cầm giữ được. Và vì pháp giới là vô tướng, nên mới thị hiện ra được núi, đồi, cỏ cây, chim chóc, muôn loài mà chỉ với 4 nguyên liệu cơn bản là tứ đại mà thôi. Không những ở pháp giới chúng sanh, mà tâm ta cũng mang tính chất như vạn pháp. Những vọng tưởng, cảm thọ, phiền não cho đến ngay cả an lạc, tịch mịch, hoan hỷ cũng đều là vô tướng. Bởi vì nếu không mang tính chất ấy thì làm sao thì làm sao có trùng trùng điệp điệp những thị hiện của tâm trong mỗi sát na sanh diệt. Hay nói theo Kinh Hoa Nghiêm thì vạn pháp VÔ TÁC, tức là có bản thể thường trụ, chân nguyên bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất lai bất vãng. Do muốn phá đi cái chấp tướng của chúng sanh, nên Bụt Thích Ca mới dạy về Bồ tát Quán Âm không có tướng trạng mà chỉ là thị hiện hình tướng để nói pháp độ người. Và Quán Âm cũng chính là quán chiếu về tính chất VÔ TÁC, về Như Lai thể tánh của vạn pháp. Cho nên việc tạo tượng Bụt và Bồ tát rồi lập đàn hô thần nhập tượng, lại cho đó là chùa linh, tượng báu hay Bụt và Bồ tát ban phước, rồi đem chư vị trở thành tà thần quỷ vật để cầu xin mê tín hoang đường, bùa chú mà không quán về Như Lai tự tánh thì xem như là đang phỉ báng Chư Bụt và Bồ tát vậy.

Năm trước, cũng vào những mùa gió này, em và ta nhặt được một con chim nhỏ bị chết lọt thỏm giữa cánh đồng cỏ. Ta đã giúp em đào một cái hố nhỏ dưới cội cây, lót vào đó ít lá như là một huyệt mộ cho con chim xấu số. Hôm nay, khi đi lang thang ngang qua nơi ấy, em ngậm ngùi nói rằng, chắc giờ đây xác của chim đã tan vào và hòa làm một với đất rồi. Kì diệu quá. Hằng ngày ta bỏ vào trong đất biết bao nhiêu là thứ từ rác rến cho đến những thứ tưởng như sạch sẽ nhất. Đất có phiền hà gì đâu, phân biệt gì đâu. Đất cứ lặng lẽ mở lòng ra đón nhận và chuyển hóa. Và đó cũng là TỰ TÁNH VÔ PHÂN BIỆT của đại địa vậy. Em đã thấy rồi đó, tất cả sanh tử, sạch dơ chỉ là ý niệm về Nhị Nguyên. Đại địa không kẹt vào nhị nguyên nên mới an nhiên mà ôm trọn vạn pháp vào lòng. Nếu chúng ta không kẹt vào nhị nguyên thì vượt được hết thảy mọi đau khổ của thể gian thứ mà đến từ cái chấp mê lầm về đôi bờ ý niệm. Trong em, ta và chúng sanh ai mà không có những nội kết sâu thẳm. Và những nội kết ấy hành hạ, dằn vặt chúng ta đau đớn vô cùng. Từ nỗi đau day dẳn ở nội tâm, nó chuyển thành những khối u, những tế bào bất trị nơi thân này. Chúng thâm hiểm lắm. Như khối ung thư phải có những phương tiện y học tiên tiến mới thấy ra được sự hiện diện của chúng, thì nội kết cũng vậy. Cái sân hận mà em đang đối trị và nghĩ rằng đã diệt được tận gốc bằng những chuyến đi từ thiện, bố thí, cúng dường, sám hối chỉ giống như em đang nhổ cỏ nhưng không nhổ tận gốc. Kể cả khi em ngắm tượng Bụt, viếng Chùa, tụng vạn bộ Pháp Hoa Kinh, niệm vô lượng danh hiệu Bụt thì cũng không thể chạm đến được cái nội kết thâm hiểm trong em và cái an lạc những phương tiện ấy mang lại chỉ là tạm bợ. Bởi vì nó vi tế vô cùng nên em phải quán chiếu sâu sắc vào tâm thức thì mới mong nhìn thấy và phát hiện được nội kết. Ngay cả khi em bắt tay với kẻ thù và nói với hắn rằng em đã tha thứ cho hắn thì kỳ thực chỉ là dối lừa của nội kết.

Người ta hay nói với nhau cách diệt nội kết là “LẮNG NGHE ĐỂ HIỂU, NHÌN LẠI ĐỂ THƯƠNG”. Em cứ nghĩ đơn giản rằng phải nghe kẻ thù giải bày tâm sự, và nhìn lại vấn đề cho sáng tỏ nên thấy hắn đáng thương vì bị vô minh che lấp. Nhưng nó cũng giống như cách mà y khoa cắt bỏ cái khối u vậy. Cắt chỗ này thì mấy năm sau chỗ khác sẽ di căn. Bởi lẽ nội kết vẫn còn. Chúng ta có mặt trên cõi này đây là vì những nghiệp quả đã gieo, vì những ân lẫn oán cần phải trả vay. Mà trong vô lượng kiếp số như thế, liệu em có thể tìm hết tất cả kẻ thù ở ngoài kia để nghe tâm sự của họ, và nhìn lại nội tình của từng vụ việc không? Cho nên, phải lắng nghe, quán chiếu sân hận, lẫn yêu thương để hiểu rằng chúng là tác phẩm của TÂM PHÂN BIỆT. Giống như nhìn vào nhữngsóng tan tan hợp hợp để thấy sanh tử chỉ là ý niệm. Và sự chấp vào NHỊ NGUYÊN LÀ NỘI KẾT SÂU THẲM NHẤT TRONG MỖI CHÚNG TA. Từ cái thấy đó, nên nhìn lại tất cả những ý niệm của mình trong vô lượng kiếp, thấy tự mình là nạn nhân của chính mình nên khởi tâm thương xót. Mà chúng sanh ngoài kia đang kẻ cười người khóc thì có khác gì với ta đâu. Nên hiểu và thương ta như vậy rồi thì mới hiểu và thương được chúng sanh. Khi đã lìa được đôi bờ sở chấp thì nghiệp vẫn còn đó nhưng kẻ nhận nghiệp đã không còn. Vì chuyện to lớn của đời là sanh tử mà còn xem như “đắp chăn đông, cởi áo hạ” thì còn gì có thể lay chuyển được tâm của hành giả đây ? Nên Bụt nói, vượt hết mọi khổ ách tức là vượt được cái thấy bị kẹt giữa những ý niệm. Mà Quán Âm là quán về tự tánh vô phân biệt, là tánh nguyên bản của vạn pháp là vô tướng: bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng bất giảm. Vì không phân biệt như thế nên tâm hành giả mới thấy chân tướng của nội kết, hay đất mới có thể chuyển hóa được thân vô tướng của vạn pháp. Cho nên không ai có thể tha thứ cho ai mà chỉ có thể tha thứ cho chính mình. Chư Bụt và Bồ tát mười phương cũng không thể GIẢI NGHIỆP CHO BẤT CỨ CHÚNG SANH NÀO. Bụt Thích Ca tuy thành đạo mà thân vẫn chịu sanh, lão, bệnh, tử. nhưng tâm của Bụt không trụ nơi sanh, lão, bệnh, tử ấy vì đã không còn sở chấp. Do vậy, nghiệp không phải nơi thân mà cội gốc là ở tâm. Chư Bụt cũng y nơi tâm mà nói pháp. Nhưng chúng sanh lại lấy pháp ấy mà đem trang trí nơi thân nên hai đường thẳng song song chẳng gặp nhau bao giờ. Cho nên hãy dùng cái tánh nghe tự thân để nghe ra được thanh âm tự tánh nơi ta cũng như vạn pháp. Thứ âm thanh ấy là vô thủy, vô chung mà không tiếng thế gian nào có thể lấn át được:

“Phạm âm, hải triều âm
Tiếng hơn thế gian kia”

Tiếng sóng biển là không ngừng nghỉ và cũng không có bất cứ cái âm thanh nhạc cụ nào là có thể làm át đi được. Nên hải triều âm được ví như âm thanh nguyên bản của vạn pháp.

Khi đã thấy như vậy rồi, em hãy nhìn ra xung quanh đồng cỏ xem. Đất có phân biệt khi cung cấp chất mùn cho cây cao hay thân cỏ đâu? Em có thấy vạn vật trên hành tinh này đang sống phụ thuộc vào đất từ gián tiếp đến trực tiếp không? Như cỏ lấy chất dinh dưỡng từ đất, nai ăn lấy cỏ, và hùm beo lại sống bằng thịt nai. Cho nên nói, đất thấy là tầm thường như vậy nhưng lại nuôi sống được tất cả hữu tình. Vì hạnh của đất là TỪ BI VÔ PHÂN BIỆT. Mà đó cũng là hoa trái của Như Lai tự tánh, của Quán Âm hay là của hành giả đã nghe được âm ba chưa bao giờ vắng mặt trong vạn pháp. Vì không còn chấp vào hình tướng, thể trạng, của chúng sanh nên từ bi mới có thể lan tỏa và ôm trọn lấy vạn pháp. Là không còn sự phân biệt giữa kẻ bố thí, người nhận bố thí, và của bố thí. Thì đó mới chính thực là bố thí vậy. Cũng như Tịnh Độ tông, niệm Bụt Di Đà cho đến khi trở về VÔ NIỆM thì mới chính là niệm. Hay nói cách khác, là trụ nơi vô niệm để quán chiếu rằng niệm hay vô niệm cũng chỉ là phân biệt của TÂM NHỊ NGUYÊN. Các pháp bố thí, cúng dường chỉ phương tiện độ đời, chứ tuyệt đối không phải là cứu cánh của người tu. Cho nên tu không phải là đi từ thiện bởi vì nếu không bỏ xuống được sở chấp thì mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm cũng chỉ là đảo điên mà thôi. Chư Bụt vì đã vượt được đôi bờ nên dù nghĩ gì, nói gì, làm gì cũng đều PHẬT SỰ lợi lạc cho hữu tình. Nếu ta không chuyển được yêu thương trở thành Từ Bi vô phân biệt, và bản thân không trở về với tự tánh thì bố thí theo kiểu phàm phu ấy chỉ làm dày lên cái chấp ngã của người cho, và thị phi của người nhận. Nói như vậy, không phải là ta đánh đổ hết những công việc thiện nguyện nhưng khẳng định rằng song song đó phải lấy việc quán chiếu nội tâm làm việc hàng đầu. Đừng nhặt nhạnh những phước nhỏ mà quên rằng mình đang nắm giữ kho tàng vô giá. Như người cùng tử lo tha phương cầu thực, bữa đói bữa no vì loanh quanh nên mới không nhận ra viên ngọc quý mà người bạn lành đã may sẵn trong túi áo rách bươm của mình. Lòng tốt là một trong những báu vật của thế gian. Nhưng pháp của Bụt là pháp xuất thế gian, nên lòng tốt trong đạo Bụt phải được nuôi dưỡng trong tâm vô phân biệt thì mới trở thành Từ Bi. Vì đại địa không phân biệt chúng sanh cũng không thấy được mình đang nuôi cả chúng sanh nên thành tựu được như vậy. Vì không phân biệt thì từ bi mới hiển bày. Nếu bố thí, cúng dường mà tự tâm còn thấy chướng ngại thì đó chỉ được gọi là từ thiện và góp tiền, góp sức xây chùa mà thôi. Mà thân là chùa, tâm là Như Lai, vô lượng cảm thọ, phiền não, cho đến hỷ lạc đều là chư tăng thì em ơi, còn nơi nào đáng để quay về hơn là TỰ THÂN của chính mình nữa chứ?

Đừng nói rằng Đại Thừa là cỗ xe lớn nên gom tất cả mọi chúng sanh lên xe và chở đi, nhưng người lái xe không tự mở mắt nhìn đường mà lại bị che lấp bởi chấp niệm phân biệt thì tai nạn tiềm tàng còn gây ra sự thảm khốc và đau xót gấp vạn lần những cỗ xe nhỏ. Nên muốn hiểu được liễu nghĩa Đại thừa và tùy nghi thị hiện phương tiện độ đời thì trước tiên phải thấy được và vượt được NHỊ NGUYÊN.

Khi còn thấy là từ thiện, là cúng dường thì đã không còn là Phật sự rồi. Nên

“Từ nhãn thị chúng sanh
Phước tụ hải vô lượng”

Tâm không còn ý niệm về từ thiện, cúng dường nữa mà chỉ như là đất dâng trọn mình cho cỏ cây, vạn vật sanh tồn, trú ngụ và cậy nhờ. Nên mới được chư Bụt trong ba đời không ngừng tán thán rằng:

“Quán Âm bậc Tịnh Thánh
Nơi khổ não nạn chết
Hay vì làm nương cậy”.

Và như thế, trên bề mặt của đất tuy hố sâu, gò đống, núi đồi nhưng đó chỉ là những thị hiện trên bề mặt của đất, chứ kỳ thật tận cùng sâu thẳm của đất là bằng đều, không cao không thấp. Đó cũng là tự tánh Như Lai nơi chúng sanh là bằng nhau không khác. Mà cũng chính là chỗ GIÁC NGỘ của Chư Bụt là tương đồng. Chúng sanh có thể chậm lụt, khiếm khuyết về thân cũng như về trí thông minh nhưng khi đã chịu quay về Tự tánh thì sự chứng đắc cũng ngang bằng chư Bụt. Cho nên nói rằng, Bồ tát Thường Bất Khinh cũng chính là âm thanh của vạn pháp đang nhắc nhở hành giả về NHƯ LAI VIÊN GIÁC DIỆU TÂM mà hành giả vì chạy loanh quanh và ôm giữ ý niệm về hạnh phúc, và đau khổ , cộng với nỗi sợ hãi về sanh tử nên đã gạt phăng đi, đã quên bẵng đi lời nhắc nhở nhiệm màu ấy. Thậm chí còn cho là khùng điên, rồi ra tay đánh đập, đuổi đi giống như khi chúng sanh nhận vọng làm tâm, nghe chỗ tột cùng của tự tánh lại sanh tâm hoang mang, rồi cho là vô lý vậy. Nhưng Bồ tát Thường Bất Khinh cũng không bao giờ nhụt chí, cũng như Quán Âm thị hiện không dứt ở mười phương, như Hải Triều Âm hay tiếng vang tự tánh của vạn pháp không bao ngơi nghỉ. Và ngay trong đời hiện tại, dù cho Thường Bất Khinh có là tiền thân của Bụt Thích Ca đi chăng nữa. thì Bụt vẫn không ngừng tuyên thuyết và nhắc nhở chúng sanh phải lắng lòng để nghe cho được cái âm thanh vi diệu của Tự tánh.

Với những đặc tính như vậy, nên không có khoáng sản quý giá nào trên thế gian lại nằm ngoài lòng đất. Như kim cương, ngọc quý, và vàng bạc đều phải được hun đúc trong đất. Đó chính là lời khẳng định, chư Bụt hay trí tuệ của Chư Bụt chỉ được phát khởi nơi tâm đã không cỏn chướng ngại về ngã chấp, sở chấp, vượt khỏi đôi bờ tử sanh. Mà theo kinh Phổ Môn thì là tâm của hành giả khi đã nghe được âm ba vi diệu nơi tự tánh.

Em ạ, để nói rõ, tính đếm về công hạnh và đặc điểm của đất thì không thể cùng tận bởi vì Đại Địa nơi Phổ Môn là hình ảnh của vị Bồ tát Trì Địa. “Trì” là ôm lấy, bảo vệ, và vun bồi. Mà như Bụt Thích Ca đã nhấn mạnh, không thể tính đếm được công hạnh của một vị Bồ tát, nên chỉ có thể lược nói. Nên những tính chất và đặc điểm trên chỉ là những thứ mà tâm phàm phu hạn hẹp của ta có thể quán chiếu được. Em đã thấy rồi đó, nếu muốn sám hối thật sự thì phải như là đất thì từ đó mới thể nhập được bất sanh bất diệt. Như đã nói, sám hối không phải là để diệt nghiệp mà là phương tiện để cho chúng sanh quán chiếu, quay về tự tánh. Đó gọi “hồi đầu thị ngạn” vậy. Khi đã thấy và sống được với Như Lai tánh thì dù nghiệp còn, hay không còn cũng không là điều quan trọng nữa.

Do những công hạnh nhiệm màu đã phản chiếu gần như toàn bộ những tư tưởng, áo nghĩa uyên thâm của Quán Âm nơi phẩm Phổ Môn thị hiện, nên Bồ tát Trì Địa được là vị đứng lên giữa đại chúng để chốt gọn lại về pháp môn vi diệu và thù thắng này:

“Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào nghe phẩm QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT đạo nghiệp tự tại, PHỔ MÔN thị hiện sức thần thông này, thời phải biết công đức người đó chẳng ít”

Ta có thể diễn nghĩa thành: Kính thư Bụt. Nếu trrong pháp hội này, ai đã nghe, tin và thực hành theo những pháp môn quán chiếu về tự tánh đề từ đó phá đi ý niệm về NHỊ NGUYÊN thì người ấy có công đức vô lượng vô biên, có thể sánh cùng chư Bụt vậy.

Mà trong chúng hội Pháp Hoa, thì có vị Bồ tát nào xứng đáng để làm công việc là phản ánh lên toàn công đức, trí tuệ của Bồ tát Quán Âm hơn là Ngài Trì Địa chứ?

Em và ta đã cùng nhau đi trọn một vòng quanh cánh đồng Phổ Môn, nay mình phải quay về nhà thôi, trời đã tối rồi. Trên đường về, ta hãy dùng tiếng bất sanh bất diệt mà ca ngợi trí tuệ bất khả tư nghì của chư Bụt, vì những áo nghĩa nơi Phổ Môn cũng nhiều như cây cỏ, và vạn vật xung quanh ta vậy. Thế mà, Bụt lại có thể giảng nói tất cả pháp bất khả thuyết ấy thông qua ẩn dụ của Quán Âm và những chi tiết, hình ảnh hết sức tinh tế và ẩn tàng nơi phẩm kinh này.

Hãy đem thiên thu vào trong hơi thở. Đem tận nghiệp của ba đời vào trong một niệm. Thì em sẽ thấy được Quán Âm. Hãy trì cho đến khi thấy không còn trì nữa thì mới thật là TRÌ. Hãy niệm cho đến khi còn thấy niệm nữa thì đó mới chính NIỆM.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Bụt
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát
Nam Mô Shantideva Bồ tát

Nguyện những điều con viết ra đều từ nơi chánh niệm đặng lợi lạc hữu tình.

N.H

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here