Trang chủ Phật giáo với Tuổi trẻ Suy nghĩ về phát triển tổ chức Gia đình Phật tử trong...

Suy nghĩ về phát triển tổ chức Gia đình Phật tử trong thời hội nhập

129
0

Toàn cầu hóa là thành tựu phát triển khoa học kĩ thuật cao của thời hiện đại, cách mạng công nghệ thông tin làm cho diện mạo đời sống nhân loại trở nên phong phú và đa chiều, khắc phục được những hạn chế của thời gian và không gian. Các lãnh vực của đời sống xã hội không còn hạn chế trong một nước mà vượt qua đường biên lãnh thổ các quốc gia để phủ sóng khắp thế giới. Điều này giúp cho con người ngày nay có tầm nhìn xa rộng, dung hoà, cởi mở và tôn trọng các giá trị văn hóa nhân văn khác nhau cùng tồn tại trong cuộc sống.

Song song với những giá trị tích cực của đời sống toàn cầu hóa, những vấn đề bất cập đã  phát sinh trong quá trình phát triển và hội nhập của con người. Sự mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; khoảng cách giữa các thế hệ trong xã hội; chênh lệch về nhiều mặt giữa các nước đã phát triển và các nước đang phát triển, con người dễ bị khủng hoảng tinh thần trong đời sống vật chất thừa thãi. Các giá trị văn hóa truyền thống địa phương có nguy cơ mai một v.v….

Đô thị phát triển, văn hóa khu phố, phường, thành thị  phong phú đa dạng không gian văn hóa của  cộng đồng các dân tộc Việt. Văn hóa Việt Nam với truyền thống văn hóa nông nghiệp làng xã không vì thế mất đi mà trở thành nền văn hóa cơ sở trong thời hiện đại. Văn hóa truyền thống là tư lương cho con người hội nhập với xã hội và thế giới.Làm thế nào dung hoà giữa “Toàn cầu hóa”và “Địa phương hóa”để ổn định phát triển là vấn đề mà người học Phật ngày nay luôn phải suy nghĩ .

Xác lập nếp tư duy mới , tư duy toàn cầu

Trái  đất và nhân loại là một tổng thề sinh tồn.Con người cùng sống trên trái đất, cùng đón nhận một nguồn sinh thái tài nguyên, có  cùng chung vận mệnh sinh tồn chân thiện mỹ như  nhau. Sự khác biệt chẳng qua là cách thực hiện lối sống nhanh hay chậm, đúng hướng hay chưa đúng hướng, hoà bình hay bạo lực của những con người, những cộng đồng người trên thế giới.

Toàn cầu hóa và địa phương hóa đều là những thành  tố cơ bản của hai mặt cuộc sống. Không một địa phương nào có thể phát triển ngoài vòng ảnh hưởng của toàn cầu. Toàn cầu hóa theo chiều hướng tích cực không thể thiếu sự đóng góp văn hóa đặc trưng của các vùng miền khác nhau. Toàn cầu hóa và địa phương hóa là hai quá trình kích thích và tương tác qua lại đồng phát triển chứ không nhất định mâu thuẫn trái ngược nhau như những hiện tượng bề mặt mà chúng ta nhận thấy.

Thiết nghĩ  một vài truyền thống văn hóa địa phương mất đi có lẽ không phải do tác động của trào lưu toàn cầu hóa mà chính tự thân các nhân duyên tồn tại của văn hóa thiếu các yếu tố cần và đủ để sinh tồn. Những giá trị sống không đáp ứng được nhu cầu của con người thì con người cố gắng giữ cũng không giữ được. Những giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng được nhu cầu tinh thần của con người thì tự nhiên có đủ nhân duyên để tồn tại và được phát huy một cách hiệu quả, người ta muốn bỏ cũng không thể nào bỏ được.

Nếp sống đạo đức Phật giáo đã lưu truyền  khắp địa cầu. Đạo Phật đến đâu trở thành Phật giáo của vùng miền đó. Đạo Phật không hề Ấn Độ hóa Phật giáo Việt Nam, ngược lại Đạo Phật và đạo lí nhân văn Việt Nam đã dung hòa kết hợp một cách kì diệu, hoàn thiện thành những thiền phái Phật giáo Việt Nam như : Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; Thiền phái Lâm Tế Nguyên Thiều; Thiền phái Lâm Tế Chuyết Công; Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh v.v…

Ngày nay nếp sống đạo đức Phật giáo Việt Nam đã  trở thành một thành tố cơ bản của văn hóa truyền thống nhân văn Việt Nam. Nếp sống học Phật của người Phật tử Việt Nam hôm nay luôn cởi mở tiếp thu ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin trong đời sống tu tập hàng ngày.

Công nghệ thông tin phát triển thu nhỏ không gian của địa cầu, toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu của con người. Trên trái đất có nhiều dân tộc đang sinh sống nhưng các dân tộc chỉ có  chung một quả địa cầu, chính vì vậy toàn cầu hóa để cùng phát triển là xu thế tất yếu của nhân loại. Người Phật tử cần phải xác lập cho chính mình nếp tư duy toàn cầu để sống tốt trong thế giới hội nhập.

Nhìn nhận toàn diện giữa tổng thể và thành tố

Trong thời đại toàn cầu hóa, công tác phát triển gia đình Phật tử cần mang tính chất toàn cầu hóa nhưng lại có thể phát huy tốt truyền thống tu học phật pháp theo khuynh hướng “ địa phương toàn cầu hóa” và “ toàn cầu địa phương hóa”, bồi dưỡng mình trở thành những công dân Phật tử thế giới  có “tầm nhìn toàn cầu” trong “ tố chất tình làng nghĩa xóm”.

Giáo dục song song toàn cầu hóa và địa phương hóa

Thuận theo xu  thế và nhu cầu của thời đại toàn cầu hóa để rèn luyện tư duy, thế giới quan, ý thức quốc tế cho đoàn sinh Phật tử, nương vào phương thức này để liên kết với xã hội chúng ta đang sống. Dần dần hòa nhập vào môi trường tu học phật pháp chung của Việt Nam và các nước trên thế giới. Giáo dục cho người Phật tử truyền thống học Phật của dân tộc Việt chính là chuẩn bị tư lương cho hành trình hội nhập .

Ý ngh ĩa của giáo dục phật học địa phương hóa

Đối diện với hiện thật toàn cầu hóa, các nhà giáo dục Phật học như chư Tăng Ni, Phật tử  hoằng pháp cần suy nghĩ lại những phương pháp ứng dụng phật học sao cho phù hợp với thật tiển. Làm thế nào để bảo tồn, phát triển và đưa các giá trị giáo dục Phật học truyền thống vào các hoạt động hướng dẫn Phật tử trong hiện tại. Tiếp tục phát huy tốt những giá trị văn hóa Phật giáo đặc sắc của dân tộc Việt mà các quốc gia khác không có được. Thiết thật đưa di sản tư liệu văn hóa Phật giáo Việt Nam vào đời sống và góp phần phong phú di sản văn hóa nhân loại.

Lí do cần phát triển song song hai nhân tố toàn cầu hóa và địa phương hóa trong giáo dục Phật học

Dưới áp lực toàn cầu hóa đang tiến triển từng ngày, giáo dục phật học phải có những phương pháp ứng biến thích nghi xã hội thì mới có thể bồi dưỡng và đào tạo được những người Phật tử có tố chất quốc tế cho thế giới toàn cầu.

Đối diện với hiện tượng toàn cầu hóa mọi mặt của đời sống, giới giáo dục Phật học buộc phải phản tỉnh, lựa chọn các giá trị văn hóa truyền thống để  nổ lực hoằng truyền và khẳng định công năng cơ sở, nguồn gốc của văn hóa đạo đức Phật giáo. Dựa vào cơ sở đạo đức Phật học để sáng tạo nên diện mạo mới của Phật giáo ngày nay với phong cách văn hóa đa nguyên cùng tồn tại, hổ tương, dung hòa và ảnh hưởng qua lại.

Vai trò của giáo dục Phật học

Vai trò  của giáo dục Phật học hiện đại chính là sự  điều chỉnh các xung khắc, mâu thuẩn và khác biệt giữa “toàn cầu hóa” và “ địa phương hóa” trên các lãnh vực đời sống tinh thần và vật chất. Làm thế nào để cộng đồng các dân tộc Việt phát triển ổn định trong xu thế toàn cầu mà vẫn có thể truyền thừa và phát huy được tính ưu việt của văn hoá truyền thống dân tộc. Giáo dục và đào tạo được những người Phật tử của thời đại mới với đầy đủ ý thức về văn hóa dân  tộc và thế giới quan quốc tế.

Giáo dục Phật học là giáo dục nhân bản chú trọng hướng người học Phật đến sự kiêm toàn giữa phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ. Khi hội đủ đức tuệ, con người dễ lãnh hội và ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống với tinh thần tùy duyên. Tùy nhân duyên là chìa khóa để cho người học Phật mở ra tầm nhìn toàn diện của mối quan hệ tương tác của “toàn cầu hóa” và “ địa phương hóa”

IV. Kiến nghị các phương pháp cụ thể

1. về mặt biên soạn giáo trình phật học

a. Toàn cầu hóa: Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục Phật học, nêu cao tinh thần học tập và thực hành Phật pháp mọi lúc, mọi nơi với mọi phương tiện truyền thông công nghệ thông tin đa ngôn ngữ.

b. Địa phương hóa: Ứng dụng công nghệ thông tin và sự phong phú giàu ngữ nghĩa của tiếng Việt trong từng vùng miền để nghiên cứu giới thiệu nếp sống học Phật của người Phật tử trên khắp mọi miền quê hương. Cập nhập  các hoạt động học Phật của mỗi vùng miền vào hệ thống thông tin toàn cầu.

2. Tổ chức hoạt động

a. Toàn cầu hóa: Chủ động ứng dụng  công nghệ thông tin và môi trường công nghệ đa năng , đa ngôn ngữ để nắm bắt các hoạt động Phật học trên thế giới, đưa Phật giáo thế giới đến với Phật tử Việt Nam và đưa hoạt động học Phật của Phật giáo Việt Nam ra khắp năm châu.

b. Địa phương hóa: Tận dụng các kỹ thuật của công nghệ thông tin để phát triển và giáo dục thế hệ trẻ biết hiểu và yêu quý giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo cơ sở cho đoàn sinh Phật tử hiểu về giá trị đạo đức Phật giáo truyền thống , biết tôn trọng , dung hòa giao lưu với những nguồn văn hóa khác trong xã hội.

3. Yêu cầu tập huấn và đào tạo chuyên viên hoằng Pháp:

a. Toàn cầu hóa: Người tham gia công tác hoằng pháp phải ý thức thiết lập cho chinh mình tầm nhìn rộng và đa chiều về đạo Phật ngày nay, không ngừng học tập ngôn ngữ các nước, bồi dưỡng huấn luyện kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Hoằng pháp viên cần ý thức bồi dưỡng cho mình năng lực phản tỉnh, phán đoán và lựa chọn, tổ chức các hoạt động hoằng pháp có tính xã hội hóa cao. Không ngừng  tu học và hoàn thiện tố chất bi – trí – dũng đa năng của một vị hoằng pháp trong thời hội nhập

b. Địa phương hóa:

Đạo đức Phật giáo là nền tảng văn hóa truyền thống để con người phát triển và hội nhập. Tự mình cần thật hành và thể nghiệm trong cuộc sống để rút ra những bài học sống về Phật học, biên soạn các bài giảng Phật pháp thuận ứng với xã hội hiện tại nhưng vẫn đậm nét nhân bản, nhân văn của Phật giáo Việt Nam. Khuyến khích Phật tử địa phương tham gia các lớp đào tạo chuyên viên hoằng pháp cơ sở.

4.Về phương diện xã hội

a. Toàn cầu hóa: Hoạt động giáo dục Phật học cho Phật tử phải song hành và đồng hành với giáo dục xã hội, khuyến khích người Phật tử tích cực và chủ động tiếp nhận các tri thức công nghệ thông tin để ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Tiếp nhận, dung hòa và tôn trọng sự khác biệt giữa các nguồn văn hóa cũng như sự khác biết trong sự lựa chọn cách sống của mọi người trong xã hội.

b. Địa phương hóa:

Thế giới đa văn hóa được kết hợp từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau, chính vì vậy văn hóa địa phương là thành tố cơ sở không thể thiếu cho văn hóa toàn cầu. Nét riêng biệt đặc sắc của văn hóa địa phương là thành tố  tạo nên sự phong phú đa dạng của tổng thể văn hóa nhân loại. Truyền thống học Phật và nếp sống đạo đức Phật giáo của mỗi vùng miền là môi trường giao lưu và hoà nhập của cuộc sống thời hiện đại.

Suy nghĩ  thay lời kết:

Từ lâu người Phật tử Việt Nam đã hình thành truyền thống học Phật theo thôn, xóm, làng xã với các khuôn hội, niệm Phật đường và chùa. Ngày nay đoàn viên gia đình Phật tử đi khắp bốn bể năm châu và bạn bè từ các nơi trên quả địa cầu đều đến Việt Nam du lịch, hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa. Thành viên gia đình Phật tử Việt Nam không chỉ có những người mang quốc tịch Việt. Hoạt động học Phật là sợi dây nhân duyên  liên kết mối quan hệ đặc biệt vi diệu giữa những người Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới với những ngôi chùa, khuôn hội và niệm Phật đường ở Việt Nam và hải ngoại.

Không ai có  thể đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa của nhân loại, phật giáo cũng chịu tác động toàn cầu hóa trong từng ngày từng giờ. Hoạt động giáo dục Phật học của gia đình Phật tử cần phải linh hoạt tùy duyên mà bất biến giữa “ toàn cầu hóa ” và “ địa phương hóa” trên cơ sở Phật học. Mặt khác giáo dục Phật học trong thời hội nhập kĩ thuật số và công nghệ thông tin với mục đích giúp con người sống  giữ được an tĩnh nội tâm giữa các tốc độ kĩ thuật siêu nhanh và cao tốc của nhân loại. Người học Phật luôn cảnh tỉnh để thực hiện lời Phật dạy trong cuộc sống, hòa vào nhịp sống toàn cầu mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Khắc phục những nhược điểm địa phương cục bộ để đưa văn hóa dân tộc hội nhập văn hóa thế giới, góp phần tăng thêm tính phong phú đa nguyên của văn hóa nhân loại. 
 

H.T

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here