Trang chủ Nghiên cứu – Trao đổi Sự tương đồng của Thiền Trần Nhân Tông và Đại Toàn Thiện

Sự tương đồng của Thiền Trần Nhân Tông và Đại Toàn Thiện

271
0


1. Tổng quát

Phật giáo được truyền vào Tây Tạng trong thời vua Trisong Detsen (742 – 797) bởi vị Tổ của phái Nyingma Cổ Mật là Padmasambhava và Pháp sư Vimalamita, cả hai đều là những vị thầy Dzogchen (Đại Toàn Thiện hay Đại Viên Mãn).

Đại Toàn Thiện tiếng Sanskit là Ati Yoga hay Mahasandhi và được truyền thống cổ phái Nyingma xem là thừa cao nhất trong 9 thừa:

1/ Thiên Nhân thừa, 2/ Thanh Văn, 3/ Độc Giác thừa, 4/ Bồ tát thừa, 5/ Kriya Tantra, 6/ Ubhava Tantra, 7/ Mahayoga, 8/ Anuyga, 9/ Atiyoga.

“Atiyoga đặt nền trên con đường tự giải thoát và trên kinh nghiệm chứng ngộ trực tiếp trạng thái bổn nguyên” (Dzogchen, the self  perfected, Chogyal Namkhai Norbu, trang 16). Trạng thái bổn nguyên này là Phật tâm hay Phật tánh. Hay còn gọi là tánh giác bổn nhiên rigpa, bổn tâm, bổn tánh, tịnh quang, tánh không, chân như, bổn lai diện mục, trạng thái của tâm bình thường… Với Kim Cương thừa, trạng thái bổn nguyên này được gọi Là bổn tánh Kim Cương. Thế nên Kim Cương thừa (Vajrayana) là những phương tiện chuyên chở (cỗ xe, thừa, yana) để đạt được bổn tánh kim cương của chính mình và của mọi sự.

Điều quan trọng nhất là Phật tâm này luôn luôn hiện diện như nền tảng của tâm thức: “Này Tu Bồ Đề! Bồ tát an trụ thiền ba la mật chẳng thấy có sắc, chẳng thấy có thọ tưởng hành thức, chẳng thấy có sáu ba – la – mật, chẳng thấy có bốn niệm xứ đến nhất thiết chủng trí, chẳng thấy có tánh hữu vô tánh vô vi. Vì chẳng thấy có nên chẳng tác, vì chẳng tác nên chẳng sinh, vì chẳng sinh nên chẳng diệt. Tại sao vậy? Vì có Phật hay không có Phật vẫn là Như: pháp tướng pháp tánh thường trụ, chẳng sinh chẳng diệt” (Đại Bát Nhã, phẩm Lục Độ Tương Nhiếp thứ 68, HT. Thích Trí Tịnh dịch).

Phật tâm là một tác phẩm của Longchen Rabjam (1308 – 1363), một vị Tổ vĩ đại của Đại Toàn Thiện. Và Thượng sĩ Tuệ Trung, vị thầy của Trần Nhân Tông có bài Phật Tâm ca (bài thứ nhất trong phần Thi Tụng).

Có thể tóm tắt, Kim Cương thừa ( trong đó có Đại Toàn Thiện, chót đỉnh của Kim Cương thừa, đặt nền trên Đại thừa (tất cả 4 phái Tây Tạng đều căn cứ vào tánh Không của Long Thọ) và là sự thực hành với phương tiện thiện xảo đặc biệt để đạt đến thực tại tối hậu của Đại thừa. Thiền tông cũng tương tự, nó là sự thực hành Đại thừa ở mức độ tinh túy và nguyên sơ.

2. Con đường Đại Toàn Thiện và Thiền tông

Con đường Đại Toàn Thiện gồm Nền Tảng, Con Đường và Quả. Ở nơi hành giả là Cái Thấy Hiểu (Nền Tảng), Thiền (Con Đường) và Hạnh (Quả). Có thể xem Natural Great Perfection, Nyoshul Rinpoche, 1995, Đại Toàn Thiện Tự Nhiên, Thiện Tri Thức, 1999. VàNhững Giáo Lý Đại Toàn Thiện giảng ở Tây phương, Dalai Lama, Nxb TTT, 2007, tr 65.

Chúng ta cần biết là con đường này cũng là con đường Mười Địa theo Đại thừa (Phật Tâm, chương 11: Sự chứng đắc những địa và những thị kiến của ĐTT). Trong Tánh Giác Lộ Toàn Thânnhững giáo huấn về sự hợp nhất của Đại Ấn (Mahamudra) và Đại Toàn Thiện (Dzogchen) của Karma Chagmé (1613 – 1678), TTT 2003, có so sánh con đường Đại Toàn Thiện và Đại Ấn với Mười Địa của Đại thừa ở chương 9 và chương 11. Nói theo kinh Pháp Hoa, ở đây con đường Khai Thị Ngộ Nhập Phật tri kiến.

Nền Tảng (Cái Thấy Hiểu). Theo Đức Đạt Lai Lạt ma trang 38: “Tinh túy của nó là sự thanh tịnh bổn nguyên hay kadak, bản tánh của nó là sự hiện diện vốn sẵn hay Ihundrup”. Nói theo Thiền tông, nền tảng là bản tánh vốn thanh tịnh và có sẵn thường trực nơi mỗi chúng ta.

Hành giả được thầy “giới thiệu” vào bản tánh nền tảng này. Đối với Thiền tông, bước vào được bản tánh nền tảng gọi là “ngộ” tánh, “thấy tánh”. Hành giả cần có “Cái Thấy Hiểu” (kiến giải) về bản tánh, sau đó mới có thể có Thiền (Con Đường) và Hạnh (Quả). “Con không phải là hành giả nếu con mong mỏi đạt đến Quả trong tương lai mà bây giờ  con không nhận biết khuôn mặt bổn nhiên của tâm con” (Những khai thị của Đức Liên Hoa Sinh về con đường ĐTT, trang 165, Thiện Tri Thức, 1998).

Cái Thấy Hiểu tương đương với Thiền tông là thấy tánh (Đốn ngộ), với cả Nam tông và Bắc tông là Kiến Đạo vị hay Thông Đạt vị. Con Đường và Quả tương đương với Diệu tu (gọi Diệu tu vì ở trong tánh mà tu, gọi là tánh mà thâm nhập tánh). Với Đại thừa (Duy thức tông) là Tu Tập vị và Cứu Cánh vị.

Chúng ta lấy một trường hợp được thầy giới thiệu vào bản tánh nền tảng. “Nyoshul Lungtok, về sau trở thành một bậc thầy vĩ đại về Thiền Đốn Ngộ (Đại Toàn Thiện) trong thời hiện đại, đã theo thầy là Patrul Rinpoche trong 18 năm. Suốt thời gian ấy hai thầy trò không rời nhau. Nyoshul học và hành rất chuyên cần, đã tích lũy một kho công đức, thực tập và tịnh hóa, sẵn sàng để nhận ra bản tâm, nhưng vẫn chưa được thầy khai thị. Vào một buổi chiều, trên núi, ngài Patrul đang nằm dài dưới đất, thực tập một kiểu tu Dzogchen đặc biệt. Ngài gọi Nyoshul đến rồi bảo: ‘Có phải ông nói là ông chưa biết tự tánh tâm là gì hay không?’. Nyoshul gật đầu, chờ đợi. Patrul Rinpoche nói: ‘Kỳ thực thì không có gì. Ngài nói bâng quơ. Và thêm: ‘Này con hãy tới nằm đây như cha già của con’. Nyoshul đến nằm bên cạnh. Patrul nói:

– Con thấy những vì sao trên trời không?

– Dạ có

– Con có nghe chó sủa phái dưới tu viện không?

– Có

– Con có nghe ta nói gì với con không?

– Có

– Vậy đó, tự tánh tâm, bản chất của Dzogchen chỉ là thế đấy.

Nyoshul kể lại những gì lúc ấy: Ngay khi ấy, tôi đạt đến một sự chắc chắn của thực chứng nội tâm. Tôi giải thoát khỏi xiềng xích của phải và không phải. Tôi đã nhận chân trí giác nguyên thủy (Phật tâm), sự hợp nhất đơn thuần giữa tánh Không và trực giác nội tại. Tôi được khai ngộ nhờ ơn phước của thầy. Như Saraha, đạo sư vĩ đại Ấn Độ đã nói:

“Kẻ nào mà lời thầy đã thâm nhập vào tâm
Sẽ thấy được chân lý như ngọc trong tay”.

(Tạng Thư Sống Chết. Sogyal Rinpoche, Trí Hải dịch trang 349 – 350).

Những câu chuyện trực ngộ bản tánh của tâm như vậy được kể lại rất nhiều trong cả bốn phái của Tây Tạng. Trong Thiền tông khi đã được gọi là Thiền sư thì vị nào cũng đã trải qua một kinh nghiệm như vậy.

Với Trần Nhân Tông, trong bài thơ Xuân Muộn, ông nói nay đã rõ khuôn mặt của thực tại, đã thấy tánh:

Tuổi nhỏ chưa từng rõ sắc – không
Tâm sự muôn hoa trong một xuân
Khuôn mặt chúa xuân đà khám phá
Nệm cỏ giường thiền ngắm rụng hồng.

Trong Thượng Sĩ Hành Trạng do Trần Nhân Tông viết, sau nhiều lần tham học: “Một hôm ta thỉnh hỏi ngài (Tuệ Trung Thượng Sĩ) về nguồn gốc của tông chỉ Thiền. Thượng sĩ liền đáp: Hãy xoay lại thấy cái phần gốc chính là Tự Kỷ (cái Chính Mình), chớ chẳng theo cái gì khác mà được. Ta bỗng nhiên được chỗ vào đường đạo, bèn vén áo thờ ngài làm thầy”. Đó là thời gian khi quân Nguyên Mông chuẩn bị xâm lược lần thứ 3 (1287).

Sự xác quyết không còn nghi ngờ này, chúng ta thường thấy các Thiền sư nói khi ngộ, “Từ nay mới hết nghi Tổ nghi Phật”. Với Thượng Tọa bộ Nam tông, hết nghi là một trong ba điểm của bậc Thánh Nhập Lưu: hết thân kiến, hết nghi, và hết mắc vào giới cấm thủ, Đại Toàn Thiện nói: “Đây là một xác quyết duy nhất, khám phá Trạng Thái duy nhất của tánh Giác (Những Chữ Vàng, Garab Dorje, Patrul Rinpoche bình giảng, TTT, 2002, trang 110). “Đạt được xác tín rằng từ vô thủy tự tâm ông chính là tánh giác của Phật tánh” Những Khai Thị… trang 52).

Chúng ta thấy Trần Nhân Tông tu học từ nhỏ và ngộ khi đang làm vua. Chính vì sự trưởng thành tâm linh này mà khi làm vua và thái thượng hoàng rồi sau đó như một quốc sư, ông chính là vị vua hoàn hảo nhất trong các triều đại của lịch sử Việt Nam. Trần Nhân Tông là lý tưởng của Đông phương: Vua – thánh, và với lý tưởng Hy Lạp Tây phương thì cũng thế: Vua – minh triết. Sự hợp nhất Đời và Đạo, không phải là lý thuyết, mà là hiện thực bằng thực hành, là cột trụ xương sống của toàn bộ cuộc đời vua Trần Nhân Tông.

Con Đường (Thiền) và Quả (Hạnh)

Đức – Đạt – lai Lạt – ma trong Đại Toàn Thiện giảng ở Tây phương nói:

– “Cái Thấy Hiểu là một trạng thái an nghĩ bất động như một trái núi.

– Thiền là một trạng thái không xáo động như đại dương, vì bất kể bao nhiêu sóng trên mặt nước, đại dương vẫn sâu thẳm bình an và tĩnh lặng. Sự thiền định này là một ‘chánh niệm tự nhiên và đích thực’. Một khi bạn đã được giới thiệu trực tiếp vào kinh nghiệm tánh giác rigpa, chánh niệm địch thực này hiện hữu như những tia sáng chiếu rọi từ mặt trời. Ở đây, bạn không cần một chánh niệm đòi hỏi cố gắng ở mức độ phi thường.

– Hạnh (hay hành động) là một trạng thái an nghỉ không xáo động khi đối diện với những tri giác quan. Bạn đã được giới thiệu vào cái thấy hiểu rigpa, và bạn có kinh nghiệm đó. Chừng nào bạn không theo và không mắc bẫy trong những đối tượng quan hay những ý niệm sinh khởi theo sau gót các đối tượng giác quan đó, mà bạn ở yên (an trụ) trong sự sống động trực tiếp của ánh giác rigpa, những hành động của bạn sẽ không là lấy hay bỏ. Thế nên hành động là một trạng thái an nghỉ không xáo động mặc dù những xuất hiện giác quan, vượt khỏi đèn nén hay thả lỏng, hy vọng hay lo sợ.

Đây là những đặc trưng của lối tiếp cận Đại Toàn Thiện” (trang 65).

Khi đã bước vào thật địa của chân tánh thì làm gì cũng là tu, đó là Diệu Tu, tùy duyên mà thâm nhập vào chân tánh. Nói cách khác là an trụ vào tánh và làm mọi hành động phát khởi từ sự an trụ trong tánh giác. Ngài Padmasambhava nói:

“ Là một thiền giả không chỉ có nghĩa là sống giản dị chân chất mà có nghĩa là hòa tâm mình với pháp tánh. Là một người trì chú không có nghĩa là lẩm bẩm các thần chú; mà có nghĩa là đạt đến giác ngộ một cách nhanh chóng qua con đường hợp nhất của phương tiện và trí tuệ. Là một thiền giả không có nghĩa là sống trong hang núi; mà còn có nghĩa là tu hành trong thật nghĩa của trạng thái bổn nhiên. Là một ẩn sĩ không có nghĩa là sống trong rừng sâu; mà có nghĩa là tâm người ấy thoát khỏi các tạo tác nhị nguyên. (Những khai thị… trang 140).

Sau khi ngộ tánh, Trần Nhân Tông đã sống cuộc đời mình theo tánh giác đó: hòa trộn cuộc đời mình trong tánh giác (nhập), để thân khẩu ý là sự biểu lộ của tánh giác. Kinh Nhật Tụng nói: “xứng tánh tác Phật sự”. Đây là giai đoạn Diệu tu nói theo Thiền tông, hay và thiền Hạnh nói theo Đại Toàn Thiện.

Cư Trần Lạc Đạo phú và tất cả những bài thơ Thiền của Trần Nhân Tông đều nói lên sự an vui thong dong này:

Mình ngồi thành thị
Nết dụng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm

Chuyển ba độc mới chứng ba thân
Đoạn sáu căn nên trừ sáu giặc…
Hỏi pháp chân không
Hề chi lánh ngại tham chấp sắc
Biết chân như, tin bát nhã
Chớ còn tìm Phật Tổ tây đông…

Bốn câu kệ cuối là “Không thiền định”, cấp độ cuối cùng của Thiền Đại Ấn (Mahamudra) Tây Tạng (Có thể xem Kho Tàng tâm của các Bậc Giác Ngộ, Patrul Rinpoche, Dilgo Khyentse giảng, TTT 1999, trang 168 – 170):

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói thì ăn, hề, mệt ngủ yên
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi Thiền.

Cuộc đời là sự biểu lộ của Đạo, của chân tánh. Mỗi phút giây chết đi và tái sinh mới lại: “Mỗi lần nêu lên đều là một lần mới” (Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm).

Trong bài kệ cuối cùng viết trên vách chùa Cổ Châu trước khi lên núi Yên Tử thị tịch, ông đã tổng kết cuộc đời mình, một đời sống trong (Phật tánh) và chết trong Phật tánh:

Số đời một hơi lặng
Tình trần hai biển trăng
Cung ma chi sá kể
Nước Phật vô cùng xuân.

Và câu nói cuối cùng của ông: “Tất cả pháp không sinh. Tất cả pháp không diệt. Nếu hay hiểu như thế. Chư Phật thường hiện tiền. Làm gì có chuyện đến hay đi”.

Chúng ta thấy có một sự tương đồng trong nội dung với thị kiến thứ 3 “Sự Hoàn Thiện của tánh giác Bổn nhiên” và Thị kiến thứ 4 “Tan biến vào Pháp tánh” trong pháp tu Thregchod của Đại Toàn Thiện. Có thể xem chi tiết về bốn giai đoạn này trong Tánh giác Lộ Toàn Thân, chương 7, trang 179 – 238. Ở đây chúng ta trích một đoạn của Longchenpa trong Phật Tâm, trang 357 – 358 nói về giai đoạn 3 và 4, hai giai đoạn cuối cùng:

“(3) Bằng cách mở rộng hơn nữa kinh nghiệm
Tánh giác bổn nhiên trở thành quang minh, tánh không và trí tuệ bổn nguyên trần truồng
Trong đó không có hôn trần trạo cử, không có ‘động lay và không động lay’.
Không có khác biệt giữa thiền định và xuất thiền định, mà nó luôn luôn không ngừng như một dòng sông.
Khi một mức độ phi thường của Hạnh như vậy được hoàn thành
Đó là sự chứng đắc thị kiến “Sự hoàn thiện của tánh giác bổn nhiên”.
“(4) Khi người ta không bao giờ lìa khỏi trạng thái này
Người ta tự do khỏi những ý niệm hóa của danh và tướng, siêu vượt tất cả lấy và bỏ
Mọi sự đồng thời toàn thiện và giải thoát khỏi những nắm bắt
Sự bám luyến những hiện hữu bên ngoài và bên trong cạn kiệt.
Bây giờ đó là sự chứng ngộ thị kiến “Tan biến vào pháp tánh”.
Rồi bằng cách đem tánh giác bổn nhiên đến sự hoàn thiện trong bốn thị kiến.
Những sắc thân tan vào Pháp tánh
Và người ta đạt giải thoát bằng cách siêu vượt khỏi những hình tướng và nắm bắt trống không.
Đó là sự chứng đắc thường hằng trong trạng thái bổn nhiên”.

Nói theo Thiền tông, đây là sự chuyển tất cả tướng thành tánh. Nói theo Duy thức tông là sự chuyển thức thành trí. Theo hệ thống Bát Nhã là sự chuyển toàn bộ hiện hữu thành tánh Không. Hay nói theo Đại thừa là chuyển tất cả sinh tử thành Niết – bàn.

3. Kết bài

Điều có ý nghĩa quan trọng là vua Trần Nhân Tông đã thực hiện những sự việc ấy trong cuộc đời xã hội “hòa quang đồng trần” của mình. Như thầy của ông là Thượng sĩ Tuệ Trung. Ông đã thực hiện cuộc đời mình theo bốn giai đoạn của văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa. 1/ Tuổi thơ học cả đời lẫn đạo. 2/ Trưởng thành sống đời sống gia đình và xã hội và đem đạo lý ấy thể hiện trong đời. 3/ Tách lìa bớt với bổn phận con người xã hội để dành thời giờ  cho con người tâm linh, sống đạo nhiều hơn là sống đời. 4/ Đạt đến sự trọn vẹn của con người tâm linh, sự trọn vẹn của Đạo để rời khỏi cuộc sống thế gian. Trong cả bốn giai đoạn ấy, giai đoạn nào ông cũng hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ của mình đối với chính mình, đối với người chung quanh, đối với đất nước và nhân loại, cả phần đời lẫn phần đạo. Đời Đạo hợp nhất, đó là lý tưởng của Đại thừa, và ông là người thực hiện một cách xuất sắc nhất, ở những đỉnh cao vừa vinh quang vừa khó khăn nhất.

Có lẽ bài học lớn nhất mà ông để lại cho mỗi con người bình thường chúng ta là: Ông cũng sống đủ bốn giai đoạn của con người bình thường, nhưng bằng sự học đạo, thể nghiệm đạo ông đã đóng lên những thứ vô thường của một đời người dấu ấn của sự bất tử.

Thiền, hay Đại Toàn Thiện, hay Đại Ấn… không thể khác nhau ở mục đích: thực tại tối hậu phải là tánh giác, Phật tánh… Không khác nhau mới gọi là truyền thừa, tâm truyền tâm, như một dòng sông giữ nguyên một vị từ đầu đến cuối. Nếu có sự khác biệt trong những phương tiện thiện xảo để thực hiện nó, để ứng hợp với hoàn cảnh không gian thời gian, nghĩa là với tính lịch sử của từng đất nước.

Thiền Việt Nam phải ứng hợp với người Việt Nam, điều đó Trần Nhân Tông đã thấy rõ hơn ai hết và thực hiện nó một cách hoàn bị hơn ai hết. Tu học từ nhỏ và ngộ đạo vào lúc đảm đương bổn phận xã hội để xứng tánh làm Phật sự trong hết quãng đời còn lại. Chính vì đã ngộ đạo trong lúc làm vua mà ông đã thành công đến thế trong việc kết hợp giữa Đạo và Đời, Đời là sự biểu lộ của Đạo, thế nên ông là vị vua xuất sắc nhất, toàn diện nhất, hoàn thiện nhất của tất cả lịch sử Việt Nam.

Dĩ nhiên tánh giác hay Phật tánh thì không hề khác nhau, giữa Trần Nhân Tông với những vị Tổ của ba dòng Thiền Việt Nam Tỳ – ni – đa – lưu – chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường cũng như với tất cả những bậc chứng ngộ Phật tánh ấy trên trái đất này trải qua lịch sử. Nhưng sở dĩ ông được người Việt Nam ca ngợi, lấy làm gương mẫu như vậy là vì nơi Trần Nhân Tông cái Phật tánh phổ quát đó được đặt vào một thân tâm đậm chất Việt Nam nhất. Một giác ngộ Phật tánh trong một đời sống Việt Nam. Một Phật tánh trong một ‘biệt nghiệp’ Việt Nam.

Chính vì sống một cuộc đời không rời lìa với Đạo (“Đạo thì không thể lìa trong bất kỳ giây phút nào, nếu có thể lìa, thì đó không phải là Đạo” – Trung Dung) mà ông đã đưa đất nước vào một thời kỳ thịnh trị và ‘dân chủ’ nhất: toàn dân đánh giặc (Hội nghị Diên Hồng, Hội nghị Bình Than…), toàn dân xây dựng xã hội kinh tế chính trị và hưởng thụ những thành quả của chúng; toàn dân sống văn hóa, sáng tạo văn hóa và hưởng thụ văn hóa; toàn dân tu học, khám phá và hưởng thụ tâm linh hay đạo. Chỉ cần đọc Lời bạt trong cuốn Thượng Sĩ Ngữ Lục của danh tướng Trần Khắc Chung, chúng ta cũng thấy rằng hiện nay trên khắp thế giới cũng ít có người vừa thành công về mặt xã hội lại có một trình độ văn hóa cao và có chất tâm linh như vậy. Tính cách ‘ toàn dân’ này được đời sau gọi là “hào khí Đông A”. Hào khí không chỉ trong chiến trận và xây dựng xã hội, mà còn trong văn hóa và đạo. Thế nên các sử gia đời sau gọi đó là thời đại “vua là thánh (như Trần Nhân Tông), tôi là thần (như Trần Hưng Đạo)”. Xây dựng cho quốc gia một đời sống Đạo Đời bất nhị và quân bình như vậy là một bài học mãi mãi cho bất cứ thời đại lịch sử nào.

Chúng ta không ngần ngại nói rằng Trần Nhân Tông là một con người vĩ đại đã sinh ra trên trái đất. Vĩ đại vì đã sống một đời sống giàu có, phong phú đến trọn vẹn: trọn vẹn đời sống vật chất giác quan, trọn vẹn trong đời sống ý thức tư tưởng, và trọn vẹn trong đời sống tâm linh vô hình tướng. Ông không hề nghĩ đến chuyện độc quyền đời sống quý báu đó mà phân phát nó ra theo cùng vận mệnh của dân tộc. Ông vĩ đại hơn khi muốn chia sẻ, rủ rê, mời gọi toàn dân hãy sống như ông, hãy thực hiện Con Người viết  hoa trên trái đất. Đây là điểm có sức thu hút lớn nhất, nỗi ám ảnh lớn nhất cho lịch sử dân tộc, là thông điệp nhắc nhở và cổ vũ đã trải dài 700 năm vẫn còn thúc giục, làm trăn trở chúng ta, nhất là trong thời đại thiếu lý tưởng hiện tại.

Riêng về bài viết này, nói đến sự tương đồng của Thiền tông và Đại Toàn Thiện, là để góp phần lưu ý sự có thể trao đổi, bổ sung, làm phong phú thêm cõi Thiền mà các Thiền sư từ xưa đã bỏ sức nuôi trồng tưới bón làm rợp bóng cả lịch sử đất nước Việt Nam. 

                             Nguồn: Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo-Tác giả: Nguyễn Thế Đăng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here