Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Suy nghĩ về trang phục trong lễ tốt nghiệp cử nhân Phật...

Suy nghĩ về trang phục trong lễ tốt nghiệp cử nhân Phật học

136
0

Vừa qua, tôi được xem ảnh buổi lễ tốt nghiệp khóa VI Cử nhân Phật học của các Thầy tại Học viện Phật giáo TP. HCM. Buổi lễ diển ra rất trang trọng, trong không khí  hân hoan phấn khởi, bên cạnh sự hiện diện đông đủ các Thầy cô, các tân Cử nhân, còn có hiện diện  của các Thầy lãnh đạo Giáo hội và các Phật tử.

Xem xong ảnh buổi lễ, tôi rất vui mừng phấn khởi và tin tưởng vào tương lai phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các Thầy, những sứ giả của Đức Phật, bên cạnh nền tảng giới hạnh trang nghiêm, nay lại có được kiến thức và trí tuệ, sẽ  đem lại  nhiều lợi ích và an lạc đến cho rất nhiều người. Những người đang rất cần ánh sáng soi đường, đang rất cần sự hướng dẩn lối ra, vượt thoát mê cung cuộc sống vốn quá nhiều đảo điên, quá nhiền phiền não hiện nay.

Bên cạnh sự hân hoan tin tưởng vào những điều tốt đẹp trên, trong tôi lại có những băn khoăn, những suy nghĩ về trang phục được các Thầy sử dụng trong lễ tốt nghiệp:

1/ Thiển nghĩ trang phục của các Cử nhân, Tiến sỹ. . .nói chung là dành cho những người tốt nghiệp Đại học và sau Đại học mặc trong buồi lễ tốt nghiệp, hiện đang được hầu hết các trường Đại học (thậm chí ở cấp thấp hơn) sử dụng. Loại trang phục nầy có xuất xứ từ các nước phương Tây và chỉ du nhập vào nước ta trong những thập niên gần đây.

2/ Dù trang phục trên có “nguồn gốc” từ Tây phương hay Đông phương đi nữa, thì chắc hẳn chúng được thiết kế dành riêng cho những người  thuộc thế tục. Hơn nữa hiện nay có rất nhiều ngành, nhiều phân khoa khoa học nhân văn dạy về các lĩnh vực thuần túy về vật chất, xa Chánh Pháp, sinh viên tốt nghiệp các nơi nầy, hay ở các ngành khác, đều vận trang phục tốt nghiệp tương tợ nhau.

3/ Ngày tôi còn nhỏ, cứ mỗi lần nhìn thấy các nhà Sư  đắp y, đầu cạo nhẳn, mang bình bát, đi chân trần, bước đi từng bước, chậm rãi khoan thai theo hàng một, dọc theo con đường làng, là trong lòng tôi bỗng dâng lên niềm tôn kính, xúc động khôn tả.

Bên cạnh hình ảnh Đức Thế Tôn, thì hình ảnh các vị Sư đối với tôi là điều gì đó thiêng thiêng cao quý, là hình mẫu để tôi ngưỡng mộ suốt đời, và cho mãi đến hôm nay, cái cảm xúc ấy trong tôi vẫn không hề thay đổi.

4/ Bộ y hậu vàng và đầu cạo nhẳn là quá đổi thiêng liêng, quá đổi cao quý. Đến nỗi, dù là hàng thứ dân nghèo khổ cho đến hàng thương gia đại phú, trí thức học vị  hay quyền quý cao sang thuộc hàng vương giả đi nữa, thì khi diện kiến các nhà sư đều tỏ lòng tôn kính. Thậm chí hạng người hung ác, gian tà một khi nhìn thấy các vị Sư từ xa đi đến cũng phải lánh mặt, nếu lỡ chạm trán thì cũng phải cúi đầu khép nép. Thì sao các Thầy lại từ bỏ nó, từ bỏ trang phục truyền thống vô cùng linh thiêng cao quý đó trong ngày lễ tốt nghiệp trọng đại nầy.

5/ Ngoài ngày thọ giới xuất gia, thì ngày tự tứ là ngày củng cố và tăng trưởng giới hạnh, ngày tốt nghiệp là ngày cũng cố và tăng trưởng kiến thức, trí tuệ. Tất cả đều quan trọng, Tất cả dịp nầy y bát là quan trọng.

6/ Tôi xin được mạn phép có đề nghị: Lễ tốt nghiệp được tổ chức thật trang nghiêm, không những nhằm ghi nhận thành quả của quá trình nổ lực học tập, mà còn nhắm đến mục đích lớn lao hơn nữa, cao quý hơn nữa: là để đánh dấu một giai đoạn mới, với trách nhiệm mới, nặng nề hơn, cụ thể hơn trên con đường tu dưỡng và hoằng pháp sắp đến “Trên cầu đạo Bồ Đề, dưới phổ độ chúng sinh” – Con đường rất khó khăn đầy gian khổ, rất nhiều nghịch cảnh trong bối cảnh xã hội tiêu thụ-hưởng thụ tối đa hiện nay.

Trong buổi lễ, các Thầy vận y truyền thống theo hệ phái, không đội mũ, chỉ cần đeo thêm huy hiệu hay vật biểu trưng của ngày lễ tốt nghiệp.

Trên đây là những suy nghĩ xuất phát từ tấm lòng thành kính vô hạn đối với Tam bảo, xuất phát từ tình cảm ngưỡng mộ, kính trọng vô hạn đối với hình bóng nhà sư Phật giáo, giản dị mà trang nghiêm, từ bị, thoát tục mà hiện thế đời thường.

Nếu những suy nghĩ nông nổi của tôi trên đây, có điều gì sơ xuất, mạo phạm xin các Thầy hoan hỷ xá tội và bỏ qua.

TP.HCM, 16/9/2009

(Theo Phattuvietnam.net)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here